Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

SUY NIỆM CHÚA NHẬT NGÀY 08/07/2018

Filled under:

Lời Chúa: (Mc 6, 1-6)
1 Hồi ấy, Ðức Giêsu trở về quê nhà, có các môn đệ đi theo. 2 Ðến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Ðức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
Suy Niệm 1
Ðức Giêsu giảng dạy ở hội đường tại quê nhà.
Phản ứng của dân làng là hết sức ngạc nhiên
trước sự khôn ngoan trong lời Ngài giảng.
Nếu họ chân thành tìm kiếm
họ có thể nhận ra khuôn mặt thật của người họ quá quen.
Tiếc thay người làng Nazareth đã không đủ vô tư.
Họ bị ám ảnh bởi quá khứ của Ngài,
và họ không sao ra khỏi những định kiến sẵn có.
“Ông ta không phải là bác thợ sao?”
Một bác thợ sống bằng đôi tay như bao người.
Một bác thợ trong làng, âm thầm và khiêm tốn,
sống bao năm ở đây không một chút hào quang.
Họ cũng bị ám ảnh bởi cái hiện tại trước mắt:
Bà Maria và các anh em, chị em của ông,
tất cả vẫn đang sống rất đỗi bình thường,
như những người láng giềng gần gũi.
Một quá khứ và hiện tại như thế
đã khiến họ vấp phạm.
Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ,
lại càng không thể tin Ngài là Mêsia,
và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng
mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.
Không chắc chúng ta đã khá hơn người làng Nazareth.
Hôm nay chúng ta vẫn có thể bị đóng khung
trong một cái nhìn nào đó về Ðức Kitô,
khiến chúng ta chỉ thấy một phần khuôn mặt của Ngài.
Có những người chúng ta rất quen, sống sát bên ta,
nhưng chúng ta chẳng hiểu mấy về họ.
Những gì tôi biết về họ là đúng,
nhưng không đủ.
Mỗi người là một mầu nhiệm cần khám phá suốt đời.
Cần phải ra khỏi mình, ra khỏi cái nhìn khô cứng
để gặp được mầu nhiệm tha nhân,
để thấy người khác bằng cái nhìn luôn luôn mới.
Chúng ta thường nói đến một Thiên Chúa toàn năng,
nghĩa là Ðấng làm được mọi sự.
Nhưng Ðức Giêsu tại Nazareth lại cho ta thấy
hình ảnh một Thiên Chúa yếu đuối và bất lực.
Ngài bó tay trước sự cứng lòng của con người.
Ðức Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào ở đó.
Thế mới hay con người có khả năng cản trở Thiên Chúa,
có thể dùng chính tự do Ngài ban để khước từ Ngài.
Phép lạ là quà tặng cần được đón nhận với lòng tin.
Phép lạ không phải là phù phép áp đặt trên người nhận.
Có bao điều lạ lùng Thiên Chúa định làm cho đời ta,
mà Ngài không làm được, vì không được làm.
Nên thánh là để cho Ngài yêu thương ta,
để cho Ngài tự do hoạt động trong đời ta.
Lúc đó đời ta sẽ trở nên một kỳ công của Thiên Chúa,
và nhờ Ngài, ta có thể làm được những kỳ công.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM 2
 
Người đồng hương của Chúa Giêsu khước từ Chúa, có lẽ một phần bởi Chúa không cùng quan điểm với họ, nhưng phần khác, vì họ không thể chấp nhận “con của người thợ mộc lại có thể làm lớn”. Chính vì mang tâm tưởng khinh dễ người khác, đồng hương của Chúa không chỉ đã từ khước Chúa mà còn chống đối Chúa mãnh liệt.

Từ kinh nghiệm của Chúa Giêsu bị chính quê hương mình rẻ rúng, chối từ, ta nhìn lại kinh nghiệm bản thân khi sống trong cộng đoàn giáo xứ, hay rộng lớn hơn là cộng đoàn giáo phận. Chính từ những cộng đoàn này, ta hiệp thông cùng Hội Thánh, được dạy cho biết yêu thương, được lớn lên và trưởng thành theo thời gian về đời sống cầu nguyện, đời sống phụng vụ và bí tích… Nhưng cũng chính nơi giáo xứ, chính trong giáo phận, không ít lần con tim ta đau nhói, vì sự bị tấn công, bị “ném đá”, bằng tất cả từ lời nói, hành động, đến thái độ, lắm khi chất chứa sự nhẫn tâm của người đồng đạo, đồng lý tưởng, đồng hương của mình…

Nhưng cũng như Chúa Giêsu, dù có bị thua thiệt hay đau đớn đến mức nào, ta vẫn một lòng trung kiên bền chí trong đức tin, trong lý tưởng tôn giáo mà mình đã chọn lựa.

Chính trong lòng tin và sự xác quyết lớn lao ấy cho ta ơn đứng vững; ơn trưởng thành; ơn hiểu thấu lòng người; ơn nhận ra sự tương đối nơi lòng đạo đức và cách thể hiện lòng đạo đức ấy ở bề ngoài của người lãnh đạo ta, người ở cạnh bên ta, cả người sống cùng ta. 

Vẫn vững tin nơi Thiên Chúa trong những khó khăn, thậm chí những khó khăn đầy ắp, ta sẽ có dịp soi lại mình, đối chiếu bản thân với hoàn cảnh, với con người, nhất là với những ai giã tâm, để ta tập sống mạnh mẽ và cương nghị, thăng hoa nội tâm của mình, biết phòng ngừa để sự xấu không len lỏi vào lòng làm hoen ố lòng mình, biết để cho thói đời không lây nhiễm làm mất đi tính thiêng thánh mà mình cần phải có khi sống giữa đời, sống giữa cộng đoàn mang danh Kitô hữu.

Tóm lại, bài học Chúa Giêsu vẫn yêu quê hương, giữa lúc bị quê hương loại trừ là bài học vô cùng cần thiết cho những đau khổ mà ta phải chịu đựng từ chính những người thân cận của ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con đón nhận mọi hoàn cảnh, mọi rủi ro, mọi thử thách, nhất là những hoàn cảnh, rủi ro và thử thách ấy đến từ những ai chúng con yêu thương phục vụ, những ai gần cận cùng chúng con. Xin Chúa gìn giữ chúng con trong lòng trung thành yêu mến và tin tưởng vào Chúa. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường