Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23-11-2019

Filled under:


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23-11-2019
"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống" (Lc 20, 27-40).
Hàng ngày, ai cũng có thể thấy; chim hót trên cành, cá lội dưới nước, hoa tươi khoe sắc, ong bướm dập dìu cùng nhiều cảnh vật khác, trong đó, con người là chính...Những thứ này được Thiên Chúa tạo dựng nên, Ngài ban cho sự sống, Ngài muốn nó được sống mãi, sống lâu dài. Nhưng tối tăm bao phủ, sự chết hiện diện đã khiến cho nó phải chết. Không; Đức Giêsu khẳng định: "Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".
Nhóm Sađốc không tin có sự sống đời sau (không biết có tin như vậy hay chỉ nói ngoài miệng), bày mưu tính kế nhằm hãm hại Đức Giêsu. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại. Đức Giêsu không những đã phá vỡ âm mưu của nhóm Sađốc, mà còn mặc khải cho họ một sứ điệp quan trọng trong cuộc sống mai hậu. Đó là sự sống đời sau.
Thật vậy: Cuộc sống trên trần gian này chỉ là tạm bợ. Cuộc sống mai này mới là vĩnh viễn. Trong cuộc sống, anh và tôi cố gắng chu toàn bổn phận của mình thật tốt. Để được như thế, cần phải hướng lòng về quê thật là Thiên Đàng, nơi đó có tràn đấy ánh sáng và bình an.
Lạy Chúa, chúng con tin có sự sống đời sau, vì thế chúng con cần phải chuẩn bị và sống đời sống ấy ngay từ đời này. Xin cho mọi công việc, hành động lời nói, suy nghĩ của chúng con đều quy hướng về mục đích cuối cùng này. Amen.


THÁNH CLÊMENTÊ GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO

Khi sai các Tông đồ đi truyền giáo, Chúa Giêsu căn dặn các ông đủ điều. Chúa lệnh cho các Tông đồ đưa tất cả các chiên lạc về đàn. Chúa truyền các ông chữa bệnh nhân, phục sinh kẻ chết, chữa lành người hủi, xua đuổi quỉ thần. Chúa dạy các Tông đồ hãy cho tất cả, cho không vì đã lãnh nhận không công. Chúa dạy các Tông đồ khi đi truyền giáo không được tìm vàng bạc, tiền tài để tích trữ cho mình. Hơn nữa, Chúa còn khuyên các Tông đồ khi truyền giáo đừng mang theo bị đầy, đừng mang hai áo khoác, cũng đừng mang giầy dép hoặc gậy, vì có làm thì có ăn (Mt 10, 7-11).
Sau khi đã dặn cặn kẽ mọi điều. Chúa Giêsu đưa ra mấy lời tiên báo về số phận của các vị truyền giáo: "Các con đừng có tin người ta; họ sẽ nộp chúng ta cho hội đồng công tọa, họ sẽ đánh đập các con trong các hội đường. Các con sẽ bị điệu đến trước nhà quan vì Thầy, để làm chứng cho Thầy trước mặt họ và lương dân. Nhưng khi họ nộp các con, các con đừng lo sẽ phải ăn nói thế nào: Nếu cần phải nói gì lúc đó, các con sẽ được ơn trên cho biết, bởi vì không phải các con sẽ nói nhưng là chính Thánh Thần của Cha các con sẽ nói ở trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con; con cái sẽ chống đối cha mẹ và sẽ làm cho cha mẹ phải chết. Và các con sẽ bị mọi người ghen ghét vì danh Thầy; nhưng ai kiên chí đến cùng sẽ được cứu thoát" (Mt 10, 17-23).
Tất cả những lời tiên báo trên đây đã được thực hiện trọn vẹn đối với tất cả các thánh Tông đồ. Thứ đến các đấng kế vị các Tông đồ và tất cả các kitô hữu đã can đảm hy sinh tính mạng vì Chúa.
Trong số các đấng kế vị các thánh Tông đồ đã anh dũng hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô và thực hiện trọn vẹn lời tiên báo của Chúa Giêsu, chúng ta phải kể đến thánh Clêmentê I Giáo Hoàng tử đạo.
