Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 22/5/2018

Filled under:

Lời ChúaMc 9, 30-37
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi băng qua miền Galilê. Nhưng Ðức Giêsu không muốn có ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Ðức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Ðức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Nếu ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết của mọi người và làm người phục vụ cho mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy.”
Suy nim 1
Ngoài chuyện chậm tin, chậm hiểu,
các môn đệ còn có một điểm yếu là hay cãi nhau.
Họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Người ấy sẽ là người đứng đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia.
Tiếc thay trong bài Tin Mừng hôm nay,
họ lại cãi nhau khi đang đi ngoài đường (c. 33).
Tệ hơn nữa, họ cãi nhau ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai
về cái chết và sự phục sinh sắp đến của mình (c. 31).
Hẳn Thầy Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục.
Dù đang đi với Thầy trên cùng một con đường,
nhưng họ vẫn để lòng mình theo đuổi vinh quang thế gian.
Đức Giêsu quả là một bậc thầy về sự điềm đạm.
Ngài đợi tới khi về nhà ở Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường.
Ngài làm như mình không rõ về đề tài câu chuyện:
“Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?”
Khi các ông mắc cỡ làm thinh, không dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34),
Thầy Giêsu cũng chẳng nỡ ép các ông phải nói.
Ngài ngồi xuống như một vị thầy bắt đầu giảng dạy (c. 35),
gọi Nhóm Mười Hai lại - nhóm các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội -
và đưa ra một nguyên tắc chi phối việc quản trị cộng đoàn:
“Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người
và làm người phục vụ cho mọi người (c. 35).
Câu nói trên của Đức Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người.
Đức Giêsu không dạy ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực.
Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn.
Ngài dạy cho ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Đó là trở nên người phục vụ mọi người, sống như Ngài đã sống:
“Suốt đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).
Nếu làm đầu mà phải phục vụ thì có ai muốn làm người đứng đầu nữa không?
Lịch sử của nhân loại là lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt
giữa các quốc gia, các tôn giáo, các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình.
Đề tài muôn thuở vẫn là quyền lực, chức tước, địa vị, tiếng tăm.
Ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn.
Ước gì chúng ta hiểu rằng quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em ;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

SUY NIỆM 2


“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. Đó là lời mời gọi liên nỉ Chúa Giêsu trao ban cho các môn đệ của người mà Tin Mừng hôm nay muốn nhắc lại với chúng ta. 

Quả thế, Chúa Giêsu đến trần gian nhằm để cứu độ con người khỏi tình trạng tội lỗi và nô lệ cho tội lỗi. Con đường cứu độ ấy được Chúa khai mở bằng cuộc sống khiệm hạ, “đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ”. Phục vụ vốn được xem như là công việc của người tôi tớ dành cho chủ. Đang khi ấy, Chúa Giêsu là một Thiên Chúa cao sang, mà Người lại tự hạ mình xuống để phục vụ con người như một người tôi tớ. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem “người môn đệ của Chúa sẽ phải làm gì khác ngoài con đường noi gương Chúa?”

Thế giới hôm nay vẫn còn đó những cuộc xung đột giữa các quốc gia, giữa các sắc tộc, giữa các tổ chức, giữa các cá nhân, là vì ai cũng muốn mình phải được người khác lệ thuộc mình, phục vụ mình. Ai cũng muốn mình phải trổi vượt hơn kẻ khác, phải là bề trên, phải là người có quyền trên kẻ khác, v.v. Vì thế, cuộc sống vẫn còn đó khổ đau và bất hạnh.

Bài học khiêm tốn trong cuộc sống mà Chúa Giêsu dạy chúng ta hôm nay là bài học giúp chúng ta xoá mình để yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Đó là bài học đưa con người đến xây dựng xã hội văn minh tình thương và công bằng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học nơi Chúa bài học của sự khiên tốn trong yêu thương và phục vụ, để chúng con biết yêu thương và phục vụ anh chị em mình trong cuộc sống hằng ngày. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường