THÁNH PHILÍPPHÊ và THÁNH GIACÔBÊ HẬU TÔNG ĐỒ
Các thánh là những người đã biết “lắng nghe, đáp lại và sống trung thành Lời Chúa” kêu gọi. Hai bản văn dưới đây về đời sống thánh Philiphê và thánh Giacôbê tông đồ sẽ nói lên đầy đủ chân lý ấy.
Thánh Philiphê cùng một quê quán với hai anh em thánh Phêrô và Anrê. Ngài sinh ra tại làng Bêsaiđa, một làng chài lưới trải mình trên bờ biển Tibêriát. Ông Clêmentê Alêxanđria quyết đã thấy thánh Philiphê xin phép Chúa Giêsu trở về mai táng xác cha. Nhưng Chúa không cho phép. Người còn bảo thánh nhân: “Hãy theo Ta và hãy để mặc kẻ chết chôn kẻ chết” (Tuy nhiên, vì Phúc âm không ghi rõ vị tông đồ nào đã xin Chúa như thế, nên sự quyết đoán của ông bị coi như điều bịa đặt). Và đây những chi tiết xác thực vì Gioan thánh sử đã viết về thánh Gioan Tẩy giả, ngài là một trong những vị tông đồ được gọi theo Chúa đầu tiên. Một hôm gặp ông Nathanaen, mà người ta thường nói cũng là thánh Batôlômêô, thánh Philípphê nói với ông: “Chúng tôi đã gặp thấy Con Người mà luật Maisen và các tiên tri đã nói đến: Đó chính là Giêsu, con trai ông Giuse làng Nazarét”. Nathanaen mỉm cười đáp lại: “Ô! Làm gì Nazarét lại có thể xuất hiện một điều lạ như thế?” Philipphê quyết thêm: “Thì ông cứ đến mà xem”. Nathanaen đã đến và nghe lời Chúa Cứu Thế, ông đã hết sức cảm phục” (Ga. 1,43-51).
Phúc âm còn cho chúng ta biết thánh Philipphê là một trong những tông đồ được Chúa tín nhiệm cách đặc biệt. Chính lần đầu tiên hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã hỏi để thử thánh nhân: “Tìm đâu có bánh để mua cho những người này ăn?” Dĩ nhiên Chúa đã biết trước những việc phải làm. Và thánh Philipphê thưa với Chúa: “Dù có hai trăm bạc bánh, cũng không đủ cho mỗi người một mẩu” (Ga. 6,5-7)
Lần khác những người dân ngoại xúm lại và dâng lời ca tụng Chúa. Rồi họ lại nói với thánh Philipphê, người làng Bêsaiđa xứ Galilê: “Này ông, chúng tôi muốn được nhìn thấy rõ ông Giêsu”. Thánh Philipphê tỏ bày cho thánh Anrê hay rồi cả hai đến thưa lại Chúa Giêsu (Gạ13,21-22).
Sau cùng, khi Chúa Giêsu nói với các tông đồ sau bữa tiệc ly, thánh Philiphê, vì ít hiểu Lời Chúa nói, đã mạnh bạo thưa với Chúa: “Lạy Thầy, xin Thầy chỉ Thiên Chúa Cha cho chúng con là đủ”. Chúa Giêsu trả lời cho ngài: “Thầy ở với các con đã lâu, mà các con vẫn chưa nhận biết Thầy sao? Philípphê, kẻ đã thấy Thầy thì cũng nom thấy Thiên Chúa Cha. Tại sao con còn nói Thầy hãy chỉ Thiên Chúa Cha cho các con? Những lời mà Thầy nói với các con thì Thầy không nói tự mình, nhưng Thiên Chúa Cha ở trong Thầy đã làm những việc đó. Các con hãy tin lời Thầy là Thầy ở trong Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Cha ở trong Thầy. Các con hãy tin những điều đó ít ra là vì những công việc này” (Gạ14,7-12).
Chúng ta phải nhận thực rằng: nhờ có câu hỏi ngây ngô và đơn thật của thánh Philipphê mà Chúa đã hé mở cho chúng ta những ý niệm cao cả về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi. Cũng như các Tông đồ khác, theo lời Chúa dạy, thánh Philipphê sẽ được thấu hiểu những điều bí nhiệm ấy sau giờ Thánh Linh hiện xuống.
Theo tương truyền thì thánh Philípphê đi giảng Phúc âm cho người Nhục Chi và đã đưa về cho Chúa nhiều linh hồn. Những năm cuối đời của thánh nhân, chúng ta khó có một tài liệu nào xác thực, vì nhiều tác giả lẫn ngài với thánh Philípphê phó tế (kính ngày 6-6). Tuy nhiên điều chắc chắn là thánh Philípphê sống rất thọ, và đã chết tại Hiêrapoli thuộc sứ Phrygia. Theo ông Êusêbiô thì xác thánh Philípphê được mai táng tại Hiêrapoli. Tuy nhiên cũng phải thêm rằng ông Clêmentê Alêxanđria quyết thánh Philípphê chết vì bệnh tật và tuổi già chứ không chịu tử đạo dưới triều Hoàng đế Đômitieanô hay Tragianô như nhiều tài liệu cổ thời còn để lại”.
Vào quãng năm 560, Đức Giáo Hoàng Pêlagiô I cho đem xác thánh nhân từ Hiêrapoli về Contantinôpôli và sau lại cải táng về Rôma, đặt trong nhà thờ mười hai thánh Tông đồ. Về lễ kính ngài, hình như mãi đến thế kỷ VI mới được chỉ định vào cùng ngày với thánh Giacôbê hậu mà chúng ta đọc truyện dưới đây.
* THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ
Trong số mười hai thánh Tông đồ có hai vị cùng mang tên là Giacôbê. Vì thế, để phân biệt với Thánh Giacôbê con ông Giêbêđê, người ta đã gọi thánh Giacôbê mà chúng ta kính nhớ hôm nay là Giacôbê Hậu. Ngài là con trai ông Anphê họ hàng với Chúa Cứu Thế. Ngài làm Giám mục thứ nhất cai quản thành Giêrusalem. Ngoài Phúc âm, Công vụ sứ đồ và thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Galát cũng cho chúng ta biết nhiều về đời sống thánh nhân. Ngài và thánh Giuđa, em ngài, được Chúa Giêsu gọi làm môn đệ vào năm thứ hai thời kỳ Chúa giảng đạo. Chính thánh Giacôbê được diễm phúc Chúa hiện ra cách đặc biệt sau khi sống lại (1Cr 15,7), Chúa hiện ra và ban cho ngài ơn hiểu biết.
Theo Clêmentê Alêxanđria, thánh Giêrônimô và thánh Êpiphanô quyết rằng: Chính Chúa Giêsu, sau khi lên trời, đã truyền cho thánh Giacôbê quản trị Giáo hội Giêrusalem. Vì thế trước khi chia tay đi giảng đạo, các Tông đồ đã đồng thanh đề cử ngài làm Giám mục Thành Thánh.
Sau đó, để chính quyền Do thái khỏi nghi ngờ và làm khó dễ thánh Giacôbê, thánh Phêrô đã muốn người ta tiết lộ việc Sứ thần Thiên Chúa đến giải thoát thánh nhân ra khỏi ngục thất và dẫn về nhà bà Maria, thân mẫu ông Marcô. Khi tới nơi, lúc cửa mở ra thánh Phêrô đã kể lại cho mọi người nghe Chúa đã cứu ngài ra khỏi ngục như thế nào. Sau cùng ngài thêm: “Hãy đi báo tin cho thánh Giacôbê và các chư huynh” (Cv. 12,12-17). Hơn thế, thánh Phaolô, sau khi trở lại và được Chúa trao sứ mệnh đã đến Giêrusalem, để gặp thánh Giacôbê, anh em của Chúa Cứu Thế (Gl 1,19). Rồi trong công đồng đầu tiên họp tại Giêrusalem để giải quyết vấn đề lương dân với việc giữ luật Maisen, thánh Giacôbê đã tóm tắt bài diễn thuyết của thánh Phêrô về việc giảng Phúc âm cho dân ngoại, đồng thời ngài cũng nêu lên những quy tắc phải giữ trong việc nhận những lương dân vào giáo hội. Sau cùng ngài kết luận: “Tôi có ý kiến là không nên làm khó dễ những lương dân muốn trở về với Chúa” (Cv. 15). Lần chót đến Giêrusalem, thánh Phaolô cũng đến thăm thánh Giacôbê, nơi đây ngài gặp đông đủ các kỳ lão hội họp; ngài đã kể cho họ nghe tất cả những việc Chúa làm nơi các lương dân (Cv. 21,18-19).
Mấy sử gia Do Thái cũng làm chứng thánh Giacôbê là một trong mười hai vị tông đồ và đã làm Giám mục đầu tiên tại Giêrusalem.
Đàng khác chính những người Do thái cũng tôn kính ngài đặc biệt. Nói về đời sống thánh thiện của thánh Giacôbê, Êusêbiô và thánh Giêrônimô đã viết như sau: “Thánh nhân giữ trọn vẹn đức trinh khiết và lòng trinh trong; Nadi có nghĩa là đã tận hiến cho Thiên Chúa ngay từ khi lọt lòng. Ngài không cắt tóc cạo râu cũng không dùng rượu, xoa dầu và mang dép hay mặc quần áo quý. Ngài thường quỳ gối cầu nguyện đến nỗi da hai đầu gối trở thành chai như da lạc đà. Với đời sống thánh thiện hiếm có, ngài xứng đáng đội tên là “Người Công Chính đích thực”.
Lịch sử cho ta hay thánh Phaolô đã nổi xung với người Do thái, vì họ đã hờn giận chống đối lại thánh Giacôbê. A dua với bọn Biệt phái, một số người Do thái không trở lại đã vu khống cho thánh Giacôbê là kẻ phản luật. Họ ép buộc ngài phải chối đức tin, nhưng ngài nhất quyết không nhượng bộ. Vì thế họ đã kết án ném đá thánh nhân. Trước khi hành hình, họ đưa ngài lên nơi cao trên đền thờ và hỏi: “Hỡi người công chính, ngươi hãy nói cho chúng ta hay chúng ta phải tin vào ông Giêsu chịu đóng đinh như thế nàỏ” -- Thánh nhân trả lời: “Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, bây giờ Người ngự bên hữu Đấng Quyền phép, một ngày kia Người sẽ ngự trên đám mây trời mà đến”.-- Nghe như thế, một số đông dân chúng dâng lời ca ngợi Thiên Chúa, nhưng các luật sĩ lại nổi giận chống đối thánh Giám mục. Họ đẩy ngài ngã từ trên nóc cao đền thờ xuống. Nhưng ngài chưa chết. Ngài còn gượng quỳ gối cầu nguyện, xin Thiên Chúa thứ tha cho kẻ thù. Để thoả cơn giận và che dấu sự xấu hổ của chúng, bọn luật sĩ hô dân ném đá thánh Giacôbê, cho đến khi ngài chết lịm đi mới chịu thôi. Thánh nhân tử đạo vào năm 62, năm thứ bảy của triều đại Nêrô, nhằm đúng ngày lễ Phục sinh, tức quãng ngày 17-04.
Sử gia Hêghêsiô làm chứng rằng: xác Thánh Tông đồ được mai táng gần đền thánh. Và lập tức người ta dựng ở chỗ ngài tử đạo một tháp kỷ niệm. Tháp này bị hủy khi Titô mang quân đến phá đền thờ.
Cái chết anh dũng của vị tông đồ “công chính” càng khơi sâu thêm lòng sùng mộ của giáo dân đối với ngài. Họ tôn kính thánh nhân cách nhiệt thành đến nỗi cho đến thế kỷ IV, chiếc ngai Giám mục của ngài vẫn được niêm giữ trong đền thờ thành thánh (Geyer, Itinera tr 108). Đầu thế kỷ VIII, tại Giêrusalem người ta lại cất một đại thánh đường dâng kính thánh nhân. Và tại Contantinôpôli, một nhà thờ khác cũng được xây cất và mang tên thánh Giacôbê. Giáo hội từ năm 560 đã kính lễ thánh Giacôbê cùng ngày với thánh Philípphê, để ghi nhớ ngày giáo hội ghi tên Thánh Tông đồ vào sách các vị anh hùng tử đạo.
“Các thánh là những người mà đời sống bắt mạch ở nơi Chúa Kitô, mỗi người đã phản chiếu một phương diện, một khía cạnh, đặc biệt của sự hoàn hảo tuyệt đối hiện hữu nơi Người”.