Thánh Clêmentê là vị Giáo Hoàng thứ ba của Giáo hội công giáo. Ngài sống vào cuối thế kỷ thứ I. Người ta không được biết rõ về thời niên thiếu của ngài. Có lẽ thánh nhân thuộc quốc tịch Rôma. Ngài là một nhà trí thức, đồng thời cũng là một nhà văn lỗi lạc. Phân tích lá thư ngài gửi giáo hữu Côrintô, người ta có thể đi đến kết luận:
Thánh Clêmentê là một nhà hùng biện. Ngài đặc biệt yêu quí Kinh Thánh và lấy đó làm nền tảng mọi suy tư của ngài. Tất cả các tác phẩm của ngài vì vậy đều thấm nhuần những tư tưởng của lời Chúa.
Thánh nhân có tài trình bày tư tưởng rất khúc chiết, minh bạch và rất thông thạo các tác giả cổ điển. Có lẽ thánh Clêmentê đã được thánh Phaolô đưa vào đạo công giáo. Đến sau ngài lại được thánh Phêrô chọn làm môn đệ. Rồi làm Giáo Hoàng. Về điểm này đã được chính thánh Irênê xác nhận trong cuốn "Chống lạc giáo" của ngài như sau:
"Sau khi đã thành lập Giáo hội, hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô truyền ngôi Giáo Hoàng cho Đức Linô. Chính Đức Linô đã được thánh Phaolô nhắc với quí danh trong thư giáo mục của ngài gửi Timôtệ Đến sau Đức Anaclêtô lên kế vị Đức Linô. Sau đức Anaclêtô là Đức Clêmentê được chọn làm Giáo Hoàng. Ngài là vị Giáo Hoàng thứ ba kể từ các Tông đồ. Đức Clêmentê đã được giao tiếp với các Tông đồ, được nghe các Tông đồ giảng dạy và được chứng kiến công việc các ngài làm".
Nhờ tài liệu lịch sử trên đây, chúng ta có thể quyết đoán được rằng: thánh Clêmentê đã được bầu làm Giáo Hoàng vào cuối thế kỷ thứ I.
Khi lên ngôi Giáo Hoàng, thánh Clêmentê đã làm nhiều việc phi thường. Trong số đó chúng ta phải kể đến việc ngài đã cương quyết dùng quyền tối thượng của ngôi Giáo Hoàng để can thiệp, dàn xếp một cuộc phản loạn của giáo hữu Côrintô đã nổi lên chống đối hàng giáo phẩm địa phương của họ. Về vấn đề này cũng đã được thánh Irênê chính thức xác nhận trong cuốn "Chống lạc giáo" của thánh nhân như sau: "Dưới thời Đức Clêmentê, tại giáo đoàn Côrintô có một cuộc phản loạn của giáo hữu nổi lên chống đối hàng giáo phẩm của họ. Bấy giờ Giáo hội Rôma gửi cho giáo hữu Côrintô một bức thư khá quan trọng nhằm vãn hồi hòa bình của giáo đoàn và củng cố đức tin của họ".
Việc can thiệp cương quyết và sáng suốt này đã là một điều đánh dấu triều đại Giáo hoàng của thánh Clêmentê. Nhờ việc làm đó mà tên tuổi của Đức Clêmentê I đã được muôn đời ca tụng. Vì lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo, một vị Giáo Hoàng đã sử dụng quyền tối thượng của mình để can thiệp vào nội bộ một giáo đoàn khác. Thế nên, trong việc can thiệp này, không những nói lên một bằng chứng cụ thể về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng Rôma, đồng thời nó còn cho ta thấy thiên tài đặc biệt của đức Clêmentê vị Giáo Hoàng thứ ba của Giáo hội Rôma. Đọc bức thông điệp gửi giáo hữu Côrintô, chúng ta cũng có thể hình dung một phần nào chân dung của Đức Clêmentê I. Ngài là vị Giáo Hoàng xuất chúng, ngài có những tư tưởng thật độc đáo và có những cái nhìn rất sâu sắc. Qua bức thông điệp gửi giáo hữu Côrintô, ta cũng có thể nhận ra rằng thánh Clêmentê là một Giáo Hoàng hiền từ, bác ái và khiêm tốn.
Một vị Giáo Hoàng thánh thiện, lỗi lạc như thế, quả xứng đáng được Chúa tuyển chọn làm chứng nhân của Chúa trước mặt vua quan, trước mặt thế gian, và được đóng góp máu của mình vào những gì còn thiếu trong những nỗi thống khổ của Chúa Giêsu.
Thực thế, dưới thời Hoàng đế Trajanô, thánh Clêmentê bị bắt và bị kết án tử hình. Lý hình cột đá vào cổ thánh nhân, rồi ném ngài xuống biển. Dưới triều Đức Giáo Hoàng Adrianô II, xác thánh nhân đã được đưa về Rôma và được táng trong nhà thờ đã được xây cất từ trước để dâng kính ngài.


THÁNH CÔLÔMBANÔ TU VIỆN TRƯỞNG

Sau thánh Patriciô, một đấng thánh thời danh đã có công kiến tạo Giáo hội Ailen, người ta cũng phải ghi nhớ thánh Côlômbanô là một trong những vị tông đồ có công nhiều đối với Giáo hội Tây Âu thời bấy giờ.
Ngày sinh nhật của thánh Côlômbanô đến nay vẫn còn trong vòng tranh luận. Nhưng tất cả các ý kiến đều đồng ý vào khoảng từ năm 525 đến 530. Quê quán của thánh Côlômbanô thuộc miền trung đông xứ Ailen. Trước ngày trẻ Côlômbanô ra đời, mẹ ngài thấy dường như từ trong cung lòng của mình xuất phát một vầng mặt trời chói lọi… Mọi người đều đồng ý cho là điềm lành cho gia đình. Con trẻ sắp ra đời hẳn sẽ gây một ảnh hưởng tốt đẹp và mạnh mẽ, trẻ ấy sẽ có một kiến thức phi thường và là một giáo sĩ ít ai bì kịp. Là một trang thiếu niên lịch thiệp, Côlômbanô thấy những hiểm nguy có thể xảy đến có hại cho đức trinh khiết, đồng thời vâng theo lời khuyên bảo của một nữ tu ẩn danh, khoảng năm 545, ngài giã từ mẹ để đến theo nghề bút nghiên tại nhà dòng thuộc miền bắc Ailen. Trên đường học vấn, Côlômbanô tỏ ra là một học sinh thông minh và sau này chắc cậu sẽ trở thành một giáo sư có biệt tài về văn chương tôn giáo cũng như trần thế. Năm 558, ái mộ gương tu đức anh hùng của các tu sĩ thuộc quyền của thánh Comgall, tiêu biểu cho môn phái khổ tu nước Anh, thánh nhân tình nguyện theo làm đồ đệ của Comgall trong tu viện Băngô. Nơi đây ngài sống theo một lề luật rất nghiêm ngặt suốt 12 năm trường.
Cuộc đời của thánh nhân trong khoảng 20 năm kế tiếp không được minh xác, nhưng người ta công nhận giả thuyết này là: thánh Côlômbanô gia nhập vào một phái đoàn truyền giáo của thánh Comgall, sang giảng đạo tại miền nam xứ Scôtlen. Sau một thời gian ở tại Stratclyde từ 570 đến 573, có lẽ thánh nhân bỏ xứ ấy sau những biến động chính trị.
Điều chắc chắn là phái đoàn truyền giáo trẩy sang xứ Gallia để củng cố đức tin từng bị quân man di tục hóa, nhất là tại miền Austrasia (vùng sông Meuse và sông Rhin). Ròng rã 14 năm trời, ngài cùng với các nhà thừa sai đã sống một cuộc đời truyền giáo lưu động tại miền đông bắc nước Pháp và cả nước Đức nữa.
Vào những năm cuối triều vua Gontran, các ngài đến định cư tại miền Burgunđê. Gontran nhường cho các ngài một pháo đài đổ nát nằm trong thung lũng. Nơi đây nạn đói luôn luôn đe dọa, làm thối chí nhiều tâm hồn can đảm. Nhưng Chúa còn nhiều vị anh hùng để nung chí đoàn người truyền giáo… Với sự đoàn kết huynh đệ và sự hy sinh vô vị lợi của phái đoàn, thánh Côlômbanô đã biến một miền hoang vu cằn cỗi nên trù phú. Để giải quyết vấn đề nơi ăn chốn ở cho các tu sĩ càng ngày càng đông, thánh nhân chọn một địa điểm có sẵn nước, đó là Luyxơi. Nơi đây thánh Côlômbanô tổ chức một tu viện bán khổ hạnh rất êm đẹp bằng những bữa chay trường, những giờ cầu nguyện lâu giờ trong nơi thanh vắng. Đối với giáo dân, ngài khuyến khích việc đền tội riêng tư với những hình phạt đã được ấn định trước theo qui chế của giáo hội Ailen. Ngài cũng lập một dòng ba tại giếng Luyxơi cho những hối nhân muốn sống cuộc đời tu sĩ. Tu viện thánh Côlômbanô còn có một văn phòng đầy đủ dụng cụ cho các tu sĩ chép sách. Phần đông các tu sĩ là những nhà nghệ nhân và tiểu công nghệ, họ làm việc rất nhiệt thành theo từng toán. Có những vị hái lá cây để chữa bệnh.  Luyxơi quả thật là một trường huấn luyện rất thích hợp.
Tập hợp được 300 tu sĩ, thánh Côlômbanô thảo ra một quy luật và một tập sám hối. Bản hiến pháp và tập sám hối cho ta thấy đặc tính nghiêm khắc của thánh nhân, đồng thời cũng bộc lộ tính đặc biệt của ngài. Một nguyên tắc của ngài rất mực đơn giản: "Phải ăn chay mỗi ngày, phải cầu nguyện hằng ngày, phải làm việc luôn tay, và đọc sách thường nhật". Xét mình và thanh tẩy linh hồn là hai cấp bậc đầu tiên để tiến tới sự trọn lành của hàng tu sĩ. Tiếp theo đấy là yêu mến Thiên Chúa bằng một tình yêu không ngừng, yêu những việc siêu nhiên sau khi đã siêu thoát tạo vật. Hư danh bóp nghẹt mọi sự lành. Đồng trinh thể xác ích gì nếu linh hồn không được trong trắng. Việc hãm mình phải do bề trên quyết định...
Đây là những hình phạt điển hình rút trong tập sám hối: Quên thưa Amen sẽ bị 30 roi. Khạc nhổ nhằm bàn thờ phải đọc 24 Thánh vịnh. Giáo dân chè chén say sưa quá độ phải ăn lạt và uống nước lã một tuần.
Thánh nhân có biệt tài kích thích mọi người bằng những bài giảng vang âm của mùa phục sinh. Người ta còn có thể tìm thấy trong các bài huấn đức của thánh nhân những áng văn chương đầy tình cảm với những hình ảnh văn chương quen thuộc. Ngài nói về cuộc sống con người với những lời sau đây:
"Con người không là gì khác hơn là một hình ảnh mau qua, như cánh chim bay, như đám mây lơ lửng và giòn mỏng như một chiếc bóng, như giấc chiêm bao. Cần phải chăm chỉ và nhanh chân vượt qua mọi nơi lưu đầy như lữ hành vội bước về quê thật". Suy niệm về sự hiện hữu của mình, ngài viết:
"Nay tôi hiện hữu như xưa kia tôi không có, và trong tương lai tôi sẽ thế nào. Từ lúc sinh ra, con người bắt đầu một cuộc đua đường trường, và qua mỗi ngày trong cuộc sống, tôi cứ biến dịch luôn. Nhưng cái gì biến dịch hay biến dịch như thế nào tôi không thấy được…".
"Trên con đường về cùng Thiên Chúa, ta cần phải tiêu diệt cảnh phù hoa để sống cho Thiên Chúa ngày càng hơn…".
"Cả đời sống ta chỉ là một ngày đi đường, đích điểm là tình yêu; và nguyện vọng của ta là tiến về quê thật…". Và sau đây là khúc khải hoàn kết thúc bài diễn văn về thân phận con người không có Thiên Chúa:
"Bạn khát ư ? Hãy uống nước hằng sống. Bạn đói ư ? Hãy ăn bánh trường sinh".
Thấm nhiễm khuynh hướng của người Ailen muốn ấn định lễ Phục sinh vào một ngày cố định cộng với vài điểm khắt khe trong quy luật. Thánh Côlômbanô vấp phải sự phản đối của hàng giáo phẩm Burgonđê: đồng thời không được sự ủng hộ của vua Thierry và bà hoàng Brunehaut như thuở xưa, ngài bị bắt giam vào mùa xuân 610 tại Besancon. Nhưng ngài đã vượt ngục. Đầu mùa thu năm ấy ngài bị bắt lại và bị trục xuất khỏi Burgonđê. Ngài bị đưa xuống tàu đi Nante để lái tàu về Ailen. Tại hải cảng thơ mộng xứ Gallêa, ngài tiên đoán các đệ tử ngài sẽ bị xáo động vì thầy trò phân ly.
Ngài liền thảo cho họ một bức thư thống thiết và đầy trìu mến. Đây là vài dòng trích trong bức thư lâm ly ấy:
"Tình yêu không đòi trật tự, người ta nói thế; bởi đó tư tưởng trong thư của cha rất hỗn độn. Cha muốn tỏ bày vắn tắt và tất cả tình cảm của cha cho các con, nhưng làm sao cha nói hết được? Vì điều xưa kia cha muốn viết cho các con, giờ đây cha không muốn viết nữa, ý chí của cha quá phức tạp… các con hãy đưa mắt nhìn vào lương tâm các con, xem nó trong sạch và thánh thiện thế nào trong lúc cha vắng mặt. Nhân dịp này, các con đừng tỏ ra là người hèn nhát. Trong lúc phân cách, các con lo tìm kiếm sự tự do thoải mái làm gì, vì nó bắt các con phải nô lệ tính hư tật xấu. Đệ tử của cha phải là người có tinh thần hiệp nhất, ai chia rẽ, không phải là đệ tử của cha đâu. Chúa Giêsu đã phán: "Ai không liên kết với Ta, là nghịch cùng Ta" (Lc 11,23)… Do đó, các con yêu dấu, các con hãy cầu nguyện để cha chỉ sống vì Thiên Chúa".
Chuyến tàu chở vị tu sĩ bị trục xuất đắm giữa biển khơi, và thánh Côlômbanô trôi giạt vào vương quốc của vua Clotariô. Tại đấy ngài thành công trong việc khuyến dụ nhà vua cùng triều thần tuân giữ lề luật đạo công giáo. Sau đó ngài sang Ý qua ngã Ottavia. Trong chuyến đi này, ngài được ông hoàng xứ này là Thibert, em của Thyerry chấp thuận cho ngài thiết lập một tu viện với mục đích giảng đạo cho dân Alamans, rồi ngài lại đến định cư tại Tuggen, trên bờ hồ Zurich. Nhưng Gall, một đồ đệ của ngài vì quá nhiệt thành, đã thiêu hủy và thả trôi sông những thần tượng của dân bản xứ. Việc đó gây lòng căm phẫn trong nhân gian khiến Côlômbanô phải bỏ Tuggen về lập dòng tại Bourgônia. Thời gian ở tại Brêgên không thể kéo dài được vì Thibert, vị ân nhân của ngài thất trận và bị anh ruột là Thyerry giết chết. Trước sự cuồng bạo của ông hoàng bao phen làm ngài điêu đứng, thánh Côlômbanô bỏ Brêgên và sang nước Ý.
Đến miền Lombarđia, thánh Côlômbanô gây được thiện cảm nơi dân bản xứ, vì ngài đã nhân danh họ thảo một bản tường trình tỏ lòng trung thành của họ đối với Giáo hội; nhưng khi ngài dự định chống lại lạc thuyết Ariô đã ăn sâu vào tâm thức của họ, ngài bị họ bỏ rơi và gần như bạc đãi. Họ yêu cầu ngài đến ngụ tại tu viện Bốpbiô do ngài thiết lập mấy năm trước. Tại đấy, mặc dầu thánh Côlômbanô đã cao tuổi, nhưng ngài vẫn tự tay làm việc để mưu sinh. Ngài sống trong những hang đá cạnh tu viện và luôn luôn tưởng nhớ đến con cái của ngài. Ngài qua đời ngày 23 tháng 11 năm 615. Ở đây chúng tôi không nói đến các phép lạ của thánh nhân, mặc dầu ngài đã làm nhiều điều kỳ lạ, và đặc biệt ngài đã điều khiển được cả loài muông thú.
Quả thật, thánh Côlômbanô là một vĩ nhân trong thời đại của ngài. Có thể sánh ví ngài như một Elia, một Elisê mới. Ngài có khiếu làm cho mọi người yêu mến Thiên Chúa mặc dầu ngài chỉ giảng nơi xa thôi. Đối với các tu sĩ thuộc quyền, thánh Côlômbanô có biệt tài huấn luyện họ về đức vâng lời trong tự do, đức khó nghèo phong phú và đức trong sạch tinh tuyền. Cùng với các đệ tử của ngài, thánh Côlômbanô có công nhiều trong việc kiến tạo nền văn minh Kitô giáo. Quy luật của ngài là thích ứng Phúc âm cho con người thế kỷ VI vậy.