Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY NGÀY 16/05/2018

Filled under:

Lời ChúaGa 17, 11b-19
Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”.
Suy nim 1
Chúng ta đang sống trong một thế giới tự nhận là khoa học kỹ thuật,
trong đó dường như Thiên Chúa vắng mặt,
và Quỷ dữ, Ác thần, Satan cũng không có chỗ.
Thật ra, cả Thiên Chúa lẫn Satan đều có mặt trong thế giới này.
Con người sống trong thế giới là chịu sự lôi kéo của cả hai.
Khi dâng lời cầu nguyện lúc sắp trở về với Cha,
Đức Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ
đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian.
Chính vì thế Ngài khẩn khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (c. 15).
“Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ… Con đã canh giữ họ…” (c. 12).
Gìn giữ các môn đệ là việc Đức Giêsu đã làm trong suốt sứ vụ,
và Ngài đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ Giuđa.
Những sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên.
Mục tử Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình,
và trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11).
Bây giờ Ngài xin Cha tiếp tục gìn giữ các môn đệ (c. 11b),
là đoàn chiên của Cha mà Cha đã ban cho Ngài chăm sóc.
Vì Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (c. 11b),
nên Cha có khả năng làm cho các môn đệ nên thánh.
Thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa Cha,
nhưng Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69),
và Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26).
Thánh thiện là nét chung của Ba Ngôi, tách biệt Ba Ngôi khỏi thế giới,
dù thế giới vẫn là đối tượng để Ba Ngôi luôn cùng nhau hướng về.
Ba Ngôi vẫn muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình cho thế giới.
“Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44).
Đức Giêsu xin Cha thánh hóa các môn đệ (c. 17),
nhờ Thánh Thần mà Cha sắp ban xuống trên họ.
Làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian,
với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó.
Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa,
để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (c. 16).
Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (c. 15),
và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm.
Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (c.18).
Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến,
phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.
“Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13).
Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó.
Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào,
ta sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM 2

Trước ngày bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã thấy trước được sự chia rẽ sẽ xảy ra nơi các môn đệ cũng như nơi con cái của chúa, cho nên Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “xin hãy gìn giữ trong danh của Cha những kẻ mà Cha đã ban cho con, để nhờ đó mà tất cả được nên một như chính chúng ta”.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các con cái của mình, tức là Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta được nên một như chính mẫu mực của sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha. Thế nhưng, làm sao chúng ta có được sự hiệp nhất đó?

Trước hết chúng ta cần phải xác định ngay rằng, hiệp nhất không phải chỉ có trong lời nói, mà nó phải được thể hiện trong những việc làm cụ thể. Mà việc làm cụ thể trước tiên đó là sự hòa thuận.

Trong bản kinh 8 Mối Phúc Thật chúng ta thường hay đọc, có một mối phúc nói lên điều này: “Phúc cho ai ăn ở thuận hoà, vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Mà thuận hoà chỉ có được, khi có yêu thương. Quả thật, hai tiếng yêu thương, có thể nói chúng ta nghe không biết bao nhiêu lần; và cũng có thể chúng ta chán nghe hai tiếng ấy lắm, như các môn đệ của Gioan ngày xưa vậy.

Nhưng cũng như Gioan, chúng ta không thể không nhắc lại hai tiếng ấy được, bởi vì nó cần thiết và quan trọng. Nó là chìa khoá để giải quyết mọi vấn đề. Ở đây, sự hòa thuận không phải chỉ có nghĩa là không gây gỗ, không tranh chấp, không lập bè lập phái chống đối nhau, mà còn có nghĩa là phải giúp nhau để xây dựng đời sống về tinh thần cũng như vật chất.

Điều thứ hai cần có, để có được sự hiệp nhất trong cộng đoàn, chúng ta nhất thiết phải có thái độ tôn trọng nhau trong lịch sự và tế nhị. Đây không phải là một thái độ giả hình hay đóng kịch đối với nhau. Nhưng thái độ này có nền tảng từ một tư tưởng trong Thánh Kinh là vì mỗi người chúng ta đều là hình ảnh của Chúa. Cho nên mỗi người cần được tôn trọng đúng với phẩm giá của mình.

Chính vì thế, không thể lấy lý do quen thuộc mà bỏ qua thái độ này đối với nhau, nhất là từ trong chính gia đình của mình. Và khi giữ được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ có được sự hiệp nhất trong gia đình, cũng như trong cộng đoàn, trong xã hội mà mình đang sống. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tạo nên sự hiệp nhất ngay trong môi trường sống, để từ chính sự hiệp nhất của chúng con sẽ làm sáng lên khuôn mặt Chúa Giêsu trong cuộc sống của mỗi người. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường