Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 28-05-2018

Filled under:

Lời ChúaMc 10, 17-27
Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao”. Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.
Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.
Suy nim 1
“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”
Một anh thanh niên vội vã chạy đến, quỳ trước mặt Đức Giêsu
và hỏi Ngài như thế khi Ngài vừa lên đường.
Rõ ràng anh đang háo hức và thao thức
tìm kiếm một lối sống phù hợp ở đời này,
để nhờ đó được hưởng hạnh phúc vững bền mãi mãi.
Anh đã đến với Thầy Giêsu tốt lành để hỏi câu hỏi này,
và anh thực sự chờ nơi Thầy câu trả lời.
Thầy nhắc anh về những giới răn liên quan đến tha nhân.
Đây là những điều anh đã biết, và hơn nữa,
anh thú nhận mình đã giữ chúng từ khi còn nhỏ (c. 20).
Thầy Giêsu như bị cuốn hút bởi con người đạo đức của anh.
Đưa mắt nhìn anh, Thầy đem lòng yêu mến (c. 21).
Đúng là anh đã không làm hại gì đến tha nhân.
Nhưng anh còn thiếu một điều quan trọng, đó là:
Đi. Bán những gì mình có. Cho người nghèo.
Rồi đến. Và theo Thầy Giêsu.
Thầy mời anh đi một vòng, rồi trở lại.
Lúc trở lại với Thầy, anh sẽ nhẹ hơn nhiều,
vì mọi của cải đã được phân phát cho người nghèo khó.
Thầy Giêsu muốn anh trở nên môn đệ của mình,
sau khi đã trở nên tay trắng, không còn gì để nương tựa.
Anh thanh niên sẽ có kho tàng trên trời,
khi anh được giải phóng khỏi kho tàng của anh dưới đất.
Tiếc thay anh đã từ chối lời mời của vị Thầy có lòng mến anh,
và đã chỉ cho anh điều phải làm.
Lúc nãy anh chạy đến với Thầy, bây giờ anh lại bỏ đi (c. 22).
Lúc nãy anh háo hức, vui tươi, bây giờ anh sa sầm nét mặt.
Anh không ngờ Thầy lại đòi hỏi tận căn đến thế.
Anh mong sự sống vĩnh cửu, anh thích làm môn đệ Thầy Giêsu,
nhưng anh lại không muốn bỏ chỗ dựa là của cải đời này.
Lòng gắn bó với của cải đã là một trở ngại khiến anh mất tự do.
Không phải vì anh chiếm hữu nhiều của cải,
nhưng thực ra, vì của cải đã chiếm hữu anh.
Thầy Giêsu chắc còn buồn hơn anh thanh niên,
vì Thầy bị mất một người mà Thầy ưng gọi làm môn đệ.
Đến bao giờ anh thanh niên mới nguôi ngoai nỗi buồn?
Lời mời của Thầy tốt lành vẫn đeo đuổi tâm trí anh.
Anh vẫn suốt đời thiếu một điều.
Khi về nhà, khi tiếp xúc với của cải dư dật,
có khi nào anh lại thao thức đặt câu hỏi:
Tôi phải làm gì để được thừa hưởng sự sống đời đời?
Có khi nào anh nghĩ đến chuyện chia sẻ cho người nghèo?
Có khi nào anh lại muốn đến với Thầy Giêsu?
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

SUY NIỆM 2


Hạnh thánh Antôn viện phụ kể rằng, Antôn sinh năm 251, trong một gia đình rất giàu có. Năm lên 18 tuổi, cha mẹ Antôn đều qua đời, để lại cho cậu và người em gái một tài sản lớn vô kể. Một hôm, cậu đến nhà thờ và nghe lời Chúa dạy người thanh niên trong Tin Mừng: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10, 21). Antôn nghĩ lời đó Chúa nói với mình, nên về bán hết gia tài, chia cho người nghèo, chỉ để lại chút ít cho người em gái. Sau khi nhờ các nữ tu coi sóc em gái, Antôn từ bỏ mọi sự, vào sa mạc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, làm việc cực nhọc hằng ngày để sinh sống. Gương sống đạo đức của thánh Antôn ngày càng lan tỏa. Nhiều người đạo đức đến xin làm môn đệ của ngài. Từ đó, phong trào ẩn tu do thánh Antôn khởi xướng bằng chính đời sống nhiệm nhặt phát triển mạnh mẽ. Ngài trở thành ông tổ và viện phụ của phong trào ẩn tu. Thánh Antôn đã thực sự tìm thấy hạnh phúc, niềm vui mừng trong lối sống trút bỏ hoàn toàn sự giàu sang, tiền của, hưởng thụ, danh vọng, quyền thế… để trở thành “người bạn của Chúa” như nhiều người yêu mến dâng tặng thánh nhân tước hiệu ấy. 

Khác hoàn toàn với người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay. Cùng một lời mời gọi: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi”, người thanh niên trong Tin Mừng may mắn hơn thánh Antôn, vì được Chúa trực tiếp ngỏ lời với mình. Nhưng anh đã không đón nhận hạnh phúc của sự may mắn ấy do lòng anh trĩu nặng những chất chứa toàn của cải vật chất. Anh sa sầm nét mặt, buồn rầu bỏ đi sau khi được Chúa mời gọi. Bỏ đi như thế, anh đã từ bỏ hạnh phúc đời đời để chọn tiền của thế gian. Đúng hơn, anh trở thành kẻ dại khờ, khi loại trừ sự sống vĩnh cửu, để chọn cái chết đời đời ngay khi còn sống, bởi chính lòng đam mê của cải tặng cho anh cái chết ấy.  

Vậy mà hơn ba thế kỷ sau, lời mời gọi của Chúa dành cho một thanh niên cùng thời với Chúa, lại có sức mạnh biến đổi hoàn toàn cuộc đời của một người thanh niên khác. 18 tuổi, những tưởng người ta chỉ có thể vui chơi, chỉ có thể là lứa tuổi của háu thắng, của toan tính cho tương lai trần thế… Nào ngờ, 18 tuổi, thánh Antôn đã có thể trở nên người bạn nghèo của Chúa. Một khi trở nên người nghèo của Chúa, Antôn làm giàu chính Chúa, làm giàu chính tình yêu của Chúa, làm giàu đời sống tâm linh, làm giàu đức tin, làm giàu sự thánh thiện cho mọi người, cho chính chúng ta hôm nay khi lắng nghe lời Chúa và nhìn ngắm sự từ bỏ của thánh Antôn mà học đòi bắt chước.
Hóa ra của cải không là tội, chỉ là nguy hiểm. Bởi có của, người ta có nguy cơ dính bén trần thế. Vì thế, để thoát nguy, người ta phải biết từ bỏ để sống nghèo. Chỉ trong cái nghèo, người ta mới dễ hướng về Chúa. Gương thánh Antôn viện phụ là bài học cần thiết cho tất cả những ai chuộng giàu, khinh bần. Gương đó dạy ta hãy sống nghèo để có Chúa, có hạnh phúc hôm nay và vĩnh cửu, có cả anh chị em quanh mình!

Lạy Chúa, xin giải phóng chúng con khỏi những mê muội trần thế, để chúng con sống giá trị tốt đẹp của Tin Mừng là phụng sự Chúa và sống với anh chị em. Xin giúp chúng con mặc lấy tự do của con cái Chúa nhờ biết từ bỏ và siêu thoát. Vì chỉ có từ bỏ và siêu thoát, chúng con mới thực sự tự do. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường