Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - LỄ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ NGÀY 29/06/2019

Filled under:

Lời Chúa: Mt 16, 13-19
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? “14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Suy nim 1
Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô,
chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt,
rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.
Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình.
Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ.
Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào,
về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh.
Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Ngài còn sống.
Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng.
Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi.
Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.
Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamát.
Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.
Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.
Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.
Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.
Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô,
trong một phút giây quá tự tin vào sức mình.
Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô,
trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.
Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai.
Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.
Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách nồng nhiệt,
vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.
“Này anh Simon, anh có mến Thầy không?
Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,16)
Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống,
vì Ngài là “Con Thiên Chúa,
Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20)
Phaolô đã không ngần ngại khẳng định:
Không gì có thể tách được chúng ta
ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô (x. Rm 8, 35.39)
Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo,
vì nói cho cùng truyền giáo chính là
giúp người khác nhận ra và yêu mến
Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.
Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng,
bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.
Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40)
Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28).
“Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu” (Gl 6, 1-7)
Cả hai vị đã chết như Thầy.
Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18).
Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng,
và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới,
dám bỏ, dám theo và dám yêu
dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng.
Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2

 “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Chúa chọn gọi thánh Phêrô và thánh Phaolô làm cột trụ để xây dựng Giáo Hội. Nhìn vào con người của thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta có thể nhận ra lòng yêu thương và ân ban nhiệm lạ mà Chúa đã dành cho các ngài nói riêng và cho cả Giáo Hội nói chung. Lòng yêu thương và tình yêu nhiệm lạ của Chúa được thể hiện cách Người chọn gọi hai thánh Tông đồ, bất kể họ là ai.

Đối thánh Phêrô, một con người được xem là đầy nhiệt huyết khi đi theo Chúa. Ông đã từng tuyên bố dõng dạc với Chúa “dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26, 33). Ông muốn chứng minh cho Chúa và anh em mình về sự mạnh mẽ và trung thành của mình đối với Chúa. Thế nhưng, đó chỉ là cái nhìn chủ quan của ông. Ông không lường được sự hèn yếu của mình trước những khó khăn sẽ xảy đến. Trái lại, Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn nơi con người. Người biết rõ con người của thánh Phêrô khi đã cho ông hay “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay. Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối thầy ba lần” (Mt 26, 34). Thế nhưng Chúa vẫn tin tưởng và chọn gọi ông làm nền tảng xây dựng Giáo Hội và nâng đỡ đức tin của anh em mình: “Phêrô con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). 

Còn đối với Phaolô - một kẻ đã từng là người nhiệt tâm đi lùng bắt các Kitô hữu. Ông còn là người can dự vào việc nén đá phó tế Stêphanô - vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Dù có quá khứ không mấy tốt đẹp, nhưng Chúa vẫn chọn gọi ông, để dùng ông như khí cụ trao ban bình an của Chúa cho muôn người.

Dù sự chọn gọi và yêu thương của Chúa là cao quí và nhưng không, nhưng lòng phục thiện và hoán cải nơi thánh Tông đồ Phêrô và thánh Tông đồ Phaolô là điều quan trong không kém. Hai thánh Tông đồ đã nhận ra tình thương vô bờ của Chúa và quyết tâm sống cho Chúa và Tin Mừng của Người. Nhờ vậy, mà hôm nay Giáo Hội Chúa được lan tỏa khắp nơi trên toàn thế giới.

Mừng lễ hai thánh Tông đồ hôm nay, Chúa tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta noi gương hai thánh Tông đồ hoán cải và tiếp bước các ngài theo Chúa trên đường đức tin. Chắc chắn, có những lúc chúng ta đầy hứng khởi, đầy nhiệt huyết muốn sống cho Chúa và Tin Mừng của Chúa. Nhưng cũng có những lúc chúng ta yếu đuối, tội lỗi và ngã xa. Nhưng dù là chúng ta thế nào, hãy luôn tín thác rằng Chúa luôn ở bên nâng đỡ và muốn sử dụng chúng ta như đã sử dụng hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, làm khí cụ của Chúa trao ban bình an và hạnh phúc cho con người. 

Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường.