Suy niệm Cn 16 TN B - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút (Mc
6,30-34)
Chúa Giêsu đã kêu mời các môn đệ đến với Chúa và các
môn đệ đã ở lại với Chúa và Chúa đã ân cần dạy dỗ các môn đệ và sai các ông đi
truyền giáo.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô cho thấy, các ông trở về vui mừng báo cáo cho Chúa
biết những việc đã làm và những lời đã giảng dạy. Có lẽ lúc này các môn đệ đã mệt mỏi, thêm vào đó, Tin
Mừng cho biết các ông không còn thời giờ ăn uống, vì có rất nhiều người đến xin
các ông dạy dỗ và chữa bệnh. Thấy thế, Chúa bảo các ông tạm lánh đi để khỏi bị
quấy rầy và nghỉ ngơi một
chút.
Chúng ta thấy
Chúa quan tâm đến các môn đệ và cảm thông với những vất vả của các ông. Chúa
quan tâm đến con người hơn là công việc. Chúa muốn các ông hãy dành một chút nghỉ
ngơi cho thân xác, một chút lắng đọng cho tâm hồn, tách mình ra khỏi đám đông,
để sống tình thầy trò, tương giao mật thiết với nhau. Tức là Chúa khuyên các
môn đệ cần phải có thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi và được bồi dưỡng để có thể duy
trì hoạt động được lâu bền như Ernest
Hello quả quyết: “tâm
hồn càng nhận được nhiều trong thinh
lặng thì càng ban phát nhiều trong hoạt động.” Vì
có hồi tâm, có thinh
lặng chúng ta mới đối diện với chính mình và đối diện với Thiên Chúa. Sự hồi tâm, sự thinh lặng như thế thật quan trọng, cần
thiết và ích lợi cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Chính P. Doncoeur đã quả quyết: “không một vĩ nhân nào đã thành công mà không đắm mình trong thinh lặng để hồi tâm và cầu nguyện”.
Lời khuyên của Chúa Giêsu hôm nay vẫn còn được những bậc tu hành, các giám mục, linh mục, tu sĩ, đặc biệt coi trọng. Hằng năm, hàng tháng các vị đó vẫn có những cuộc tĩnh tâm, có khi kéo dài một tháng, có khi một tuần, có khi một ngày, hay ít ra cũng một buổi. Trong thời gian đó, các ngài cầu nguyện, kiểm điểm đời sống và định hướng hoạt động cho những ngày sắp tới.
Lời khuyên của Chúa Giêsu hôm nay vẫn còn được những bậc tu hành, các giám mục, linh mục, tu sĩ, đặc biệt coi trọng. Hằng năm, hàng tháng các vị đó vẫn có những cuộc tĩnh tâm, có khi kéo dài một tháng, có khi một tuần, có khi một ngày, hay ít ra cũng một buổi. Trong thời gian đó, các ngài cầu nguyện, kiểm điểm đời sống và định hướng hoạt động cho những ngày sắp tới.
Còn đối với
giáo dân, cuộc sống với miếng cơm manh áo khiến chúng ta không có nhiều thời
giờ để làm những cuộc tĩnh tâm như vậy. Tuy nhiên chúng ta cũng đừng quên rằng yên tĩnh là một nhu cầu
cần thiết cho cuộc sống.
Cuộc sống càng ồn ào
thì nhu cầu yên tĩnh càng cần thiết chứng ấy, cho nên dù bận rộn, thỉnh thoảng chúng ta
cũng hãy cố gắng đi tìm một chút yên tĩnh cho tâm hồn.
Và sau đây là một số những
mẫu gương cụ thể trong cuộc sống đời thường:
- Ông Uynliam
Phinlơ, một doanh nhân thành đạt, lúc đầu sống rất chật vật và nghèo khổ, sau
làm nghề viết báo, rồi mở nhà in, lợi nhuận hàng năm thu vào rất nhiều. Ông
viết một quyển sách kể về những kinh nghiệm của đời ông. Ngay trang đầu tiên có
những dòng chữ sau: “Có bao giờ các bạn đã thử sống một mình trong căn phòng,
không đọc sách báo, không nghe radiô hay ca nhạc, không xem tivi, không làm gì
hết, một mình với những ý tưởng để suy nghĩ. Các bạn cứ thử xem, một chiều im lặng,
mình với mình thôi, sẽ giúp cho các bạn biết mình, biết người, và chắc chắn các
bạn sẽ thành công”.
- Trong tờ báo New York
Times gần đây đã viết về những thương gia trong thành phố New York như sau: "Các doanh nhân đã xoay sang việc cầu nguyện bởi vì họ mong muốn
xây dựng một tình bằng hữu với những người đồng nghiệp và qua đó, họ có thể chia sẻ những khó khăn với nhau trong công việc hằng ngày."
- Cũng trong
một ý hướng như bài báo trên, một nhân viên ban chấp hành đã nói lên trong một
cuộc họp hằng tuần tại Chase Manhattan Plaza: "Đây là chỗ để tôi đến và
lấy lại nguồn sống. Nếu tôi không thể đến đây được thì tôi không biết tôi sẽ có
thể làm được gì không."
- Khi được hỏi
bí quyết nào khiến George Washigton Carver thành công trong thành tựu khoa học
của mình với trên 300 sản phẩm hữu dụng, ông đã trả lời: “Tôi thức dậy lúc 4
giờ sáng, và trong sự yên tĩnh của buổi sớm mai, tôi lắng nghe tiếng Chúa và
chương trình của Người xếp đặt cho tôi”.
Kính thưa cộng đoàn phụng
vụ, tiếp nối những dòng tư tưởng trên, có câu chuyện kể
rằng: “Một nhà thám hiểm nọ
đi lạc trong sa mạc,
chuyển từ nơi này đến nơi kia, nhìn hết hướng nay đến hướng khác, ở đâu ông
cũng chỉ thấy toàn cát với cát. Ông lê gót trong tình trạng tuyệt vọng, tình cờ
chân ông vấp phải một gốc cây khô. Ông không còn đủ sức đứng lên, ông không còn
đủ sức chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào. Trong tư thế
bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý thức được về sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề
chỉ có thinh lặng. Thình lình ông ngẩng đầu lên. Trong thinh lặng tuyệt đối của
sa mạc, ông bỗng nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn
tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm mới nhận ra được đó là tiếng chảy róc rách của một con suối từ
xa vọng ại. Như sống lại từ cõi chết, ông xác định nơi xuất phát của tiếng
suối, ông dùng hết nguồn năng lực còn lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi gặp
được dòng suối.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Cuộc sống chúng
ta thật quả bận rộn và ồn ào, khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và không
nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa. Có thinh lặng trong cõi lòng, chúng
ta mới nghe được tiếng thì thầm mời gọi của Chúa trong từng giây phút của cuộc
sống. Chính sự thinh lặng giúp chúng ta nhận ra được tiếng của Thiên Chúa như
"dòng suối róc rách" trong cảnh ồn ào của cuộc sống hôm nay”. Đó chính là điều Chúa Giêsu nhắc nhở
các môn đệ và cũng nhắc nhở chính chúng ta, những người đang hiện diện trong
thánh đường này: "Các
con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút." Amen.