Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 7-11-2019
Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải. (Lc 15, 1-10).
Trong những năm chiến tranh, tôi đã chứng kiến một chuyện như sau: Năm ấy, trận chiến sảy ra ngay vùng tôi ở, súng đạn nổ như bắp rang, mọi người đều chạy sang các làng khác. Nhà bác Tư có nuôi một bầy trâu, lo sợ bị lạc đạn, bác thả chúng ra hết mặc chúng muốn đi đâu thì đi. Trận chiến kết thúc, cùng lúc ấy đàn trâu cũa bác Tư cũng trở về đầy đủ, không mất con nào.
Tin mừng hôm nay Đức Giêsu đã chỉ ra cho thấy, Ngài rất vui mừng vì một người tội lỗi biết ăn năn trở về "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!". Để được như thế; Đức Giêsu đã tiếp xúc trực tiếp với những người thu thuế, làm bạn với những người bị xã hội thời bấy giờ gán cho là kẻ tội lỗi. Ngài còn cùng ăn uống đồng bàn với họ.
Dù ăn uống với những người tội lỗi, Người luôn luôn kêu gọi phải từ bỏ tội lỗi, ăn năn sám hối trở về, những ai đáp lại lời kêu gọi này thì không bị cơn giận của Thiên Chúa đổ xuống, nhưng được hưởng lòng thương xót và ân ban muôn đời. Và Ngài, Ðấng đầy lòng khoan dung nhân hậu, Ngài không thể chịu nổi bất cứ một người nào đang ngập tràn vào những vũng lầy tội lỗi
Lạy Chúa, Xin cho mỗi người chúng con biết tin tưởng vào tình thương của Chúa, can đảm quay trở về với Chúa để được yêu thương. Lạy Chúa, Chúa luôn yêu thương người tội lỗi. Xin cho chúng con biết sống yêu thương. Amen.
Thánh Didacus (1400-1463)
Thánh Didacus là một bằng chứng sống động của Thiên Chúa khi Người “chọn những gì là điên dại trong thế gian để làm xấu hổ những người khôn ngoan; những gì là yếu đuối để làm xấu hổ kẻ hùng mạnh” (1 Cor. 1:27).
Sinh trưởng trong gia đình nghèo nàn ở một tỉnh nhỏ thuộc giáo phận Seville, Tây Ban Nha, Didacus được cha mẹ đồng ý cho sống với một vị ẩn tu ở thành phố gần đó. Mặc dù còn trẻ, nhưng ngài đã cố bắt chước sự khắc khổ và lòng đạo hạnh của vị ẩn tu này. Họ trồng trọt và làm những dụng cụ bằng gỗ để mưu sinh.
Vài năm sau, ngài bị gọi trở về nhà nhưng sau đó không lâu, ngài gia nhập tu viện Phanxicô ở Arrizafa làm trợ sĩ. Sau khi khấn trọn, Didacus tình nguyện đi truyền giáo ở quần đảo Canary, và hăng say hoạt động, đem nhiều người về với Chúa. Dù là một trợ sĩ, nhưng ngài được chọn làm bề trên cả một tu viện chính ở quần đảo, là tu viện Fuerteventura. Sau đó bốn năm, ngài được gọi về Tây Ban Nha và sống trong nhiều tu viện gần Seville.
Vào năm 1450, nhiều tu sĩ Dòng Phanxicô quy tụ về Rôma để cử mừng năm thánh và dự lễ phong thánh cho Thánh Bernardine ở Siena. Didacus cũng đến đó và ngài phải ở lại Rôma ba tháng để chăm sóc các tu sĩ dòng lâm bệnh nặng.
Sau khi trở về Tây Ban Nha, ngài dành trọn thời giờ để theo đuổi đời sống chiêm niệm.
Vào năm 1463, ngài lâm trọng bệnh khi ở Alcala, và trong lúc hấp hối, Didacus nhìn vào thánh giá và nói: “Ôi mảnh gỗ trung tín, ôi đáng quý thay những cây đinh! Bay được sinh ra với một gánh nặng thật ngọt ngào, vì bay xứng đáng được đỡ lấy Ðức Kitô, là Thiên Chúa của thiên đàng” (Marion A. Habig, O.F.M., The Franciscan Book ở Saints, t. 834)
Hoàng Ðế Philip II, vì nhớ ơn ngài đã cứu sống đứa con trai nên đã khẩn khoản xin phong thánh cho ngài. Nhiều phép lạ qua sự cầu nguyện của ngài khi còn sống cũng như sau khi chết được Giáo Hội công nhận. Ngài được phong thánh năm 1588.
Lời Bàn
Với những người thánh thiện thực sự, chúng ta không thể giữ thái độ trung dung. Hoặc chúng ta ngưỡng mộ họ, hoặc chúng ta coi họ là điên dại. Didacus là thánh vì ngài đã hiến dâng cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa. Có thể nào nhận xét ấy được áp dụng cho chính chúng ta hay không?
Lời Trích
“Ngài sinh ở Tây Ban Nha với học lực tầm thường, nhưng cũng như các vị thầy đầu tiên và các vị lãnh đạo mù chữ của chúng ta lại được coi là khôn ngoan. [Thiên Chúa chọn Didacus] để cho thấy ơn sủng dồi dào của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa nhiều người đến con đường cứu chuộc, bởi đời sống và gương mẫu thánh thiện của ngài, và để chứng tỏ cho thế gian thấy rằng sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Người thì mạnh mẽ hơn loài người” (Sắc lệnh Phong Thánh).