Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội

Filled under:

MẸ THIÊN CHÚA – MẸ GIÁO HỘI

Trong sắc lệnh của Bộ Phụng Tự công bố hôm 3/3/2018, Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho biết ĐTC Phan-xi-cô đưa ra quyết định thiết lập lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo hội và cử hành hằng năm vào ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo lịch chung của Giáo hội. Sắc lệnh khẳng định: Lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo hội, do ĐGH Phan-xi-cô ấn định, ”sẽ giúp chúng ta nhớ rằng đời sống Ki-tô, để tăng trưởng, cần phải ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nơi hy tế của Chúa Ki-tô trong Tiệc Thánh Thể, nơi Đức Trinh Nữ hiến dâng, Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của những người được cứu chuộc.” Theo quyết định trên đây, thứ hai 21-5-2018 sẽ là lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo hội. Xin cùng tìm hiểu xem vì sao Đức Mẹ được tôn kính là Mẹ Giáo hội::

I. Cộng tác viên số 1: 

Đức Maria đã tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa nên mới xưng mình là nữ tì và “xin vâng” theo chương trình của Thiên Chúa Quan Phòng, như Hiến chế Tín Lý về Giáo hội “Lumen Gentium” (số 61) lý giải: “Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa.” Nói Đức Maria là “cộng sự viên quảng đại” cũng tức là nói Đức Mẹ đã hết lòng cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân loại.

Về vấn đề cộng tác với Thiên Chúa, Thánh Au-gus-ti-nô đã nói một câu chí lý: “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Người”. Đặt một giả thử, nếu Đức Maria nghe lời cám dỗ của ma quỷ như E-và thủa xưa, không cộng tác với Thiên Chúa bằng hai tiếng “xin vâng”, thì công cuộc cứu chuộc nhân loại có thực hiện được không? Hẳn nhiên là không, và như vậy thì Đức Giê-su không thể xuống thế thi hành sứ vụ mà Thiên Chúa Cha đã trao phó. Về lý giải này cũng đã gặp phản biện: “nếu Đức Maria không vâng lời, thì đã có Người Nữ khác, thiếu gì!”. Lại gặp “lý sự cùn”, xin trả lời thẳng: “Điều đó lại càng chứng tỏ, Thiên Chúa cũng vẫn rất cần một người đàn bà cộng tác với Người trong công trình cứu độ” (Thiên Chúa đã "sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà" – Gl 4, 4). Cuối cùng thì Người Nữ ấy tất yếu chỉ có thể là Đức Maria.

Nhưng vì sao Đức Mẹ đã trở nên “cộng sự viên quảng đại của Thiên Chúa”? Ấy cũng bởi vì khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại sự tự do tuyệt đối. Loài người đã lợi dụng sự tự do ấy mà phản nghịch lại Thiên Chúa; nhưng Người vẫn thương yêu đến độ ban chính Con Một xuống thế làm người cứu độ nhân loại. Rõ ràng là Thiên Chúa luôn muốn đến với con người, muốn gặp gỡ con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng vô hình nên con người không ý thức được; và vì thế, rất cần những cầu nối bằng xương bằng thịt của loài người. Cây cầu nối ấy không ai khác hơn là Đức Maria. Đức Maria không những đã là một cầu nối rất hữu hiệu mà Mẹ còn “xin vâng” làm trạm trung chuyển, đem  Hồng Ân Cứu Độ đến giải cứu nhân loại. Nói cách cụ thể, Đức Maria là cộng tác viên số 1 trong công trình Cứu Độ của Thiên Chúa dành cho loài người.

II. Việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria: 

Ngay từ những thế kỷ đầu của Ki-tô giáo, Hội Thánh luôn dành cho Ðức Maria lòng kính yêu rất đặc biệt, trổi vượt trên các thiên thần và các thánh. Ðức Nữ Trinh đã được tôn kính với tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó. Nhất là từ Công đồng Ê-phê-sô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Ðức Maria cách lạ lùng: họ sùng kính, mến yêu, cầu khẩn và noi gương đúng như lời Mẹ đã tiên báo: "Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại" (Lc 1, 48-49). Cũng chính trong thời gian này (năm 431), Công đồng Ê-phê-sô công bố Tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa: “Tuyệt thông cho những ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên Chúa, và bởi thế, Đức Trinh Nữ là Mẹ của Thiên Chúa (theotokos) vì Mẹ đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể theo xác thịt.” (Tuyển tập các Tín Biểu “Densiger-Schonmetzer”, số 252).

Giáo hội hết lòng khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng Lời Chúa, hãy học hỏi Thánh Kinh, học hỏi các Phụng vụ trong Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của quyền Giáo huấn, để làm sáng tỏ đúng mức những chức vụ và đặc ân của Ðức Trinh Nữ; những chức vụ và đặc ân này luôn qui hướng về Chúa Ki-tô, nguồn mạch toàn thể chân lý, thánh thiện và đạo đức. Hiến chế Tín Lý về Giáo hội “Lumen Gentium” (số 67) đã nói về các Thánh Giáo phụ, các nhà Thần học, các Tiến sĩ trong Hội Thánh: “Họ  phải cẩn thận tránh xa mọi lời nói hay việc làm có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo hội. Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta.”

III. Đức Maria, hình ảnh Hội Thánh: 

Quả thực được liên kết với Con mình trong công trình cứu chuộc, Ðức Trinh Nữ Maria đã vượt trên mọi người trần thế và trở nên mẫu mực của Giáo hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Ki-tô. Như vậy, Mẹ Maria là hình ảnh của Hội Thánh tại thế. Giáo hội vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, hướng nhìn lên Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội – một phần tử ưu tú của Hội Thánh – đã chiến thắng tội lỗi, nhờ hồng ân của Đấng là Đầu Giáo hội (Đức Giê-su Ki-tô). Vì thế, Hội Thánh luôn luôn kiên trì và tin tưởng trong hành trình đức tin trên trần gian. Hơn nữa Hội Thánh còn chiêm ngưỡng Ðức Maria như mẫu mực hoàn hảo mà mình phải đạt tới, để trở thành "một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền." (Ep 5, 27).

Hiến chế “Lumen Gentium” (số 64) đã lý giải: “Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện kỳ bí và noi gương đức ái của Ðức Maria, và khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo hội cũng được làm mẹ nhờ lời Thiên Chúa mà Giáo hội trung thành lãnh nhận: thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép Thánh Tẩy, Giáo hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt. Giáo hội cũng là trinh nữ đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đã hiến cho Phu Quân; và noi gương Mẹ Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo hội bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy bền vững và một đức mến chân thành.”

Như vậy, hình thức song đối giữa Đức Maria và Giáo hội nổi bật lên: Mẹ Giáo hội: Tính cách làm Mẹ đồng trinh của Ðức Maria chính là bí tích, dấu hiệu hoặc hình ảnh của Giáo hội đồng trinh, cũng thụ thai và sinh dưỡng các con cái mình. Giáo hội Mẹ: Tính cách làm mẹ của Giáo hội, noi theo Ðức Maria, là việc đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn và thực hành trong cuộc sống. Như thế, Giáo hội trở thành mẹ của một cuộc sống bất tử, nhờ Thần Khí của việc sáng tạo mới. Sự đồng trinh của Giáo hội – là điều kiện để sinh nhiều con cái – hệ tại việc trung thành thực thi các nhân đức đối thần, theo gương Ðức Maria và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần.

Bởi lòng tin và vâng phục, Ðức Maria đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Nhờ Ðức Nữ Trinh Maria đi tiên phong, tỏ ra là một người mẹ và một trinh nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có, nên trong mầu nhiệm Giáo hội, chính Giáo hội cũng được gọi cách hợp pháp là Mẹ và Trinh Nữ (“Như một E-và mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (x. Rm 8, 29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ. "Sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang" (Kh 21, 2).” – Hiến chế “Lumen Gentium”, số 67).

Do đó, Giáo hội luôn hướng nhìn lên Ðức Mẹ được vinh thăng hồn xác lên trời, như phần tử Hội Thánh đầu tiên vượt thắng cái chết mà sống lại trong vinh quang. Mẹ được Thiên Chúa tôn vinh trên trời, là dấu chỉ báo trước và đảm bảo ơn cứu độ vinh quang cho tất cả các phần tử khác của Hội Thánh. "Ðức Maria, dấu chỉ của Dân Thiên Chúa. Ngày nay, trên trời Mẹ Ðức Giê-su đã được vinh hiển cả hồn và xác, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh phải hoàn thành đời sau; đồng thời, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (2Pr 3, 10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành… Ở đây, Công Ðồng khai triển vắn tắt chủ đề này về Ðức Maria là hình bóng Giáo hội, không phải hình bóng hay mẫu mực theo nghĩa thiết lập phẩm trật hay bí tích, nhưng như người cổ xúy đời sống thiêng liêng trong đó sự đồng trinh nẩy nở thành tình mẫu tử.” (Hiến chế“Lumen Gentium”, số 68).

IV. Đức Maria, Mẹ Hội Thánh: 

Vai trò của Đức Mẹ không ai có thể thay thế được "Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Ki-tô, đã dâng Chúa Ki-tô lên Chúa Cha trong đền thánh, và cũng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng. Ngài thật là Mẹ chúng ta." (Hiến chế “Lumen Gentium”, số 61).

Sau khi Đức Mẹ hồn xác lên trời, công trình Thiên Chúa cứu độ vẫn tiếp tục trong Hội Thánh, là thân thể Chúa Ki-tô. Trong thân thể này, Ðức Maria có mặt như một chi thể trổi vượt, liên kết mật thiết với Ðầu (là Đức Giê-su), và hằng yêu thương, bảo vệ hướng dẫn các chi thể khác là các tín hữu, với tấm lòng của người mẹ hiền. Khi mô tả những tình cảm con thảo của mình, Giáo hội nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ yêu quý nhất của mình, gián tiếp tuyên bố người là Mẹ Giáo hội, vì những lý do sau:

* Cũng bởi vì Đức Ki-tô đã xác định Người là Đầu, Hội Thánh là thân thể của Người (Cô-lô-sê 1, 18; Ê-phê-sô 1, 22; 4, 15; 5, 23). Trong khi đó, Đức Maria đã nhận làm Mẹ Chúa Giê-su; như vậy điều tất yếu chính là:  “Đức Maria, với tư cách là Mẹ Đức Ki-tô cũng là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và các chủ chăn, nghĩa là Mẹ Giáo Hội.” (Hiến chế “Lumen Gentium”, số 54).

* Trên Thập Giá, trước khi Đúc Ki-tô “trao Thần Khí” (từ trần – Ga 19, 30), Người “thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ : "Đây là mẹ của anh." (Ga 19, 26-27). Kể từ giờ phút đó, Đức Maria chính thức trở thành Mẹ Giáo hội.

* Từ biến cố phi thường trên đồi Gôn-gô-tha, “môn đệ thương mến” của Đức Ki-tô là Gio-an – một trong 12 phần tử ưu tú của Giáo hội tiên khởi (Ma-thi-a đã được bầu chọn thay thế Giu-đa It-ca-ri-ốt – Cv 1, 26) – đã “rước bà về nhà mình”. Sau đó, “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.” (Cv 1, 14). Cho đến ngày lễ Ngũ Tuần, được tràn đầy ơn Thánh Linh, toàn thể Giáo hội tiên khởi cùng với Người Mẹ là Đức Maria, luôn sát cánh đồng hành trên lộ trình rao giảng Tin Mừng Cứu Độ.

Quả thật, Đức Trinh Nữ Maria “Như một E-và mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (x. Rm 8, 29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ.” (Hiến chế “Lumen Gentium”, số 63). 
Kết luận: 

Tóm lại, công đồng Va-ti-ca-nô II khẳng định chân lý “Đức Maria là Mẹ Giáo Hội” là muốn nói tới: Mẹ trong chế độ ơn thánh; người đã cộng tác vào việc tái sinh Ki-tô hữu trong ơn thánh khi thuận nhận là Mẹ của Đức Ki-tô, Đầu của nhiệm thể Giáo hội. Người cũng cộng tác vào việc tái sinh Ki-tô hữu trong ơn thánh khi cộng tác với Chúa Ki-tô trong công trình cứu độ, đặc biệt là qua việc hiến dâng Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ trên thập giá và được chính Người Con tôn phong là Mẹ Giáo hội (“Đây là con bà, này là Mẹ con” – Ga 19, 26-27). Mẹ cũng là Mẹ của Hội Thánh khi cầu bầu cho tất cả con cái được hưởng sự sống siêu nhiên trong tình nghĩa với Chúa, báo trước hạnh phúc bất diệt mai sau.

Quả thật Đức Maria có những quan hệ liên đới chặt chẽ với từng giai đoạn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời tích cực tham gia hợp tác vào trong sứ mạng cùng đời sống của Giáo hội, không phải từ bên ngoài như là một tác nhân gián tiếp hoặc ở cấp trên nhìn xuống, nhưng là từ bên trong như là một phần tử sống động: Phần tử sống động xuất sắc đến độ đã trở thành hiện thân của chính lý tưởng Giáo hội. Mẫu tính của Giáo hội phản ảnh mẫu tính của Đức Maria (“Thực vậy, trong mầu nhiệm Giáo hội, chính Giáo hội cũng được gọi cách hợp pháp là Mẹ và Trinh Nữ, Ðức Nữ Trinh Maria đi tiên phong, tỏ ra là một người mẹ và một trinh nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có.” – Hiến chế “Lumen Gentium”, số 63). 

Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu niềm xác tín sâu xa của cộng đoàn Dân Chúa, mọi người đều nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của Đức Ki-tô Thiên Chúa, mà còn là Mẹ của đoàn con đang trên hành trình tìm về Quê hương đích thực là Nước Trời. Mẹ được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống, Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc … và là Mẹ đích thực của mỗi người tín hữu. Tất cả mọi Ki-tô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để xin Mẹ cầu bầu cùng Đức Giê-su Ki-tô – Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ – trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia. Ước được như vậy.

Lạy Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ Giáo hội luôn yêu thương chúng con, xin Mẹ giúp chúng con trở nên những chứng nhân của lòng thương xót Chúa trong đời thường của chúng con, xưa kia Mẹ cũng sống như chúng con nhưng Mẹ đã thực hiện Thánh ý Chúa cách trọn vẹn trong đời Mẹ. Xin Mẹ luôn dẫn đường chỉ lối cho chúng con, đừng để chúng con đi sai đường mất lòng Chúa và nhất là giúp chúng con luôn tâm sự với Mẹ bằng lời kinh Mân Côi mỗi ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen

JM. Lam Thy ĐVD.