« Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em »(Mc 9, 38-43.45.47-48)
38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”39 Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
41 “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
42 “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.46 [ ]47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
1- “Đừng ngăn cản người ta”
Chứng kiến điều kì diệu, đó là Danh Thầy Giê-su được tuyên xưng vượt khỏi giới hạn nhóm của mình, và Danh của Người có sức mạnh trừ quỉ, nhưng thay vì tạ ơn Chúa, ca tụng Thầy và chúc mừng người ta, thì môn đệ Gioan và các môn đệ khác lại “cố ngăn cản”, vì người này không thuộc nhóm các môn đệ đi theo Đức Giê-su !
Trong đời sống đức tin và cả trong đời sống ơn gọi nữa, cái nhìn của chúng ta về người khác, về những gì họ làm và những gì thuộc về họ cũng thường hay bị chi phối phối nặng nề bởi những khuôn khổ, những qui luật, những nguyên tắc, những tư tưởng, những cách hiểu hay cả một ý thức hệ có sẵn của chúng ta. Tương tự như cái nhìn của người con lớn về người em, trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (x. Lc 15, 11-32), phản ứng của ông trưởng hội đường đối với người phụ nữ còng lưng được Đức Giê-su chữa lành (x. Lc 13, 10-17), cái nhìn của ông Simon về người phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7, 36-50) hay như quyết định cực đoan (cùng nhau bàn tính, lập mưu để giết chết) của những người Pha-ri-sêu đối với Đức Giê-su, sau khi chứng kiến Người chữa lành người bị bại tay trong hội đường, vào ngày Sa-bát (x. Mc 3, 1-6). Vì thế, chúng ta không thể mở mắt, mở tai và mở lòng ra để nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa, hoạt động kỳ diệu của Người nơi mọi người và mọi nơi, vượt xa mọi khuôn khổ, với tâm tình tạ ơn và ca tụng.
* * *
Đức Giê-su mời gọi các môn đệ: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Như thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ của Người, các môn đệ lắng nghe trực tiếp lời của Đức Giê-su và các môn đệ thuộc mọi thời, là chúng ta hôm nay, những người nghe được lời của Đức Giê-su trong các sách Tin Mừng, một đàng nhận ra rằng, có những người “thuộc về” Đức Ki-tô, cho dù không công khai thuộc về “nhóm chúng ta”, và đàng khác, các môn đệ được mời gọi nhận ra điều kì diệu. Điều kỳ diệu ở đây là Danh Thầy Giê-su có sức mạnh đẩy lui sự hiện diện và hành động của ma quỉ. Không chỉ Danh Thầy được “chúng ta” tuyên xưng, nhưng mọi sự trong mọi người, ở mọi nơi và mọi thời, thuộc về Danh Thầy, với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa, đều có sức mạnh đánh tan bóng tối, bầu khi chết chóc, ma quỉ và Sự Dữ. Bởi vì “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3).
Thay vì khép kín, chúng ta được mời gọi nhận ra Danh Thầy Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời, được tuyên xưng và phát huy sức mạnh nơi mọi người, nơi các nền văn hóa, nơi các dân tộc, nơi các tôn giáo, và cả trong sáng tạo nữa, bởi vì:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
…………………
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
(Tv 19, 2-5; x. Rm 10, 18)
* * *
Cuối cùng Đức Giê-su nêu ra “một qui tắc” nhận định, có giá trị cho mọi nơi và mọi thời, để nhận biết ai thuộc về, hay rộng hơn, những gì thuộc về “chúng ta”; “chúng ta” là chính Ngài và những người đi theo Ngài, vốn sẽ làm nên Giáo Hội.
Đức Giê-su nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Qui tắc này vượt xa những khác biệt về nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo, để nhận ra những giá trị phù hợp với Tin Mừng mà Đức Ki-tô và Giáo Hội của Người rao giảng, để nhận ra, dưới tác động của Thần Thần, Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi trong sáng tạo và trong lịch sử (x. Tv 136), lịch sử cứu độ, lịch sử loài người và trong cuộc đời của từng người chúng ta.
2- Phần thưởng và hình phạt
Sau khi nêu ra qui tắc phổ quát : « Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta », Đức Giê-su hướng tới những người làm ơn cho các môn đệ của Người :
Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu
(c. 41)
Lời này của Đức Giê-su mang lại cho chúng ta nhiều an ủi. Thật vậy, một quà tặng rất nhỏ, là một « chén nước », mà chúng ta trao ban cho những người thuộc về Đức Ki-tô, cũng được Chúa ghi nhận, coi trọng, và sẽ làm cho sinh hoa trái kết quả : « người đó sẽ không mất phần thưởng đâu ». Và vì đó là « phần thưởng » đến từ Đức Ki-tô, con Thiên Chúa, nên sẽ tồn tại mãi mãi.
Chắc chắn ai trong chúng ta cũng trao ban hơn thế nhiều, cho những người thuộc về Chúa, hay rộng hơn, cho những gì thuộc về Chúa và cho chính Chúa. Vậy, dựa vào lời của Chúa, một đàng, chúng ta hãy xác tín về « phần thưởng », nghĩa là những hoa trái Chúa sẽ ban cho chúng ta, cho sự sống hôm nay và mai sau, cho dù chúng ta còn đầy thiếu sót, yếu đuối và tội lỗi ; và đàng khác, chúng ta được mời gọi chia sẻ, trao tặng hơn nữa.
* * *
Tuy nhiên, ngay sau đó, Đức Giê-su lại nói về những hình phạt, những hình phạt thật nặng nề :
Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.
Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…
Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…
Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi…
Lời của Đức Giê-su thật là triệt để với những ai và với những gì làm cớ cho người người khác sa ngã, nhất là những người bé mọn. Bởi vì, làm cớ cho người khác sa ngã là hành động của Con Rắn, của Satan. Thật vậy, bà Evà nói với Đức Chúa : « Con Rắn đã lừa dối con, nên con ăn » (St 3, 13). Và trong thực tế, như Đức Giê-su nói trong Tin Mừng theo thánh Luca : “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã”.
Nhưng nếu, chúng ta biến lời này của Đức Giê-su thành lề luật, thì loài người sẽ chột mắt, cụt chân, cụt tay hết, thậm chí loài người sẽ « chôn sống » nhau ! Vậy, chúng ta phải hiểu và sống lời của Chúa như thế nào ?
3 – Lời Chúa là Thần Khí
Phải chăng những lời này của Đức Giê-su là lề luật? Nếu đó là những điều luật như những điều luật khác, thì người ta sẽ phải khắc chúng xen vào tảng đá Mười Điều Răn! Có nhiều người đã hiểu luật của Đức Giê-su như thế đấy: chỉ có nội dung thay đổi, còn cách thức vẫn vậy. Nếu hiểu lời của Đức Giê-su theo nghĩa « chữ viết » như thế, người ta sẽ lấy đâu ra sức mạnh để tuân giữ? Và hậu quả sẽ thật lệch lạc và chết chóc.
Ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo giao ước mới và luật của giao ước mới sẽ không còn được khắc trên đá nữa, nhưng trong tận đáy lòng con người. Những lời của Đức Giê-su không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, thật xa như là những lời của Người gợi ra, nghĩa là đoạn tuyệt với sự dữ dưới mọi hình thức, mà vẫn không khuôn theo một cách vật chất.
Lời của Đức Giêsu không thể được tuân giữ do áp đặt từ bên ngoài. Dù sao, nghe những lời này của Đức Giê-su, người Kitô hữu chúng ta có lý để than vãn: quá khó để thực hành những gì Ngài muốn; nhưng thật ra, hiểu cũng đã khó quá rồi! Vậy làm sao tìm ra “lối đi”. Chính Chúa Thánh Linh sẽ dẫn chúng ta đạt tới đích trong tự do; vì áp đặt sẽ làm hỏng luật của Đức Kitô tận gốc rễ.
Để có thể sống theo lời của Đức Giê-su, chúng ta phải khởi đi từ “nguồn gốc”; nguồn gốc là tình yêu nhưng không và đến cùng Người dành cho từng người chúng ta: « Anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy yêu mến anh em” (Ga 15, 12), là kinh nghiệm được Ngài “rửa chân”: “Anh em hãy rửa chân cho nhau, như Thầy rửa chân cho anh em” (Ga 13, 14) ; và khởi đi từ lòng ước ao cũng yêu Chúa đến cùng, ngang qua ơn gọi Chúa ban cho mỗi người chúng ta.
Chúng ta có thể hiểu như thế, khi nghe lời mời gọi này của Đức Giê-su :
Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em,
và sống hoà thuận với nhau.
(Mc 9, 50)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm 2
“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”
Trước thái độ của Gioan đối với những người không thuộc nhóm các Tông đồ nhưng họ vẫn nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, Chúa đã dạy Gioan và các môn đệ bài học quý giá trên bước đường sứ vụ.
Chúa Giêsu đến thế gian để hiến thân, hầu mang lại ơn cứu độ cho muôn người, không loại trừ một ai. Và khi chọn gọi các môn đệ để tiếp nối sứ vụ của mình, Người cũng mời gọi họ bước vào con đường cứu độ, nghĩa là bắt đầu sống một tình yêu bao dung và quảng đại hiến thân để phục vụ. Vì thế, tư tưởng cục bộ hẹp hòi, phe nhóm nhất định không có chỗ đứng trong sứ vụ của người môn đệ Đức Kitô.
Hơn lúc nào hết, người Kitô hữu chúng ta đang sống trong một thế giới rộng mở và kết nối với nhau, một “thế giới phẳng”. Do đó, cần lắm một Giáo Hội luôn mở rộng cửa để đón tiếp tất cả mọi người, để đối thoại và phục vụ cho con người ngày nay. Ngược lại, một tình trạng khép kín, một cung cách bảo thủ sẽ làm cho Giáo Hội trở nên chậm chạp, nghèo nàn và xa cách, không thể chu toàn sứ vụ mà Chúa Giêsu trao phó, đó là mang tình yêu và ơn cứu độ của Chúa đến cho muôn người. Nói như thế không đồng nghĩa với việc chúng ta sẵn sàng thoả hiệp với những trào lưu tục hoá, dễ dàng làm ngơ trước những điều sai trái và nghịch với các giá trị Tin Mừng. Chúa Giêsu cũng luôn nhắc nhở chúng ta phải có thái độ kiên quyết và dứt khoát với tội lỗi và sự dữ, để mong lãnh nhận ơn cứu độ Chúa hứa ban.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con có một con tim bao dung, quảng đại và một tinh thần rộng mở, nhiệt thành để luôn hăng say trong việc góp phần mở mang Nước Chúa và phục vụ cho phần rỗi của mọi người. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường