Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30/07/2018

Filled under:

Lời Chúa: Mt 13, 31-35
Khi ấy Đức Giêsu giảng dạy dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” Tất cả các điều ấy, Ðức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ:
Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn,công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.”
Suy nim 1
Hội nhập văn hóa là việc mà nhà truyền giáo thời nay quan tâm.Làm sao đưa Tin Mừng vào nền văn hóa của người bản xứ?Làm sao đưa những nét đẹp của nền văn hóa bản xứ vào việc sống Tin Mừng?Làm sao để Kitô giáo vừa mang nét mới mẻ của ơn cứu độ có tính phổ quát,vừa mang tinh túy của từng vùng, từng nền văn hóa, tôn giáo, xã hội?Đó là một nỗ lực đòi hỏi nhiều thời gian, trí tuệ và tình yêu.
Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của cha Matteo Ricci (1552-1610),Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cao gương của vị tu sĩ Dòng Tên này.Với thiện cảm sâu xa đối với văn hóa và tôn giáo của người Trung Hoa,Cha Matteo đã đem Tin Mừng đến để bổ sung những truyền thống tốt đẹp.Cha hiểu biết về Khổng giáo như một nho gia uyên thâm,và chấp nhận việc cúi mình để tôn kính Khổng Tử và các bậc tổ tiên.Dùng kiến thức về khoa học của mình để phục vụ,Cha là người vẽ bản đồ thế giới đầu tiên với nước Trung Hoa nằm ở giữa.Mười năm cuối đời sống ở Bắc Kinh, cha viết sách biện giáo,quen biết với nhiều học giả trong triều đình và đưa họ vào Kitô giáo.
Cách truyền giáo của cha Matteo khiến ta nghĩ đến dụ ngôn men và bột.Người phụ nữ đã trộn men vào một lượng bột rất lớn.Ba đấu bột bằng khoảng 50 ký bột, làm bánh đủ cho cả trăm người ăn.Điều đáng ta để ý ở đây là chuyện trộn men vào bột.Một lượng men nhỏ được người phụ nữ trộn đều với khối bột lớn.Đây là một công việc vất vả, làm bằng tay.Khi được trộn nhuyễn, ta không còn phân biệt được men với bộtQui trình lên men đòi hỏi thời gian.Men phát huy sức mạnh tiềm ẩn của nó, khi làm cả khối bột lên men, nở ra.Bấy giờ ta mới nhận ra sự hiện diện ẩn giấu và tác động của men trong bột.Khi ăn những tấm bánh thơm, chẳng ai thấy men, vì men đã thành bánh rồi.Nhưng không có men thì cũng chẳng có bánh.Đức Giêsu dùng dụ ngôn này để nói về Nước Trời.Khởi đầu chỉ là một số lượng nhỏ bé,nhưng với thời gian sẽ gây được một ảnh hưởng lớn lao và tốt lành.
Tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam không đông, một lượng men nhỏ.Nhưng nếu chúng ta khiêm tốn có mặt và phục vụ giữa lòng dân tộc,tôn trọng những giá trị văn hóa và tâm linh của đồng bào,chúng ta có hy vọng làm cho khuôn mặt của Công giáotrở nên phong phú hơn, dễ mến hơn và hấp dẫn hơn.Phải chấp nhận như men bị chôn vùi, biến mất trong đống bột.Phải có mặt ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực nghiên cứu.Nhưng cũng phải kiên nhẫn chờ men phát huy tác dụng.
Nếu chúng ta chẳng làm cho đất nước này thành tấm bánh thơm ngon,nếu môi trường chúng ta đang sống, đang làm việc chẳng có gì tiến bộ,chẳng công bằng hơn, huynh đệ hơn, hạnh phúc hơn, trong sạch hơn…thì có khi chúng ta phải tự hỏi xem mình có còn là thứ men tốt không.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.Thế gian này vàng thau lẫn lộn.Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,giữ được vị mặn của muối,và sức tác động của men,để đem đến cho thế gianmột linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,chỉ sợ mình bỏ sống đạovì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằngchúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vuicủa người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2

Một em trai học lớp 5, vừa được xưng tội - rước lễ. Người chú hỏi: cháu có thấy thay đổi gì trong cháu không?

Em bé trả lời, con không biết, nhưng con chỉ biết rằng, khi chưa rước Chúa, con thường hay tranh giành, cãi lộn với anh, nhưng từ khi con rước Chúa, con không tranh chấp như vậy nữa. 

“Nước Trời giống như chuyện hạt cải, tuy bé nhỏ, nhưng khi lớn lên, trở thành nơi trú ẩn an toàn cho chim trời”. Khi một người thực sự khao khát lãnh nhận lời Chúa, ơn Chúa, chắc chắn sẽ được lớn lên tốt lành. Người sống trong ơn Chúa, sống nhờ lời Chúa, sẽ có sức mạnh để trở thành nơi nương tựa cho những người yếu đuối. Những cơn mưa tranh chấp, những nắng gắt thói đời, những gió bão dục vọng, không làm người mạnh tin chao đảo; ngược lại, họ sẽ đứng vững, họ sẽ an bình. Điều mà mỗi người chúng ta cần phải làm: biết chăm sóc, vun trồng cho Nước Trời lớn lên trong chúng ta.

Sống với mọi người, không thể không có ảnh hưởng lẫn nhau. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Cha ông đã khẳng định thế. Vậy chúng ta có thể ảnh hưởng đến người khác, hoặc ngược lại. Người có đức tin mạnh mẽ luôn là nơi nương tựa cho cộng đoàn, lối xóm. Nhưng khi ta chưa đủ lớn về đức tin, chưa đủ vững về lòng mến, chắc chắn sẽ bị quỉ dữ thống trị.

Ơn Chúa luôn đủ cho ta. Nhưng ta thì có biết cộng tác vun xới, chăm sóc cho đức tin ngày càng lớn mạnh trong ta không? Như em bé trên đây, em đã biểu lộ sự lớn lên trong Nước Trời, khi em đã đủ sức chiến thắng những tật xấu trước kia. Mỗi người chúng ta cũng nên xét lại độ cao, độ lớn của Nước Trời trong ta. Nếu mỗi ngày, chúng ta đã hóa giải được những xung khắc trong cuộc sống, để giữ bầu khí an bình trong gia đình, lối xóm. Nếu trước những cám dỗ của tinh thần thế gian mà chúng ta đã chọn lựa theo tinh thần Phúc Âm, lúc đó, chúng ta mới có thể nói mình có đức tin; và Nước Trời đang ở trong tôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin thêm lòng tin cho mỗi người trong gia đình chúng con. Xin giúp chúng con biết chăm lo làm việc lành phúc đức, để cây đức tin và Nước Trời mỗi ngày lớn lên trong chúng con. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:30

Gia Đình Công Giáo Có 5 Người Con Đi Tu Ấn Tượng Nhất Việt Nam

Filled under:

Đạo gốc lâu năm có nhiều người con đi tu làm Linh mục và Tu sỹ đã rất là độc đáo và là chuyện rất dễ hiểu. Ấy vậy mà có gia đình tân tòng, mới theo Đạo cũng độc đáo không kém, cũng bằng chị bằng em, thậm chí hơn nhiều chị nhiều em.
Gia Đình Công Giáo Có 5 Người Con Đi Tu Ấn Tượng Nhất Việt Nam

Gia đình đó đã gây ngỡ ngàng sửng sốt cho rất nhiều người.
Đó là gia đình Tân Linh mục Giuse M. Lê Văn Đông OCD, thuộc Giáo xứ Lang Minh- Giáo phận Xuân Lộc thuộc xã Lang Minh- huyện Xuân Lộc- Tỉnh Đồng Nai.
Vì gia đình đó tuy tân tòng, tuy mới theo Đạo nhưng lại quá ấn tượng là vì có:Người con thứ nhất chính là Tân Linh mục Giuse M. Lê Văn Đông. Ngài vừa mới lãnh nhận chức Linh mục hôm 05/06/2018 tại Philippines. Thánh Lễ Tạ ơn của Ngài sẽ diễn ra lúc 9h Thứ Ba ngày 12.06.2018 tại Thánh đường Giáo xứ Lang Minh.
Người con thứ hai là một nữ tu dòng kín đã khấn trọn đời tại Fatima Bình Triệu, chính là sơ Anh Phương.
Người con thứ ba tên Huy đang là chủng sinh khóa XI Đại Chủng Viện Xuân Lộc
Người con thứ tư tên Hưng cũng là chủng sinh khóa XI Đại Chủng Viện Xuân Lộc.
Người con thứ năm đang là dự tu.
Gia Đình Công Giáo Có 5 Người Con Đi Tu Ấn Tượng Nhất Việt Nam
Cả nhà có 5 người con đều đi tu cả 5.
Thật quá sức tuyệt vời ! Thật quá sức tưởng tượng !
Việc Chúa làm, vượt quá trí tưởng tượng của con người.
Thật hiếm có, thật khó tìm.
Đó chính là gia đình ông bà cố Antôn Lê Văn Nam và Têrêsa Nguyễn Thị Hiển.
Gia đình đó là niềm ngưỡng mộ và khao khát cho biết bao gia đình Công giáo đạo gốc lâu năm.
Chúa không bao giờ phân biệt kẻ mới, người cũ.
Ngài không bao giờ thiên vị bất cứ ai, bất cứ gia đình nào.
Bất cứ ai thành tâm mở lòng ra đón nhận Ngài và thực hành Đức công chính thì sẽ được Ngài sẵn sàng dang tay đón nhận.
Ta hãy Tạ ơn Hồng Ân vô cùng dồi dào, hết sức ấn tượng và rất mực dịu ngọt của Chúa.
Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền hồng ân Chúa cao vời, Chúa đã làm cho con.
Thương con từ ngàn xưa, một tình yêu chan chứa. Và chọn con đi làm đuốc sáng chiếu soi trần gian.
Cho con say tình mến và này con xin đến. Một đời trung trinh làm muối đất ướp cho mặn đời.
Xin Chúc mừng Ông Bà cố và Tân Linh mục Fr Dong Le.
Nguyện xin Chúa chúc lành cho gia đình và chăm sóc nuôi dưỡng cho các con của Ông Bà cố đã và đang trên đường dâng hiến luôn thuộc trọn về Ngài.
(Giuse Kích).

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:01

Phút suy niệm ngày 30/7/2018

Filled under:

Phút suy niệm ngày 30/7/2018
“Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải…” (Mt 13,31).
Người ta thường nói: "Chuyện bé xé ra to". Nhưng ở đây hạt giống bé đã làm nên đại sự.
Ai cũng biết, hạt cải (Cải xanh) là hạt rau bé nhất trong các loại hạt rau. Cây cải trưởng thành gặp chỗ đất tốt, nó có tán lá rộng gần 1m2, đủ để cho các loại chim chóc,ếch nhái trú ngụ.
Ở Đây Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn để nói về hành vi. Những hành vi dù nhỏ mang tính Tin Mừng sẽ hoán cải mỗi người và làm biến đổi thế giới này.
Các thánh xưa đã biến đổi đức tin nhỏ bé của mình thành lớn lao khi tuyên xưng Thiên Chúa là Cha và chấp nhận cái chết để đức tin ấy được trưởng thành.
Lạy Chúa, Chúa đã dùng dụ ngôn mà dạy chúng con nhiều điều. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con ý thức từng lời nói, hành động nhỏ bé của chúng con, để như men, như hạt cải được lớn lên cho Nước Trời mau lan rộng trong tâm hồn mọi người. Amen.


Thánh Phêrô Chrysologus
(406-450?)
Thánh Phêrô Chrysologus sinh ở Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu chức phó tế bởi Đức Cornelius, là Giám Mục của Imola.

Thánh Phêrô có biệt danh là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng của ngài. Vào năm 433, Đức Giáo Hoàng Sixtus III tấn phong ngài làm giám mục của Ravenna. Ngài thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần, và chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.

Ngài tẩy sạch mọi vết tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được phát sinh trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn. Ngài nhận xét, "Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Đức Kitộ"

Thánh Phêrô Chrysologus từ trần ở Imola năm 450, và năm 1729 ngài được đặt làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn lưu truyền đến ngày nay.

Lời Bàn
Chắc chắn rằng thái độ của Thánh Phêrô Chrysologus đối với việc học đã đem lại cho ngài tài hùng biện. Theo quan điểm của thánh nhân, ngoài việc trau dồi đức tính, việc học hỏi là sự thăng tiến lớn lao cho trí óc con người và giúp hỗ trợ tôn giáo. Sự ngu dốt không phải là một đức tính, và cũng không giúp gì cho trí óc. Kiến thức là nguồn hãnh diện không khác gì khả năng của thể xác, về hành chánh hay tài chánh. Là một con người đích thực thì phải phát triển kiến thức -- dù kiến thức đạo hay đời -- theo khả năng và cơ hội của mỗi người.

Lời Trích
Eutyches, người lãnh đạo lạc giáo từ chối nhân tính của Đức Kitô, sau khi bị Giáo Hội kết án, ông tìm sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Thánh Phêrô Chrysologus. Thánh nhân thành thật nói với ông ta: "Vì lợi ích cho đức tin và sự bình an, chúng ta không thể phán xét vấn đề mà không có sự đồng ý của vị giám mục Rôma." Ngài thúc giục Eutyches hãy đơn sơ chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể và ngài nhắc cho ông biết rằng, nếu sự bình an trong Giáo Hội khiến thiên đàng vui mừng thì sự chia cắt chắc chắn sẽ đem đến lo buồn.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:37

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVII NGÀY 29/07/2018

Filled under:

Lời Chúa: Ga 6, 1-15
Hôm ấy, Ðức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người làm cho những kẻ đau ốm. Ðức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái.
Ngước mắt lên, Ðức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Philípphê đáp: “Thưa có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!”
Ðức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý.
Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.
Dân chúng thấy dấu lạ Ðức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Ðấng phải đến thế gian!” Nhưng Ðức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
Suy nim 1
Có người cho rằng Kitô giáo là một thứ duy tâm,
chỉ biết có đời sau, chỉ lo cho linh hồn.
Khi đọc Tin Mừng, ta thấy một điều khác hẳn.
Ðức Giêsu vừa rao giảng Nước Trời,
vừa chữa mọi thứ tật bệnh cho dân chúng.
Ngài quan tâm đến thân xác con người.
Ngài đem lại ơn cứu độ cho cả hồn lẫn xác.
Ðức Giêsu đã từng nếm cái đói trong hoang địa,
cái khát bên bờ giếng, cái mệt khiến Ngài ngủ vùi,
cái lạnh của những đêm không chỗ trọ,
Ngài biết con người có thân xác và là thân xác.
Khi thấy đám đông kiên trì theo Ngài,
Ðức Giêsu biết lòng họ rất vui, nhưng bụng họ thì đói.
Ngài muốn tặng họ một bữa ăn đơn sơ, bất ngờ,
một bữa ăn tập thể ngoài trời,
trên thảm cỏ xanh tươi sau những trận mưa xuân.
Bữa ăn khiến niềm vui được trọn vẹn.
“Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”
Ðức Giêsu đưa các môn đệ đi vào nỗi bận tâm của Ngài.
Ngài cần sự cộng tác của họ.
Nhưng câu hỏi trên lại là một bài toán khó.
Nó giúp các môn đệ nhận ra sự bất lực của mình.
Dù có một số tiền lớn cũng chẳng thấm vào đâu.
Khi con người bất lực thì Thiên Chúa bày tỏ quyền năng.
Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ,
từ tay một cậu bé con đến tay Ðức Giêsu,
đã trở nên lương thực nuôi năm ngàn người.
Thế giới tiến bộ hôm nay vẫn là một thế giới đói.
Ðừng vội nói đến cái đói tinh thần.
Cái đói trên thân xác vẫn làm con người quay quắt.
Ðói cơm ăn áo mặc, đói nhà ở, đói thuốc men,
đói chút nước sạch, rau sạch để dùng,
đói an toàn và bảo hộ khi lao động,
đói một bầu khí trong lành và yên tĩnh để nghỉ ngơi...
Có bao Kitô hữu đã xót xa trước cảnh đói,
và đã bắt tay vào cuộc với niềm tin,
dù họ chỉ có năm cái bánh và hai con cá.
Tất cả những gì giúp thăng tiến đời sống con người
đều là việc thánh thiêng, việc của Chúa.
Khi thân xác con người được sống xứng hợp,
tâm hồn con người dễ vươn lên các giá trị tinh thần.
Thiên Chúa đã ban một trái đất đủ nuôi sống mọi người.
Ðừng trách Thiên Chúa đã tạo ra nghèo khổ.
Chỉ nên nhận rằng bất công nằm ngay nơi lòng mình.
Xã hội còn nhiều người nghèo đói
vì tôi không dám chia sẻ cả điều mình dư thừa,
vì tôi bị hút vào cơn lốc của thời trang và mua sắm,
vì tôi xa lạ với những Giêsu quanh tôi
đang đói khát, không nhà, trần trụi và đau yếu.
Ước gì tôi biết yêu mến con người như Ðức Giêsu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất nàylà thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,không còn những cô gái đứng đườnghay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,và xanh của bao niềm hy vọngnơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM 2

      Quyền năng Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Thế nhưng, ở đây phép lạ đã không xảy ra từ con số không. Chúa Giêsu đã cần đến 5 chiếc bánh và 2 con cá như là chất liệu đầu tiên, để từ đó, Người làm cho trở nên nhiều hơn. Chẳng phải là Người bất năng, nhưng là Người muốn rằng, con người phải cộng tác vào việc nuôi sống người anh em đồng loại của mình bằng một sự đóng góp, có thể là rất ít ỏi lúc khởi đầu. Nhưng tuy là ít ỏi, miễn là sẵn lòng cho đi, thì với quyền năng của Thiên Chúa, Người sẽ làm cho sự đóng góp đó trở thành phong nhiêu.

      Mặt khác, để phép lạ có thể xảy ra, Thiên Chúa cũng đòi hỏi nơi con người một sự can đảm dám bẻ ra tấm bánh mà mình đã nhận được hay đang có được mà cho đi. Chính khi dám bẻ đôi tấm bánh và trao cho người anh chị em bên cạnh mà người ta phát hiện ra rằng, tấm bánh mình đang cầm trên tay vẫn còn có thể bẻ đôi ra mãi. Và kết quả là, mọi người đều có bánh để ăn, thậm chí còn dư thừa nữa!

      Rõ ràng là Thiên Chúa không muốn thấy cảnh con cái Ngài thiếu thốn hay đói khát, cũng như thấy những kẻ cho người khác thức ăn hay của cải mình có, phải thiếu hụt hay thiệt thòi; chính Ngài bù đắp và bù đắp cách dư dật: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6, 38).

     Ngày nay chúng ta thấy nhiều người đói khổ và có lẽ chúng ta cũng mơ đến một phép lạ nào đó để tất cả mọi người nghèo đói trên thế giới đều có cơm ăn áo mặc. Nhưng phép lạ đó hoàn toàn tùy thuộc ở chúng ta, bởi lẽ Thiên Chúa tự trói buộc quyền năng của Ngài vào hành động quãng đại hào phóng của chúng ta đối với người anh chị em đồng loại của mình. Bao lâu chúng ta dám mở rộng lòng mình và mở rộng bàn tay mà cho đi những gì mình có, thì bấy lâu Chúa vẫn còn sẵn sàng thực hiện phép lạ để giúp đỡ cả chúng ta lẫn người anh em xung quanh chúng ta.

      Bạn có thấy những người đói khổ, nghèo túng xung quanh bạn không? và bạn đã làm gì để giúp đỡ họ?

     Lạy Chúa, xin giúp con biết mở rộng đôi tay, không nắm giữ khư khư tất cả; trước cửa nhà có người nghèo đói lả, xin dạy con biết chia sẻ vui lòng. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:38

Thánh Melchior Garcia Sampedro - Xuyên, tử đạo ngày 28 tháng 7 năm 1858

Filled under:

Thánh
Melchior Garcia Sampedro - Xuyên
Giám mục dòng Đa Minh (1821 - 1858)
Ngày tử đạo: 28 tháng 7
Hãy nhìn khuyết điểm của tha nhân để sửa mình.
Thánh Melchior Garcia Sampedro - Xuyên sinh ngày 26/04/1821 tại Arrojo, tỉnh Oviedo, nước Tây Ban Nha. Gia đình ngài thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng đã sa sút đến chỗ nghèo khổ.
Năm 21 tuổi, thầy Sampedro học thần học ở Chủng viện Oviedo. Ba năm sau, thầy xin vào dòng Đa Minh để được đi truyền giáo. Sau năm tập, thầy tuyên khấn và chuẩn bị thụ phong linh mục ngày 29/05/1847. Đến Manila, cha Sampedro xin và được cử đến Việt Nam vào tháng 02/1849. Từ nay cha có tên mới là Xuyên.
Tháng 03/1850 cha Xuyên được Đức cha Sanjurjo - An đặt làm Giám đốc chủng viện ở Cao Xá.Tháng 7, cha được chọn làm đại diện giám tỉnh. Cha Xuyên cho in nhiều tập sách giáo lý nhỏ cho giáo hữu và quan tâm truyền giáo cho lương dân.
Năm 1852, Đức cha An đã chọn cha Sampedro làm giám mục phó. Lễ tấn phong được cử hành long trọng ngày 16/09/1855 tại Bùi Chu. Đức cha Xuyên nhiệt tình trong sứ vụ mới. Riêng năm 1855, địa phận Trung có 35.349 trẻ em được rửa tội.
Cuộc bách hại gia tăng, thánh Sanjurjo-An chịu tử đạo ngày 20/07/1857. Dù bị ra giá cao cho ai bắt được, nhưng Đức cha vẫn lén lút đi thăm các họ đạo vào ban đêm. Đề phòng giáo phận sẽ không có chủ chăn, Đức cha Xuyên đã chọn cha Valentino - Vinh làm giám mục phó. Lễ tấn phong của vị giám mục gậy tre mũ giấy được cử hành âm thầm vào bân đêm tại nhà mt giáo dân ở Ninh Cường.
Ngày 08/07/1858 tại Kiên Lao, Đức cha Xuyên bị bắt cùng hai chú giúp lễ Nguyễn Tiệp và Mai Hiến. Sau 20 ngày trong ngục, Đức cha lãnh án lăng trì ngày 28/07/1858. Trên đường ra pháp trường Bảy Mẫu, một tay cầm sách nguyện, tay còn lại Đức cha giơ cao ban phép lành cho dân chúng. Tuy nhiên cũng có kẻ lấy bùn ném vào ngài.
Sau khi hai cậu Tiệp và Hiến đón nhận phép lành của Đức cha, rồi đưa cổ chịu chém, lý hình xô vị giám mục nằm sấp trên chiếu có phủ vải, rồi họ cột chân tay căng vào bốn cọc ở bốn phía, và thêm hai cọc ở dưới nách để nạn nhân khỏi cựa quậy.
Đức cha thụ án, thi thể được chôn dưới một hố sâu. Thủ cấp thì bêu nơi công cộng ba ngày. Về sau các giáo hữu đưa thi hài Đức cha về an táng tại Phú Nhai. Năm 1888, thi hài của ngài được dời về quê hương Oviedo, nhưng tay phải thì để lại Bùi Chu, còn tay trái được đưa về Manila.
Ðức Giám mục Garcia Sampedro - Xuyên được suy tôn lên bậc chân phước ngày 29/04/1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:32

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho Hội nghị quốc tế về thần học luân lý

Filled under:


VATICAN - "Cần có các cá nhân và cơ cấu đảm trách việc lãnh đạo giúp tái khám phá và sống một cách đúng đắn hơn trong thế giới qua việc chia sẻ cùng một số phận chung với tinh thần trách nhiệm và liên đới".
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong sứ điệp gửi các tham dự viên hội nghị quốc tế về thần học luân lý, triệu tập tại Sarajevo bên Bosni Erzegovina trong hai ngày 26-27 tháng 7 vừa qua. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nêu bật giá trị biểu tượng của con đường hòa giải của thành phố này, sau cuộc chiến khốc liệt đã gây ra biết bao khổ đau cho dân chúng vùng này.
Sarajevo là thành phố của các cây cầu. Hội nghị cũng lấy nguồn cảm hứng từ đó và nhắm tới việc tái thiết một bầu khí chia sẻ và làm cho các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo, các quan điểm và định hướng chính trị xích lại gần nhau hơn. Với đề tài “xây các cầu chứ không xây các bức tường”, hội nghị củng cố niềm hy vọng tiếp nhận mọi dấu chỉ và huy động mọi năng lực giúp loại trừ các bức tường chia rẽ và xây các cây cầu huynh đệ trên thế giới.
Trong một thời đại nguy hiểm như hiện nay, cần chú ý tới thách đố của môi sinh, vì nó chứa đựng các khía cạnh có thể gây ra các mất quân bình trầm trọng, không phải chỉ trên tương quan giữa con người và thiên nhiên mà cả trên các tương quan giữa các thế hệ và các dân tộc nữa. Thách đố đó là chân trời của việc hiểu biết luân lý môi sinh và luân lý xã hội. Do đó việc chú ý tới đề tài của người di cư tỵ nạn rất nghiêm trọng và khơi dậy một sự hoán cải liên quan tới suy tư thần học luân lý trước khi liên quan tới các thái độ mục vụ thích hợp và các thực hành chính trị có tinh thần và ý thức trách nhiệm. Để nền luân lý thần học có thể góp phần đặc thù của mình, cần tạo ra một mạng lưới quy tụ người trên năm châu chuyên dấn thân suy tư và tìm ra các câu trả lời mới và hữu hiệu qua các phân tích, thực hành thương xót và chú ý tới thảm cảnh của con người, đồng hành và săn sóc nó với lòng thương xót. Để có thể thực hiện mạng lưới này cần xây các cây cầu, chia sẻ lộ trình và tăng tốc việc tiến đến gần nhau. Đây không phải là chuyện đồng nhất hóa quan điểm, nhưng là kiếm tìm sự đồng quy các ý hướng, rông mở đối thoại và đối chiếu các viễn tượng.
Đức Thánh Cha mạnh mẽ kêu gọi và khích lệ các chuyên viên thần học môi sinh thực hiện được mạng lưới đó tận dụng các kinh nghiệm của nhiều hội nghị trước đó tại Padova và Trento, cũng như kinh nghiệm của các đại hội vùng miền đó đây trên thế giới giúp sống kiểu chia sẻ đem lại hoa trái cho toàn thể Giáo Hội. (REI 27-7-2018)
Linh Tiến Khải


Tôn giáo góp phần quan trọng trong cuộc đối thoại Nam Bắc Hàn


Đức cha Peter Lee Ki-heon, Giám mục Uijeongbu, Chủ tịch Ủy ban hòa giải của HĐGM Nam Hàn, đã nói như trên. Giáo phận của ngài nằm gần biên giới Bắc Hàn. Theo Đức cha, con đường hòa giải hai miền Nam Bắc Hàn là một ưu tiên hàng đầu cũng như việc đoàn tụ các gia đình bị phân rẽ. Đức cha nhớ lại hồi năm 1951 khi ngài lên 4 tuổi, đã phải cùng mẹ và một chị gái bỏ Pongyang là quê sinh để chạy loạn chiến tranh, và theo cha đã đến Busan bên Nam Hàn cùng với nhiều người tỵ nạn trước đó vài tháng. Nhưng 2 chị gái khác còn ở lại Pyongyang, và từ ngày đó, mẹ ngài sống trong nỗi âu lo khắc khoải trước cảnh gia đình phân rẽ. Tại Bắc Hàn, các Kitô hữu đã bị bách hại khốc liệt. Năm 1949, mọi linh mục ở Pongyang đều bị bắt, và nhà thờ chính tòa bị đóng cửa. “Mẹ tôi kể rằng trong số những người bị bắt và bị giết cũng có bác tôi là linh mục Jae-ho Lee, chánh xứ Kirim-ri. Hiện nay bác cũng đang trong tiến trình được phong chân phước cùng với Đức cha Francis Hong Yong-ho và các vị khác”, Đức cha nói. Ngài cũng cho biết thêm là sau cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn và cuộc gặp gỡ giữa các vị lãnh đạo của hai miền Nam Bắc, toàn dân hai miền đã rất sung sướng.
Các hình ảnh này cho thấy có thể tìm ra một giải pháp giải quyết sự thù nghịch kéo dài từ 60 năm qua. Việc đối thoại giữa hai miền Nam Bắc cũng cho phép các gia đình đoàn tụ. Đa số họ đã chết hầu hết vì đã già hơn 90 tuổi. Thế hệ hồi đó chỉ còn lại 4-5 ngàn người. Hai bà chị của Đức cha cũng đã qua đời. Tuyên ngôn Panmunjom có thể đem lại hoa trái, nếu hàng lãnh đạo của cả hai miền kiên nhẫn đối thoại với nhau, với sự tôn trọng và tin tưởng. Tổng thống Nam Hàn đã từng khẳng định vai trò quan trọng mà tôn giáo có thể có đối với tương quan giữa hai miền. Nó không chỉ có nhiệm vụ thăng tiến ý chí trực tiếp mà còn tạo ra bầu khí hòa hợp và một môi trường cởi mở cho sự cộng tác nữa. (REI 17-7-2018)


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:29