Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - LỄ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ NGÀY 29/06/2019

Filled under:

Lời Chúa: Mt 16, 13-19
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? “14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Suy nim 1
Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô,
chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt,
rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.
Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình.
Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ.
Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào,
về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh.
Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Ngài còn sống.
Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng.
Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi.
Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.
Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamát.
Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.
Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.
Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.
Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.
Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô,
trong một phút giây quá tự tin vào sức mình.
Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô,
trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.
Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai.
Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.
Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách nồng nhiệt,
vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.
“Này anh Simon, anh có mến Thầy không?
Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,16)
Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống,
vì Ngài là “Con Thiên Chúa,
Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20)
Phaolô đã không ngần ngại khẳng định:
Không gì có thể tách được chúng ta
ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô (x. Rm 8, 35.39)
Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo,
vì nói cho cùng truyền giáo chính là
giúp người khác nhận ra và yêu mến
Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.
Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng,
bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.
Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40)
Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28).
“Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu” (Gl 6, 1-7)
Cả hai vị đã chết như Thầy.
Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18).
Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng,
và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới,
dám bỏ, dám theo và dám yêu
dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng.
Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2

 “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Chúa chọn gọi thánh Phêrô và thánh Phaolô làm cột trụ để xây dựng Giáo Hội. Nhìn vào con người của thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta có thể nhận ra lòng yêu thương và ân ban nhiệm lạ mà Chúa đã dành cho các ngài nói riêng và cho cả Giáo Hội nói chung. Lòng yêu thương và tình yêu nhiệm lạ của Chúa được thể hiện cách Người chọn gọi hai thánh Tông đồ, bất kể họ là ai.

Đối thánh Phêrô, một con người được xem là đầy nhiệt huyết khi đi theo Chúa. Ông đã từng tuyên bố dõng dạc với Chúa “dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26, 33). Ông muốn chứng minh cho Chúa và anh em mình về sự mạnh mẽ và trung thành của mình đối với Chúa. Thế nhưng, đó chỉ là cái nhìn chủ quan của ông. Ông không lường được sự hèn yếu của mình trước những khó khăn sẽ xảy đến. Trái lại, Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn nơi con người. Người biết rõ con người của thánh Phêrô khi đã cho ông hay “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay. Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối thầy ba lần” (Mt 26, 34). Thế nhưng Chúa vẫn tin tưởng và chọn gọi ông làm nền tảng xây dựng Giáo Hội và nâng đỡ đức tin của anh em mình: “Phêrô con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). 

Còn đối với Phaolô - một kẻ đã từng là người nhiệt tâm đi lùng bắt các Kitô hữu. Ông còn là người can dự vào việc nén đá phó tế Stêphanô - vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Dù có quá khứ không mấy tốt đẹp, nhưng Chúa vẫn chọn gọi ông, để dùng ông như khí cụ trao ban bình an của Chúa cho muôn người.

Dù sự chọn gọi và yêu thương của Chúa là cao quí và nhưng không, nhưng lòng phục thiện và hoán cải nơi thánh Tông đồ Phêrô và thánh Tông đồ Phaolô là điều quan trong không kém. Hai thánh Tông đồ đã nhận ra tình thương vô bờ của Chúa và quyết tâm sống cho Chúa và Tin Mừng của Người. Nhờ vậy, mà hôm nay Giáo Hội Chúa được lan tỏa khắp nơi trên toàn thế giới.

Mừng lễ hai thánh Tông đồ hôm nay, Chúa tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta noi gương hai thánh Tông đồ hoán cải và tiếp bước các ngài theo Chúa trên đường đức tin. Chắc chắn, có những lúc chúng ta đầy hứng khởi, đầy nhiệt huyết muốn sống cho Chúa và Tin Mừng của Chúa. Nhưng cũng có những lúc chúng ta yếu đuối, tội lỗi và ngã xa. Nhưng dù là chúng ta thế nào, hãy luôn tín thác rằng Chúa luôn ở bên nâng đỡ và muốn sử dụng chúng ta như đã sử dụng hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, làm khí cụ của Chúa trao ban bình an và hạnh phúc cho con người. 

Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:17

Lòng Thương Xót Chúa trong tâm hồn – Bài gẫm nhật ký của Thánh Faustine, số 440

Filled under:

Lòng Thương Xót Chúa trong tâm hồn – Bài gẫm nhật ký của Thánh Faustine, số 440
Tháng 6 năm 1935, Chị thánh Faustine đã viết cho cha linh hướng những lời sau:
 “(…) Ước gì tất cả các linh hồn đều biết Thiên Chúa tốt lành dường bao, và không một linh hồn nào phải sợ hãi khi sống trong sự kết hiệp thân mật với Ngài; ước gì họ đừng vì sự bất xứng của mình mà trốn tránh, và cũng đừng trì hoãn đáp lại những lời mời gọi của Thiên Chúa, vì như thế là không đẹp lòng Chúa (…)” (NK số 440)
Suy niệm :
Chị thánh Faustine viết những lời này trong thời gian Chị hình thành dự án thiết lập một Hội dòng mới “để loan báo Lòng Thương Xót Chúa và nài xin Lòng Thương Xót của Ngài cho thế giới” (NK số 436). Lúc đó, trong thâm tâm Chị, những hoài nghi về dự án này cũng nhiều như sự xác tín mạnh mẽ vốn có trong Chị; cho đến một ngày kia, Chị nhận được sự chuẩn nhận cho sứ mạng còn đang bí mật này qua lời cha linh hướng của Chị, linh mục Mi-ca-e Sopocko, và qua nhiều thị kiến chị nhận được trong Thánh lễ.
Nền tảng vững chắc cho mọi sứ mạng trong Giáo Hội là sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Không ai có thể hy vọng hoàn thành tốt một sứ vụ trong Giáo Hội nếu họ không khao khát được sống và hoạt động nhờ tất cả những phương tiện mà Giáo Hội ban cho, trong sự hiệp thông mật thiết nhất với Thiên Chúa, để có thể tìm lại hạnh phúc, được kín múc mọi ân sủng từ nguồn mạch sự sống là chính Ngài. Sống trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa là tham dự Bí tích Thánh Thể thường xuyên và sốt sắng nhất có thể trong nhịp sống hằng ngày; là đọc Kinh Thánh, bởi lẽ đây là Lời Hằng Sống và sống động mà qua đó Thiên Chúa nói với chúng ta, nâng đỡ, hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống và nuôi dưỡng đời sống tinh thần của chúng ta. Sống trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa là siêng năng đến với cha giải tội và qua Bí tích Hoà Giải, để  được biến đổi. Đây sẽ là tấm bình phong che chở chúng ta trước Ngai Tòa Thiên Chúa. Cũng giống như hiệu lực của các Bí tích được ban tặng cho chúng ta qua Hội Thánh, việc tham dự vào đời sống cầu nguyện trong cộng đoàn giúp chúng ta chạm tới trái tim hay chạnh lòng xót thương của Chúa Giê-su. Chính Chúa Giê-su sẽ chuyển cầu cho anh chị em của chúng ta và cho toàn thế giới.
Rõ ràng tất cả những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội quá dồi dào, thậm chí là đầy tràn, chan chứa, quá chênh lệch so với những gì Giáo Hội tin là mình đáng lãnh nhận. Và cũng biết bao lần người ta đã tâm sự với Chúa hay tự hỏi lòng mình, rằng “Tại sao lại là con, lạy Chúa?” Tại sao Ngài ban cho con quá nhiều ân sủng, trong khi con chẳng là gì, con không xứng đáng để thi hành sứ vụ Ngài đã trao cho. Con không xứng đáng với những ân sủng Ngài ban tặng. Con thực sự thiếu khả năng, ít học, quá ít cầu nguyện và rất thiếu tinh thần sám hối. Con không xứng đáng lãnh nhận ân sủng và sứ mạng Ngài ban, lạy Chúa!
Quả thật, chúng ta không xứng đáng phục vụ Ngài, không xứng đáng đón nhận Ngài trong trái tim chúng ta. Chúng ta cũng không xứng đáng đến gần Nhà Tạm, không xứng đáng được Thiên Chúa của Lòng Xót Thương đoái nhìn. Vậy thì, ai trong chúng ta xứng đáng?
Nhưng Thiên Chúa chỉ cần phán một lời là linh hồn ta sẽ được chữa lành: “Nếu Thần Khí là quy tắc sống của con, thì đời sống con sẽ được nhào nặn và theo khuôn mẫu của Ta, từ máng cỏ cho đến khi chết đau đớn trên Thánh Giá” (NK số 438); và “Nếu con thấu suốt những mầu nhiệm này”, bởi sự tín thác và bền chí của con, “con sẽ hiểu thấu sự sâu thẳm của Lòng Thương Xót của Ta và con sẽ làm cho cả thế giới biết đến Ta.” Và lạy Chúa, Ngài cũng đã hứa sẽ làm cho con nên “người trung gian giữa trời và đất.” (NK số 438)
Bài viết được độc giả gửi đến dongten.net

