Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Phút cảm nhận Tin Mưng ngày 30 -11-2019 Lễ Thánh Anrê Tông Đồ.

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mưng ngày 30 -11-2019
Lễ Thánh Anrê Tông Đồ.
“Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.” (Mt 4, 19 – 20).
Theo tiếng Hy Lạp, Anrê có nghĩa là trượng phu và thanh nhã. Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu gọi bốn ngư phủ đầu tiên làm môn đệ, trong đó có thánh Anrê. Anrê và Phêrô đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Anrê là anh của Simon. Ngài thuộc nhóm đạo đức của Thánh Gioan tiền hô. Ngài cùng với Thánh Gioan đi tháp tùng Thánh Gioan Tiền Hô.
Khi thầy là Gioan Tiền Hô, gặp Đức Giêsu đi ngang qua, thầy đã nói: “Đây Chiên Thiên Chúa”. Anrê đã bỏ thày lại và đi theo Đức Giêsu, đến nơi ở của Người và họ đã ở lại với Người từ ngày đó!”
Ngày nay chúng con không được Chúa gọi trực tiếp như các môn đệ xưa, Chúa đã gọi chúng con trong tin mừng, trong Giáo hội cùng những người chung quanh. Hướng tới của chúng con là noi theo tinh thần của thánh Anrê: vị Tông đồ giàu tình bạn.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con làm người, làm kitô hữu. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Anrê tông đồ xin cho chúng con biết sống xứng đáng với ơn Chúa, nhờ đó chúng con tìm được hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống. Amen.

Thánh Anrê Tông đồ

Cũng như anh trai mình là thánh Simon Phêrô, thánh Anrê làm nghề đánh cá. Ngài là môn đệ của thánh Gioan tẩy giả. Tuy nhiên, khi Gioan giơ tay chỉ về phía Đức Chúa Giêsu và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa,” Anrê đã lập tức rời bỏ Gioan tẩy giả mà đi theo Thầy Chí Thánh. Chúa Giêsu biết Anrê đang bước theo mình thì quay lại hỏi: “Anh tìm gì thế?” Anrê trả lời rằng mình muốn biết nơi ở của Đức Chúa Giêsu. Và Đức Chúa Giêsu trả lời: “Hãy đến và xem!” Anrê đã lưu lại với Chúa Giêsu một thời gian khi ngài nhận ra đây đích thực là Đấng Mêsia (x. Ga 1,35-39). Từ lúc ấy, Anrê quyết định bước theo Chúa Giêsu. Và ngài đã trở thành môn đệ đầu tiên của Đức Chúa Giêsu.
Sau đó, thánh Anrê đem anh mình là Simon (thánh Phêrô) đến với Chúa Giêsu. Đức Chúa Giêsu cũng nhận Simon làm môn đệ của Người. Đầu tiên, hai anh em vẫn tiếp tục nghề đánh cá và phụ giúp gia đình. Sau đó, Chúa Giêsu mời gọi họ bỏ luôn lối sống cũ để trở nên môn đệ “toàn phần” của Người. Chúa Giêsu hứa làm cho họ trở thành những ngư phủ đi lưới người ta, và lần này hai anh em đã bỏ chài lưới của mình luôn. Người ta tin rằng sau khi Đức Chúa Giêsu lên trời, thánh Anrê đã đến rao giảng Tin mừng tại Hy Lạp. Người ta cũng nói rằng thánh nhân đã bị giết chết trên một cây thập giá hình chữ X, chỉ bị trói chặt chứ không bị đóng đinh. Anrê sống hai ngày trong tình trạng đau khổ như thế. Thánh nhân vẫn tìm được đủ nghị lực để rao giảng cho những người đến tập trung quanh vị tông đồ dấu yêu của họ.
Hai quốc gia đã chọn thánh Anrê tông đồ làm thánh bổn mạng, đó là nước Nga Sô và xứ Scốtlen.
Khi thánh Anrê tông đồ trông thấy cây thập giá mà ngài sắp phải chịu chết trên ấy, thánh nhân đã kêu lên: “Ôi thập giá tốt lành! Thập giá đã trở nên xinh đẹp nhờ Thân Xác Chúa Kitô!” Chúng ta hãy cầu xin thánh Anrê giúp chúng ta biết nhận ra thập giá riêng của mỗi người chúng ta. Thánh nhân sẽ củng cố nghị lực cho chúng ta để chấp nhận thập giá ấy cách quảng đại.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:59

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Đức Thánh Cha Phanxicô: Mối đe dọa nghiêm trọng nhất là đánh mất ý nghĩa sống

Filled under:


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:26

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 29-11-2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 21, 29-33
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: "Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến.
Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".

Suy Niệm 1

Cây vả không trái
Cây vả là một loại cây rất thường thấy khắp nơi tại Thánh Ðịa, là một loại cây có tàn che mát, sai trái và thường được trồng trong vườn nho hoặc cũng để mọc cả những nơi đất cát sỏi đá bên vệ đường. Trong Tân Ước, chúng ta thấy cây vả nhiều lần được Chúa Giêsu nhắc tới, như Chúa đã thấy Nathanael ngồi dưới gốc cây vả trước khi Philipphê dẫn đến gặp Ngài, hoặc ví dụ về cây vả trồng trong vườn nho đã ba năm mà không sinh trái. Thánh Mátthêu cũng ghi lại bài giảng trên núi có đoạn viết như sau: "Cứ xem quả thì biết cây, có ai hái được quả nho trong bụi gai hay trái vả trong khóm nho sao?"

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ trên đường đi về Giêrusalem, Ngài nhìn thấy cây vả bên vệ đường. Ngài lên tiếng nguyền rủa cây vả không có trái để nói về tác động linh nghiệm của đức tin. Nhưng điều đặc biệt nhất của cây vả là khi thu đông về thì lá vả rụng hết trơn, cành khô cứng trơ cọng trông như đã chết khô không còn chút sức sống nào, nhưng bắt đầu mùa xuân sang, cây vả lại trổ lá sớm và cành lá sum suê nhất, hơn nữa nó lại sai trái và trái nó ra rất sớm, đàn chim trời hợp lại líu lo trên cành mang lại sinh khí và vui tươi trong thôn xóm.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mượn một hình ảnh tiên báo mùa hè sắp tới khi thấy cây vả cùng các loại cây khác nẩy lộc. Cây vả và những cây khác đâm chồi nẩy lộc là chuyện thường đối với dân cư trong thôn làng, nhưng thật ra nó đã gói ghém một niềm vui tràn trề của một mùa mới sắp đến. Những biến động trong xã hội và thế giới là những dấu chỉ của Nước Chúa đổi mới mọi sự, như chúng ta đã suy niệm trong bài Tin Mừng hôm qua. Nếu từng giây phút của một năm qua chúng ta đã nhớ lại dấu ấn của hồng ân và tình thương của Chúa, thì chúng ta sẽ thấy hồng ân và tình thương ấy lớn lao đến chừng nào.
Ngày cuối cùng của năm phụng vụ sắp kết thúc và chúng ta sắp bước vào mùa Vọng, mùa trông chờ Chúa đến với ta, với vũ trụ và với nhân loại, một trời mới đất mới sẽ đến. Nước Thiên Chúa đang đến gần, mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Chúa và tình thương của Ngài mới bền vững muôn đời.
Lạy Chúa,
Con biết lấy gì tri ân Chúa. Suốt một năm qua biết bao nhiêu biến động đến với con, trong thôn làng con bao người đã được về cùng Chúa trong ánh sáng bất diệt. Nước Chúa, Nước của tình thương, của ơn Chúa, của an bình mà mỗi giây phút đều chung tiếng hoan ca ca tụng Ngài. Xin cho mỗi người chúng con biết nhận ra dấu tích tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con được kể là con dân trong Nước Thiên Chúa đời đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Suy niệm 2
 
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về việc xuất hiện của Nước Thiên Chúa nơi trần thế. Nếu như chúng ta biết được mùa hè sắp đến qua việc thay đổi của cây cối thay lá, Chúa cũng dạy chúng ta rằng: khi chúng ta thấy những điềm lạ trên trời, mặt trăng và các vì sao, hay khi thấy biển gào sóng thét, chúng ta sẽ nhận biết ngày giờ của triều đại Thiên Chúa xuất hiện. Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta hãy quan tâm để ý điều đang xảy ra trong cuộc sống để khám phá ra ngày giờ Chúa đến và Chúa muốn chúng ta sống làm sao.

Như người vợ yêu thương chồng sâu đậm thì chỉ một vài thay đổi nho nhỏ nơi chồng, bà biết được chồng mình thế nào. Như cha mẹ thương con dạt dào, cha mẹ cũng dễ dàng thấy những điều đứa con cần. Là người Kitô hữu của Chúa, nếu chúng ta biết lắng nghe và quan tâm, để ý đến những điều Chúa dạy, chúng ta sẽ nhạy bén nhận ra những dấu hiệu của Nước Thiên Chúa đang đến qua những sự kiện đổi thay trong cuộc đời. 

Chúng ta biết rằng, cuộc sống con người rất vô thường, nay sống mai chết. Sự hiện hữu của vật chất cũng thế: nay còn mai mất. Thế nhưng chúng ta được Chúa dạy cho biết điều quan trọng này: “Trời đất sẽ qua đi; nhưng Lời Chúa nói sẽ chẳng qua đâu". Vì thế, chúng ta hãy tín thác vào Chúa; hãy để cho Lời Chúa uốn nắn chúng ta; hãy để cho Lời Chúa là đèn soi lối ta bước; và hãy để cho Lời Chúa là nơi ta nương tựa khi gặp những gian khó trong cuộc đời. Nhờ vậy, chúng ta dễ dàng nhận ra dấu hiệu của triều đại Thiên Chúa, dấu hiệu của sự sống đời đời đáng đến với chúng ta.

Lạy Chúa, trong tháng cầu nguyện đặc biệt cho các linh hồn này, xin Chúa giúp chúng con luôn thấy được giá trị đích thực của cuộc sống ở nơi Chúa, để chúng con vững tin sống thực thi ý Chúa hầu xứng đáng bước vào sự sống đời đời trong vinh quang Nước Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:59

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC TẠI GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG

Filled under:

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC TẠI GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG


Nhà thờ Chánh Tòa Phú Cường ngày 27-11-2019, vào lúc 9 giờ sáng, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước đã cử hành thánh lễ truyền chức linh mục cho 7 thầy khóa 14 Đai chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, thuộc giáo phận Phú Cường.

Danh sách quý thầy:
  1. Thầy Đaminh Vũ Ngọc Chuẫn.
  2. Thầy Maccô Phạm Văn Hải.
  3. Thầy Antôn Hà Xuân Lộc.
  4. Thầy Giuse Nguyễn Trường Phúc.
  5. Thầy Giuse Vũ Khắc Phương.
  6. Thầy Phêrô Trần Ngọc Quảng.
  7. Thầy Micae Hoàng Anh Tuấn.
Đồng tế trong thánh lễ có: Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ - Nguyên Giám mục giáo phận; cha Simon Nguyễn Văn Thu – Tổng Đại diện giáo phận; cha Gioan Baotixita Phạm Quý Trọng – Chưởng ấn, Đặc trách ơn gọi linh mục giáo phận; cha Antôn Hà Văn Minh – Chánh xứ Chánh Tòa; và khoảng 150 cha trong và ngoài giáo phận.

Tham dự thánh lễ phong chức hôm nay còn có rất đông tu sĩ, bà con thân nhân, ân nhân các tiến chức và bà con giáo dân các giáo xứ, ước  khoảng 2.000 người.

 

Sau hành trình tu học và hoàn tất chương trình tại Đại chủng viện Sài Gòn, cũng như thời gian giúp xứ tại các giáo xứ, các thầy đã tình nguyện đáp lại lời mời gọi của Đấng Bản quyền để tiến lên lãnh nhận thánh chức linh mục.
Nghi thức truyền chức gồm 3 phần: nghi thức mở đầu, nghi thức truyền chức và nghi thức diễn nghĩa.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha Giuse chia sẻ về thân phận mỏng dòn yếu đuối của linh mục. Giáo Hội không ngừng cầu nguyện cách đặc biệt cho những người can đảm sống và bước đi trong lời mời gọi tận hiến cho Chúa. Thiên chức linh mục cao cả, đời sống linh mục cao quý, thì càng đòi hỏi linh mục phải sống kiên cường hơn, linh mục cần ơn Chúa để sống tốt đẹp đời sống và sứ vụ của mình.

Sau phần phụng vụ Lời Chúa, Đức cha Giuse đã chủ sự nghi thức truyền chức cho quý thầy trong trang nghiêm, sốt sáng. Ca đoàn tổng hợp giáo xứ Chánh Toà đã hát thay cho cộng đoàn những lời tán tụng, ngợi khen Thiên Chúa cùng những lời nguyện xin.

 

Sau 120 phút, thánh lễ truyền chức  khép lại với những dấu ấn đặc biệt của niềm tin và mở ra niềm hy vọng vì cánh đồng truyền giáo của giáo phận Phú Cường và Giáo Hội hoàn vũ. Ước mong lời nguyện cầu của cả cộng đoàn được Thiên Chúa nhận lời, có thêm những thợ gặt lành nghề, trung thành với Đức Kitô - Đấng đã gọi họ giữa đêm tối trần gian. Nhờ đó, các tân chức trở nên sứ giả bình an và hiện thân của các giá trị Tin Mừng.

Tôma Đỗ Lộc Sơn - Truyền thông Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:55

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29-11-2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29-11-2019

"Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến" (Lc 21, 29-33).
Vùng đông nam bộ, trong đó có Củ Chi, hàng năm bắt đầu từ cuối tháng tư đến đầu tháng năm là thời tiết chuyển mùa, mặc dù chưa mưa nhưng các cây đã thấy ló mầm xanh để chờ mưa. Người nông dân cứ dấu này mà chuẩn bị xuống giống cây trồng.
Đức Giêsu nhìn thấy cây vả không trái bên vệ đường, Ngài lên tiếng nguyền rủa nó, đồng thời Ngài cũng buồn lòng khi thấy dân chúng yếu kém đức tin, không tin những lời Ngài giảng dạy.
Cảm nhận Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mượn hình ảnh tiên báo mùa hè sắp tới khi thấy cây vả cùng các loại cây khác nẩy lộc. Cây vả và những cây khác đâm chồi nẩy lộc là chuyện thường đối với dân cư trong thôn làng, nhưng thật ra nó đã gói ghém một niềm vui tràn trề của một mùa mới sắp đến.
Thiên Chúa đã đến gữa loài người, Ngài đem đến cho nhân loại, cụ thể là dân Israel, một mùa yêu thương tràn đầy và một mùa ân ban tha thứ. Tiếc rằng nhân loại đã từ chối, thậm chí còn ngăn cản người khác đến với Ngài.
Ngày nay chúng con được biết: Đức Giêsu là mùa xuân đến để loan báo lời Chân Lý của Thiên Chúa cho nhân loại. Những ai đón nhận Ngài cũng như Giáo Huấn của Ngài thì sẽ được đâm trồi nẩy lộc như cây cối mùa xuân.
Lạy Chúa. Xin cho chúng con được sinh hoa kết quả nhờ được gắn liền với Chúa. Xin cho chúng con biết đón nhận Chúa, vì chỉ Chúa mới có mùa xuân hạnh phúc. Có Chúa, chúng con mới đạt được niềm vui bất tận. Amen.

Thánh Francesco Antonio Fasani

Thánh Phanxicô Antôn Fasani là một linh mục Dòng Phanxicô. Ngài sinh ngày 08 tháng 6 năm 1861 ở Lucera, miền Nam nước Ý. Năm 14 tuổi, ngài vào tu ở Dòng Phanxicô năm 1695 và nhận thánh danh là Francis. Đến năm 24 tuổi ngài được thụ phong linh mục và đãm trách dạy môn Triết học cho các chủng sinh, làm cha linh hướng và sau một thời gian ngắn ngài được chỉ định làm Bề trên Tỉnh Dòng. Khi mãn nhiệm ngài trở về làm Giám đốc chăm sóc các đệ tử và cuối cùng là cha sở nơi sinh quán, Lucera. Ngài rất yêu mến và tận tụy trong mọi công việc mục vụ được giao phó. Ngài có một đời sống rất thánh thiện nên được mọi người yêu mến và họ thường chen chúc đến nghe lời ngài thuyết giảng, xưng tội và cầu xin lời chỉ bảo. Có một thính giả khi đến nghe ngài giảng thuyết đã làm chứng như sau: “Trong bài giảng của ngài, ngài trình bày thật đơn sơ, dường như cử chỉ và lời nói của ngài tỏa ra tình yêu Chúa và tha nhân bàng bạc; đầy nhiệt tình của Chúa Thánh Thần, ngài dùng những lời và câu chuyện trong Kinh Thánh khích động mọi người và làm cho họ sẵn sàng ăn năn hối cải.” Phanxicô là người bạn chân thành của người nghèo, luôn khiêm nhường đến gỏ cửa những ân nhân xin giúp đỡ những kẻ đói khổ cơ hàn.  Cha Francis Fasani qua đời ngày 29 tháng 11 năm 1742 tại Lucera, Foggia thì trẻ con trong thành phố chạy đi loan báo trên các ngã đường: “Một đấng thánh đã chết! Một đấng thánh đã chết!”.
Đức Giáo Hoàng Leo XIII công nhận các nhân đức anh hùng của Đấng Đáng Kính Francis Fasani ngày 01 tháng 6 năm 1891. Sáu mươi năm sau, Đức Giáo Hoàng Pius XII tôn phong Chân Phước cho Đấng Đáng Kính Francis Fasani ngày 15 tháng 4 năm 1951. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Chân Phước Francis Fasani lên bậc hiển thánh ngày 13 tháng 4 năm 1986 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican.
Trong bài giảng trong thánh lễ phong thánh, Đức Gioan Phao lồ II đã suy gẫm về đoạn Phúc Âm của thánh Gioan (Jn 21:15) trong đó Chúa Giêsu đã hỏi thánh Phêrô là Phêrô có yêu mến Chúa hơn các tống đồ khác không và đã nói với Phêrô: ‘Hãy cho chiên của ta ăn đầy đủ”. Và Đức Giáo Hoàng đã nhận xét là sự thánh thiện của con người được định nghĩa bằng tình yêu. Thánh Phanxicô Antôn Fasani minh chứng tình yêu mà Chúa Giêsu dạy dỗ chúng ta như là lẽ sống của đời ngài, như mục đích của tư tưởng và hoạt động của ngài, như là nguồn ước vọng cao cả nhất của đời ngài.”

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:54

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

SUY NIỆM TIN MỪNG - NGÀY 28/11/2019

Filled under:


Lời Chúa: Lc 21, 20-28

Suy Niệm 1

 Chúc Tụng Ðấng Nhân Danh Chúa
Ðoạn Phúc Âm hôm nay gợi lên trong chúng ta hai ý tưởng chính: lời loan báo thành Giêrusalem bị quân địch bao vây và tàn phá, yếu tố thứ hai là những dấu chỉ báo trước biến cố Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và đầy quyền năng. Ðây không phải là những dấu chỉ đáng làm cho chúng ta hoang mang lo sợ, mà ngược lại chúng làm cho chúng ta luôn thức tỉnh và hy vọng hướng đến tương lai huy hoàng được Thiên Chúa cứu rỗi.
Như là một biến cố lịch sử, thành Giêrusalem đã bị tàn phá hai lần, lần thứ nhất vào năm 70, do bởi đạo quân viễn chinh Rôma dưới quyền chỉ huy của tướng Titô, và lần thứ hai là vào năm 135, thời của hoàng đế Adriano. Ða số các nhà chú giải hiện nay cho rằng Phúc Âm theo thánh Luca phải được viết ra trong khoảng năm 80-90, vì thế khi viết những dòng Phúc Âm trên, tác giả Phúc Âm theo thánh Luca có biết những biến cố về thành Giêrusalem bị tàn phá năm 70, và tác giả nhìn vào biến cố này không phải một cách thuần túy như là một biến cố chính trị mà thôi, nhưng còn như là một biến cố có ý nghĩa tôn giáo nữa.
Việc thành bị tàn phá là do hậu quả của tội lỗi mà thành đã phạm, bởi vì thành đã từ chối lãnh nhận ơn cứu rỗi Thiên Chúa mang đến cho. Và như thế, ứng nghiệm lời than trách và lời tiên tri của Chúa Giêsu về thành Giêrusalem được tác giả Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại trước đó nơi chương 13, câu 34-35 như sau: "Giêrusalem, Giêrusalem, ngươi giết các tiên tri và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi. Ðã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh mà ngươi không chịu, thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi, mà Ta nói cho các ngươi hay các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".
Lời Chúa trách Giêrusalem phản bội, chối từ ơn cứu rỗi không kết thúc trong tuyệt vọng nhưng được hướng đến một viễn tượng hy vọng lớn, Chúa sẽ trở lại mang niềm vui và ơn cứu rỗi, và con người sẽ chấp nhận Ngài, sẽ hát lên bài ca "chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".
Nơi phần hai của bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta đọc được những loan báo hãi hùng của Chúa Giêsu về thế giới, đó là chiến tranh, tàn phá, những biến chuyển đầy lo âu, những tai ương thiên nhiên. Nhưng chúng ta cần hiểu đây là những hình ảnh của một ngôn ngữ được gọi là ngôn ngữ khải huyền của truyền thống Kinh Thánh, để nhắc nhở cho người đồ đệ của Chúa biết rằng thế giới vũ trụ này không phải là một nơi cư ngụ vẹn toàn cho con người. Hơn nữa, những tội lỗi của con người làm cho thế giới vũ trụ không vẹn toàn này thay vì trở nên tốt hơn nhờ có sự cộng tác của con người với ơn Chúa ban, thì lại trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn sẽ đi đến lúc tan biến. Trong cái nhìn của lịch sử cứu rỗi thì đây không phải là một sự tan biến vào hư vô mà là một sự biến đổi trong Chúa, nhờ quyền năng của Thiên Chúa mà trở thành trời mới đất mới khi Con Người đầy quyền năng và vinh quang từ trong đám mây mà đến. Cuối cùng, Thiên Chúa ngự đến. Ngài là khởi đầu và là cùng đích của mọi loài, mọi sự.
Trong dòng lịch sử đang diễn ra, chúng ta có thể nói và xác tín rằng Thiên Chúa phạt lỗi theo sự công bằng. Ngài cho phép sự dữ xảy ra, nhưng trong và qua mọi sự, mọi biến cố, Ngài luôn làm chủ và cứu rỗi theo lượng từ bi vô cùng của Ngài. Chính vì thế mà không bao giờ người Kitô được phép để mình rơi vào trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Chúng ta cần nhìn lịch sử theo cái nhìn của Chúa, theo cái nhìn của lịch sử cứu rỗi để niềm hy vọng Kitô không bao giờ bị tắt mất đi trong tâm hồn người đồ đệ của Chúa. Chắc chắn sẽ đến lúc chúng ta vui mừng lên mà hát bài ca "Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".
Lạy Chúa
Xin thương giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin chớ để chúng con sa vào chước cám dỗ phản bội Chúa. Xin đừng để chúng con sống trong tuyệt vọng nhưng luôn hy vọng vào Chúa và hát lên bài ca Chúc Tụng Chúa, Chúc Tụng Ðấng Nhân Danh Chúa Mà Ðến.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Suy niệm 2

Truyện phim Titanic đã làm cho câu chuyện về chiếc tàu lịch sử này trở thành quen thuộc. Titanic có nghĩa là khổng lồ, là một chiếc tàu Anh quốc to lớn và sang trọng nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20. Được đề cao như một lâu đài nổi khổng lồ không bao giờ đắm, nhưng lâu đài ngạo nghễ chở đầy hành khách cao sang quyền quí ấy đã đắm ngay trong chuyến khởi hành đầu tiên từ bờ biển nước Anh tới Nữu Ước sau khi rời bến được năm ngày. Trong số hai ngàn hai trăm hành khách, có một ngàn năm trăm người đã chết dần theo tàu, số người sống xót phần đông là đàn bà và trẻ em đã nhờ bám vào những chiếc phao để sang tàu khác.

Ai đã một lần trải qua tai nạn lưu thông hoặc đã sống cảnh loạn lạc chiến tranh, hay phải sống những giây phút mà sự sống như sợi chỉ mành treo chuông, đều cảm nghiệm những hãi hùng được mô tả trong câu chuyện đắm tàu Titanic, hoặc cảnh sụp đổ thành Giêrusalem mà Chúa Giêsu loan báo trong Tin Mừng hôm nay.

Năm 70 sau Công nguyên, đúng như lời tiên tri của Chúa Giêsu, gót giày của hoàng đế La Mã đã dẫm lên kinh thành muôn thuở của người Do Thái. Sự ngạo nghễ của thành Giêrusalem trong phút chốc chỉ còn lại một đống gạch vụn.

Ngày nay người ta không chỉ nhắc đến chiếc tàu Titanic vì những báu vật được chôn vùi dưới lòng biển mà chính vì những nghĩa cử anh hùng của những người chồng, người cha, người thủy thủ, đã sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để nhường những chiếc phao cứu sống cho đàn bà, trẻ em. Giữa cảnh chết chóc, hoa hy sinh đã trổ bông. Cũng vậy, trong cảnh đổ nát điêu tàn, sự sống đã phát sinh. Thành Giêrusalem đổ nát, một đất nước bị xóa tên trên bản đồ thế giới, thế nhưng, đó chính là giây phút khai sinh của Giáo Hội. Rời bỏ Giêrusalem đổ nát, rời bỏ thành trì cũ kỹ, các tông đồ đã tản mác đi khắp nơi, và nhờ đó, Tin Mừng được loan báo cho mọi đất nước.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với chúng con: “Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”, mời gọi chúng con nhìn vào hoàn cảnh sống hiện tại mà sống cho Chúa. Xin cho hạt giống chúng con đang gieo vãi hàng ngày được trổ bông kết trái, góp phần vào việc mở rộng Nước Chúa, để khi Chúa đến trong vinh quang chúng con được ngẩng cao đầu trong niềm vui và hy vọng nơi Chúa. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn08:29

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28-11-2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28-11-2019
"Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt" (Lc 21, 20-28).
Lời của Chúa không chỉ ứng nghiệm với thành thánh bị phá hủy vào năm 70, mà còn tiên báo về ngày tận cùng của thế giới. Ngày ấy đến; "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh tượng biển gào sóng thét.
Thiên Chúa không muốn thế giới bị quay cuồng trong tai họa, phó mặc cho hư vô. Ngài muốn thế giới có loài người được sung túc trong ân ban Thiên Chúa, được phát triển dồi dào trước mặt Ngài.
Chúa Giêsu loan báo ngày Ngài đến mang niềm hoan lạc chứ không phải gây hoang mang sợ hãi. Vậy: hãy luôn trong tư thế tỉnh thức để sẵn sàng, đó là thái độ vui mừng của người luôn đặt niềm tin vào Chúa ngay cả những lúc gian nan khốn khổ nhất và mọi người sẽ thấy, cái chết đến, là một niềm vui chứ không phải là hình phạt và đau khổ...
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin vững mạnh, biết sống tâm tình ăn năn thống hối, đặt trọn tình yêu vào Chúa, để ngày Chúa đến chúng con được trở nên vui mừng. Amen.

Thánh James ở the Marches (1391-1476)

Dominic Gangala sinh ngày 01 tháng 9 năm 1391 tại Monteprandone, Marches thuộc tỉnh Ancona miền trung nước Ý, dọc theo bờ biển Adriatic.
Sau khi lấy tiến sĩ giáo luật và dân luật tại Đại Học Perugia. Năm 22 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô và là môn đồ của thánh Bernardine thành Siena. Ngài bắt đầu một cuộc sống thật khắc khổ, ngài ăn chay chín tháng trong một năm, và mỗi đêm chỉ ngủ có ba tiếng. Ngài hãm mình đến độ Thánh Bernardine ở Siena phải bảo ngài giảm bớt lại. Thánh James học thần học với Thánh John ở Capistrano.
Được thụ phong linh mục năm 1420, Thánh James bắt đầu cuộc đời rao giảng và bởi đó ngài đã đi khắp nước Ý cũng như đến 13 quốc gia thuộc Trung và Đông Âu Châu. Sự hăng say của ngài đã giúp nhiều người trở lại đạo (người ta ước lượng khoảng 250,000 người), và giúp lan tràn việc sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Bài giảng của ngài thúc giục giáo dân cải thiện đời sống, và nhiều thanh niên gia nhập dòng Phanxicô vì sự ảnh hưởng của ngài.
“Lời Chúa thật thánh thiện và đáng yêu quý dường nào! Chỉ có lời Chúa mới soi tỏ mọi tâm hồn tín hữu, làm thoả mãn người đói khát, an ủi kẻ đau khổ; lời Chúa giúp linh hồn tạo được công nghiệp và giúp mọi nhân đức phát triển; lời Chúa gìn giữ linh hồn khỏi nanh vuốt ma quỷ, giúp người độc ác nên thánh thiện, và mọi người trên mặt đất trở thành công dân nước trời” (Trích Bài giảng của Thánh James).
Cùng với Thánh John ở Capistrano, Thánh Albert ở Sarteano và Thánh Bernardine ở Siena, Thánh James được coi là một trong “bốn cột trụ” của phong trào Nghiêm Thủ (Observant) của dòng Phanxicô. Các ngài nổi tiếng vì sự rao giảng.
Để chống với tệ nạn xã hội về số phân lời quá cao, cha James thiết lập một tổ chức gọi là “Montes Pietatis” (núi bác ái). Đó là một tổ chức bất vụ lợi để cầm đồ với lãi suất thật thấp. Dĩ nhiên, các tay cầm đồ ác đức không hài lòng với tổ chức này, nên đã hai lần họ thuê người đến giết ngài, nhưng cứ mỗi lần đối diện với ngài là các hung thủ đều quên hết dự tính ở trong đầu.
Cha James qua đời ngày 28 tháng 11 năm 1476 tại Napples, Ý Đại Lợi. Ngài được mai táng tại thánh đường Santa Maria Nuova ở Napples, Ý Đại Lợi và thi hài vẫn còn nguyên vẹn. Đức Thánh Cha Urban VIII tôn phong chân phúc cho cha James ngày 12 tháng 8 năm 1624 và Đức Benedictus XIII đã ghi tên cha James ở Marches vào sổ hiển thánh ngày 10 tháng 12 năm 1726 và đặt ngài làm quan thầy của thành phố Napples, nước Ý.


Posted By Đỗ Lộc Sơn08:19

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27-11-2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27-11-2019
"Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất" (Lc 21, 12-19).
Có một thời gian, tôi và một số anh em đã chuẩn bị tinh thần,sẵn sàng trả lời các câu hỏi và có thể bị giam giữ hoặc đánh đập vì đức tin của mình. Tạ ơn Chúa, việc ấy không xảy ra.
Hơn 2000 năm, Giáo Hội Công Giáo không ngừng bị bắt bớ. Ở
Việt Nam, gần 500 năm trước những người đầu tiên được biết đến Đức tin Công Giáo, cũng là những người bị làm khó dễ, bị hại vì đức tin ấy. (Nhắc lại: lúc đó là thế kỷ thứ 16, chưa có thực dân, chưa có lính Tây, lính Mỹ nào cả vì nước Mỹ chưa có. Chỉ có những người buôn bán và vài thầy giáo đi theo) Họ bị khinh miệt bởi người thân hay bạn bè. Cuối cùng Đức tin của họ đã chiến thắng.
Là con người ai cũng sợ hãi khi bị thử thách, đau khổ và cái chết xảy đến. Người Công Giáo tin vào Chúa, nhưng không phải là những người liều lĩnh để rồi coi những đau khổ, thử thách và bắt bớ như là một thành tích... Đức Giêsu không dạy cho những ai lựa chọn với thái độ như vậy!
Lạ thay, thử thách mang lại niềm tin. đau khổ mang lại sự hãnh diện và cái chết sẽ trả lại cho sự sống vĩnh cửu! Tại sao thế? Thưa chính vì Chúa, vì Đạo mà bị như thế thì thật là phúc.
Ngày nay, những bách hại đó vẫn còn, nhưng có khác hơn vì nó đến từ nhiều phía, do bị bắt ép, bị vẩn đục trong văn hóa không kiểm soát, bị kích động lối ăn chơi xa đọa, tự hủy hoại thân xác cùng tinh thần.
Cảm nhận Lời Chúa hôm nay, chúng con quyết trung thành với Lời Chúa dạy, chấp nhận thiệt thòi phần xác để được lợi phần hồn, đón nhận mọi đau khổ và nếu có phải đánh đổi để có phần thưởng sự sống đời đời thì sẵn sàng và cố gắng, vì quê hương chúng con là ở trên trời.
Lạy Chúa, con đường đưa đến hạnh phúc thật chính là con đường khổ giá. xin cho chúng con sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong tất cả mọi hoàn cảnh. Amen.


Thánh James Intercisus (421)

Thánh nhân là một viên sĩ quan và cận thần của vua Yezdigerd I xứ Ba Tư. Nhưng khi vua khởi đầu một cuộc bắt bớ đạo gắt gao thì người chối đạo.
Sau khi nhà vua qua đời, người rất hối hận vì các hành vi chối đạo của mình nên đã ra trước mặt vua Bahram, tuyên xưng đức tin và bày tỏ mình là một đồ đệ theo Chúa Kitô.
Người bị tra tấn, hành hình bắt phải bỏ đạo nhưng người từ chối cách mạnh mẽ. Lý hình áp dụng án “bá đao” cắt từ từ ra thành nhiều mảnh, bắt đầu chặt từ các ngón tay, vì thế người được gọi là James Intercisus hay Giacôbê Cụt , cuối cùng là chặt tới đầu. Người chịu tử đạo năm 421.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:14

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 26-11-2019

Filled under:


Lời Chúa: Lc 21, 5-11

Suy Niệm 1

 Ngôn ngữ khải huyền
Trong thời điểm tuần lễ cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi con cái mình suy niệm những đoạn Kinh Thánh trình bày chủ đề cánh chung trong một ngôn ngữ riêng biệt, gọi là ngôn ngữ Khải huyền. Ðoạn Phúc Âm hôm nay là đoạn mở đầu cho những lời dạy của Chúa Giêsu về cánh chung và về việc Chúa sẽ trở lại trong vinh quang. Những người nghe Chúa Giêsu giảng dạy về biến cố này thì xem ra như muốn biết rõ về thời gian, lúc biến cố xảy ra. Nhưng trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Ngài xem ra nhấn mạnh nhiều hơn đến thái độ sống của những đồ đệ của Chúa: phải sống thế nào để có thể đón Chúa ngự đến vào lúc kết thúc lịch sử nhân loại và vũ trụ.
Ngôn ngữ được Chúa Giêsu dùng ở đây là ngôn ngữ Khải huyền, một lối diễn tả đặc biệt thường được dùng trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Ngôn ngữ Hy Lạp và tiếng Việt dịch ra là Khải huyền, có nghĩa là mạc khải, mạc khải điều huyền nhiệm. Mọi chi tiết, mọi sự cố diễn ra và được mô tả trong ngôn ngữ Khải huyền đều không nên được chúng ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng là một biểu tượng, một hình bóng cho một ý tưởng nào đó. Những biến cố, những tai ương được dùng trong ngôn ngữ Khải huyền muốn nói lên cho chúng ta biết vũ trụ, thế giới chúng ta đang sống không tồn tại đời đời mãi mãi, nhưng sẽ đi đến một lúc kết thúc và cuộc đời mỗi người chúng ta cũng như toàn thể nhân loại cũng sẽ đến lúc kết thúc, và giây phút kết thúc cuối cùng đó, là giây phút Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi cho con người, nhờ qua Chúa Giêsu Kitô. Mục tiêu của ngôn ngữ Khải huyền không phải là để làm cho người ta lo sợ, lo sợ tận thế, lo sợ cái chết, nhưng như là một lời kêu gọi, một lời thức tỉnh, thôi thúc người ta hãy sống tỉnh thức một cách tích cực để lãnh nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Ðó là những lời của niềm hy vọng. Hy vọng một cuộc biến đổi hoàn toàn và đầy vinh quang của con người cũng như của thế giới. Một niềm hy vọng về trời mới và đất mới, nơi công bằng và hòa bình của Thiên Chúa ngự trị. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi giây phút Chúa ngự đến trong vinh quang, mỗi người đồ đệ Chúa cần sống giây phút hiện tại một cách can đảm, kiên trì giữa những thử thách xảy đến, và nhất là cần sống gắn bó mạnh mẽ, kết hiệp mật thiết với Chúa để vượt thắng được những cám dỗ chối bỏ Chúa mà chạy theo những vị tiên tri giả, những chúa kitô giả, những kẻ tự phụ muốn thay thế chỗ của Chúa nơi tâm hồn con người, những kẻ mạo danh Chúa để lường gạt và hưởng lợi. Mỗi người chúng ta cần trưởng thành mỗi ngày một hơn trong đức tin, đức cậy và đức mến, để có thể khám phá ra Chúa đang ngự đến hàng ngày trong mọi biến cố lớn nhỏ, để cứu rỗi chúng ta vì Ngày yêu thương chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa là chủ của vũ trụ và lịch sử, vì Chúa hiện diện trong chúng con và trong thế giới, trong những nỗi lo âu cũng như những nỗi vui mừng và hy vọng của chúng con. Xin thương giúp chúng con biết chăm chú, biết lắng nghe lời Chúa dạy và khám phá Chúa hiện vẫn đang ở với chúng con mỗi ngày mỗi lúc nơi người anh chị em đang cần được giúp đỡ, cần được yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Suy niệm 2

Đoạn Tin Mừng mà chúng ta suy niệm hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu tiên báo về sự sụp đổ của đền thánh Giêrusalem - niềm kiêu hãnh về tôn giáo, chính trị, xã hội của người Do Thái lúc bấy giờ. Cũng nên nhắc lại rằng, đây là đền thờ được vua Hêrôđê Cả trùng tu vào năm 19 trước Chúa giáng sinh, nên đến thời Chúa Giêsu vẫn còn nguy nga tráng lệ.

Lời tiên báo của Chúa Giêsu về viễn cảnh hoang tàn “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” đối với đền thờ Giêrusalem có thể là điều khó chấp nhận, thậm chí bị xem là phạm thượng. Nhưng đó chính là sự thật. Những gì diễn ra trong lịch sử Israel đã minh chứng rằng, vì họ đã khước từ, không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai nên kết cục bi thảm đã xảy ra cho ngôi đền thờ vật chất và cho cả dân tộc của họ khi quân Rôma tàn phá và ly tán họ vào năm khoảng 70.

Cùng với Hội Thánh, chúng ta đang sống trong tháng 11 - tháng kính nhớ và cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh hồn. Tâm tình đó cũng nhắc nhớ chúng ta về sự sống vĩnh cửu đời sau. Tất cả những gì thuộc về thế gian này, dù là vĩ đại, hoa mỹ đến mấy nhưng nếu không được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, không để Chúa hướng dẫn và soi sáng thì cũng là phù vân và vô nghĩa. Chúng sẽ không có giá trị gì trong việc mưu ích cho phần rỗi của chúng ta, thậm chí còn dẫn đến cảnh diệt vọng, điêu tàn.

Lạy Thiên Chúa là Cha từ nhân, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và trung thành bước theo Người, để không có gì thuộc về thế gian này có thể cản bước hay làm xao nhãng chúng con trên đường tiến về thành thánh Giêrusalem trên trời. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:27

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26-11-2019

Filled under:



Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26-11-2019
"Sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. (Lc 21,6).
Ngày 11-9-2001 tại Mỹ, hai tòa nhà hay còn gọi là tòa tháp đôi đổ xụp một cách nhanh chóng làm ngỡ ngàng nhiều người. Hai tòa nhà được thiết kế, được xây dựng bằng nhựng vật liệu tốt nhất vì nó là biểu tượng của một thế giới văn minh nhất loài người.
Đền thờ Giêrusalem một công trình hoành tráng, nguy nga, hùng vĩ được xây dựng lên để thách đố với thời gian, là công trình thế kỷ; là niềm tự hào, hãnh diện của người Dothái. Vậy mà, chỉ mấy chục năm sau, khi Chúa Giêsu phục sinh, quân đội Rôma đã phá đổ tan tành, không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào. Ngày nay, người ta chỉ còn nhớ đến đó là một sự kiện lịch sử hay là một kỷ niệm buồn với nhiều nước mắt...
Tin mừng hôm nay, Ðức Giêsu báo trước sự sụp đổ của thành Giêrusalem, viễn cảnh của ngày tận thế và dạy phải tỉnh thức chờ đợi Ngài. Để ngày ấy đến, nhân loại sẽ phải trải qua nhiều khốn khó: chiến tranh, đói kém, tai họa thiên nhiên...Ngày nay những tai họa ấy đã và đang đến, đòi hỏi mỗi người vững tin vào Ngài can đảm vượt qua và tỉnh thức chờ Chúa đến.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến. Xin cho chúng con có một đời sống đức tin trưởng thành và mạnh mẽ để không làm chúng con sợ hãi thất vọng và qụy ngã. Amen.

Thánh Thánh John Berchmans

Vị thánh người Bỉ này có lần đã nói: “Nếu tôi không nên thánh lúc còn trẻ, thì tôi sẽ chẳng bao giờ nên thánh!” Thực ra, thánh nhân đã về trời khi tuổi đời chỉ mới 22 cái xuân xanh; và chắc chắn Gioan Bécmăng đã đạt tới đỉnh cao của sự thánh thiện.
Gioan Bécmăng sinh năm 1599. Lúc còn nhỏ, ngài đã luôn ở bên thân mẫu đau bệnh của ngài. Tuy vậy, Gioan cũng thích chơi trò diễn lại các vở kịch Kinh Thánh với các bạn đồng lứa. Gioan Bécmăng đặc biệt xuất sắc trong vở diễn tiên tri Đanien bảo vệ bà Susanna vô tội. Năm lên 13 tuổi, Gioan Bécmăng muốn học làm linh mục. Tuy nhiên, thân phụ ngài, làm nghề đóng giày, lại cần sức lao động của Gioan để giúp đỡ gia đình. Nhưng cuối cùng, ông Bécmăng cũng quyết định để Gioan vào giúp việc nhà cho một linh mục. Từ đó, Gioan Bécmăng có thể tham gia các lớp học ở chủng viện.
Ba năm sau, Gioan Bécmăng gia nhập dòng Tên. Thánh nhân đã cầu nguyện, học hành chăm chỉ và nhiệt thành thực tập các vai diễn trong các vở kịch đạo đức. Gioan Bécmăng làm một khẩu hiệu: “Rất cẩn thận trong các việc nhỏ mọn!” Và thánh nhân đã sống trọn vẹn châm ngôn này. Thánh Gioan Bécmăng chưa bao giờ làm được bất cứ việc gì cao cả và anh hùng, nhưng thánh nhân đã làm mỗi việc một cách tốt đẹp, từ việc phục vụ bàn ăn cho tới việc ghi chép trong lớp.
Khi Gioan Bécmăng bị bệnh, chẳng bác sĩ nào có thể đoán biết được căn bệnh của ngài. Tuy nhiên, Gioan biết mình sắp sửa lìa đời; và ngài luôn luôn tỏ ra rất vui. Lúc bác sĩ đòi phải lau rửa cái trán của Gioan Bécmăng bằng rượu, thánh nhân đã cười đùa: “Mong sao cơn bệnh đắt tiền này sẽ không kéo dài!”
Gioan Bécmăng về trời năm 1621. Nhiều phép lạ đã xảy ra tại đám tang của ngài. Ngay lập tức, người ta bắt đầu gọi Gioan Bécmăng là thánh. Gioan Bécmăng được đức thánh cha Lêô XIII tôn phong hiển thánh năm 1888.
Vị thánh này là gương mẫu cho tất cả các bạn trẻ noi theo. Thánh nhân là một người con ngoan, một học trò chăm chỉ và là một Kitô hữu rất mực đạo hạnh. Gioan Bécmăng đã làm việc cần mẫn để nên thánh. Ngài đã cầu nguyện, nhất là cầu nguyện với Đức Mẹ Maria. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện với Mẹ Maria và xin Đức Mẹ chỉ cho chúng ta biết cách sống vui tươi và có ích trong đời sống hằng ngày.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:21

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 25-11-2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 21, 1-4
Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người.
Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình".

Suy Niệm 1

 Ai quảng đại thật?
Ngước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những người giầu sang đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết.” (Lc. 21, 1-3)

Quảng đại thật:
Những vẻ bề ngoài thường làm ta lầm. Những người quảng đại nhất không hẳn là những người bỏ nhiều tiền nhất vào thùng dâng cúng. Lòng quảng đại thật cũng không đo của mà người ta cho. Muốn đánh giá đúng lòng quảng đại, phải xem họ cho cái họ thiếu thốn. Người ta cho nhiều tiền không phải là rất quảng đại. Người ta có thể cho ít mà vẫn quảng đại.
Sự thật đó hoàn toàn đơn giản. Đức Giêsu không phải nhắc nhở điều đó một cách vô ích đâu, vì chúng ta dễ lầm tưởng đánh giá theo bề ngoài. Đức Giêsu đánh giá tận đáy lòng người ta, nên Người nói: “Bà góa nghèo này bỏ vào nhiều hơn ai hết”. Người ta ngày nay có thể nói như thế về nhiều người nghèo, mặc dầu bề ngoài nghèo, nhưng lại tỏ ra quảng đại hơn nhiều người giàu.

Dư thừa của cải:
Có phải vô tình Tin mừng cho thấy bà góa này có lòng quảng đại hơn các ông bà giàu kia không? Có lẽ không.
Quả thật, người ta có thể thấy nhiều người giàu có lòng quảng đại thật, và cũng có nhiều người nghèo hà tiện ghê gớm. Nhưng thật ra có lẽ có nhiều người nghèo quảng đại hơn nhiều người giàu. Đó là điều Đức Giêsu muốn nói. Họ cho nhiều khi họ túng thiếu hơn là lúc họ dư thừa. Lòng quảng đại đáng giá thật khi cho lúc lâm cảnh túng quẫn.
Chúng ta biết rất nhiều người nghèo dâng cúng lúc họ đang túng thiếu. Còn nhiều người giàu dâng cúng được nhiều hơn không, nếu xét theo lòng quảng đại? Có bao nhiêu người giàu dâng cúng nhiều hơn cái dư thừa của họ?
Có lẽ phải nói rằng giàu sang quá làm ngăn trở để nên quảng đại thật.
R.C


SUY NIỆM 2
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay có thể mang lại cho người nghe cảm giác bất ngờ. Khi nhìn những người dâng cúng vào thùng tiền trong đền thờ, Chúa Giêsu lại khen ngợi người đàn bà goá nghèo chỉ dâng hai đồng tiền kẽm, mà không phải là những người khác, nhất là những người giàu có, “tiền dư bạc thừa”. 

Xét về giá trị vật chất hay so với những khoản dâng cúng của người khác, hai đồng tiền kẽm của bà goá chẳng đáng là gì, nhưng Chúa Giêsu nhận ra đó là “tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”. Đó mới là của dâng quý giá, là tấm lòng đáng trân trọng. Rõ ràng Thiên Chúa không nhìn theo dáng vẻ hào nhoáng bề ngoài, không xét theo số lượng như thế gian vẫn cậy dựa,  nhưng nhìn thấu tận thâm tâm. Ngài yêu quý lòng quảng đại chân thành.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta đề cao những giá trị vật chất phô trương, hoành tráng bên ngoài. Địa vị và danh giá của con người đôi khi được xác định chỉ bởi những của cải và tiền bạc mà họ có. Điều đó dẫn đến một hệ luỵ đáng quan ngại là rất nhiều người tìm mọi cách thế để có thật nhiều tiền, bất chấp luân thường đạo lý. Hơn thế, những người nghèo khó, bần cùng sẽ không có được tiếng nói, không được trân trọng, thậm chí bị khinh khi và loại trừ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa bằng một tấm lòng đơn sơ, chân thành. Xin ban ơn giúp chúng con có được ánh mắt như Chúa, để có thể nhìn thấy điều tốt đẹp nơi mỗi anh chị em chung quanh chúng con, nhất là những người nghèo khổ, yếu thế cô thân trong xã hội này. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:07