Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 23-6-2019

Filled under:

“Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê”
(Lc 9, 11-17)
11b Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.
12 Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng.”13 Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.”
14 Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.”15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống.16 Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.
17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
  1. « Họ không cần phải đi đâu cả »
Trước hết, chúng ta được mời gọi dừng lại ở khung cảnh thiên nhiên : « Ngày bắt đầu tàn » và « đây là nơi hoang vắng », để đón nhận những gì được gợi ra tâm tâm trí chúng ta : mỗi ngày, chúng ta được ăn và ánh sáng cũng trở lại. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta không còn ăn được nữa, bóng tối đến và không chịu biến đi. Lúc ấy, chúng ta còn mong chờ ai ngoài Đức Kitô là ánh sáng và là lương thực ban sống đời đời, nghĩa là Mình và Máu Thánh của Người ?
Điều này giúp chúng ta hiểu câu nói này của Đức Giê-su ở mức độ tuyệt đối, theo lời kể của thánh sử Mát-thêu : « Họ không cần phải đi đâu cả » (Mt 14, 16). Đức Ki-tô là Đấng hằng sống và là Đấng ban sự sống đang hiện diện, vì thế, trong cơn đói và trong bóng tối chết người, loài người chúng ta và từng người chúng ta « không cần phải đi đâu cả » !
Nơi hoang vắng, bóng tối đang đến, ai cũng đói lả. Các môn đệ cũng lo cho đám đông, nhưng theo bình diện kinh tế : cho về, tự đi ra chợ, cửa hàng hay siêu thị mua thức ăn.
Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng”.
(c. 12)
Có Thầy ở với mình và vẫn suy nghĩ và hành động theo kiểu « kinh tế » hay thực dụng. Nhưng Đức Giêsu nghĩ khác, Ngài muốn thỏa mãn cách trọn vẹn những người đến với Ngài. Đó là những người đã chạy theo Chúa và các tông đồ, rồi ở lại nghe Lời Chúa suốt ngày, bây giờ trời đã muộn, họ mệt lả vừa đói bụng. Tuy nhiên, Người lại đề nghị các môn đệ thực hiện :
Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.”
(c. 13)
Trước một nhu cầu lớn như thế, các môn đệ nghĩ ngay đến khả năng của riêng họ, nghĩa là nghĩ đến tiền để đi mua thức ăn : « Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này » (c. 13). Giả định có số tiền rất lớn là hai trăm quan để mua thức ăn cho năm ngàn người đàn ông không kể phụ nữ và trẻ con, thỉ cũng không đáp ứng được, như tông đồ Philiphê nói, trong Tin Mừng theo thánh Gioan nói : « Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút » (Ga 6, 7).
« Tiền » ở đây có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tất cả các phương tiện và điều kiện để làm việc, nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng sống tương quan với Chúa, và nhất là khi cộng tác với sứ mạng của Chúa, nghĩa là làm chứng cho Tin Mừng qua đời sống gia đình, đời sống tu trì, việc phục vụ, việc tông đồ, mục vụ…, chúng ta không thể chỉ suy xét trên bình diện phương tiện, nhưng còn trên bình diện thần nhiệm nữa, như thánh Phaolô đã kinh nghiệm : « Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi : Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối » (2Cr 12, 8-9). Sống chiều kích thần nhiệm là kết hợp với Đức Kitô và để sức sống Phục Sinh của Ngài tỏ hiện ra nơi con người giới hạn, mỏng dòn, yếu đuối của chúng ta, và nơi những phương tiện hạn hẹp và nghèo nàn của chúng ta. Năm chiếc bánh và hai con cá diễn ta con người thật của chúng ta.
  1. Năm chiếc bánh và hai con cá
Nhưng Đức Giêsu muốn hành động khởi đi từ những gì các môn đệ có và với những gì họ là. Điều này đòi hỏi từ bỏ để trao lại tất cả cho Người. Chúng ta có thể hiểu « năm chiếc bánh và hai con cá » tượng trưng cho con người thật của chúng ta, những gì chúng ta có và những gì chúng ta là : thật nhỏ bé, thật giới hạn. Chúng ta hãy dừng lại để nhìn và nghe từng cử chỉ là lời nói của Đức Giêsu :
Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.
(c. 16)
Với những gì các môn đệ trao lại thật ít ỏi so với nhu cầu lớn lao, Đức Giê-su không chê bỏ, nhưng đón nhận cách trân trọng và đón nhận như một ân huệ thúc đẩy tâm tình chúc tụng Đấng Ban Ơn. Chúng ta có thể dừng lại thật lâu để chiêm ngắm từng cử chỉ của Chúa, và để những cử chỉ này đánh động, gợi mở, soi sáng ơn gọi và những băn khoăn của chúng ta. Có ba cấp độ ý nghĩa của phép lạ bánh hóa nhiều.
(1) Bánh lương thực. Bánh ăn hằng ngày đã hóa nhiều thực sự, và trong những năm thi hành sứ vụ, Đức Giêsu thực hiện hai lần (một lần theo Tin Mừng Gioan). Điều này cho thấy, Đức Giêsu đến không để giải quyết nạn đói cho con người. Vì con người có khả năng lo cho nhau no đủ, nếu biết chia sẻ. Phép lạ là những « dấu chỉ » của một thực tại khác.
(2) Bánh Lời Chúa. Dấu lạ « Bánh Lời Chúa » được Chúa thực hiện cho chúng ta mỗi ngày cách dư tràn trong Thánh Lễ và nhất là khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa và chia sẻ Lời Chúa. Và Bánh Lời Chúa hướng chúng ta đến Bánh Thánh Thể, bởi vì Chúa vừa gieo Lời và vừa gieo Mình (x. Ga 12, 24); và Lời và Mình Chúa là một.
(3) Bánh Thánh Thể. Thiên Chúa ban cho chúng ta bánh hằng ngày (x. Tv 136, 25) chính là để hướng chúng ta đến Bánh Hằng Sống; nói cách khác, bánh hằng ngày đã chứa đựng lời hứa ban bánh Hằng Sống rồi (x. St 1, 29). Vì thế, ngay sau khi thực hiện dấu lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su nói về Bánh Hằng Sống là chính Người. Bánh Hằng Sống được trao ban cho chúng ta một cách quảng đại mỗi ngàynơi Bánh Thánh Thể trong Thánh Lễ ; chúng ta chỉ cần mở tay và mở lòng ra để đón nhận. Tuy không có sự dư tràn vật chất, nhưng lại có sự « dư tràn » về ơn huệ sự sống và ngôi vị của Đức Ki-tô.
Bánh hằng ngày, Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể được trao ban cho chúng ta cách nhưng không, chính là để làm cho chúng ta trở thành “Tấm Bánh” theo khuôn mẫu của “Tấm Bánh Giê-su”. Thật vậy, Chúng ta được mời gọi dâng cho Chúa « tất cả », tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là ; và cái « tất cả » của chúng ta thì nhỏ bé và giới hạn như « năm cái bánh và hai con cá », nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đây là cử chỉ mang chiều kích Thánh Thể : « năm chiếc bánh và hai con cá », là chính con người chúng ta, đã trở thành chính Chúa ; tương tự như bánh là « hoa mầu của ruộng đất và công lao của con người » nhưng được dâng cho Chúa, để trở thành « Bánh Trường Sinh » nuôi dưỡng chúng ta. Và chúng ta được mời gọi cộng tác để chia sẻ và trao ban chiếc « bánh đời tôi », đã được trao vào tay Chúa và Chúa làm cho trở thành chính Chúa, cho nhiều người.
  1. Dấu chỉ « dư tràn »
Và kết qua là ai nấy được ăn và được ăn no nê, và dư với số lượng lớn : mười hai thùng bánh đầy, cùng với cá con dư :
Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê.
Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
(c. 17)
« Dư Tràn » nhưng không chính là dấu vết của Thiên Chúa (mẻ cá lạ, gấp trăm, bảy mươi lần bảy, lòng nhân hậu của người cha, người gieo giống ra đi gieo giống, 6 chum nước trở thành rượu ngon, chữa bệnh gắn liền với tha tội, nước hằng sống..). Bánh tiếp tục được ban cho dân của Chúa, cho từng người chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày cách dư tràn. Bánh diễn tả hồng ân, hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người của anh chị em, đó là những bữa ăn hàng ngày ; bánh diễn tả sự sống đời đời, đó là Mình Máu Thánh của Đức Ki-tô; và cả hai đều diễn tả chính Chúa, chính Ngôi vị của Chúa. Đấng chúng ta khát khao và chỉ ngài mới làm chúng ta no thỏa, dư tràn.
*  *  *
Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa
và chữa lành những ai cần được chữa.
(c. 11)
Dưới ánh sáng của Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, lời này diễn tả chính cách Đức Giê-su tiếp đón loài người và từng người chúng ta, mỗi ngày và suốt đời, cách Người đến đế « phục vụ », chứ không phải để « được phục vụ », ngang qua Bánh ăn hằng ngày hướng tới Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể trong Bí Tích Mình và Thánh của Người. Đó là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, mang lại ơn chữa lành, đó là « tiếp đón » của Thiên Chúa dành cho chúng ta nơi Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô, bởi Lòng Thương Xót của Người.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 2

Khi nữ tu Têrêxa Calcutta sang Liên Xô xin mở trụ sở bác ái, ngài đã gặp các vị lãnh đạo chính quyền và đã được đồng ý nhanh chóng. Tuy nhiên, khi mẹ Têrêsa xin cho có linh mục tại những trụ sở đó,  thì các vị lãnh đạo đã ngần ngại. Mẹ Têrêxa giải thích: nguồn sức mạnh của các nữ tu chúng tôi là do Mình Máu Thánh Chúa. Nhờ mỗi ngày được rước Mình Máu Thánh Chúa, nên các nữ tu chúng tôi có sức hy sinh quên mình để phục vụ những người nghèo khổ. Do đó, cần phải có linh mục để mỗi ngày dâng thánh lễ và cho chúng tôi rước lễ. Mẹ Têrêxa và các nữ tu là những người đã cảm nghiệm được Lời Chúa phán khi lập bí tích Thánh Thể: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời".

Hôm nay lễ Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta tạ ơn vì  tình yêu bao la của Đức Giêsu khiến Người chịu chết vì chúng ta và trước khi chết đã ban Mình và Máu Người làm thương thực nuôi linh hồn chúng ta.

Nhưng chúng ta cũng nhận thấy sự giảm sút lòng sốt sắng của chúng ta đối với việc dự lễ và rước lễ. Có khi chúng ta thờ ơ với lương thực quý giá mà Chúa đã ban. Chúng ta bỏ mất biết bao ơn ích do việc rước lễ mà nhiều người đạo đức đã rất quý chuộng và nhiều người khao khát.

Chúng ta hãy cố gắng để đáp lại tình yêu của Chúa mỗi ngày. Trước hết, là những người làm cha mẹ, làm ông bà, hãy nhắc nhở và khuyến khích con cháu mình thường xuyên tham dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng. Mỗi khi dự lễ và rước lễ, chúng ta hãy cố gắng sốt sắng, đừng làm một cách máy móc theo thói quen, nhưng hãy đặt hết tâm tình vào đó.

Đây là tâm tình của một người đã biết cách dự lễ và rước lễ sốt sắng: Mỗi thánh lễ, tôi lại cảm thấy có điều gì đó cần thống hối cách đặc biệt. Mỗi thánh lễ, tôi lại thấy mình muốn đặt lên đĩa thánh một chút cố gắng riêng tư, đau khổ, mơ ước, thao thức... Tôi không tham dự thánh lễ với 2 bàn tay trắng, nhưng với lễ vật là chính cuộc đời tôi. Trong mỗi thánh lễ, Lời Chúa lại tác động lên tôi, những lời nói đã nghe nhiều lần nhưng vẫn luôn mới mẻ. Mỗi lần rước Chúa là một lần tôi nhớ rằng Người đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho tôi, và tôi cũng phải trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh chị em tôi, bằng việc chia sẻ và hy sinh.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa là nguồn sự sống, là nguồn tình yêu, là lương thực trường tồn của chúng con. Xin ban ơn giúp sức để chúng con đừng bao giờ từ chối rước Chúa, hoặc thờ ơ trước Chúa. Xin cho chúng con luôn biết tìm đến Chúa là nguồn sống đích thực của chúng con, dù cuộc sống đầy vất vả, bận rộn và nhiều lo toan. Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường