Lời Chúa: Lc 23, 35-43
Suy niệm 1
Vị vua không ngai vàng
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Mặc dù có nhiều ý kiến phê phán cách dùng danh xưng “vua” để chỉ Chúa Giêsu, viện lẽ rằng danh xưng này gắn liền với xã hội phong kiến lỗi thời, Giáo Hội vẫn tiếp tục dùng tước hiệu này và tôn vinh long trọng trong ngày Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là vua. Nhưng Ngưởi là một vị vua không có ngai vàng. Nói đúng hơn, Người không dùng ngai vàng để biểu dương quyền lực trần thế. Ngai vua của Người là một dụng cụ tử hình, là cây thập giá đã được dựng nên trên đồi Canvê. Như thế, mặc dù dùng danh xưng vua để chỉ Chúa Giêsu, thì khái niệm vua nơi Người vẫn hoàn toàn khác với một vị vua trần thế.
Không phải vô tình mà thánh sử Luca nhấn mạnh đến tấm biển gắn phía trên của thập giá. Tấm biển này mang dòng chữ "Người Này Là Vua Dân Do Thái”, được viết bằng ba thứ tiếng: Hy lạp, Latinh và Do Thái. Thánh Gioan còn thêm một chi tiết: nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh gần cổng thành, nơi có đông người qua lại nên rất nhiều người đọc được dòng chữ này (x. Ga 19,20). Tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ của nền văn hóa đương thời; tiếng Latinh là ngôn ngữ của chính trị; tiếng Do Thái là ngôn ngữ của tôn giáo. Tước hiệu vương đế của Đức Giêsu được giới thiệu và tuyên xưng trong mọi lãnh vực, cho cả thế giới, mọi nền văn hóa và ý thức hệ chính trị. Thực tế hôm nay cho thấy điều “tiên tri” này đã được thực hiện: danh Đức Giêsu được kêu cầu bằng mọi ngôn ngữ trên thế giới. Tin Mừng của Người đã đến với mọi nền văn hóa, thấm nhập và làm cho thăng hoa phát triển.
Phụng vụ giới thiệu với chúng ta một vị vua nổi tiếng là đạo hạnh của Cựu ước (Bài đọc I). Đó là vua Đavít. Ông là vị vua thứ hai sau Sa-un, kể từ khi Ít-ra-en thiết lập nền quân chủ. Việc Đavít được xức dầu phong vương được coi như một việc làm theo ý của Thiên Chúa. Đavít là hình ảnh của Vị Vua Vũ Trụ là Đức Giêsu là chúng ta tôn vinh hôm nay. Tuy vậy, vương quốc của Đức Giêsu không thu hẹp trong ranh giới của Ít-ra-en như Đavít, nhưng lan rộng khắp thế giới, vì “Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất”. (Bài đọc II).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca làm chúng ta ngỡ ngàng. Đức Giêsu thi hành quyền vương đế của Người không bằng phong độ của một vị vua trần thế, nhưng lại quyền uy gấp bội phần. Một người bị kết án treo trên thập giá, bị chế diễu nhục nhã, đang quằn quại đau đớn và sắp trút hơi thở cuối cùng mà lại tuyên bố sẽ cho người trộm có lòng sám hối được vào vương quốc của mình. Vương quốc ấy được chính Đức Giêsu gọi là thiên đàng, là nơi mọi người đang ước ao và cố gắng đạt được sau khi đã kết thúc cuộc sống ở trần gian. Quả thật đây là một vị vua không giống những vị vua trần thế. Ngai vàng của Người là thập giá. Thập giá là biểu tượng của hy sinh và tự hiến. Trên ngai vàng thập giá đó, Chúa Giêsu đã tỏ cho nhân loại biết tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người mênh mông rộng lớn tới mức nào. Và, đã hai mươi thế kỷ, vương quyền yêu thương của Người đã được một phần lớn nhân loại đón nhận. Đức Giêsu là vua của vương quốc yêu thương, công bình, vĩnh cửu (lời Tiền tụng thánh lễ). Ai sống yêu thương bác ái thì được thuộc về vương quốc của Chúa.
Việc người trộm sám hối được đón nhận vào thiên đàng là bằng chứng của tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Người tín hữu tìm thấy niềm hy vọng nơi nhân vật người trộm này. Mặc dù tội lỗi, anh đã tuyên xưng Đức Giêsu là vua. Anh muốn được vào vương quốc của Người và ước vọng của anh đã được chấp nhận. "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".
Nhận ra vương quyền của Đức Giêsu và cố gắng sống xứng đáng là công dân trong vương quốc của Người, đó là ơn gọi của người tín hữu. Có những lúc người công dân trong vương quốc của Chúa phải chấp nhận những thiệt thòi hy sinh mất mát để có thể trung thành với Chúa và được hạnh phúc Nước Trời. Nhiều khi chúng ta có khuynh hướng chọn lựa một Đức Giêsu vương hoàng theo kiểu trần gian. Lúc đó, chúng ta chỉ tôn thờ hình ảnh của Người mà chưa chắc được gặp Người.
Việc tôn vinh Đức Giêsu là Vua vào Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ mang một ý nghĩa đặc biệt. Chúng ta được mời gọi hướng về ngày cánh chung, tức là ngày tận thế, ngày tận cùng của lịch sử nhân loại. Khi ấy, mọi quyền bính trần thế sẽ chấm dứt; mọi chia rẽ hận thù và chiến tranh tàn khốc sẽ không còn. Chỉ còn vương quốc yêu thương và an bình tồn tại. Vương quốc ấy là vương quốc của Chúa Giêsu. Vị Vua Giêsu vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của Chúng ta. Một vị vua không thực thi quyền thống trị. Người đang tiếp tục đi qua các ngả đường và ngõ xóm, ngồi trên lưng một chú lừa con, như trên đường phố Giêrusalem xưa. Người đang gõ cửa tâm hồn chúng ta, dù chúng ta không đón tiếp Người. Trước mặt chúng ta, Người cũng trần trụi như khi đứng trước Philato và mời gọi chúng ta nhận ra mình thuộc về chân lý. Mỗi tín hữu chúng ta được mời gọi nhận ra Người và cùng với Người và anh chị em chung tay xây dựng vương quốc của Người ngay từ hôm nay, khởi đi từ những cố gắng rất đơn giản dung dị trong cuộc sống đời thường.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tôn nhận Chúa là vua của cõi lòng mỗi người chúng con. Xin Chúa thương chúc phúc và trợ lực để chúng con xứng đáng là công dân của Nước Trời. Amen.
Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhìn vào hình ảnh của hai tên gian phi (theo bản dịch) trong trang Tin Mừng hôm nay. Trước hết, qua những lời đối đáp mà tên gian phi thứ nhất đã nói với Chúa Giêsu, chúng ta thấy, dường như anh ta có cá tính khá ương bướng; có vẻ trong con người anh ta không còn chỗ cho sự thông cảm, thương hại và lòng nhân đạo; ngay cả khi cái chết gần kề, anh ta vẫn không hề tỏ cho thấy sự ăn năn và hối lỗi của mình. Với thái độ như thế, Chúa Giêsu đã không thể đến và ở gần với anh ta được. Bởi chưng, không ai có thể cứu vớt một người mà chính bản thân người đó không hề muốn được cứu rỗi; giống như ánh mặt trời không thể soi chiếu vào phía sau bức màn đã khép kín vậy. Quả thật, sự tha thứ của Chúa luôn sẵn có nhưng quan trọng chúng ta có dám mở lòng để đón nhận hay không.Riêng đối với tên gian phi thứ hai, khi bị treo trên thập giá, đó là khoảng thời gian quý báu để anh nghĩ lại những gì anh đã hành động trong quá khứ, để anh suy gẫm về cuộc đời mình. Anh đã thấy những gì? Một đống hoang tàn đổ nát. Những cơ hội bị bỏ lỡ chỉ là chuyện nhỏ so với việc anh đã bỏ lỡ, đã phí phạm cả một cuộc đời.Khi đối diện với tình cảnh đau thương của mình, rõ ràng, anh có thể bào chữa hoặc quy trách nhiệm cho người khác: những người nuôi dạy anh, môi trường sống, bạn bè, v.v. Nhưng anh đã không làm như thế. Thực tế anh đã nói với người bạn tử tù của mình rằng: "Chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm". Anh hoàn toàn lãnh trách nhiệm về mình. Đó là một thái độ đáng cho chúng ta suy gẫm. Bởi chưng, ngày nay, người ta thường hay có khuynh hướng không nhận lỗi về mình mà lại tìm cách đổ lỗi cho người khác. Tuy nhiên, chúng ta phải chân nhận rằng, làm theo điều mà tên gian phi hối cải đã làm cũng chẳng dễ dàng gì. Vì lẽ, trong bầu khí tại đồi Gôngôtha, trước sự chế giễu của những kẻ lãnh đạo tôn giáo, sự nhạo báng của những tên lính cũng như của tên gian phi kế bên, anh đã thực hiện được cử chỉ hối lỗi như thế là thật đáng thuyết phục. Hành động hối cải của anh rất cao quý, mặc dù điều đó có lẽ sẽ vô ích cho anh nếu như không có một ai đó đủ khả năng để giúp đỡ anh vào lúc ấy. Nhưng Chúa Giêsu - vị Vua nhân từ và là bạn của những người tội lỗi - đã hiện diện ngay đó. Thái độ sám hối khiêm nhường và triệt để của anh đã làm Chúa động lòng thương. Chúa đã đem đến cho anh không những ơn tha thứ mà còn trao ban cho anh cả Nước Trời nữa. Lạy Chúa Giêsu là Vua tình yêu, xin nhìn đến những ai đang đi đến đoạn kết của cuộc đời mà không có gì để cho họ cảm thấy là tốt đẹp, không có gì để họ có thể tự hào trong cuộc đời của họ. Xin cho họ luôn biết tín thác vào sự quan phòng và lòng thương xót của Chúa, để mỗi khi sa ngã họ biết can đảm đứng dậy mà làm lại cuộc đời, hầu đáng được hưởng ơn cứu độ Chúa ban. Amen.