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:02

Hạnh các Thánh: 29-06 Thánh Phêrô và Thánh Phaolô

Filled under:

Hạnh các Thánh: 29-06 Thánh Phêrô và Thánh Phaolô 

Thánh Phêrô: Thánh sử Máccô chấm dứt phần thứ nhất của Phúc Âm với một tuyệt đỉnh thắng lợi. Sau khi ghi lại nhiều sự hồ nghi, hiểu lầm và chống đối Ðức Giêsu, giờ đây Phêrô tuyên xưng đức tin: “Thầy là Ðấng Thiên Sai” (Máccô 8:29b). Ðó là một trong những giây phút huy hoàng của cuộc đời Thánh Phêrô, kể từ ngày ngài được kêu gọi ở Biển Galilê để trở thành kẻ lưới người.

Tân Ước rõ ràng cho thấy Phêrô là vị lãnh đạo các tông đồ, được Ðức Giêsu chọn với một tương giao đặc biệt. Cùng với Giacôbê và Gioan, Phêrô được đặc ân chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của một đứa trẻ đã chết và sự thống khổ trong vườn Cây Dầu. Bà mẹ vợ của Phêrô bị Ðức Giêsu quở trách. Ngài được sai đi với Gioan để chuẩn bị cho lễ Vượt Qua trước khi Ðức Giêsu từ trần. Tên của ngài luôn luôn đứng đầu các vị tông đồ.

Và Phêrô là người duy nhất được Ðức Giêsu nói, “Này Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Bởi thế, Thầy bảo với anh: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời. Anh cầm buộc gì dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; anh tháo cởi điều gì dưới đất, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mátthêu 16:17b-19).

Nhưng các chi tiết xác thực của Phúc Âm cho thấy các thánh sử không xu nịnh Phêrô. Hiển nhiên ngài là một người không biết giao tế. Và đó là sự an ủi lớn lao cho chúng ta khi thấy Phêrô cũng có những yếu đuối con người, ngay cả trước mặt Ðức Giêsu.

Phêrô đã độ lượng hy sinh mọi sự, tuy nhiên ngài vẫn có thể hỏi một câu thật nông cạn như trẻ con, “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” (x. Mt 19:27). Ngài phải chịu sự tức giận vô cùng của Ðức Kitô khi chống đối ý tưởng của một Ðấng Thiên Sai đau khổ: “Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt. 16:23b).

Phêrô sẵn sàng chấp nhận lý thuyết về sự tha thứ của Ðức Giêsu, nhưng dường như chỉ trong giới hạn bảy lần. Ngài đi trên mặt nước khi vững tin, nhưng bị chìm khi hồ nghi. Ngài không để Ðức Giêsu rửa chân cho mình, nhưng lại muốn toàn thân được sạch. Ngài thề không khi nào chối Chúa trong bữa Tiệc Ly, và sau đó lại thề với người tớ gái là ngài không biết người ấy. Ngài trung thành chống lại sự bắt giữ Ðức Giêsu bằng cách chém đứt tai tên Man-khô, nhưng sau cùng ngài lẩn trốn với các tông đồ khác. Trong sự phiền muộn vô cùng, Ðức Giêsu đã nhìn đến ngài và tha thứ cho ngài, và Phêrô đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết.

Thánh Phaolô: Nếu giả như có nhà truyền giáo Hoa Kỳ kêu gọi phải chấp nhận chủ nghĩa Mác-xít chứ đừng tôn trọng Hiến Pháp, thì phản ứng tức giận sẽ giúp chúng ta hiểu cuộc đời Thánh Phaolô hơn khi ngài bắt đầu rao giảng là chỉ có Ðức Kitô mới cứu chuộc được chúng ta. Ngài từng là người Pharixiêu hơn ai hết, trung thành với luật Môisen hơn ai hết. Nhưng bây giờ bỗng dưng ngài xuất hiện trước các người Do Thái như một người lạc giáo của Dân Ngoại, một kẻ phản bội và chối đạo.

Tâm điểm đức tin của Phaolô thật đơn giản và tuyệt đối: chỉ Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc nhân loại. Không một nỗ lực nào của con người — ngay cả việc tuân giữ lề luật cặn kẽ nhất — có thể tạo nên công trạng để chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa như của lễ đền tội và đền đáp các ơn sủng. Ðể được cứu chuộc khỏi tội lỗi, khỏi sự dữ và cái chết, nhân loại phải triệt để mở lòng cho quyền năng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô.

Phaolô không bao giờ mất sự yêu quý dòng dõi Do Thái của ngài, mặc dù ngài tranh luận nhiều với họ về sự vô dụng của Luật mà không có Ðức Kitô. Ngài nhắc nhở cho Dân Ngoại biết rằng họ được tháp nhập vào tổ tiên của người Do Thái, là những người được Chúa chọn, là con cái của lời đã hứa.

Vào ngày 29-6, chúng ta tưởng nhớ sự tử đạo của hai vị tông đồ. Ngày tháng này có từ năm 258, dưới thời bách hại của Valerian, khi các tín hữu tìm cách lấy xác của hai ngài để khỏi rơi vào tay các kẻ bách hại.

Kinh Thánh không ghi lại cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô, hoặc bất cứ vị Tông Ðồ nào, ngoại trừ Thánh Giacôbê con ông Giêbêđê (TVCÐ 12:2), nhưng qua các bài đọc và truyền thuyết có từ thời Giáo Hội tiên khởi, các ngài đã tử đạo ở Rôma dưới thời Hoàng Ðế Nêrô, và được chôn cất ở đây. Là một công dân Rôma, có lẽ Thánh Phaolô bị chặt đầu. Còn Thánh Phêrô, được biết ngài bị treo ngược đầu trên thập giá.



Posted By Đỗ Lộc Sơn06:00

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ SU NGÀY 28/6/2019

Filled under:

Lời Chúa: Lc 15, 3-7
Khi ấy, Ðức Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
Suy nim 1
Dụ ngôn về con chiên bị lạc mất được đọc trong lễ Thánh Tâm. 
Đức Giêsu nói dụ ngôn đơn sơ này 
vì thấy những người Pharisêu và các kinh sư khó chịu 
khi Ngài đón tiếp các tội nhân và hồn nhiên ăn uống với họ. 
Ngài không xa lánh họ vì họ dám đến gần Người để nghe (Lc 15, 1-2). 
Từ nơi Đức Giêsu toát ra một sự hấp dẫn những ai bị xã hội loại trừ. 
Họ biết mình được Ngài yêu thương đón nhận. 
Họ biết mình có chỗ trong trái tim nhân hậu của Ngài.
Dụ ngôn con chiên bị mất là dụ ngôn về một trái tim. 
Trái tim nhói đau của người có đàn chiên một trăm con, và mất một. 
Anh không coi nhẹ sự mất mát này, vì anh quý từng con chiên. 
Con chiên bị lạc mất làm anh nặng lòng, không yên, 
dù một con trong đàn chiên trăm con có thể chẳng là gì cả. 
Trái tim nhói đau cũng là trái tim tìm kiếm. 
Để tìm kiếm, anh phải để lại chín mươi chín con kia trong hoang địa. 
Có thể anh phải gửi đàn chiên mình cho người bạn chăn nuôi. 
Lòng của anh bây giờ tập trung hoàn toàn vào con chiên lạc mất, 
đến độ có vẻ như anh bỏ rơi những con còn  lại. 
Ta chẳng rõ anh đi tìm ở những nơi nào và bao lâu. 
Hẳn anh đã đến mọi nơi mà con chiên này có thể ẩn nấp. 
Điều chắc chắn là anh đã muốn tìm nó cho kỳ được (c. 4). 
Anh không muốn bỏ dở nửa chừng cuộc tìm kiếm vất vả này.
Trái tim âu lo tìm kiếm cũng là trái tim nhảy mừng khi tìm thấy. 
Thấy bóng dáng con chiên lạc từ một hố sâu, 
hay nghe tiếng kêu quen thuộc của nó từ bụi rậm, 
điều đó làm anh quên hết mọi nhọc nhằn. 
Niềm vui rộn lên trong lòng anh. 
Cách anh biểu hiện niềm vui là vác con chiên tìm thấy trên vai, 
và để nó ngang đầu mình, mặt mình. 
Có thể anh không muốn dắt nó đi vì anh sợ nó mệt, 
thay vì anh không muốn mất nó một lần nữa.
Trái tim nhảy mừng cũng là trái tim muốn chia sẻ niềm vui. 
Khi về nhà, anh đã mời bạn bè, hàng xóm lại và nói với họ: 
“Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên bị mất” (c. 6). 
Niềm vui lớn quá nên không thể giữ riêng trong lòng mình được. 
Niềm vui đòi nói ra, đòi chia sẻ để được nhân lên.
Trái tim của Đức Giêsu là trái tim của người chăn chiên, 
buồn khi mất chiên, vất vả đi tìm và nhảy mừng khi tìm thấy. 
Khi ngồi ăn với những tội nhân trên đường hoán cải, 
Đức Giêsu nếm trải niềm vui tột độ của người tìm được chiên. 
Tiếc thay những người Pharisêu không muốn chung vui với Ngài. 
Họ không hiểu được niềm vui của cả thiên đàng khi một tội nhân hoán cải. 
Đơn giản vì Thiên Chúa quý từng người và không muốn mất một ai. 
Chỉ mong mỗi linh mục có trái tim của Giêsu, người mục tử nhân hậu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, 
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, 
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa 
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường 
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. 
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, 
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, 
không một biến cố nào làm xáo trộn, 
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, 
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. 
Xin cho quả tim con đủ lớn 
để yêu người con không ưa. 
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở 
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2

