Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Con của bạn đang chuẩn bị rước lễ lần đầu? Hãy nói cho con bạn về Thánh Imelda Lambertini

Filled under:

Con của bạn sẵn sàng nhận bí tích Mình Thánh Chúa lần đầu? Bạn hãy đọc tiểu sử của Thánh Imelda Lambertini, thánh bổn mạng của các em chuẩn bị rước lễ lần đầu được mừng vào ngày 12 tháng 5.
Vào thời Thánh Mađalêna-Imelda Lambertini, phải được 14 tuổi mới được rước lễ. Tuy còn nhỏ nhưng lòng em tràn đầy Chúa Kitô, em buồn vì phải chờ quá lâu mời được rước Chúa. Từ những năm lên mười, em đã trốn gia đình để vào tu viện Thánh Maria-Mađalêna của các nữ tu Dòng Đa Minh ở Valdiprétra, Bologna nước Ý, để được gần Chúa. Cứ mỗi lần em bị từ chối không được rước lễ là em khóc như mưa. “Xin giải thích cho con, làm sao mình có thể đón nhận Chúa Giêsu vào lòng mà không chết vì vui sướng” em cứ năn nỉ hỏi các nữ tu như thế mỗi khi các xơ rời ghế của mình để đi rước lễ. 
“Chúng ta có thể đã sinh ra một vị thánh nhỏ ... ”
Lòng sốt sắng của Mađalêna với Phép Thánh Thể làm cho những người chung quanh em ngỡ ngàng. Ai cũng ngạc nhiên thấy cô bé này có một tâm hồn thuần khiết thấm đậm tinh thần kitô giáo. Việc không thể có được Nhiệm thể Chúa Kitô trong hình hài bánh thánh nhỏ là nỗi đau thực sự của em. Em là cô bé người Ý đã từ bỏ mọi sự: giàu có, tiện nghi của gia đình để sống trọn vẹn cho hạnh phúc của đức tin mình. Mẹ của em đã nói với ba em: “Hôm nay chúng ta có thể đã sinh ra một vị thánh nhỏ. Hãy để cho con đáp trả tiếng gọi của Chúa.. .”.  Sự thân thiện, tính tử tế, lòng thanh khiết của em bé rất mẫu mực, rất tự nhiên khi cô vào Dòng Đa Minh, em đổi tên Mađalêna thành Imelda. Imelda theo tiếng Ý có nghĩa là “ngọt ngào như mật ong”.
Phép lạ bánh thánh
Ở tu viện Dòng Đa Minh, em bé thánh thiện dành nhiều giờ để chầu trước Thánh Thể. Đây là một việc em không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Ban đêm, em âm thầm dậy để theo các nữ tu đến nhà nguyện, hát thánh vịnh với họ. Rất nhanh chóng, Imelda trở thành niềm vui và gương sáng cho tu viện. Tuy nhiên, nỗi buồn của em khi đi lễ về không thoát được con mắt của các nữ tu. Em năn nỉ xin các nữ tu cho em được dự bàn Tiệc Thánh, nhưng các nữ tu không nghĩ họ phải dành cho em một ngoại lệ.
Nhưng đó là không kể đến sự can thiệp của Chúa Giêsu, và sự “yếu mềm” của Ngài khi đứng trước tình yêu cao lớn của em, để làm sớm hơn ngày ấn định được rước lễ. Chúng ta đang ở vào ngày lễ Thăng Thiên, ngày 12 tháng 5 năm 1533. Imelda bây giờ đã 11 tuổi và em vừa đến năn nỉ cha giải tội của em. Không gì lay chuyển. Cha không cho phép. Và cứ mỗi lần như thế, em khóc khi đi về. Nhưng một hôm, đột nhiên trong khi mọi người rước lễ, Mình Thánh Chúa bay cao ra khỏi chén thánh, qua khoảng trống chung quanh bàn thờ và dừng lại ngay trên trán của Imelda. Cả nhà thờ kinh hoàng. Và chính cha chủ tế cũng không cự lại trước việc kỳ diệu này. Hai tay run, cha cầm đĩa thánh đến gần em. Khi bánh thánh bất động ở trên trán, mọi nghi ngờ của cha tan biến. Rồi cha nhìn Imelda. Em há miệng ra. Đúng, đó là điều Chúa muốn, và em được rước Mình Thánh Chúa.
Phần thưởng
Cả nhà thờ hân hoan vui mừng. Ca đoàn các nữ tu sốt sắng hát bài hát tạ ơn Magnificat của Đức Mẹ. Niềm vui tràn đầy. Nhưng Imelda không nghe thấy. Em quỳ gối, đầu cúi xuống, lòng tràn ngập hồng ân. Đó là giây phút đẹp nhất đời em. Cuối cùng em đã có Chúa Kitô ngự vào lòng. Thời gian trôi qua. Không ai dám can thiệp. Rồi sự lo lắng bao phủ niềm vui khi họ không thấy em đứng dậy. Người ta đụng vào em nhưng em không nhúc nhích. Rồi em quỵ xuống trong tay hai nữ tu. Imelda, “phép lạ bánh thánh” như người ta gọi em sau này, đã chết. Tin Imelda chết nhanh chóng được loan ra. Rất nhiều người đến quanh em, họ cầu nguyện với em và họ được ơn nhờ lời cầu bàu của em.
Năm 1826 Imelda được Đức Lêô XII phong chân phước, năm 1910 em được Đức Piô X chọn làm bổn mạng cho các em rước lễ lần đầu, sau đó ngài đã cho trẻ em rước lễ lần đầu sớm hơn. Điều kỳ diệu là thi thể nhỏ bé của Chân phước còn nguyên vẹn, nằm trong hòm đựng thánh tích thật đẹp ở nhà thờ Thánh Sigismondo, Bologna. Khuôn mặt xinh đẹp của em khi qua đời, trùng với ngày lễ Thăng Thiên như muốn nói: “Lạy Chúa Giêsu, đây là phần thưởng lớn nhất của con”.
Pacôme Trần Văn Hồng dịch


Sau khi Chúa Giêsu sống lại và sau khi Ngài lên trời, Đức Mẹ sống ở đâu? Dù các Sách Thánh không nói chính xác Mẹ ở đâu nhưng các Sách Thánh cũng cho một vài chỉ dẫn. Theo một cách chung thì Thánh Giuse đã qua đời trong thời gian Chúa Giêsu chịu thương khó, nên khi đó Ngài lo cho mẹ mình. Khi chết, Chúa Giêsu đã trối cho người môn đệ yêu quý của mình lo cho Mẹ.
“Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà.’ Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh.’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 26-27).
Theo đa số nhà chú giải, người môn đệ này là Thánh Gioan. Thật vậy, sách Công vụ Tông đồ cũng chính xác nói Thánh Gioan chăm sóc cho Đức Mẹ ở Giêrusalem:
“ Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1, 12-14).
Giêrusalem ...
Như thế có nghĩa Mẹ Maria ở với các tông đồ ở Giêrusalem sau khi Chúa Giêsu chết, sống lại và lên trời. Theo Truyền thống, Mẹ sẽ ở đây đến cuối đời, Mẹ đi con đường thánh giá mỗi ngày để sống lại các thử thách mà con mình đã phải chịu. Đức Mẹ lên trời ở Giêrusalem trước sự có mặt của các tông đồ.
Ngày nay vẫn còn một nhà thờ được xây ở gần Núi Ô-liu. Nhà thờ này là nơi để thi hài Đức Mẹ và được Giáo hội Chính thống tôn kính. Thành phố Giêrusalem có đan viện Dormition do các tu sĩ Dòng Biển Đức chăm sóc. Theo truyền thống công giáo và chính thống giáo, Đức Mẹ lên trời ở một trong các nơi này.
... hay Êphêsô
Theo một chỉ dẫn khác thì Thánh Gioan ở Êphêsô. Nhiều người nghĩ rằng ngài ở đó với Mẹ Maria cho đến khi Mẹ lên trời. Giả thuyết này được Chân phước Anne Catherine Emmerich ghi nhận, vì theo nữ thần nghiệm Đức ở thế kỷ 19 thì bà có nhiều thị kiến theo đó căn nhà của Đức Mẹ ở Êphêsô.
Chính nữ tu Maria Mandat-Grancey, một nữ tu người Pháp thuộc Dòng Nữ tử bác ái Vinh Sơn, bề trên cộng đoàn Smyrne ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1890, đã khám phá ở Êphêsô có một căn nhà có từ thế kỷ thứ nhất. Được khám phá trong những lần tìm kiếm năm 1891, căn nhà bị chôn vùi dưới đống gạch vụn đỗ nát của một nhà thờ được xây vào thế kỷ thứ 4. Từ đó căn nhà này được nhiều người đi hành hương đến thăm và được ba giáo hoàng của thế kỷ 20 đến thăm, giáo hoàng Phaolô VI, Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI.
Vì thế có một vài nghi vấn về nơi Đức Mẹ sống cuối đời cho đến khi lên trời. Sách Thánh kín đáo về đời sống của Đức Mẹ cũng như đời sống ẩn giật của Chúa Giêsu khi Ngài sống với Thánh Giuse và Đức Mẹ.
Căn nhà Đức Mẹ ở Êphêsô. Đền thánh được xây trên đồi Bülbül Dag gần Êphêsô, Thổ Nhĩ Kỳ được cả tín hữu kitô giáo và hồi giáo đến viếng. Theo truyền thống, đền thánh này được xây trên di tích căn nhà của Đức Mẹ. Chính nơi đây, sau khi con mình bị đóng đinh, Đức Mẹ về ở với Thánh Gioan và Mẹ ở đây cho đến ngày Mẹ lên trời.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch