Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 3-12-2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 3-12-2019
Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục.
"Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng." (Mc 16,20).
“Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”...Người bạn thân và là người thầy Inhaxiô Loyola. đã đưa ra lời thách thức trên đây để xem Phanxicô lúc ấy chỉ là một học sinh phản ứng ra sao?. Là một người nổi tiếng như là giáo sư triết học tại đại học Paris. Phanxicô Xaviê đã ngộ ra chân lý ấy và quyết tâm theo đuổi.
Sau khi trở thành nhà thuyết giảng, Phanxico đã đi nhiều nơi trên khắp thế giới, từ Ấn Độ, Nhật Bản, đến Trung Quốc...Trong mười hai năm hoạt động truyền giáo, thánh Phanxicô Xavier ở trên biển ba năm bảy tháng, tức là cứ ba ngày thì có một ngày trên biển, và mỗi ngày di chuyển trung bình 60 km.
Thánh Phanxicô luôn ấp ủ một tâm hồn khiêm nhường, Ngài thường quỳ gối để viết thư cho thánh Ignatiô là Bề Trên của mình. Chúa đã hỗ trợ lòng nhiệt thành của thánh nhân bằng nhiều phép lạ phi thường.
Ngày 02/12/1552, khi đang trên đường tới gần Trung Hoa thì ngài ngã bệnh và từ trần tại đảo Tân Châu (Sancian). Xác ngài được đem về mai táng tại thành Goa bên Ấn Ðộ. Năm 1619, Đức Thánh Cha Phaolô V đã tuyên chân phước cho Ngài. Năm 1622, Đức Thánh Cha Grêgôriô XV đã ghi tên Ngài vào sổ bộ các vị hiển thánh. Ngài được tuyên thánh cùng với thánh Inhaxiô. Thánh Phanxicô Xaviê được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương thánh Phanxicô, hăng say hơn trong sứ mạng của mình, để Tin mừng của Chúa được nhiều người đón nhận.Amen.


Thánh Phanxicô Xaviê

Phanxicô sinh năm 1506 tại Javier (Navarra), thuộc giáo phận Pampelune, miền Bắc nước Tây ban Nha trong một gia đình quyền quí. Năm 19 tuổi, Ngài sang Paris để tiếp tục việc học. Tám năm sau, Ngài tốt nghiệp và trở thành giáo sư đại học tại đó. Ðược nổi tiếng nhờ trí thông minh, Phanxicô ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng thế tục. Nhưng một ngày kia, Chúa đã dùng miệng lưỡi Thánh Ignatius thành Loyola, cũng là thầy dạy, để nói cùng Ngài: “Ðược lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi?”. Và Chúa đã hoàn toàn chiếm đoạt trái tim Thánh nhân, biến Ngài trở thành một khí cụ tuyệt vời cho cánh đồng truyền giáo. Năm 1539, Phanxicô hăng hái lãnh sứ mạng nơi Ðức Giáo Hoàng Phaolô III là đem ánh sáng Phúc Âm đến cho dân tộc Ấn Ðộ. Mười một năm trường nhiệt thành với nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, đời sống Thánh nhân là một cuộc hành trình không ngừng. Bước chân Ngài len lỏi qua khắp các thành thị cũng như thôn quê để rao giảng Phúc Âm Chúa Giêsu. Tiếng Ngài vang vọng từ Ấn Ðộ, Tích Lan, Indonésia, Malacca, đảo Moluques đến Nhật Bản…. Riêng tại Ấn Ðộ, Ngài đã đem về cho Chúa hàng trăm ngàn linh hồn và rửa tội cho nhiều vị Quân vương. Dù vậy, Ngài luôn ấp ủ một tâm hồn khiêm nhường hiếm có. Ngài thường quì gối để viết thư cho Thánh Ignatiô là bề trên của mình. Chúa đã hổ trợ lòng nhiệt thành của Thánh nhân bằng nhiều phép lạ phi thường.
Khi đang trên đường đến gần Trung Hoa thì Ngài ngã bệnh và từ trần ngày 02 tháng 12 năm 1552 tại đảo Tân Châu (Sancian) ngoài khơi Hongkong bây giờ, mình nằm dựa vào một thân cây, mắt nhìn về nước Trung Hoa vĩ đại, bên cạnh một người bạn duy nhất, không được chịu các phép cuối cùng. Xác Thánh của Ngài được Chúa gìn giữ nguyên vẹn và tốt đẹp, mắt bên phải mở ra và linh động như còn sống, da còn tốt nguyên. Theo lệnh bề trên Tổng quyền của Dòng Tên, cánh tay phải của Ngài được lấy ra khỏi thánh thể, đưa về nhà dòng Mẹ tại Rome, đặt bên cạnh di tích của Thánh Ignatiô, vị sáng lập Dòng. Năm 1949, cánh tay của Ngài được cung nghinh qua Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 400 năm từ ngày Thánh nhân đến Nhật.
Đức Giáo Hoàng Paul V đã tôn phong Francis Xavier lên bậc Chân Phước ngày 25 tháng 10 năm 1619 và Ba năm sau Đức Giáo Hoàng Gregory XV đã nâng vị Tông Đồ của Đông Phương lên hàng hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622. Năm 1904, Đức Thánh Giáo Hoàng Pius X đã đặt Thánh Phanxicô Xavier làm quan thầy các xứ truyền giáo.
Lời Bàn
Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi để “ra đi và rao giảng cho muôn dân” (coi Mátthêu 28:19). Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người cùng làm việc với chúng ta. Và sự rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hàng ngày. Chính nhờ sự hy sinh, từ bỏ tất cả những gì của riêng mình, mà Thánh Phanxicô Xaviê mới có tự do để đem Tin Mừng đến cho người khác. Hy sinh là quên đi cái tôi của mình vì lợi ích cao cả hơn, lợi ích của sự cầu nguyện, lợi ích của sự giúp đỡ những người có nhu cầu, lợi ích khi lắng nghe người khác. Món quà lớn nhất của chúng ta là thời giờ, và Thánh Phanxicô đã hy sinh thời giờ của ngài cho người khác.