Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - LỄ KÍNH THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ

Filled under:

Lời Chúa: Ga 20, 24-29

Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng tin.” Tám ngày sau, các môn đệ có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an.” Rồi Người bảo Tôma: “Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Ðức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin!”

Suy nim 1

Chẳng rõ vì lý do gì mà ông Tôma đã không ở với nhóm môn đệ
khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông.
Có vẻ có một sự xa cách nào đó giữa Tôma và mười ông kia.
Chuyện này trở nên rõ hơn khi ông Tôma từ chối tin vào lời của họ:
“Chúng tôi đã thấy Chúa!” (c. 25).
Ông đòi tự mình kiểm chứng, thấy tận mắt, sờ tận tay.
Thấy dấu đinh nơi bàn tay Thầy, xỏ ngón tay mình vào lỗ đinh,
thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy: đó là những điều kiện ông đòi để tin.
Tôma không đứng dưới chân thập giá như người môn đệ Chúa yêu,
nhưng ông đã được nghe chuyện Thầy bị đóng đinh, bị đâm nơi cạnh sườn.
Đối với ông, nếu Thầy thực sự phục sinh,
thì thân xác Thầy vẫn còn phải mang những vết thương đó.
Phục sinh không làm mất đi những vết sẹo của tình yêu cứu độ.
Đấng Phục Sinh lại có ý chiều ông, đó mới là chuyện lạ.
Ngài biết óc thực tiễn của ông, và Ngài không muốn mất ông (Ga 17, 12).
Ngài dám thỏa mãn những đòi hỏi táo bạo và cụ thể của ông,
để đưa ông về với đức tin, về với cộng đoàn.
Một tuần sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần,
Đức Giêsu Phục Sinh đến như thể cho một mình ông thôi,
và mời ông làm những điều ông đòi hỏi.
Chẳng rõ Tôma có dám thực hiện hay không,
nhưng chính thái độ bao dung và yêu thương của Thầy đã chinh phục ông.
Môi ông bật lên lời tuyên xưng đức tin cao nhất trong Tân Ước:
“Lạy Chúa của tôi; lạy Thiên Chúa của tôi” (c.28).
Lời tuyên xưng này vượt quá những gì giác quan ông có thể cảm nhận.
“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin!”
Chúng ta ngày nay tuy không được hưởng kinh nghiệm như thánh Tôma,
nhưng chúng ta lại được hưởng một mối phúc mà ngài không có được.
Đó là mối phúc của người tin, không phải nhờ thấy tận mắt,
mà nhờ nghe lời chứng của các môn đệ (Ga 17, 20), trong đó có Tôma.
Xin cám ơn sự cứng lòng của thánh Tôma, cám ơn lời chứng của ngài.
Chính sự cứng cỏi của ngài làm chúng ta mềm mại hơn để tin,
vì chúng ta biết chuyện Chúa Phục Sinh không do một ảo giác tập thể.
Tôma là một người hoàn toàn tỉnh táo.
Trong tập thể chúng ta đang sống, vẫn có những Tôma:
hoài nghi, bướng bỉnh, đòi hỏi, xa cách với cộng đoàn…
Thầy Giêsu dạy chúng ta bao dung và nhẫn nại, chứ không kết án.
Quanh chúng ta vẫn có nhiều người chưa biết Chúa,
họ cũng đòi thấy và đụng chạm đến Thiên Chúa. 
Kitô hữu chúng ta phải có kinh nghiệm sâu xa như các tông đồ xưa,
để làm chứng được rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (c. 25).

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh
Lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


SUY NIỆM 2
“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”
 
Thánh Tôma được gọi với cái tên “Kẻ cứng lòng tin”. Thật tội nghiệp. Bởi nếu không có Tôma thì chúng ta không biết mối phúc thứ chín: “Phúc cho những ai hông thấy mà tin”. Hơn nữa, Tôma là một người thực tế hơn là một kẻ kém tin và ông đã muốn tin đâu ra đấy!

Nếu như niềm tin vào một Đức Kitô Phục Sinh chỉ là những luận cứ để cho con người suy nghĩ mà không trở thành hành động để thay đổi đời sống, thì đức tin đó là đức tin chết (thánh Giacôbê). Vậy với sự vắng mặt trong lần hiện ra thứ nhất, Tôma được các Tông đồ bạn thuật lại sự hiện diện của Đấng phục sinh, ông không chấp nhận. Tại sao? Vì nếu Đức Kitô đã chết và đã phục sinh, thì sao mọi người vẫn còn sợ sệt trốn tránh, “sợ người Do Thái” mà không dám công khai bày tỏ niềm tin, sự xác tín bằng chính đời sống “hiên ngang” loan báo. Như thế, chính thái độ của một niềm tin chưa có thực hành đã không thuyết phục được Tôma chứ không phải Tôma kém tin.

Thực tế đời sống của chúng ta hôm nay cũng vậy! Là người Công giáo nhiều khi kê khai lý lịch vẫn chọn một từ ngữ an toàn là “Đạo ông bà”. Sự phục sinh của Chúa phải là động lực để chúng ta cải thiện đời sống, nhưng vẫn vậy, sau những lần xưng tội, chúng ta vẫn tiếp tục quay về với lối sống cũ, con người cũ, để biện minh cho mình là cần phải mưu sinh cho đời sống. Bởi thế, chính chúng ta đã chết niềm tin từ lâu thì làm sao có đủ sức thuyết phục người khác. Chính cuộc sống chúng ta như thế mới xứng đáng nhận danh hiệu “kẻ cứng tin” mới phải.

Lạy Chúa, xin làm cho mỗi người chúng con biết xác tín trong niềm tin và có đủ can đảm sống niềm tin của mình giữa đời, để qua đời sống chứng tá, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết cho đến khi Chúa lại đến. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường