Lời Chúa: Lc 19, 11-28
Suy Niệm 1
Nén bạc sinh lời
Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười yến bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” (Lc. 19, 12-13)
Trước khi long trọng vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu lưu ý các môn đệ về thời kỳ đăng quang cuối cùng. Tiếp đến thời kỳ Giáo hội được trao phó cho các ông để chịu thử thách.
Một lần nữa, Đức Giêsu kể một sự kiện nổi tiếng được mọi người đã biết, nó xảy ra hai năm sau ngày Người sinh ra: Đó là hành trình của quận vương A-kê-lau tới thăm Rô-ma để được chuẩn y thăng chức làm vua xứ Giu-đa. Một phái đoàn năm mươi người Do thái phản đối sự phong vương này. Và khi A-kê-lau trở về đã trả thù những người Do thái chống đối. Lần này, chính Đức Giêsu đến đương đầu với sự chống đối của người Do thái, họ không muốn nhận vương quyền của Người.
Trong khi vắng mặt, Đức Giêsu đã trao sự nghiệp của Người cho các đầy tớ, cho Giáo hội của Người. Sản nghiệp Người trao cho các ông, chỉ là một vật rất nhỏ. Các ông phải làm cho sinh lời. Các đầy tớ của Đức Giêsu đều phải được thử thách như thế để chứng tỏ lòng trung thành và sự kiên trì trong suốt thời gian bấp bênh. Các ông có là những quản lý trung tín và khôn ngoan rao giảng Lời Thiên Chúa không?
Khi Đức Giêsu trở về, Người kêu tính sổ, những đầy tớ không nói tới việc họ đã làm, nhưng nói về sản nghiệp được trao cho họ làm sinh lời, vì lời Người đã được rao giảng và vẫn sống động. Lời Người đã sinh hoa kết quả tùy theo sự cảm nhận và khôn khéo của các đầy tớ. Lòng trung tín trong các việc nhỏ được ghi công và được lãnh phần Nước Trời.
Kẻ lười biếng mất hết quyền lợi
Kẻ chỉ tìm yên thân, không làm gì. Nó chê trách chủ thu nơi không phát nên nó đem đi chôn, những người biệt phái cũng thế, họ canh giữ lề luật bắt người ta kính trọng lề luật để bảo vệ luật lệ được nguyên vẹn, làm cho lề luật khô héo ứ đọng, chết cứng, nên họ bị tước mất cả cái họ có. Sự mong đợi ngày quang lâm của Chúa kêu gọi hành động, chứ không phải bất động chờ đợi, ngập lòng sợ hãi.
Hình phạt của vua chống lại kẻ thù cho thấy sự khủng khiếp trong ngày phán xét chống lại sự nổi loạn của Ít-ra-en và chắc hẳn nhắm tới cảnh thiêu hủy của thành Giê-ru-sa-lem mà Đức Giêsu đã loan báo nhiều lần trước khi Người chết. Nhưng hình phạt cũng áp dụng cho những người từ chối đón nhận nước Chúa. Họ tự kết án mình phải hư mất.
RC