Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung, 16.05.2018: Trao áo trắng và nến sáng trong Bí Tích Rửa Tội

Filled under:

Áo trắng và nến sáng biểu tượng cho phẩm giá và ơn gọi Kitô của tín hữu mặc lấy Chúa Kitô, được biến đổi trong vinh quang của Thiên Chúa và luôn bước đi như con cái ánh sáng.





Quân bình trong tình cảm

  •  
  •  
  •  
Quân bình trong tình cảm

Để nói về sự liên đới người ta thường hay nói câu: “không ai là một hòn đảo”. Đúng vậy, con người là sống cùng, sống cho và sống với mọi người. Đời tu, cũng vậy, cần phải sống vì, sống cho và sống với mọi người. Chính vì lẽ đó, những người tu cũng cần có tình bạn, thậm chí cả tình yêu trong đời sống độc thân. Cái quan trọng là khái niệm và biên độ của tình yêu và tình bạn của những người tu tới đâu là đủ. 
Có những tu sĩ, đặc biệt là các soeur, rất ư là “e sợ” trong khái niệm về tình bạn và tình yêu trong đời tu. Thật vậy, một số người vẫn nghĩ rằng hễ có một tình bạn hơi sâu xa một chút là đã vi phạm lời khấn khiết tịnh rồi. Theo họ việc trao hiến con tim cho Chúa thì cho đến chết chỉ một mình họ và Chúa biết con tim đó mà thôi, họ “e sợ”  đến độ mà khi tương quan bình thường trong giao tiếp với người khác giới họ suy nghĩ rất tiêu cực, cứ cho rằng là không tốt, là không nên. Do đó, họ không dám nói chuyện bình thường với một người nam nào thâm chí đó là một linh mục đang làm công tác mục vụ chung. 
Trái lại với thái độ “e sợ” là thái độ quá “dạn dĩ” trong tình bạn và tình yêu. Không phải là họ làm gì với hai từ “dạn dĩ” nhưng họ xem thường những tương quan “khác giới” được núp bóng dưới hình thức thiêng liêng qua việc nhận rất nhiều anh nuôi, bố nuôi, chị nuôi mẹ nuôi và cả em nuôi nữa… anh em linh tông, chị em linh tông, anh em kết nghĩa, chị em tinh thần…. Chúng ta thấy có những soeur đi đâu cũng có bố, ông nội,… mà nếu tính đời linh tông đôi khi bắn đại bác cả ngày cũng chưa tới!
Một thực tế, nếu chúng ta để ý, hình như các cha thầy có nhiều bố nuôi, mẹ nuôi, chị nuôi, em nuôi, anh em linh tông…, nhưng các soeur thì chỉ có ông nội, bố chứ không có ông bà ngoại, mẹ hay chị em linh tông! Với nhiều tình thân trong mối dây linh tông như vậy sẽ khó mà có được tình bạn và tình yêu trong sáng trong đời sống dâng hiến. Dẫu biết rằng, họ luôn ý thức đó là linh thiêng, nhưng với một người đã thưa với Chúa “con chỉ muốn yêu mình Ngài thôi” mà lại có quá nhiều mối tình thân như vậy thì sao có thể còn chỗ cho tình yêu của Thiên Chúa triển nở nơi mình? Thay vào đó là những “tình bạn đặc biệt”, những “linh tông bí mật”. Chính những mối tình thân quá khép kín và đặc biệt này đôi khi gây ra những dị nghị và cản trở cho việc phát triển trong cộng đoàn tu trì của họ.
Kết quả là không ít những tu sĩ rơi vào tình trạng “khởi sự nhờ Thần khí, nhưng kết thúc bằng xác thịt”. 
Khi bắt đầu bước vào tiểu chủng viện, để giữ được tầm hồn thanh sạch và để toàn tâm tu trì tôi đã được nhắc nhở nhiều về việc không được và không nên nhận bố nuôi, mẹ nuôi, chị nuôi và ngay cả em nuôi nữa… Và khi bước chân qua Đại Chủng Viện tôi lại được các anh lớn cùng Giáo Phận cũng nhắc nhở điệp khúc đó: “Giáo Phận mình không cho phép nhận bố nuôi, mẹ nuôi, chị nuôi…” nhưng khi ra trường tôi lại thỉnh thoảng có nghe người này người kia “khoe” “Tôi là bố nuôi, là mẹ nuôi, là chị nuôi, là anh em linh tông của Thầy này Thầy kia” và tôi thấy có cả với ông thầy mà trước kia nhắc tôi là “Giáo Phận mình không cho phép”. Từ đó có thể thấy một mối tương quan “linh thiêng” trong “bóng tối” do đó rất khó để có thể giữ mối tình này nơi “ánh sáng” cho đời sống độc thân được.
Có chuyện kể rằng: người mẹ, trước kia cũng là người đã từng đi tu, thấy con gái mình có mối quan hệ rất thân thiết với một ông thầy. Đi đâu ông thầy và cô con gái cũng đi chung. Thấy điều bất ổn như vậy, với kinh nghiệm của mình đã từng trải qua, bà mẹ nói với con gái: “Con nên cẩn thận và ý tứ trong việc tiếp xúc với ông thầy nhé!” Cô con gái đáp: “Mẹ cứ an tâm đi, chúng con là anh em kết nghĩa mà”. Bà mẹ nói: “Tiên sư bố mày, hồi xưa tao cũng vì anh em kết nghĩa nên giờ tao mới khổ như vậy nè!”.
Một tình bạn trong sáng trong đời sống độc thân là một điều người tu sĩ nào cũng mong muốn có. Nhưng điều nên nhớ là làm sao cho tình bạn triển nở trong sự tự do hoàn toàn giữa người này với người kia. 
Cuối cùng chúng ta phải ý thức mình là người tu, trái tim được dâng hiến cho Thiên Chúa, tình cảm phải được trưởng thành và giữ được mức quân bình của người tu, tránh đi những tình bạn quá nghiêng về cảm giác, từ đó dễ dành chỗ quá lớn cho nhu cầu cần đến nhau và những khát vọng. Cần phải có một thái độ triệt để trong lãnh vực này…. Nhưng dù có vấp ngã, dù có sa ngã ta vẫn tiến lên phía trước như một người vẫn kiên vững trong quyết định của mình, cho dù thực tế vẫn còn bao yếu đuối.
Xin Thiên Chúa luôn gìn giữ và nâng đỡ để chúng ta luôn biết sống trọn con tim cho Chúa và sống quân bình trong tương quan với mọi người. 
Lm. Gioan Lê Tiến Thiện