Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI - NĂM C NGÀY 16/06/2019

Filled under:

Lời Chúa: Ga 16, 12-15
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Cha có, đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”
Suy nim 1
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em,
nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.”
Ðức Giêsu khi sắp về với Cha, 

đã chấp nhận giới hạn của các môn đệ. 
Ngài chưa nói hết được những điều Ngài muốn nói, 
nhưng Ngài không muốn ép họ phải cố hiểu. 
Cần có thời gian, và nhất là cần Thánh Thần… 
Ðức Giêsu chấp nhận ra đi khi việc huấn luyện còn dang dở. 
Ngài chấp nhận mình không phải là vị thầy duy nhất: 
Sau này, Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều (Ga 14,26). 
Ngài cũng chẳng phải là Ðấng Bảo Trợ duy nhất 
vì còn một Ðấng Bảo Trợ khác đến sau Ngài (x. Ga 14,16). 
Ngài đã vén mở cho các môn đệ thấy sự thật, 
sự thật về Cha, về bản thân mình và về con người. 
Nhưng Ngài biết rằng cần có Thánh Thần từ từ dẫn dắt 
các môn đệ mới hiểu thấu và đi vào toàn bộ sự thật.Vì lợi ích của họ, Ðức Giêsu sẵn sàng ra đi (x. Ga 16,7), 
để nhường chỗ cho Ðấng Cha và Ngài sai đến.
Ðức Giêsu chẳng tìm mình, và Thánh Thần cũng vậy. 
Thánh Thần chỉ có sứ mạng 
là đưa con người đến với Cha và Con là Ðức Giêsu. 
Ngài chẳng tìm vinh quang cho mình, 
nhưng chỉ tìm tôn vinh và làm chứng cho Ðức Giêsu. 
Cha cũng chẳng tim mình. 
Cha chẳng giữ gì làm của riêng. 
“Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (c.15) 
Cha là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con. 
Con là Con vì đón nhận tất cả từ Cha. 
Tình yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần, 
Khi chiêm ngắm thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi, 
chúng ta thấy đó là một cộng đoàn lý tưởng. 
Mỗi ngôi vị đều sống cho hai ngôi vị kia. 
Yêu thương và hiệp thông với nhau đòi từ bỏ 
Nhưng từ bỏ lại làm cho mỗi ngôi vị trọn vẹn là mình, |
và sống trong hạnh phúc viên mãn.
Thiên Chúa của Kitô giáo là một cộng đoàn yêu thương, 
nhưng thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi lại không khép kín. 
Thế giới ấy vươn ra ngoài mình, 
để cho hạnh phúc tuôn đổ trên toàn bộ công trình sáng tạo. 
Cha yêu loài người đến độ sai Con Một làm người. 
Con yêu loài người đến độ dám sống và chết cho họ. 
Thánh Thần yêu loài người đến độ luôn ở bên để ủi an nâng đỡ. 
Cả Ba Ngôi cùng nhau lo cho loài người. 
Ước mơ lớn nhất của Ba Ngôi là đưa cả nhân loại 
đi vào thế giới thần linh của mình, 
để mỗi người được hưởng hạnh phúc làm con trong Chúa Con.
Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu mở ra, chia sẻ, mời gọi. 
Tình yêu đích thực bao giờ cũng khiêm hạ đợi chờ. 
Chúng ta tự hỏi mình có sẵn sàng mở ra 
để Chúa đi vào thế giới của mình 
và để mình đi vào thế giới của Chúa không?
Cầu nguyn:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


SUY NIỆM 2
 
Mùa Phục Sinh đã kết thúc với Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Phụng vụ hôm nay quay về “Mùa Thường niên”.

Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi cực thánh hôm nay, một cách nào đó, tóm tắt sự mặc khải của Thiên Chúa trong mầu nhiệm phục sinh. Đức Kitô chết và sống lại, Người về trời ngự bên hữu Chúa Cha và đổ tràn Thánh Thần. Dù tâm trí và ngôn ngữ con người không thể cắt nghĩa mối tương giao hiện có giữa Cha, Con và Thánh Thần. Thế nhưng, các Giáo phụ đã tìm cách minh họa mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi bằng việc sống đức tin vào Thiên Chúa cách kiên vững với lương tâm ngay thẳng.

Thực thế, Chúa Ba Ngôi đến với chúng ta ngày chúng ta được rửa tội, linh mục nói: “Ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Để rồi mỗi lần chúng ta làm dấu thánh giá trên mình, chúng ta nhắc lại danh Thiên Chúa Ba Ngôi, mà qua đó, chúng ta được rửa tội. “Chúng ta làm dấu thánh giá trước khi đọc kinh, để đặt trí tưởng tượng, tâm hồn và ý chí của chúng ta vào trọng tâm là Thiên Chúa. Còn dấu thánh giá sau khi đọc kinh là để những gì Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta có thể ở lại trong tâm hồn. Dấu thánh giá ôm trọn con người ta cả hồn và xác. Tất cả đều được thánh hiến cho danh Chúa Ba Ngôi”. (lo spirito della liturgia. I santi segni, Brescia 2000, 125-126).

Như vậy, chúng ta tìm thấy trong lời của nghi thức rửa tội và trong dấu thánh giá lời loan báo làm nảy sinh đức tin và cảm hứng để cầu nguyện. Như lời kinh nguyện của thánh Hilariô de Poitiers: “Xin hãy giữ đức tin con được ngay thẳng, và xin cũng hãy ban cho con, cho đến hơi thở cuối cùng, tiếng nói lương tâm, để con luôn sống trung thành với điều con đã tuyên hứa trong ngày được tái sinh, khi con được rửa tội trong Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần” (Về CHúa Ba Ngôi, XII, 57, CCL 62/A, 627).