Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 11/06/2019

Filled under:

Lời Chúa: Mt 5, 13-16
13 “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. 14“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
Suy niệm 1
Người ta thường định nghĩa kitô hữu là người tin vào Đức Kitô,
là người sống mầu nhiệm Vượt Qua với Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa,
hay đơn giản là người bạn của Ngài.
Chẳng thể nào nói đến kitô hữu mà không nói đến mối dây với Đức Kitô.
Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nói chuyện với các môn đệ,
những người vừa được nghe các Mối Phúc,
Đức Giêsu lại đưa ra một định nghĩa khác về họ.
“Các con là muối cho trái đất” (c. 13).
“Các con là ánh sáng cho thế giới” (c.  14).
Thế giới này, trái đất này, nằm trong định nghĩa về người kitô hữu.
Không có kitô hữu sống lơ lửng giữa trời và đất.
Họ thuộc về trời và thuộc về đất, về thế giới hiện tại và thế giới mai sau.
Họ được sai vào thế giới này để phục vụ bằng cách biến đổi.
Muối có nhiều công dụng.
Muối dùng để bảo quản cho khỏi hư, để nêm nếm cho đậm đà, để bón phân.
Muối cần cho sự sống thường ngày con người.
Đức Giêsu dùng hình ảnh muối để áp dụng cho các môn đệ.
Họ cần cho trái đất này. 
Như muối thấm vào đồ ăn, họ phải có ảnh hưởng tích cực trên trái đất.
Điều làm cho muối là muối, đó là vị mặn.
Muối trở nên nhạt thì đánh mất chính mình rồi, chẳng đáng gọi là muối nữa.
Đức Giêsu tự nhận mình là Ánh sáng cho thế giới (Ga 8, 12; 9,5; 12, 46).
Bây giờ Ngài mạnh dạn gọi các môn đệ là ánh sáng cho thế giới.
Thế giới hôm nay đã được điện khí hóa khắp nơi.
Nhưng bóng tối và bóng mờ thì chỗ nào cũng có.
Cả bên ngoài lẫn bên trong tim con người.
Bóng tối thật là một quyền lực đáng sợ mà con người phải đối diện.
Chỉ khi môn đệ mang Ánh sáng của Đức Giêsu, và trở nên ánh sáng,
khi ấy họ mới có thể giúp thế giới này bừng sáng.
Thành thánh Giêrusalem ở trên núi, không sao giấu được.
Ngọn đèn được thắp lên cũng không để lấy thùng che lại.
Căn tính của người kitô hữu cũng vậy.
Tự nó bừng sáng, tự nó quyến rũ, tự nó hồn nhiên tỏa hương.
Đừng sợ để người khác thấy điều tốt nơi mình,
nếu điều đó đưa người ta đến chỗ nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa.
Một phần ba thế giới là kitô hữu, 
bẩy phần trăm người Việt Nam là Công Giáo.
Chúng ta có thể làm được nhiều điều cho thế giới hôm nay.
Lời nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,
nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,
nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu,
nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo,
thì thế giới này sẽ đổi khác,
Hội Thánh sẽ đổi khác.
Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.
Nếu khối bột chẳng được dậy lên,
thì là vì men đã mất phẩm chất.
Chúng con phải chịu trách nhiệm
về sự dữ trên địa cầu :
có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.
Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,
nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy
trên trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,
chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,
giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,
nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,
dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.
Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con,
và không cho chúng con được yên ổn.
Ước gì một tỉ người công giáo
chịu để Chúa chi phối đời mình
và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Như thế vũ trụ này
trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2

Barnaba không phải thuộc trong số mười hai Tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn. Dầu vậy, trong sách Công vụ Tông đồ, thánh sử Luca cũng dùng danh xưng Tông đồ dành cho Barnaba. Đó là vì Hội Thánh Giêrusalem nghe biết có đông người tin trở về với Chúa, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia dạy dỗ dân chúng, khuyên bảo mọi người vững lòng tin nơi Chúa. 

Thánh Barnaba là người gốc Do Thái, sinh tại đảo Cyprô. Tên của ngài là Giuse nhưng các Tông đồ đổi thành Barnaba. Danh xưng này có nghĩa là “con của sự an ủi”. Barnaba được đầy Thánh Thần, đầy lòng tin và vốn là người tốt lành, chân chất. Với lòng nhiệt thành cho Giáo Hội, khi thấy ngày càng đông đảo người tin theo Chúa, Barnaba đi Tarxô tìm Saolô và mời Saolô về Antiôkia phụ lo giảng dạy cho dân chúng. Cũng chính tại Antiôkia, nơi hai ngài hoạt động truyền giáo mà các các tín hữu lần đầu tiên được gọi bằng danh xưng “Kitô hữu”.

Như Tông đồ Phaolô (Saolô), Barnaba cũng nhận được trực tiếp từ Thiên Chúa một sứ vụ đặc biệt. “Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định” (Cv 13, 2b). Điều này đã chứng nhận Barnaba cũng được gọi là Tông đồ, là người được Chúa Giêsu sai đi và loan báo cùng một sứ điệp: “Thiên Chúa yêu thương con người”. Tình yêu của Thiên Chúa cho phép các Tông đồ có thể làm những điều vượt sức con người của các ông. Đó là chữa những bệnh nhân, làm cho kẻ chết sống lại, làm cho những kẻ phong cùi được sạch và trừ quỷ.

Và vì là Tông đồ, Barnaba đã thực thi sứ mạng của mình với ý thức “lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không”. Các Tông đồ được mời gọi thanh thoát với vàng, bạc, tiền nong, cơm no áo ấm hay các phương tiện bảo đảm. Người môn đệ Chúa là người dám can đảm vượt ra khỏi sự an toàn vốn có của mình vì tình yêu Chúa và vì lợi ích các tâm hồn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trong cuộc sống, đừng mải chỉ lo cơm áo gạo tiền như là những thứ mà chúng con nghĩ là sẽ bảo đảm cho cuộc sống của mình. Vì thực ra, tất cả những vật chất ấy không là gì so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, được chia sẻ sự sống vĩnh của Chúa để chính mỗi người chúng con cũng biết đem tình yêu ấy đến với anh chị em mình như vậy. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường