Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

Cao ngạo là đánh mất tất cả

Filled under:

Cao ngạo là đánh mất tất cả

(Suy niệm của Lm. JB Nguyễn Minh Hùng)

Cao ngạo khiến con người đánh mất Thiên Chúa, đánh mất đồng loại và đánh mất chính mình. Sự cao ngạo không bao giờ có lối dẫn người ta đến gặp Thiên Chúa. Đó là một nguyên tắc đã trở thành kinh nghiệm ngàn đời, không phải của riêng ai, nhưng là của cả nhân loại.

Cao ngạo làm người ta xa Chúa đã vậy, nó còn có thể giết chết sự sống con người. Tất nhiên không phải sự sống thể lý, nhưng là những giá trị thánh thiêng, những giá trị làm nên sự quý báu, làm nên ý nghĩa của cuộc đời, của mỗi người nói riêng và cả nhân loại nói chung. Chẳng hạn:
·        Niềm tin (chưa phải là đức tin của người Kitô giáo). Đó có thể là lòng tin tưởng giữa người với người bị đánh mất. Đó cũng có thể là lòng tin giữa con người với đấng thượng đế nào đó mà con người đặt niềm tin vào, nay bị đánh mất bởi cao ngạo.
·        Hay như đức tin của những anh chị em Kitô giáo. Đó là lòng tín thác tuyệt đối mà họ đặt nơi Thiên Chúa vô biên, Đấng luôn yêu thương và quang phòng săn sóc mọi loài, mọi người. Đức tin làm nên giá trị vĩnh cửu của đời người. Nhưng vì cao ngạo, con người có thể hoàn toàn đánh mất đức tin.
·        Hay chí ít là những giá trị thường hằng của đời sống như: tình yêu, lòng khoan dung, sự tha thứ, thái độ siêu thoát đối với của cải, lòng tự chủ đối với bản năng quyền lực … cũng bị đánh mất do cao ngạo.

Đó là những giá trị làm nên những mối tương quan tương quan sâu đậm trong mỗi tâm hồn con người. Để gìn giữ những giá trị vô cùng ấy, ta cần loại trừ mọi thứ cao ngạo trong đời mình. Bởi mối nguy hiểm do cao ngạo là mối nguy hiểm lớn. Nó làm ta đánh mất Thiên Chúa, đánh mất cả đồng loại quanh ta.

Sự mất mát do cao ngạo, dù đã quá lớn, nó vẫn chưa dừng. Nó biến ta thành kẻ trơ trụi. Trơ trụi đến mức trần trụi: ta chỉ quay quắt với chính mình, cố thủ trong pháo đài của riêng mình. Những danh từ như lòng tin tưởng, bạn bè, người thân … chỉ còn là những khái niệm mơ hồ, xa xăm. Con người có bao giờ thành người trọn vẹn khi tự mình che chắn, bao bọc lấy mình. Vì không là người trọn vẹn, do đó, cao ngạo xô ta đánh mất chính mình.

Từ thuở tạo thiên lập địa, Kinh Thánh đã chứng minh nỗi đau, sự nghiệt ngã do lòng người cao ngạo gây ra: Tổ tông loài người đã cao ngạo đến mức không thể hiểu nổi. Được làm người hạnh phúc, tự do, và thấm đẫm tình yêu Thiên Chúa đã là một ân phúc tuyệt vời, vậy mà tổ tông đã không coi đó làm đủ, lại dám nuôi một giấc mộng tầm cỡ thiên đàng: đòi bằng Thiên Chúa, Đấng mà mình phải phát xuất từ đó. Tổ tông không ngờ giấc mộng của mình lại chính là ảo vọng và tội lỗi.

Bởi cao ngạo quá đỗi, tổ tông đã kéo theo những mất mát cũng lớn không kém: mất Thiên Chúa. Bằng chứng là tổ tông đã tìm cách trốn Thiên Chúa. Mất cả tương quan với đồng loại. Mới ngày nào Ađam còn reo to vui mừng khi được Eva làm bạn: “Đây xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Nhưng sau khi phạm tội, tình nghĩa thắm thiết đã không còn. Nguyên tổ bắt đầu đổ lỗi cho nhau: “Người đàn bà Chúa ban cho con đã hại con”. Và trong tội, nguyên tổ đã đánh mất chính mình, trở thành những kẻ vong thân, sống trong lầm lũi, sợ hãi và tủi nhục.

Và hôm nay, một lần nữa, bài Tin Mừng lại cho thấy người đương thời của Chúa Giêsu, cụ thể là chính đồng hương của Chúa đã sai lầm vì cao ngạo. Chính cái lý lịch xem ra rất tầm thường của Chúa mà họ đã xúc phạm nặng nề với Chúa: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?”. Cũng chính cái lý lịch ấy, làm cho họ, thay vì được nhiều ơn lành từ Chúa Giêsu, thì ngược lại, họ đánh mất tất cả. “Người đã không làm phép lạ nào được”. Có Thiên Chúa ở với mình, nhưng không biết đón nhận, vì thế, họ đã đánh mất cả Thiên Chúa: Không những không thể làm phép lạ, Chúa Giêsu còn bỏ ra đi. Người “qua các làng chung quanh mà giảng dạy”. Khi cố tình đẩy Chúa Giêsu ra khỏi cuộc đời mình, những người đồng hương của Chúa đã làm tổn thương mối liên hệ với Chúa Giêsu xét như một con người: tổn thương mối tương quan giữa người với người.

Mãi đến tận bây giờ, vì không nhìn nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa, sự cao ngạo quá mức ấy, đã làm cho người Dothái, là những đồng hương của Chúa Giêsu, đã qua hai mươi thế kỷ, vẫn cứ vuột mất ơn cứu độ, vẫn là những người mỏi mòn trông chờ Đấng Cứu Thế của lời hứa. Ngày xưa, vì cao ngạo, tổ tông đã thất bại thảm hại. Bây giờ, cũng vì cao ngạo, quê hương của người Dothái, cũng chính là quê hương của Chúa Giêsu, đã tự mình tách khỏi ơn cứu độ. Đó quả là một thất bại thảm hại còn lớn gấp ngàn lần thất bại của tổ tông.


Dấu vết thất bại ấy, đã để lại một tấm gương ngàn đời cho muôn thế hệ. Vậy mà bài học trong tội tổ tông và bài học từ những trang Tin Mừng, lắm khi cả tôi và bạn vẫn chưa thuộc. Sự cao ngạo của ta đã nhiều lần làm gãy đổ tương quan giữa ta với Thiên Chúa, giữa ta với nhau, và với chính ta. Có một cách để chữa trị lòng cao ngạo đó chính là tình thương. Sự cao ngạo của những người đồng hương của Chúa Giêsu, trước hết là một lối mòn của những kẻ không biết yêu thương. Chúng ta hãy dành tặng nhau lòng yêu thương. Có yêu, ta sẽ không còn đố kỵ, không còn kỳ thị, không còn chấp nhất, không còn định kiến, không thiển cận và cũng hết hẹp hòi. Tất cả những điều đó (đố kỵ, kỳ thị, chấp nhất, định kiến, thiển cận, hẹp hòi …) là con đẻ của cao ngạo. Bởi đó, tình thương sẽ giúp ta dẹp bỏ thói cao ngạo. Mọi người hãy yêu thương. Chỉ có tình yêu thương mới là giải pháp trọng vẹn hòng chữa trị cao ngạo.