     William Barclay thuộc hội anh em Tin Lành là nhà chú giải Kinh Thánh rất nổi tiếng viết trong bộ chú giải của ông về đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe rằng: “Chúng ta sẽ hiểu các dụ ngôn này đầy đủ hơn nếu chúng ta nhớ rằng người Do Thái ngoan đạo không nói ‘cả thiên đàng vui mừng vì một tội nhân hoán cải’, nhưng họ nói ‘cả thiên đàng vui mừng vì một tội nhân bị diệt mất trước mặt chúng’”. Nhờ đó, chúng ta hiểu rằng họ hướng cặp mắt độc ác để chờ xem hủy diệt tội nhân, chứ không chờ mong giải cứu tội nhân.

     Vì thế, Chúa Giêsu nói cho họ dụ ngôn về con chiên lạc và vui mừng của kẻ chăn. Người chăn chiên ở xứ Do Thái có một công việc khó nhọc và nguy hiểm. Đồng cỏ thì hiếm, cánh đồng cao nguyên ở giữa xứ chỉ rộng chừng vài dặm thôi, còn phần nhiều lục địa, thế là những khe trũng dốc đứng và cảnh sa mạc hoang vu. Không có bức tường chắn giữ nên chiên dễ đi lạc. GA. Smith đã viết về người chăn chiên: “Trên một cánh đồng khô cỏ cháy, ban đêm chỉ có tiếng chó hú, người chăn chiên với gương mặt tỉnh táo, đôi mắt nhìn xa, màu da cháy nắng, mình đeo khí giới, đứng dựa trên cây gậy, mắt chăm chú nhìn đàn chiên đang ăn. Chúng ta hiểu tại sao người chăn chiên ở xứ Do Thái lại là những người ở vị trí hàng đầu trong lịch sử nước họ, tại sao người chăn chiên là biểu tượng về sự quan phòng của Thiên Chúa, tại sao Chúa Cứu Thế đã lấy hình ảnh người chăn chiên làm gương mẫu cho sự từ bỏ mình”. Người chăn chiên sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về đoàn chiên. Nếu một con chiên bị mất thì người chăn chiên phải mang về nhà ít ra là cái lốt chiên để chứng tỏ là nó đã chết. Những người chăn chiên có tài theo dấu vết cách đặc biệt, có thể theo dõi dấu chân của một con chiên đi lạc hàng dặm qua núi đồi. Không có người chăn chiên nào lại không coi bổn phận của mình là phải bỏ mạng sống mình vì đoàn chiên.

    Đó là hình ảnh của Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói Thiên Chúa cũng thế, Ngài vui mừng vì tìm lại được một tội nhân đã lạc mất, cũng như người chăn vui mừng vì tìm được chiên lạc đem về chuồng. Môt thánh nhân đã nói: “Thiên Chúa cũng vậy, niềm vui vô cùng lớn lao khi tìm thấy những sự đã mất”.

     Chúa Giêsu cho ta một điều kì diệu, đó là chân lý vĩ đại: Thiên Chúa nhân từ hơn loài người. Những người Do Thái chính thống hẳn sẽ gạt bỏ các kẻ thâu thuế, các tội nhân như một thứ phải loại trừ, chỉ đáng tiêu diệt. Chúa thì không bao giờ như thế. Loài người có thể mất hết hy vọng về một tội nhân nào đó, nhưng Chúa thì không thế. Ngài yêu mến những con chiên không hề đi lạc, nhưng trong lòng Ngài, có sự vui mừng cực lớn khi một con chiên lạ được tìm thấy và đem về nhà.

     Những điều này giúp chúng ta chiêm ngắm, hiểu phần nào những lời Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn con chiên lạc về tình yêu vô biên của Người đối với nhân loại là đoàn chiên Người chăm sóc mà đặc biệt là từng con chiên, người con lầm đường lạc lối trong tội lỗi.

    Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là dịp chúng ta chiêm ngắm trái tim và tình yêu mở rộng cùng sự hy sinh đến quên mình của Chúa Giêsu vì đoàn chiên, con chiên lạc là mỗi chúng ta để rồi cảm mến, biết ơn và tìm đến nương ẩn trong Thánh Tâm Chúa Giêsu từng giây phút và suốt đời.

Lạy Thánh Tâm dịu hiền vô cùng của Chúa Giêsu, xin kéo từng người chúng con, cả thế giới vào trong Thánh Tâm Chúa để tất cả được ngụp lặn, che chở và xin cũng uốn nắn cùng mở rộng quả tim chúng con cho nên giống quả tim yêu thương rộng mở của Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:16

Phút cảm nhận Tin Mừng Lễ Thánh Tâm Chúa

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng Lễ Thánh Tâm Chúa
'Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!' Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải" (Lc 15, 3-7).
Trình thuật Tin Mừng lễ Thánh Tâm Chúa năm C; mô tả hình ảnh người chăn chiên vui mừng vì đã tìm thấy con chiên bị lạc. 
Người và chiên gắn bó lâu năm trên cánh đồng đầy cỏ, nhưng cũng đầy hiểm nguy của thú dữ ngày đêm rình bắt chiên. Vì thế người chăn chiên luôn quan tâm, lo lắng, kêu tên từng con một kẻo chúng vì mải ăn uống mà bị lạc xa đàn, lo cho từng con được ăn no, ngủ yên bên những vạt cỏ xanh, dòng suối mát.
Đức Giêsu thấy đoàn người đông đảo đi theo mình, Ngài động lòng thương. Ngài ví họ như đàn chiên không người chăn dắt. Nếu không may có một con chiên nào đi lạc, Ngài lấy hết tình thương của một người cha, của một người chăn dắt, mà lo đi tìm kiếm con chiên đó. Ngài đành bỏ mặc 99 con chiên trong đàn mà cố gắng đi tìm con chiên bị lạc và khi tìm được rồi, Ngài vác chiên lên vai mà đem về nhà với tất cả nỗi vui mừng.
Đức Giê-su, vị mục tử không chỉ nhân lành qua dụ ngôn. Ngài đã hiện thực điều đó qua Trái Tim của Ngài bị đâm thâu trên thập giá, mở ra một trời yêu thương và ân sủng với tất cả mọi con người
Lạy Chúa, chúng con là những con chiên đang đứng trong đàn chiên của Chúa, Chúng con được Chúa chăm lo cho bao điều tốt lành, vậy mà chúng con thờ ơ với những điều ấy, để chạy theo bao ảnh ảo của cuộc sống. Xin cho chúng con biết quay về, nhận ra Lòng thương xót của Chúa qua Thánh Tâm tràn đầy yêu thương hằng tuôn đổ trên chúng con qua các sự việc xảy ra mỗi ngày trong đời, để chúng con xứng đáng được lãnh nhận triều thiên sự sống trong ngày sau hết. Amen.


Hạnh các Thánh: 28-06 Thánh Irênê


Các văn bản của Thánh Irenaeus giúp ngài có một địa vị cao trọng trong các giáo phụ của Giáo Hội, vì các tư tưởng ấy không những giúp hình thành nền tảng thần học Kitô Giáo mà còn phô bầy và bài bác các sai lầm của phe Gnostic, gìn giữ được đức tin Công Giáo khỏi những nguy hiểm của lạc thuyết.
Có lẽ ngài sinh vào khoảng năm 125, trong một vùng ven biển của Tiểu Á là nơi có đông người Kitô Giáo và ký ức về các tông đồ vẫn còn được trân quý. Ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều của Thánh Polycarp là người đã từng được gặp các tông đồ hoặc các môn đệ trực tiếp của các ngài.
Khi các linh mục và nhà thừa sai người Á Châu đem tin mừng đến cho người Gaul và thiết lập một giáo hội địa phương ở Lyon, Thánh Irenaeus đã phục vụ ở giáo phận này dưới quyền vị giám mục đầu tiên là Thánh Pothinus. Vào năm 177, Irenaeus được sai đến Rôma, vì thế ngài không được phúc tử đạo như Ðức Pothinus trong thời kỳ bách hại ở Lyons. Khi trở về, ngài kế vị đức giám mục trông coi giáo phận.
Vào lúc ấy, tuy sự bách hại không còn nhưng lạc thuyết Gnostic tràn lan khắp xứ Gaul. Khi thấy các Kitô Hữu bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạc thuyết, ngài biết việc phải làm là phô bầy các lầm lạc của phe Gnostic. Ngài viết năm cuốn sách mà trong đó nêu ra các sai lầm nội tại của các lạc thuyết, đồng thời so sánh các thuyết ấy với Kinh Thánh và giáo huấn của các Tông Ðồ. Công trình này, được viết bằng tiếng Hy Lạp mà ngay sau đó được dịch sang tiếng La tinh, được lưu hành rộng rãi và rất thành công trong việc đối phó với phe Gnostic. Từ đó trở đi, ở bất cứ cấp độ nào, lạc thuyết Gnostic không còn là một đe dọa đối với đức tin Công Giáo.
Một nhóm Kitô Hữu ở Tiểu Á bị Ðức Giáo Hoàng Victor III ra vạ tuyệt thông vì họ không chấp nhận ngày tháng cử hành lễ Phục Sinh của Giáo Hội Tây Phương. Thánh Irenaeus đã can thiệp với đức giáo hoàng để rút lại hình phạt này, ngài cho thấy đó không phải là vấn đề quan trọng vì họ theo thói quen cũ mà Ðức Polycarp và Ðức Giáo Hoàng Anicetus không coi đó là sự chia cắt trong Giáo Hội. Ðức giáo hoàng đã phản ứng cách thuận lợi và hàn gắn được sự bất hòa.
Người ta không rõ Thánh Irenaeus từ trần vào lúc nào, nhưng tin là vào năm 202. Thi hài của ngài được chôn trong hầm mộ trong cung thánh của nhà thờ Thánh Gioan, và sau đó được đổi tên là Thánh Irenaeus. Vào năm 1562, nhà thờ và hầm mộ của ngài bị phe Calvin tiêu hủy, mọi thánh tích của ngài dường như cũng tiêu tan.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:05

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 27-6-2019

Filled under:

Lời Chúa: Mt 7, 21-29
21 “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? “23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”. 28 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người,29 vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ.
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su nói : « người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành ». Xin cho chúng ta nhận ra sự ngu dại của chúng ta, bởi vì chúng ta thường hay xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên cát. Trên cát, có nghĩa là không phải trên Lời Chúa là đá tảng, nhưng trên những gì là chóng qua, là phù vân.
1. Ơn cứu độ và Lề Luật
Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trình bày cho chúng ta một khuynh hướng lệch lạc trong việc giữ Luật. Việc giữ Luật của chúng ta đôi khi chỉ có ở bên ngoài mà thôi, chỉ có hình thức mà thôi, làm vì bị buộc và để lương tâm và người khác không chê trách, chứ không phát xuất từ lòng biết ơn và tình yêu con thảo đối với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta biết bao ơn lành, ngang qua từng ngày sống.
Chính vì thế mà Đức Giê-su nói : « Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! » Và Ngài cũng nói, có những người danh Ngài mà nói tiên tri, nhân danh Ngài mà trừ quỉ, thậm chí nhân danh Ngài mà làm phép lạ ; nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, còn trong lòng và trong cách sống với người khác, lại tăm tối và gian ác. Với những cách sống theo vẻ bề ngoài như thế, Chúa nhấn mạnh :  Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào (Nước Trời) mà thôi.
Ở đây Đức Giê-su không nói thi hành « Lề Luật », nhưng là thi hành « ý muốn của Cha Thầy », và cũng là Cha của chúng ta. Thế mà ý muốn của Thiên Chúa lại sâu và rộng hơn Lề Luật, vì ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến con tim và lòng mến của chúng ta ; và ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến lựa chọn ơn gọi của chúng ta, đến mọi hành vi, lời nói và tâm tình của chúng ta, ở mọi nơi mọi lúc. Và gương mẫu tuyệt vời nhất của chúng ta là chính Chúa Giê-su, bởi vì Ngài đã sống với Chúa Chúa bằng tình yêu con thảo cách trọn vẹn và cho đến cùng.
2. Ý muốn của Chúa Cha
Như thế, để được vào Nước Trời, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta thi hành « ý muốn của Chúa Cha ». Nhưng ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa. Lề Luật, thì chúng ta có thể đọc được trong sách hay trong kinh, nhưng ý muốn của Chúa Cha thì không thấy ghi ở đâu hết, nhất là khi chúng ta muốn biết ý Chúa trong những hoàn cảnh éo le riêng của mình, trong trường hợp riêng của mình, trong những vấn đề riêng tư và tế nhị của mình, trong những khó khăn phức tạp của mình.
Đi tìm ý Chúa cho chính mình, cho ơn gọi của mình hay trong một hoàn cảnh đặc biệt, luôn luôn là một hành trình khó khăn. Và dường như Chúa thích để như thế, Chúa thích chúng ta đoán ra ý Chúa, thay vì để cho Chúa phải nói thẳng ra. Giống như đối với cha mẹ : khi chúng ta còn bé, cha mẹ ra lệnh cho chúng ta ; nhưng khi chúng ta lớn rồi, cha mẹ sẽ rất vui, nếu chúng ta tự mình làm vui lòng cha mẹ, tự mình khám phá ra ý thích của cha mẹ. Và trong tình bạn và tình yêu cũng vậy, đoán ra ý nhau, mới thực sự là tình bạn, tình yêu và mang lại cho nhau niềm vui, thay vì cái gì cũng phài nói thẳng ra. Chúa cũng vậy, Chúa cũng sẽ vui thích khi chúng ta tìm kiếm và đoán ra ý Chúa với lòng mến.
3. Lời của Đức Giê-su
Vì thế, trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa, lòng mến Chúa và lòng ước ao làm đẹp lòng Chúa là quan trọng nhất. Và lòng mến Chúa lại cần được diễn tả ra bên ngoài bằng đời sống cầu nguyện và việc siêng năng tham dự các bí tích. Và chính trong cầu nguyện và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà chúng ta nhận được nền tảng vững chắc cho nỗ lực tìm kiếm ý Chúa Cha : đó là Lời của Đức Giê-su. Như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng: Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
Và nếu chúng ta không nghe và sống Lời Chúa, sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc và sụp đổ tan tành, chết chóc và sụp đổ tan tành ngay ở đời này. Xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên Lời Chúa, sẽ bảo vệ, duy trì và phát triển sự sống, không chỉ sự sống mai sau, nhưng ngay sự sống này. Đó chính là ý muốn của Chúa Cha.
(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)

SUY NIỆM 2

      Chúng ta không những phải tuyên xưng niềm tin, mà niềm tin đó còn bao trùm toàn bộ cuộc sống chúng ta. Chúng ta không chỉ là Kitô hữu trong một số nơi hay một số dịp nào đó, nhưng niềm tin Kitô hữu phải ăn sâu vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Đó có lẽ là ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay.

     Dụ ngôn hai ngôi nhà là phần kết thúc diễn giải dài của Chúa Giêsu về lề luật. Luật mới mang lại cho con người hạnh phúc thật. Được xây dựng trên nền tảng là Chúa Giêsu, nhưng luật đó chỉ có giá trị khi được đem ra thực hành mà thôi. Người ta xây một ngôi nhà là để ở trong đó. Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng người khôn ngoan đích thực phải làm cho Lời Chúa trở thành ngôi nhà để ở trong đó. Điều này cũng có nghĩa là người Kitô hữu phải dấn thân vào việc xây dựng cuộc sống của mình trên Lời Chúa, nghĩa là trên niềm tin Kitô giáo. Cuộc sống đức tin đó phải vững mạnh để giúp người Kitô hữu có thể chống chọi với bão táp của cuộc đời.

     Người ta thường gọi một người nào đó là khôn ngoan, khi người đó làm điều phải làm đúng lúc. Trong cuộc sống đạo cũng thế, người khôn ngoan đích thực là người biết xây dựng cuộc sống của mình trên niềm tin Kitô giáo. Người đó sẽ không còn phân ranh giới giữa đời sống tư với đời sống công, cũng không đặt niềm tin vào một trong những ngăn kéo của trái tim họ. Trong tất cả mọi sự, họ suy nghĩ, phản ứng và hành động theo Tin Mừng: Tin Mừng là linh hồn toàn bộ cuộc sống của họ.

      Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu. Một cuộc sống như thế có thể làm cho chúng ta chịu nhiều thiệt thòi mất mát, nhưng đó mới đích thực là cuộc sống Kitô hữu, bởi vì nó phản ánh trung thực con người và cuộc đời của chính Chúa Giêsu - Đấng thi hành Tin Mừng một cách hoàn hảo nhất.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết xây dựng cuộc sống trên Lời Chúa, biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong từng giây phút cuộc sống, để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Amen.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:49