Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

GỢI Ý CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO

Filled under:

Mới đây tôi có một trực giác khi tôi đang chuẩn bị xưng tội và nhận thấy rằng tôi sắp xưng nhiều tội như những lần trước, những tội mà tôi đã đấu tranh nhiều năm rồi. Tôi có tiến bộ trong vài lĩnh vực, nhưng vẫn cảm thấy mình đang lăn vào vết xe cũ ở vài lĩnh vực khác. Có lần bác học Einstein nói: “Xác định tình trạng mất trí là cứ làm đi làm lại một điều gì đó mà lại muốn có một kết quả khác”.

Hôm sau tôi nói với vài người Công giáo và họ nói cũng đã gặp vấn đề như vậy. Tất cả chúng ta cố gắng phá bỏ cách cư xử tội lỗi lặp đi lặp lại và tránh các chướng ngại tự tạo để đến gần Chúa Kitô hơn. Chúng ta cũng muốn có mối quan hệ thân mật hơn với Ngài, chúng ta muốn vào Nước Trời với gia đình mình và muốn sống đạo đức khi thực hành đức tin Công giáo. Vậy chúng ta vấp ngã ở chỗ nào? Tại sao chúng ta yếu đuối?
Đàn ông có một số thử thách riêng và duy nhất để đi đúng đường ngay nẻo chính. Tôi mạo muội đưa ra một số điều hữu ích, hy vọng có thể giúp đỡ chính tôi và những người Công giáo khác, để biết rõ hơn về các thách đố tự tạo này và áp dụng những bước cần thiết để chiến thắng chúng – và vượt qua chính mình. Hãy để tôi bắt đầu bằng cách lắng nghe một số điều quan sát chung về nam giới mà có thể quý vị không thoải mái để đọc và khả dĩ chấp nhận:
  • Chúng ta thường đấu tranh với sự khiêm nhường và để cả tính tự kiêu lẫn “cái tôi” của mình theo cách này.
  • Chúng ta thích kiểm soát.
  • Chúng ta có thể cứng đầu và không dễ thay đổi.
  • Bản chất của chúng ta thường bị bọc kín với công việc của chúng ta.
  • Chúng ta cố gắng nhờ người khác giúp đỡ (nhất là Chúa).
  • Chúng ta thường có khuynh hướng hành động khi suy nghĩ và nhận thức thích hợp hơn.
  • Chúng ta thường không thoải mái với cách bày tỏ cảm xúc công khai (của mình và người khác).
  • Chúng ta có thể quan tâm quá về ý kiến của người khác (Họ nghĩ gì?).
Tôi không có ý làm quý vị bị “sốc”, nhưng chỉ muốn minh họa một số chướng ngại giữa chúng ta và Chúa Kitô.
Qua nhiều năm, từ khi tôi trở lại Công giáo, càng ngày tôi càng nhận biết những thiếu sót của mình, và những điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hành đức tin của tôi. Nhận biết các thách đố của tôi chỉ là một nửa – tôi phải sẵn sàng nói ra (hãy nhớ rằng đàn ông có khuynh hướng hành động!). Trước khi chúng ta bắt đầu, hãy kiểm tra những gì chúng ta biết chắc chắn – chúng ta có một mục đích (Nước Trời), một bản đồ (Kinh thánh và Tông truyền), các gương lành để noi theo (các thánh), các vị lãnh đạo (Giáo hoàng, các Giám mục, Linh mục và Phó tế), quyền giáo huấn rõ ràng (Mẹ Giáo hội), sự hỗ trợ (các Bí tích) và chúng ta có sự hướng dẫn của Chúa (Chúa Thánh Thần). Hiển nhiên là chúng ta luôn có những khí cụ và các tài nguyên mà chúng ta cần.
Chúng ta hãy cân nhắc xem chúng ta có thể tiến bộ và đi đúng đường như thế nào. Đây là 8 điều thực hành mà tôi hy vọng hữu ích cho quý vị:
1. TỪ BỎ
Chúng ta phải từ bỏ mình vì Chúa Kitô để thực hành Ý Ngài trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta không được giao trọng trách nhiều như chúng ta muốn! Thánh Inhaxiô Loyola nói: “Một số ít linh hồn hiểu những gì Thiên Chúa sẽ hoàn tất nơi họ nếu họ từ bỏ chính mình vì Ngài và nếu họ để Hồng ân Chúa uốn nắn khuôn họ”.
2. CẦU NGUYỆN
Cố gắng tạo thói quen cầu nguyện hàng ngày, ít là mỗi ngày một giờ. Nghe chừng khó quá chăng? Thế quý vị xem ti-vi mỗi ngày mấy giờ? Chúng ta dành biết bao thời gian làm việc cho mình và cho gia đình, đó là chưa kể những lúc ngồi uống cà-phê, chén tạc chén thù với bạn bè… Còn phụ nữ dành bao nhiêu thời gian để trang điểm và “tám” chuyện mỗi ngày? Thật ra chúng ta vẫn có đủ thời gian cầu nguyện nếu chúng ta thực sự muốn. Hãy quyết tâm và cố gắng thực hành. Hãy cầu nguyện mỗi sáng 10 phút, lần chuỗi Mân Côi khi đi xe hoặc khi tập thể dục 20 phút, đọc sách đạo đức 15 phút, cầu nguyện mỗi bữa ăn 2 phút, cầu nguyện chung cả nhà mỗi tối 10 phút. Cộng lại là chúng ta có đủ 60 phút cầu nguyện mỗi ngày. Đừng tính toán quá chi li với Chúa!
3. YÊU MẾN THÁNH THỂ
Quý vị muốn có kinh nghiệm về Chúa Kitô và thân mật với Ngài? Hãy tìm kiếm sự hiện hữu thật của Chúa Kitô qua bí tích Thánh Thể trong thánh lễ hàng ngày, nhất là lúc vừa rước lễ xong, lúc Chúa đang hòa tan với chúng ta, chúng ta biến tan trong Chúa và Chúa biến tan trong chúng ta. Khi có thể thì dành thời gian tĩnh lặng để tâm sự với Ngài trong giờ Chầu Thánh Thể hàng tuần. Có lần thánh Phanxicô Salê nói: "Khi bạn đón nhận Ngài, hãy mở lòng ra tôn thờ với Ngài; hãy nói với Ngài về đời sống tâm linh của bạn, hãy chiêm ngưỡng Ngài trong linh hồn bạn vì hạnh phúc của riêng bạn; hãy tiếp đón Ngài nồng nhiệt hết sức, và hãy thể hiện ra bên ngoài để minh chứng rằng Chúa đang hiện diện trong bạn”.
4. XƯNG TỘI THƯỜNG XUYÊN
Chúng ta muốn cầu xin Chúa giúp đỡ với những gánh nặng của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phạm tội hàng ngày. Hãy đi xưng tội để được Chúa thứ tha và để lãnh nhận tặng phẩm bình an. Hãy cố gắng xưng tội mỗi tháng một lần. Xét mình đầy đủ và xưng tội thành tâm sẽ nâng tâm hồn bạn lên và giúp bạn đi đúng đường ngay nẻo chính!
5. CHẤP NHẬN VÀ TÌM HIỂU ĐỨC TIN
Chấp nhận giáo huấn của Giáo hội là cần thiết, nhưng muốn hiểu đầy đủ thì phải mất thời gian. Hãy tin rằng hai thiên niên kỷ của giáo huấn Giáo hội có thể đáng tin hơn nhiều so với những gì mà chúng ta có thể tạo ra cho mình. Hãy học các khóa Kinh thánh, hãy học cách xin lỗi, hãy đọc Kinh thánh và giáo lý, hãy đọc các tác giả lớn của Công giáo như Peter Kreeft, Don DeMarco, Scott Hahn, Francis Fernandez, G.K. Chesterton, LM Groeschel, LM Spitzer, ĐGH Bênêđictô XVI và chân phước GH Gioan Phaolô II.
6. THỰC HÀNH ĐIỀU SUY XÉT
Hãy tự vấn xem mình có cần điều này hay điều kia không. Hãy loại bỏ những điều liên quan vật chất ra khỏi thời gian cầu nguyện, tham dự phụng vụ, làm việc bác ái, kết hiệp với Chúa. Giáo lý (số 2556) dạy: Từ bỏ mình là điều cần thiết để vào Nước Trời”.
7. NHẬN THỨC ƠN GỌI ĐÍCH THỰC CỦA MÌNH
Đối với những đàn ông đã kết hôn và có con thì phải biết rằng ơn gọi đích thực là giúp gia đình vào Nước Trời, làm chồng và làm cha tốt. Người vợ và con cái cũng vậy. Được phục vụ thì quá dễ, vấn đề là sống phục vụ. Và đó chính là phục vụ Chúa. Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi đến để phục vụ chứ không để được phục vụ” (Mt 20:28), nghĩa là không ai có quyền hưởng thụ.
8. CAN ĐẢM
Các Kitô hữu được sinh ra để chịu đựng, chứ không để nhu nhược. Chúng ta luôn phải cố gắng trong mọi cảnh khó khăn. Người cha chống mũi chịu sào, người vợ và con phải hợp tác để vượt qua sóng gió, giữ vững và đưa con thuyền gia đình cặp bến bình an. Chúng ta có cơ hội để trở thành ngọn hải đăng và làm gương sáng về tình yêu cứu độ của Chúa Kitô. Chúng ta sẽ bị xét xử về kết quả của việc tông đồ, và hy vọng được nghe Chúa Giêsu nói: “Khá lắm, người đầy tớ tốt lành và trung thành”.
Danh sách này có vẻ khó thực hiện, nhưng những thử thách thực tế là hành động, không vì bắt buộc mà vì tự nguyện, cân bằng cuộc sống và đặt Chúa ở vị trí ưu tiên nhất. Là người Công giáo, chúng ta có trách nhiệm sống mạnh mẽ, nêu gương, phục vụ tốt và khiêm nhường theo Chúa. Hãy nhìn vào gương của Đức thánh Giuse, bổn mạng những người cha và Giáo hội hoàn vũ về đức vâng lời, khiêm nhường, quên mình, can đảm và yêu thương mà ngài đã làm cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Nếu chúng ta có thể “cạnh tranh” với Đức thánh Giuse mỗi ngày một ít, chúng ta sẽ càng ngày càng tiến gần tới chính con người mà chúng ta được gọi để trở thành.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IntegratedCatholicLife.org)

Posted By Đỗ Lộc Sơn18:29

Điều Gì Làm Cho KITÔ GIÁO Duy Nhất ?

Filled under:

Inline image 1ĐIỀU GÌ LÀM CHO KITÔ GIÁO DUY NHẤT?
Chúng ta may mắn có niềm tin Kitô giáo, đặc biệt là Công giáo, nhưng niềm tin đó có trưởng thành theo thời gian hay vẫn “lùn tịt” như cũ? Chúng ta có tìm hiểu lý do mình tin Đức Kitô hay chỉ tin như một thói quen? Cây Đức Tin có được chúng ta vun xới và chăm sóc hằng ngày? Chúng ta cùng tìm hiểu để sớm trưởng thành về Đức Tin Kitô giáo!
Kitô giáo thực sự duy nhất hay chỉ là một trong các con đường dẫn tới Chân Lý? Kitô giáo có thực sự duy nhất trong các tôn giáo khác trên thế giới? Nếu vậy, điều gì làm cho Kitô giáo duy nhất? Kitô giáo có vài lời tuyên bố khác hẳn các tôn giáo khác.
Thứ nhất, các tôn giáo khác khuyến khích con người đạt tới Thiên Chúa và cố gắng bám vào Ngài. Kitô giáo là nơi duy nhất mà Thiên Chúa đến với con người. Thứ nhì, các tôn giáo khác là các hệ thống các điều NÊN và KHÔNG NÊN để làm vui lòng Thiên Chúa, nhưng Kitô giáo là mối quan hệ với Thiên Chúa. Thứ ba, Kitô giáo coi Kinh Thánh là Nguồn Chân Lý. Thứ tư, Kitô giáo dựa trên sự kiện lạ lùng nhất trong lịch sử nhân loại: Sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
Về vấn đề thứ nhất, các tôn giáo khác lưu ý hệ thống công việc — những điều nên làm và những điều nên tránh. Những điều đó khiến chúng ta cảm thấy “tốt đủ” để làm vui lòng Thiên Chúa và xứng đáng đuộc Ngài chiếu cố. Mặt khác, Kitô giáo dựa vào quy luật Kinh Thánh mà chúng ta không bao giờ có thể tốt đủ trước mặt Thiên Chúa là Đấng chí thánh và tuyệt hảo.
Luật Mô-sê được trao cho nhân loại để chứng tỏ với chúng ta rằng chúng ta không thể giữ trọn. Thánh Phaolô đã mô tả mục đích của luật trong chương 3 của thư gởi giáo đoàn Ga-lát. Đó là một “thầy dạy” dẫn chúng ta đến với Đức Kitô vì chúng ta “được nên công chính nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy” (Gl 2:16). Việc không thể chu toàn lề luật đã được mặc khải trong điều mà Chúa Giêsu gọi là “điều răn thứ nhất và quan trọng nhất”: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22:37). Điều này nghĩa là yêu mến Chúa bằng mọi thứ của chúng ta suốt ngày và suốt đêm, không hề nghĩ về mình, đúng là nhiệm vụ bất khả thi đối với phàm nhân chúng ta. Nhưng thay vì trừng phạt, Thiên Chúa đã cung cấp cho chúng ta chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã giữ trọn luật thay cho chúng ta. Nhờ tin vào Ngài và chấp nhận việc Ngài làm thay cho chúng ta, chúng ta được nên công chính. Đó là sự khác nhau giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác.
Về vấn đề thứ nhì, Kitô giáo không là một hệ thống tôn giáo, mà là sự giao tiếp với Thiên Chúa, sự giao tiếp mà Ngài đã khởi đầu và duy trì. Các Kitô hữu tin rằng nhân loại được tạo dựng đặc biệt để giao tiếp với Thiên Chúa, thế nhưng tội lỗi đã tách chúng ta khỏi Ngài (Rm 3:23; Rm 5:12). Kitô giáo dạy rằng Đức Kitô bước đi trên trái đất này, Chúa đó là Thiên Chúa và là Con Người (Pl 2:6-11), và chết trên Thập Giá để phục hồi mối quan hệ đã bị tội lỗi phá vỡ. Sau khi chết trân Thập Giá, Chúa Giêsu được an táng, rồi Ngài sống lại, và nay Ngài vẫn ngự bên hữu Chúa Cha, cầu bầu cho chúng ta mãi mãi (Dt 7:25). Sự thân mật của mối quan hệ này được mặc khải. Nay không còn ai là người phá vỡ lề luật nữa, chúng ta được làm con cái của Ngài trong đại gia đình của Thiên Chúa (Ep 1:5). Thậm chí còn thân mật hơn, các Kitô hữu là chính chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô, Ngài là Đầu (Ep 1:22-23), được cứu độ bằng Giá Máu của Ngài (Dt 9:12). Không tôn giáo nào xác nhận điều gì tương tự sự thật kỳ lạ này.
Một điều khác làm cho Kitô giáo duy nhất là nguồn thông tin. Các tôn giáo khác có loại nền tảng thông tin nào đó phác họa niềm tin của họ, nhưng không tôn giáo nào có nguồn thông tin tuyên bố về Kinh Thánh, tức là Lời Chúa được viết ra, điều đó không thể sai lầm (bất khả ngộ) và cần thiết để tin và thực hành (2 Tm 3:16). Các Kitô hữu tin rằng Kinh Thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng, gọi là Lời Chúa, và giáo huấn đó là quyền cuối cùng (2 Tm 3:16; 2 Pr 1:20-21). Dù các tôn giáo khác có dùng các lời tiên tri, nhưng không chính xác 100% như các lời tiên tri trong Kinh Thánh, và không có lời nào chỉ rõ người nào như Chúa Giêsu, người có những lời tuyên bố kỳ diệu và những hành động khác lạ.
Có thể quy luật xác định nhất của Kitô giáo làm cho Kitô giáo thực sự duy nhất theo mọi cách và cung cấp cho chúng ta nền tảng chính là sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Trong Kitô giáo, sự phục sinh là điều vô cùng quan trọng, nếu không có sự phục sinh, Kitô giáo không tồn tại, và niềm tin của chúng ta là hão huyền (1 Cr 15:14). Chính sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô đã thay đổi cuộc đời các tông đồ. Sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, các tông đồ đều chạy trốn. Nhưng khi gặp Chúa Giêsu phục sinh, họ nhận biết những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm để chứng tỏ Ngài thực sự là Thiên Chúa nhập thể làm người. Không vị lãnh đạo tôn giáo nào đã bị giết chết, bị canh mồ, mà rồi đến ngày thứ ba thì vị đó lại hiện ra với nhiều người khác. Sự phục sinh là bằng chứng về Đức Giêsu và Ngài đã hoàn tất những gì đã được nói trước: Ngài cung cấp phương tiện cứu độ cho loài người.
Đức Phật Thích Ca không sống lại. Muhammad không sống lại. Khổng Tử không sống lại. Krishna không sống lại. Chẳng có ai sống lại. Nhưng chỉ có Đức Giêsu Kitô sống lại, đi trên nước, tuyên bố là Thiên Chúa, và làm cho người khác sống lại. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, chiến thắng Tử Thần. Chỉ có trong Kitô giáo chúng ta mới có Đức Kitô là Thiên Chúa, làm nhiều phép lạ chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, chỉ có một mình Chúa Giêsu tuyên bố “là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14:6), và chúng ta chỉ có thể đến với Chúa Cha qua Đức Kitô. Thật hạnh phúc vì niềm tin của chúng ta là chính đáng!
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ GotQuestions.org)

Posted By Đỗ Lộc Sơn08:31

Trung quốc báo động phát triển Giáo Hội Công Giáo 20.000 người rửa tội vào lễ Phục Sinh 2016

Filled under:

“Ước tính có khoảng 20.000 người đã được rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh” tại Trung quốc, AsiaNews tường thuật.​


Mặc dù có sự phản đối của chế độ, những người cải đạo tiếp tục nhập Giáo Hội với một tốc độ đáng ngạc nhiên. AsiaNews nêu rõ, nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Bắc Kinh, nơi 100 người lớn được rửa tội vào đêm canh thức Phục Sinh; và một ít giáo xứ bên ngoài Thượng Hải, 27 người tân tòng gia nhập một cộng đồng chỉ khoảng 100 người Công giáo.

Rửa tội cũng diễn ra vào dịp Giáng Sinh, Lễ Ngũ Tuần, và lễ Đức Mẹ Lên Trời, nâng tổng số người lớn được rửa tội lên đến 100.000 người mỗi năm. Những nhà thờ Tin Lành bí mật thậm chí đang tăng trưởng ấn tượng hơn.

Chế độ Bắc Kinh xem sự tăng trưởng nhanh chóng của Kitô giáo với mức độ báo động. AsiaNews tường thuật: “Một số ước tính con số Kitô hữu vào khoảng 100 triệu người, nhiều hơn so với số lượng thành viên của đảng Trung quốc, ước tính chỉ có khoảng 85 triệu người.”

Jos. Tú Nạc, NMS





Posted By Đỗ Lộc Sơn05:47

5 Phút cho Lời Chúa 31/3/2016

Filled under:


“BÌNH AN CHO ANH EM”
Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36)
Suy niệm: Thấy người chết hiện về là một hiện tượng khủng khiếp, có thể làm ta sợ chết ngất đi được. Vì thế, Đức Giê-su phục sinh đã tìm mọi cách giúp các môn đệ vượt khỏi nỗi sợ này. Ngài chúc bình an cho các ông, Ngài cho các ông xem thấy những vết thương ở chân và tay, Ngài ăn miếng cá nướng trước mặt các ông. Ngài cho thấy thân xác ấy không phải là của một hồn ma, nhưng là thân xác vinh hiển của Đấng Phục Sinh. Thân xác phục sinh ấy vẫn còn mang những vết thương ở tay, chân và cạnh sườn, chứng tích của tình yêu thương mà Ngài đã trải qua. Thân xác phục sinh ấy ngày nay vẫn còn tiếp tục hiện diện với thế giới, đặc biệt trở thành lương thực nuôi sống con người trần thế trong tư thế Bánh ban sự sống.  
Mời Bạn: Hãy tin tưởng rằng thân xác vinh hiển của Đấng đang ngự bên hữu Chúa Cha mãi mãi mang những vết thương của cuộc Khổ Nạn ngày xưa. Bạn hãy vượt qua những nỗi sợ trong cuộc sống vì xác tín Đấng Phục Sinh ấy đang ở với mình, đồng hành với mình, luôn yêu thương chăm sóc bạn. Hiện nay bạn đang có những nỗi sợ nào (dư luận, bệnh tật, áp lực công việc, tương lai...)?
Sống Lời Chúa: Sau khi gặp gỡ, đón nhận Mình Máu của Đấng Phục Sinh trong thánh lễ, tôi ý thức mình được mời gọi trở thành chứng nhân cho Ngài bằng một đời sống tích cực, nhiệt thành hơn trong đời sống đức tin. 
Cầu nguyện: Lạy Đấng Phục Sinh, Chúa tiếp tục ban bình an cho con qua các bí tích, sự hiện diện của Chúa. Xin giúp con không còn nô lệ cho các nỗi sợ, can đảm làm chứng tá cho niềm tin vào sự phục sinh của Chúa. Amen. 

THÁNH GUIĐÔ
TU VIỆN TRƯỞNG
(+1046)
Casêma một làng quê nhỏ bé thuộc tỉnh Ravenna bên Ý, là nơi đây Guiđô đã chào đời. Sinh ra trong gia đình đạo hạnh, Guiđô được lãnh nhận một nền giáo dục rất chu đáo; nền giáo dục đó đã tạo cho cậu một tư cách nết na nhu mì và một tâm hồn yêu thích làm điều thiện.
Ngay từ buổi thiếu thời, người ta đã thấy cậu rất chăm chỉ học hành, có một trí nhớ dẻo dai, nhưng nhất là có tính tình chín chắn không khác chi một người đã đứng tuổi. Nhưng cậu lại có khuyết điểm là thích ăn mặc chải chuốt và thích làm đỏm để được người ta chú ý. Nhưng rồi với ơn Chúa tác động, cậu nhìn nhận đó là một khuyết điểm và quyết định từ bỏ cái tính háo danh giả trá đó. Để thực hiện ý chí cương quyết ấy cậu đã đi dự lễ thánh Apolinariô tại Ravenna với bộ đồ rách rưới và bẩn thỉu, còn áo quý của mình thì cởi cho người nghèo khó hết. Vẫn giữ bộ quần áo "tang thương" đó, Guiđôâ còn ngang nhiên đi Rôma viếng mộ các thánh Tông đồ. Và với ý chí tận hiến cuộc đời cho Chúa, Guiđôâ đã xin chịu chức cắt tóc gia nhập hàng giáo sĩ mà không cho cha mẹ hay biết chút nào. Cậu còn định tâm sẽ đi viếng Đất Thánh và không trở về quê hương nữa.
Đang lúc ôm ấp hoài vọng tốt đẹp kia, Thiên Chúa lại muốn cho người thanh niên có thiện chí ấy đến với Người bằng một đường lối khác. Người muốn cho Guiđôâ trở về Ravenna ngay để hấp thụ giáo huấn của một vị ẩn tu thánh thiện và đầy kinh nghiệm đang sống trên một cù lao nhỏ giữa giòng sông Pô. Vị ẩn tu đó chính là Mactinô, người đang gián tiếp coi sóc tu viện Pompose. Sau ba năm tập luyện và thực hành đức vâng lời, Guiđôâ được vị ẩn tu đưa về tu viện giới thiệu với các tu sĩ và cho mặc áo dòng. Nhờ những công trình tập luyện trước Guiđôâ làm quen được với nếp sống khắc khổ và đạo đức của tu viện một cách dễ dàng.
Chưa được bao lâu tiếng nhân đức của thầy Guiđôâ đã vang đồn khắp nơi trong dòng đến nỗi tuy còn trẻ tuổi, thầy cũng đã được ủy thác trông coi tu viện thánh Sêvêriô ở Ravenna. Dù đổi nơi đổi nhà, ở đâu thầy cũng vẫn tỏ ra hết lòng mến Chúa và bác ái đối với anh em.
Đã đến lúc Thiên Chúa muốn dùng người tôi tớ trung thành để đảm đang những công việc trọng đại. Vào năm 998, tu viện trưởng Mactinô và cả cha phụ tá cùng tạ thế, mọi người trong dòng đều đồng thanh bầu thầy Guiđô làm tu viện trưởng Pômposa. Thầy khiêm nhường lãnh nhận trọng trách Chúa gửi đến và nỗ lực chu toàn sứ mệnh để đem lại cho tu viện những ngày sống hưng thịnh và sốt sắng.
Nhân đức vị tu viện trưởng mới vang lừng khắp nơi, thu hút một số đông những người đến xin thụ giáo. Tu viện không còn đủ sức chứa, cha bề trên phải vội xây cất thêm nhà. Công việc thật bề bộn, phần thì thiếu tiền của, phần thì ngài còn "chân ướt chân ráo" đã phải lo những công việc lớn lao, song ngài hoàn toàn phó thác và tin tưởng ở Chúa quan phòng. Trong dịp này lời cầu nguyện của ngài tỏ ra thế lực lạ lùng đến nỗi cứu sống được bọn thợ xây bị đè bẹp dưới đống gạch vụn vì một bức tường bỗng đổ xuống; lần khác trong lúc kho hết sạch cả lương thực và quỹ không còn một xu để trả công thợ, bỗng nhiên Chúa quan phòng gửi đến cho ngài hai thuyền chở đầy lúa và rượu.
Công việc xây cất hoàn tất, ngài liền trao quyền tạm cho mấy tu sĩ khôn ngoan thay ngài lãnh đạo tu viện; còn ngài lại muốn được rảnh tâm chăm lo phụng sự Chúa hơn hầu lãnh nhận thêm nhiều nghị lực mới. Theo gương cựu tu viện trưởng Mactinô, ngài ẩn mình một thời gian khá lâu trong nơi xa vắng để hoàn toàn thanh thản trong sự chiêm niệm và sống khắc khổ.
Khi đã dư dật của ăn tinh thần, ngài trở về tu viện hăng hái hoạt động không còn biết mỏi mệt. Càng nghiêm khắc với bản thân bao nhiêu ngài càng hiền từ và bác ái với các tu sĩ bấy nhiêu, vì thế hết mọi người đều yêu mến ngài như cha vậy.
Tuy người tôi tớ Chúa đã sống cuộc đời thánh thiện và đức hạnh phi thường, song Chúa còn muốn tinh luyện nhân đức ngài bằng một cơn thử thách vĩ đại làm chấn động cả tu viện. Ma quỷ thấy ngài hăng hái hoạt động tông đồ, liền xui khiến nhiều người bá cáo lên Đức Tổng Giám mục Ravenna, những điều xấu xa không thể có nơi ngài. Đức Tổng Giám mục tin lời và muốn bắt chính các tu sĩ trong tu viện phải trục xuất bề trên Guiđôâ khỏi tu viện.
Tin bất ngờ đó làm cho cả nhà hồi hộp lo sợ. Toàn thể tu sĩ sốt sắng gia tăng lời cầu nguyện và hãm mình ăn chay phạt xác, để xin Chúa rủ lòng thương ngăn cản cơn khốn khó sắp đổ xuống trên tu viện. Chúa đã nhận lời cầu nguyện tha thiết của những tâm hồn đầy tin tưởng: chính ngày Đức Tổng Giám mục thân hành đến tu viện để truất chức tu viện trưởng Guiđôâ, ngài mới hay mình đã bị người ta lừa dối, lập tức ngài đổi lòng và hứa sẽ bênh vực tu viện trưởng và bảo trợ cả nhà dòng.
Tu viện trưởng Guiđôâ luôn luôn tỏ ra sáng suốt và hoạt động không ngừng trong việc điều khiển tu viện Pompose. Thấm thoát đã được 48 năm, bỗng có lệnh vua Henricô III triệu ngài về Placentia, ngài vâng lệnh ra đi. Đường dài sức yếu, càng đi ngài càng cảm thấy kiệt sức. Nhưng ngài vẫn gượng đi tới ấp thánh Domnin, tới đây ngài trút hơi thở cuối cùng để về chầu Chúa ngày 31.03.1046. Mọi người được chứng kiến sự lạ lùng khi một người mù chạm tới xác thánh nhân liền được sáng. Tin lạ ấy truyền đi nhanh chóng và người ta lũ lượt kéo đến kính viếng xác thánh nhân. Dân tỉnh Parma muốn được mai táng xác thánh nhân ngay ở tỉnh mình vì ngài đã từ trần tại đó; nhưng vua Henricô III truyền đem di hài đấng thánh về tỉnh Spirê bên Đức và an táng tại giáo đường thánh Gioan Tẩy giả sau được cải tên là nhà thờ thánh Guiđôâ.
Đèn sáng không ai đem để dưới thùng, vì thế Giáo hội đã muốn truy phong ngài lên bậc hiển thánh để treo cao gương sáng đời của một người đã tận tụy với nghĩa vụ: điều khiển tu viện và dẫn dắt những tâm hồn thiện chí trên con đường thánh thiện.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:35

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Cảm nhận Tin Mừng CN II Phục Sinh

Filled under:

“TÔMA, VÌ CON ĐÃ XEM THẤY THẦY, NÊN CON ĐÃ TIN PHÚC CHO NHỮNG AI ĐÃ KHÔNG THẤY MÀ TIN”


Bao năm xuôi ngược theo Đức Giêsu, có thể nói đồng cam cộng khổ với Ngài, đã chứng kiến nhiều lời Ngài nói ,nhiều việc Ngài làm, Tôma rất tin vào vào Ngài, tin Ngài là Đức Kitô con Thiên Chúa.
Mấy ngày qua thấy Thầy mình đã bị bao nỗi cực hình, bị đóng đinh và chịu chết. Không riêng gì Tôma, các anh em khác cũng đang hoang mang đến cực độ. Có biết bao câu hỏi đang cố tâm suy nghĩ nhưng tất cả đều là: không hiểu được.
Rồi các bạn cho biết: Thầy đã sống lại. Trong lòng Tôma thật vui mừng nhưng ngoài miệng lại nói: Tôi không tin. Lời nói của Tôma không khẳng định là không tin, nhưng lời nói ấy là để thăm dò lòng tin của anh em và cả  của Tôma nữa.
Ngay khi vừa nói dứt câu tôi không tin, Tôma đạ hối hận. Tôma chỉ mong cho tới tuần sau, trong ngôi nhà này Tôma sẽ được gặp Thầy mình, để nói lời xin tha thứ. Trong khoảng thời gian ấy Tôma đã rất ăn năn vì sự cứng lòng tin của mình.
Sự việc phải đến sẽ đến. Trước đông đủ anh em, Tôma thấy Thầy hiện ra như ánh sáng giữa anh em. Tôma không còn can đảm để sờ vào lỗ đinh trên chân tay Người, không còn can đảm thọc ngón tay vào cạnh sườn Người mà chỉ cúi đầu và thưa rằng“Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con”.
                                         
Gẫm sự việc ấy, ta cứ hỏi lòng ta.

-      Bao năm sống trên đời, ta có tin thật Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật?

-      Ta có cần phải thọc tay vào cạnh sườn Người như Tôma đòi hỏi?

-      Ta có được Thiên Chúa chúc phúc khi không thấy mà tin?

Xin Thiên Chúa là Cha Lòng Thương Xót, Xin thương xót chúng con, xin tha thứ những yếu hèn giả dối của chúng con để chúng co trở thành những đứa con thật của Chúa, chúng con cầu xin nhờ danh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và chịu chết vì chúng con. Amen.



Tôma Đỗ Lộc Sơn

Posted By Đỗ Lộc Sơn10:03

Công Giáo Thế Giới Ngày 29.3.2016

Filled under:


Giải mã phản ứng của người Công giáo với Đức Giáo hoàng Phanxicô


Trong hơn một phần tư thế kỷ, từ 1978 đến 2005, thánh Gioan Phaolô II là một trong những nhân vật được mến mộ nhất thế giới, với con số khảo sát luôn cao và các đám đông nồng nhiệt. Cho đến tận hôm nay, thánh lễ an táng ngài vẫn là sự kiện trực tiếp lớn nhất trong lịch sử truyền hình.

 
Nhưng như luôn luôn xảy ra với những lãnh đạo mạnh, đôi khi ngài cũng phân cực bên trong thể chế mình dẫn dắt.

Đặc biệt, những người Công giáo có chiều hướng chủ nghĩa tự do hơn, thường lên tiếng rằng Vatican có quá nhiều quyền hành, và rằng Giáo hội trở nên quá cứng ngắc và giáo điều. Nhưng bởi một gene Công giáo thâm sâu, mọi người ngần ngại chỉ trích Giáo hoàng trực diện, nên đã phát triển một thuật ngữ cho người ta nói ra những điều này một cách tránh né hơn.

Nếu bạn có nghe một thần học gia hay một giám mục nói về tầm quan trọng của ‘đoàn thể tính’ -chẳng hạn nói về ý tưởng là tất cả các giám mục nên cai quản Giáo hội như một đoàn thể, chứ không phải một vương quyền tuyệt đối ở Roma – thì đó thường được hiểu là những người đứng về chủ nghĩa tự do. Cũng như thế, khi nói đến việc Giáo hội cần ‘mục vụ’ hơn, thường nghĩa là đừng quá xét nét kỷ luật và giáo điều.

Ngày nay, chúng ta cũng có chuyện tương tự như thế với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ngài được mến mộ toàn cầu, nhưng theo cách nào đó lại gây chia rẽ trong Giáo hội. Trong trường hợp này, là những người Công giáo bảo thủ đang hoang mang.
 
Và tôi xin đưa ra đây, cách giãi mã bốn kiểu nói của những người Công giáo bảo thủ:

‘Rõ ràng’ Khi ai đó nói về tầm quan trọng của việc cần rõ ràng về huấn giáo của Giáo hội, thì thường có nghĩa là họ thấy một vài lời nói của Đức Phanxicô có vẻ luộm thuộm, dễ hiểu nhầm, chẳng hạn như câu nói nổi tiếng của ngài, ‘Tôi là ai mà phán xét.’

‘Kẻ thù trong Giáo hội’ Khi bạn nghe người Công giáo nào nhất quyết rằng Giáo hội thực sự có những kẻ thù, thì đó có thể là sự khó chịu trước những tán thưởng mà thế giới thế tục dành cho Đức Phanxicô. Đây là cách để nói rằng cá tính ‘chẳng lẽ chúng ta không chung đường được hay sao?’ của ngài có nguy cơ hơi ngây thơ, bởi không phải ai cũng thực sự là người bạn của đức tin như vẻ ngoài của họ.

Tuần này, tôi dự lễ Thứ năm Tuần Thánh ở Roma, tại một giáo xứ cách Vatican chừng mười phút lái xe. Cha xứ đã nhấn rõ điểm này rằng, ‘có người không thích nói ra, nhưng Giáo hội thực sự có những kẻ thù.’ Dù sao đây cũng là một lời nhắc nhở rằng, ngay cả trong sân sau của Đức Giáo hoàng, bạn vẫn có thể thấy những người không thực sự ủng hộ hoàn toàn với mọi điều ngài nói và làm.

‘Thiêng liêng là trên hết’ Khi một người Công giáo nhất quyết rằng điều quan thiết của Giáo hội không phải là làm việc bác ái, như cho người đói ăn hay chăm sóc cho người nghèo, nhưng phải là các giáo huấn và thực hành thiêng liêng, thì đó có thể là dấu hiệu lo lắng rằng Đức Phanxicô nhấn mạnh quá nhiều về các việc thiện và lại không nhấn đủ về khía cạnh siêu nhiên, bao gồm đời sống phụng vụ của Giáo hội.

‘Tội lỗi’ Có những người lo lắng việc Đức Phanxicô nêu bật lòng thương xót có thể bị hiểu lầm thành kiểu như ‘Tôi ổn, anh cũng ổn’ một thái độ lấp liếm hiện thực tội lỗi của thế gian. Khi có ai nhất quyết rằng lòng thương xót chỉ đến khi ai đó đã sa ngã, thì có thể là mong muốn Đức Giáo hoàng mạnh tay hơn với tội.

Tất nhiên, có những giải pháp cho tất cả những mâu thuẫn này. Người ta có thể vừa rõ ràng vừa linh hoạt trong mục vụ, cũng có thể dấn thân cho việc bác ái và đời sống thiêng liêng như nhau.

Nhưng thường luôn có vấn đề nêu bật điểm này hay điểm kia, và hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi một Giáo hội với hơn 1.200.000.000 tín hữu, hơn 400.000 linh mục và 5000 mục trên toàn thế giới, không phải ai cũng cùng chính xác điểm nhấn với Đức Giáo hoàng.

Và tôi nghĩ có thể thêm một điểm nữa là: Làm giáo hoàng không dễ dàng gì.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:32

5 Phút cho Lời Chúa 30/3/2016

Filled under:


CÙNG ĐI VỚI ĐẤNG PHỤC SINH
“Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32)
Suy niệm: Từ Giê-ru-sa-lem đi Em-mau đường chim bay dài khoảng gần 12km, một con đường khá dài với khách bộ hành. Con đường ấy lại càng như dài vô tận với hai môn đệ mệt mỏi, rã rời bỏ cuộc, về lại quê cũ. Cùng với người bạn đồng hành Giê-su, những cây số đường dài ấy rồi cũng kết thúc. Thế nhưng quan trọng hơn, nỗi buồn, lòng tuyệt vọng của hai môn đệ cũng tan biến theo từng cây số. Điều gì đã tạo nên sự kỳ diệu này? Thưa, nhờ người bạn đồng hành Giê-su: lời gợi ý để họ thổ lộ, tâm tình lắng nghe, lời giải thích ý nghĩa đau khổ trong chương trình cứu độ. Nhờ đó, 'lòng họ bừng cháy lên,' ý nghĩa đời sống trở nên rõ nét hơn, đêm đen trở thành ánh sáng ban ngày. 
Mời Bạn: Em-mau nằm ở phía tây Giê-ru-sa-lem, hướng mặt trời lặn. Vì thế, con đường Em-mau cũng có thể được coi như hành trình của cuộc đời bạn, hành trình đi đến chỗ kết thúc cuộc sống thể lý. Bạn không cô đơn, vì có Đức Giê-su đồng hành với bạn, trò chuyện với bạn, giải thích Kinh Thánh cho bạn, và bẻ Bánh Sự Sống trao cho bạn mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay vẫn có nhiều người như đang lê gót về Em-mau trong buồn chán, mất hết hy vọng. Tôi sẽ tập “đồng hành” với họ qua thái độ quan tâm, lắng nghe, giải thích Lời Chúa cho họ trong khả năng của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con ngắm nhìn Chúa cùng bước với hai môn đệ Em-mau trên con đường dài. Ngày hôm nay, con tin rằng Chúa cũng đang đồng hành với con trên hành trình về quê trời. Xin cho con luôn hy vọng vì có Chúa hiện diện với con. Amen.

ÔNG THÁNH GIOAN CLIMACÔ
TU VIỆN TRƯỞNG
(525 – 605)
Người ta không được biết đích xác giải đất nào đã là nơi chôn nhau cắt rốn của Thánh Gioan Climax. Theo thuyết đáng tin cậy hơn cả, có lẽ thánh nhân sinh tại xứ Palestina vào khoảng năm 525. Sở dĩ người ta gọi ngài là Gioan Climacô vì ngài đã sáng tác một tác phẩm thời danh với nhan đề Climacộ Đây là một danh từ Hi lạp có nghĩa: "Thang Thiên Quốc". Vì thế trước đây các sách đạo Việt Nam gọi ngài là Gioan Thang. Thánh nhân là môn đệ thánh Grêgorio Nazian. Ngay từ nhỏ Gioan đã tỏ ra là người có thiên tài. Nhờ sự chuyên cần và trí khôn sắc sảo, Gioan đã sớm hấp thụ được một vốn kiến thức khá đầy đủ về mọi khoa học. Năm lên 16 tuổi, Gioan dâng mình cho Chúa tại tu viện núi Sinai. Tại đây Gioan được một tu viện trưởng đạo đức quý danh Máctiriô hướng dẫn chu đáo trên đường trọn lành. Tu viện trưởng Máctiriô rất quý mến Gioan. Ngài đưa Gioan tới thăm thánh Anastasiô, bấy giờ đang làm Tổng Giám mục thành Antiôkia. Thánh Anastasiô tiên báo sau này Gioan sẽ làm bề trên tu viện núi Sinai. Sau đó cha bề trên lại đưa Gioan tới thăm một vị tu hành đáng kính tên là Gioan Sabaite, thầy được vị tu hành tiếp đãi hết sức nồng hậu.
Chính vị tu hành lấy nước rửa chân cho Gioan. Thầy một mực từ chối, nhưng vị ẩn tu lão thành tuyên bố đây là vinh dự đặc biệt cho mình vì được tiếp đãi và rửa chân cho một vị tu viện trưởng tương lai của tu viện núi Sinai. Năm 560, tu viện trưởng Máctiriô tạ thế. Cũng từ năm đó Gioan bỏ tu viện vào tu trong một nơi hoang vắng và sống ở đó suốt 40 năm trời. Ngài ăn tất cả những gì cha giải tội cho phép; nhưng ngài ăn rất ít, hình như là nếm chứ không phải là ăn. Đến sau, để hãm mình nhiệm nhặt hơn, thánh nhân chỉ ăn bánh với nước lã. Ngài sống một đời thánh thiện phi thường đến nỗõi ai trông thấy cũng cho là người của thiên quốc giáng trần. Ngày đêm thánh nhân giam mình trong hang đá để tâm hồn chìm đắm trong lời kinh và suy niệm. Hang đá lạnh lẽo thường vang lên những lời ca hòa lẫn với những tiếng than khóc. Đôi mắt ngài đã trở nên như hai suối nước. Bao nhiêu thời giờ nhàn rỗi, thánh nhân đổ dồn vào việc sáng tác những tác phẩm tu đức. Nói tới những tác phẩm tu đức của ngài, chúng ta không thể không nhắc tới cuốn: "Thang Thiên Quốc", một tác phẩm tu đức thời danh và sâu sắc nhất của thánh nhân. Nội dung cuốn sách rất phong phú được viết ra với chủ đích giúp các linh hồn tiến tới trên đường trọn lành.
Chiếc "Thang Thiên Quốc" của thánh nhân gồm 30 bậc, nhờ đó các linh hồn có thể leo tới đỉnh trọn lành.
Mùi thơm nhân đức của thánh nhân lan tỏa khắp nơi lôi cuốn một số lớn thanh niên có thiện chí muốn sống đời thánh thiện. Trong số thanh thiếu niên này người ta nhận thấy có Maisen là người có thiện chí hơn cả. Maisen đến năn nỉ thánh nhân cho phép theo hầu ngài để học đòi bắt chước nhân đức của người thánh. Vị tu hành mở rộng tay đón tiếp Maisen và quý mến chàng như một người con vậy. Tình yêu đã khiến ngài linh cảm thấy những tai họa, để kịp thời che chở cho Maisen.
Lần kia thánh nhân sai Maisen đem ít hạt giống đi gieo ngoài vườn bên rừng. Maisen vui vẻ ra đi làm việc chăm chỉ.
Trưa đến, vì quá mệt nhọc và vì sức nóng gay gắt của mặt trời, chàng nằm dưới tảng đá lớn và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đang suy sưa trong giấc điệp, Maisen như mơ màng nghe có tiếng thánh nhân gọi. Chàng giật mình tỉnh dậy vội chạy về nhà. Maisen vừa chạy khỏi, hòn đá liền nứt làm hai và đổ sụp xuống chính chỗ Maisen vừa nằm ngủ. Thực vậy, chính hôm đó trong lúc chiêm bao, thánh nhân được Thiên Chúa bảo cho biết mối nguy hiểm môn đệ ngài sắp sửa gặp. Thánh nhân liều cầu xin Thiên Chúa cho môn đệ ngài thoát khỏi và Thiên Chúa đã chấp nhận lời ngài xin.
Lần khác một tu sĩ tên là Isaac bị cám dỗ rất mạnh về đức sạch sẽ. Isaac ra sức chống trả nhưng vẫn vô hiệu. Thầy rất buồn phiền, ngày kia thầy đánh bạo tới trình với thánh Gioan tất cả những nỗi lo lắng của mình. Người của Thiên Chúa đem hết lời an ủi Igiaác và nói: "Con yêu quý, giờ đây chúng ta hãy khiêm tốn quỳ gối cầu khẩn Thiên Chúa giúp. Người đầy lòng nhân hậu và khoan hồng sẽ không bao giờ từ chối lời chúng ta nguyện xin. Nguyện vừa dứt, Isaac cảm thấy mình được thanh thoát nhẹ nhõm khác thường.
Đời sống thánh thiện của thánh nhân thật như đá nam châm thu hút nhiều người. Người ta tìm đến chỗ ngài để được nghe ngài giảng thuyết lời hằng sống. Đầy lòng bác ái, thánh nhân không ngần ngại thông truyền cho họ ánh sáng chính ngài đã tiếp nhận được trong lúc suy niệm.
Thanh danh của ngài một ngày một lừng lẫy khiến nhiều kẻ ghen tương và tìm cách hãm hại ngài. Họ vu cáo và nói xấu ngài nhiều điều, nhưng ngài không đối đáp lại bằng lời nói, ngài chỉ nhịn nhục, hiền hòa và khiêm tốn. Thấy thế, bọn địch thủ hổ thẹn trước những hành động đê tiện của mình. Họ kéo đến xin lỗi thánh nhân và xin ngài tiếp tục tổ chức những cuộc giảng thuyết đã bị họ làm gián đoạn.
Trong lúc thánh nhân đang suy mê với đời sống tu hành nơi rừng vắng, bỗng một biến cố khá quan trọng tới làm thay đổi hẳn cuộc sống thường nhật của ngài. Tu viện trưởng tu viện núi Sinai vừa tạ thế; các tu sĩ hướng cả về thánh nhân. Họ đồng thanh chọn thánh Gioan làm tu viện trưởng mà không đếm xỉa chi tới những lời phản kháng của ngài. Rút cuộc thánh nhân đành phải nhận vì biết đó là thánh ý Thiên Chúa.
Từ nay Gioan như ngọn đèn được đặt trên đế cao để chiếu rọi xa hơn. Ý thức đến trách vụ nặng nề đó, nên ngài hằng đem hết năng lực để điều khiển tu viện. Ngài tổ chức lại tu viện cho có quy củ hơn. Ngài nhằm nâng cao tinh thần và chú trọng về phương diện thiêng liêng hơn hình thức bề ngoài. Tài cai trị và đức khôn ngoan ấy khiến mọi người trong dòng đều cảm phục.
Công nghiệp của ngài đã to tát dường ấy nên, ngay khi còn sống lời ngài cầu xin thường được Chúa ưng nhận ngay. Có một lần xứ Palestina bị hạn hán, ruộng nương bị nứt nẻ hết; người ta lo sợ những ngày mất mùa và bệnh dịch xẩy đến. Động lòng trắc ẩn, thánh nhân cầu nguyện xin Chúa cho mưa. Tức thì trời đổ mưa liên tiếp mấy ngày làm cho ruộng nương phì nhiêu.
Gần cuối đời thánh nhân tiếp được thư của Đức Giáo hoàng Grêgoriô Cả yêu cầu ngài xây cất một bệnh viện dành riêng cho các khách hành hương Đất thánh. Thánh nhân vâng lời khởi công xây cất một bêïnh viện xong thánh nhân ngã bêïnh nặng. Tuổi cao sức yếu không chịu nổi cơn bệnh quá phũ phàng, thánh nhân đã trút hơi thở cuối cùng giữa đoàn con thân yêu đang quây quần quanh giường ngài bùi ngùi thương nhớ.
Giáo hội mừng lễ thánh nhân vào ngày 30 tháng 03. các hoạ sĩ thường vẽ thánh nhân tay cầm thang biểu hiệu cuốn "Thang Thiên Quốc" mà thánh nhân đã dầy công sáng tác.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:27

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Thế nào là tin để được cứu rỗi?

Filled under:

Hỏi: xin cha giải thích lại có phải chỉ cần tin Chúa Kitô thôi, là được cứu rỗi hay sao?.
Trả lời:

Tôi đã nhiều lần giải thích Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8) nên vì yêu thương mà Thiên Chúa đã  tao dựng và cứu chuộc con người nhờ Chúa Giê su-Kitô, Đấng cũng vì yêu thương mà đã vui lòng  đên trần gian làm Con Người để hy sinh mạng sống mình “ làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20:28).

Công nghiệp cứu chuộc này là quá đủ cho con người được cứu rỗi để vào Nước Trời hưởng phúc Thiên Đàng với Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành, sau khi kết thúc hành trình con người trên trần thế này. Nghĩa là nếu không có công nghiệp cứu chuộc cực trọng  của Chúa Cứu Thế Giêsu thì tuyệt đối không ai có thể làm được việc gì đáng được cứu rỗi.

Chính vì thế mà anh  em Tin Lành chỉ nhấn mạnh vào việc tin Chúa Kitô là được cứu rỗi mà thôi. Quan điểm thần học này chỉ đúng một phần. Đó là tin Chúa Kitô và  cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc của Người. Nhưng không đủ vì bỏ quên phần đóng góp của con người vào ơn cứu chuộc này, vì con người còn có ý muốn dự do ( freewill) mà Thiên  Chúa luôn tôn trọng cho con người sử dụng để hoặc sống theo đường lối của Chúa  và bước đi theo Chúa Kito là “ con Đường, là sự Thật và là sự Sống” ( Ga 14:6),  hay khước từ Chúa để sống theo thế gian,  đầu hàng ma quỉ khiến dẫn đưa tới sự hư mất đời đời.

Thật vậy,  muốn được cứu rỗi để sống đời đời  thì trước hết  phải cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc  của Chúa Kitô, tức là tin  Chúa  Kitô là Đấng duy nhất đã hòa giải con người với Thiên Chúa, và  ngoài Người ra, không  ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu  rỗi.” ( Cv 4: 12)

Nói khác đi, phải tin Chúa Kitô và cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá của Người để được cứu rỗi mà vào Nước Trời mai sau.Phải nói mai sau, chứ không phải ngay bây giờ, vì con người còn phải sống thân phận của mình trong trần thế một thời gian dài ngắn tùy số phận của mỗi người. Cuộc sống con người trên trần thế này cũng tương tự như thời gian 40 năm dân Do Thái phải tạm sống trong hoang địa  chờ ngày được vào Đất hứa “ tràn đầy sữa và mật ong” ( Xh 3:8 ) sau khi thoát ách nô lệ trên đất Ai Cập. Họ phải tạm sống ở đây để được thử thách về lòng tin yêu Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng cho họ qua tay ông Mô Sê, thoát  khỏi nỗi thống khổ bên Ai Cập. Họ đã vượt Biển đỏ an toàn để trở về sống tự do trên quê hương. Nhưng phải tạm trú trong Sa mạc suốt 40 năm để chờ ngày vào Đất hứa Canaan.

Hành trình tìm tự do, an lạc của dân Do Thái xưa trong thời Cựu Ước cũng tiên báo   hành trình của dân Chúa trong thời Tân Ước ngày nay.

Thật vậy, Chúa Kitô, cũng được ví như Tân Môsê, đã dẫn dân Tân Ước qua nước Rửa tội để vào sự sống mới,  cũng tương tự  như ông Mô sê đã dẫn dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ để trở về quê hương an toàn. Nhưng cũng như dân Do Thái xưa  phải  tạm trú 40 năm trong hoang địa trước khi được vào Đất hứa, dân Thiên Chúa trong thời Tân Ước – là tất cả mọi người tín hữu chúng ta  trong Giáo Hội ngày nay-  cũng phải sống tạm trên trần gian này một thời gian trước khi được vào Đất hứa là Nước Trời  để được sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa, “Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( 1Tm 2 :4)

Phải sống tạm trú trên trần gian này một thời gian dài ngắn tùy theo số phận của mỗi người, để được thử thách về lòng tin yêu Thiên Chúa sau khi được tái sinh qua Phép Rửa. Nghĩa là, khi được rửa tội cha mẹ và người đỡ đầu đã hứa thay cho con cái được rửa tội là tin    yêu  mến Chúa trên hết mọi sự, và cam kết từ bỏ ma quỷ là kẻ thù không muốn cho ai được cứu rỗi để làm  nô lệ cho chúng.

Do đó, sống  đức tin, đức mến đòi hỏi chúng ta phải thực thi những gì mình đã hứa khi được rửa tội, nếu không thì Phép Rửa và công  nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô  sẽ ra vô ích cho ai đã rửa tội mà nay lại sống mâu thuẩn với những cam kết khi được rửa tội.

Đây chính là phần đóng góp  phải có của con người vào ơn cứu chuộc của Chúa Kitô để được hưởng nhờ công nhiệp cứu chuộc này mà vào Nước Trời, sau khi phải chết đi trong thân xác có ngày phải chết đi này.

Cụ thể, thử hỏi những kẻ đang giết người, giết thai nhi , buôn bán phụ nữ và trẻ em để bán cho bọn bất lương hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn ở nhiều nơi trên thế giới tục hóa này, cùng bọn  bắt cóc thủ tiêu và hãm hiếp phụ nữ, gian  tham, bất công và bóc lột người khác… thì làm sao có thể được cứu độ, cho  dù chúng có nói tin Chúa Kitô cả ngàn vạn lần thì cũng vô ích mà thôi. Đức tin phải đi đôi với việc làm, lời nói phải phù hợp với hành động. Nếu không sẽ là đức tin chết.

Đó là lý do tại sao Cúa Giêsu đã nới với các môn đệ xưa những lời sau đây:

“ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa, Lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng  chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời  mới được vào mà thôi.” ( Mt 7: 21)

Thi hành ý muốn của Chúa Cha có nghĩa  mến Chúa trên hết mọi sự để không tìm kiếm và tôn thờ tiền của và mọi lợi lãi ở đời này. Phải yêu thương người khác như  yêu thương chính mình để không oán thù và muốn làm hại ai về thể lý cũng như tinh thần. Phải thực thi công bằng và bác ái để không bất công và bóc lột ai và phải thương giúp những người nghèo khó, kém may mắn  hơn mình. Sau nữa, phải sống lành mạnh để không đi tìm những thú vui vô luân  tôn thờ khoái lạc (hedonism) và chủ nghĩa vật chất ( materialism) như thực trạng sống của biết bao con người trên thế giới vô luân vô đạo hiện nay.

Như vậy,  nếu  những kẻ đang làm những  sự dữ như giết người, giết thai  nhi, hãm hiếp phụ  nữ, khủng bố , bắt cóc và chặt đầu con tin… mà  không kíp từ bỏ những con đường tội  ác của chúng  và sám hối thì làm sao có thể được cứu rỗi ?

Có thể trong số những kẻ đang làm những sự dữ trên,  có người đã được rửa tội khi còn bé, hay sau này khi gia nhập Giáo Hội qua Phép Rửa, nhưng nay lại sống vô luân vô đạo như vậy thì làm sao có thể hưởng lòng thương xót của Chúa  Cha và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô ?

Lòng thương xót và công nghiệp cứu chuộc của Chúa không bao giờ là bức bình phong che chở cho ai lợi dụng  để cứ tự do phạm tội, cứ làm những sự dữ  mà không biết sám hối ăn năn chừa bỏ để sống theo đường lối của Chúa  hầu được cứu độ  như lòng Chúa mong muốn .Đó là lý do tại sao Chúa Kitô đã nghiêm khắc cảnh cáo  những người đi hàng hai  như sau trong Sách Khải Huyền:

“ Ta biết các việc ngươi làm. Ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh.Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi.  Nhưng vì người cứ hâm hâm ,chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.  ( Kh 4: 8-9)

Nghĩa là không ai được lấy cớ Chúa nhân từ thương xót để cứ sống theo ý riêng của mình, cứ chay theo thế gian và đầu hàng ma quỉ để làm những sự dữ như thù hận, giết người, khủng bố, trộm  cướp , gian tham, tôn thờ tiền của và tìm những thú vui vô luân vô đạo để thay vợ đổi chồng, giết chồng, giết vợ để tự do lấy người khác…Những ai sống như vậy thì dù  Chúa Kitô  đã  chết một lần trên thập giá, chứ có chết thêm bao nhiêu lần nữa thì cũng vẫn hoàn toàn vô ích cho họ mà thôi. Chắc chắn như vậy.

Lý do là tình thương của Chúa Cha  và công nghiệp cứu chuộc cực trọng của Chúa Kitô không bao giờ miễn trừ tội lỗi cho ai để người đó cứ ngoan cố lợi  dụng để đi hàng hai,  là nửa tin yêu Chúa nửa lại chối Chúa bằng chính đời sống của mình,  khi nuông chiều xác thịt, đi tìm những thú vui vô luân vô đạo,  sống theo thế gian để tôn thờ tiền bạc và của cải vật chất,  và làm nô lệ cho ma quỷ khi chọn những lối sống hoàn toàn trái nghịch với Tin Mừng cúa độ mà Chúa Kitô đã rao giảng và trả giá bằng cái chết của Người trên tập giá năm xưa.

Chúa chết vì tội lỗi của con người, nên muốn sống đẹp lòng Chúa, muốn hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa thì nhất thiết đòi hỏi con người phải đoạn tuyệt với mọi tội lỗi,  vì chỉ có tội mới làm ngăn cách con người với Thiên Chúa là Đấng  tốt trọn lành. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nặng lời lên án bọn Biệt phái và luật sĩ xưa là những kẻ  đạo đức giả hình, đáng phải phạt  như sau:

“ Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia, các ngươi trốn đâu cho khỏi hình phạt hỏa ngục ?” ( Mt 23: 33)

Tại sao trong suốt 3 năm đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa chưa một lần nào đã  nói : anh  em đừng phải lo lắng gì về phần rỗi của mình, hãy cứ vui sống theo sở thích,  vì Chúa Cha giầu lòng thương xót và vì Thầy sẽ hy sinh chịu chết cho anh em được cứu rỗi ? Ngược lại, Chủa lại dạy :

“ Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh  em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được,” ( Lc 13: 24)

Của hẹp là cửa đi theo Chúa Kitô là “Con Đường , là Sự Thật và là Sự Sống” ( Ga 14: 6). Đi theo Chúa thì không thể đi theo thế gian xảo trá, gian manh, đổi trắng thay đen, bất công và vô luân vô nhân đạo. Đi theo  Chúa thì cũng không thể tôn thờ tiền của và những thú vui vô luân vô đạo, và dửng dưng trước sự đau khổ, nghèo đói của biết bao người xấu số trong xã hội ở khắp mọi nơi. Sau nữa, thi theo Chúa thì không thể tiếp tay với thế quyền cai trị độc ác  để bóc lột  và bất công với quần chúng thấp cổ bé miệng, để vơ vét của cải và làm giầu cho tập thể  cai trị và cá nhân xu nịnh, làm tay sai để tiếp tay duy trì sự thống khổ trên quần chúng bị trị.

Trên  đây là những con đường rộng rãi thênh thang mà nhiều người muốn đi qua nhưng sẽ dẫn đến hư mất đời đời. Không ai có thể vừa đi qua của rộng , vừa đi qua của hẹp được.Phải chọn một  hai cửa này để đi vào sự sống vĩnh cửu hay đi vào chốn xa cách Chúa là cội nguồn của mọi vui thú và giầu sang đích thực.

Người không có niềm tinChúa  thì sống theo thế gian để tìm những  lợi lãi chóng qua ở đời nay như tiền bạc, của cải, danh vọng phù phiếm và mọi thú vui vô luân vô đạo. Khôn ngoan đối  với họ là làm sao có được nhiều tiền của , được danh vọng  trong  xã hội và tìm  những thú vui  ăn chơi nhẩy nhót cuồng loạn  ở các hộp đêm, hay những nơi giải thí tội lỗi nhan nhản mọc lên ở khắp nơi trong thế  giới tục hóa ngày nay.

Ngược lại, người có niềm tin Chúa và sự sống đời sau, thì “ hãy bán của cải mình đi  mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể  hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén bảng , mối mọt cũng không đục phá.” Như Chúa Giê su đã dạy dạy dân chúng xưa. ( Lc 12: 33)

Tóm lai, tuyên xưng Chúa Kitô    Đấng cứu chuộc duy nhất của nhân loai là cần thiết. Nhưng quan trọng không kém là phải cộng tác với ơn cứu chuộc của Chúa để đoạn tuyệt với mọi tội lỗi, cương quyêt chống lại mọi cám dỗ của ma quỉ và mời mọc nguy hiểm  của thế gian với những  gương xấu và dịp tội đầy rẫy ở khắp nơi trong thế giới gian tà và vô luân vô đạo này. Nếu không có quyết tâm như vậy  thì Chúa không thể cứu ai được , dù Người là tinh thương và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là vô giá và đủ cho con người tin để được cứu độ . Đủ nhưng vẫn cần sự cộng tác tích cực thêm của con người. Nếu không, và chỉ nói tin Chúa ngoài môi miệng  cả ngàn vạn lần  thì cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy.

Ước mong những giải đáp trên đây thỏa mãn câu hỏi đặt ra.


Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.

Posted By Đỗ Lộc Sơn18:18