Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Phút suy niệm ngày 1/6/2018.

Filled under:


Phút suy niệm ngày 1/6/2018.
Hãy tha thứ để Cha các con trên trời cũng tha cho các con.(Mc 11,26).
Cây vả xanh tươi kia đã không sinh lợi là đơm hoa kết quả, thì phải chịu sự quở trách của nhiều người, trong đó có Đức Giêsu.
Chúng con đã được Thiên Chúa yêu thương tha thứ tất cả những lỗi lầm, ban cho được quyền làm con Chúa. Nhưng chúng con đã không yêu thương tha thứ cho anh em mình, không tuân giữ các điều Người dạy bảo, chúng con cũng bị quở trách như cây vả kia thôi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết kết hợp với Chúa luôn mãi, để chúng con sinh nhiều hoa trái và để hoa trái ấy luôn tồn tại. Amen.



Lễ Đức Mẹ Đi Thăm Viếng
Đây là một ngày lễ được thiết lập trễ, trong khoảng thế kỷ 13 hay 14. Ngày lễ này được thiết lập trong toàn Giáo Hội để cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Chỉ mới đây, ngày cử hành lễ được ấn định theo sau Lễ Truyền Tin vào tháng Ba và trước lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả vào tháng Sáu.

Cũng như mọi lễ khác về Ðức Maria, lễ này có liên hệ chặt chẽ với Ðức Giêsu và công trình cứu chuộc của Người. Các nhân vật chính trong cuộc thăm viếng (xem Luca 1:39-45) là Ðức Maria và bà Êlidabét. Tuy nhiên, tiềm ẩn ở đằng sau là Ðức Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Ðức Giêsu đã làm Gioan Tẩy Giả nhẩy lên vì vui mừng -- niềm vui cứu độ của Ðấng Thiên Sai. Ngược lại, bà Êlidabét được tràn đầy Chúa Thánh Thần và cất lời ca tụng Ðức Maria -- mà những lời này còn vang vọng qua các thế hệ.

Cần biết rằng chúng ta không có tài liệu tường thuật chi tiết về cuộc gặp gỡ này. Ðúng hơn, Thánh Luca, lên tiếng thay cho Giáo Hội, đã dùng một bài thơ có tính cách cầu nguyện để diễn tả lại biến cố này. Lời bà Êlidabét ca tụng Ðức Maria là "mẹ của Chúa tôi" có thể coi như sự sùng kính của Giáo Hội thời tiên khởi đối với Ðức Maria. Như tất cả sự sùng kính Ðức Maria đích thực, những lời đầu tiên của bà Êlidabét (cũng như của Giáo Hội) là ca tụng Thiên Chúa vì những gì Người đã thể hiện nơi Ðức Maria. Kế đến, bà mới ca tụng Ðức Maria vì đã tín thác vào công trình của Thiên Chúa. Sau đó là kinh Ngợi Khen. Ở đây, chính Ðức Maria (cũng như Giáo Hội) đã nhận biết sự cao trọng của mình là do Thiên Chúa.

Lời Bàn
Trong Kinh Cầu Ðức Bà, có lời xưng tụng Ðức Maria là "Hòm Bia Giao Ước." Như Hòm Bia Giao Ước thời xa xưa, Ðức Maria đã giúp Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của mọi người. Như Ðavít nhẩy múa trước Hòm Bia thì Gioan Tẩy Giả cũng nhẩy lên vì vui mừng. Như Hòm Bia giúp kết hợp 12 dòng họ Israel vì được đặt trong thủ phủ của Ðavít thì Ðức Maria cũng có sức mạnh kết hợp mọi Kitô Hữu trong Con của ngài. Hiện nay, việc sùng kính Ðức Maria đã có những chia cách, nhưng hy vọng rằng việc sùng kính đích thực sẽ dẫn đưa mọi người đến Ðức Kitô và từ đó đến với nhau.

Lời Trích
"Ðược thúc giục bởi lòng bác ái nên Ðức Maria đã đến nhà người bà con... Trong khi mọi lời của bà Êlidabét đều đầy ý nghĩa, lời sau cùng của bà dường như quan trọng hơn cả: 'Phúc cho ai tin rằng lời Chúa nói với họ sẽ được thể hiện' (Luca 1:45). Những lời này có thể liên hệ đến danh xưng 'đầy ơn phúc' mà thiên sứ đã chúc tụng. Cả hai đoạn này tiết lộ một nội dung căn bản về Thánh Mẫu Học, có thể nói là chân lý về Ðức Maria, là người đã trở nên thực sự hiện diện trong mầu nhiệm của Ðức Kitô chỉ vì ngài 'đã tin.' Ơn sủng đầy tràn mà thiên sứ loan báo có nghĩa là chính Thiên Chúa. Ðức tin của Ðức Maria, được bà Êlidabét xưng tụng trong cuộc thăm viếng, cho thấy Ðức Trinh Nữ Nagiarét đã đáp ứng thế nào với ơn sủng này" (Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, "Mẹ Ðấng Cứu Chuộc," 12).

Posted By Đỗ Lộc Sơn23:59

TIN VUI CHO NHỮNG NGƯỜI SỢ VỢ Trần Mỹ Duyệt

Filled under:


Trong đời sống hôn nhân vợ chồng “tương kính như tân”, có nghĩa là lúc nào cũng nên đối xử với nhau một cách tôn trọng, nhẹ nhàng và tế nhị như “thuở ban đầu”. Nhưng ngược lại, không hiểu tại sao sau khi đã thành vợ chồng, đã cưới nhau rồi phần đông đàn ông lại đổi cách sống, đổi thái độ, coi vợ như một thứ công dân hạng hai, một người mà phải lệ thuộc và coi chồng như chúa tể.

Quan niệm trọng nam khinh nữ, lối sống gia trưởng, và cung cách hành xử như thế hoàn toàn phản lại với vai trò, trách nhiệm và phẩm giá của người phụ nữ. Vì nam hay nữ, đàn ông hay đàn bà cũng đều do Thượng Đế tạo dựng: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài. Ngài tạo dựng nên họ có nam và có nữ” (Sáng Thế Ký 1:27). Do đó, giá trị nhân bản, phẩm cách con người ngang nhau, bằng nhau và phải được tôn trọng như nhau.

Đối với những người hiểu biết, ý thức thì việc nhìn nhận bình quyền, việc tôn trọng nhau giữa vợ chồng là những gì cần và nên làm. Một số còn trào phúng hơn cho rằng: “Sợ vợ mới anh hùng”. Tại sao?
“Đàn ông sợ vợ, lẽ thường…
Vốn người quân tử nhún nhường vẫn hơn…
Đàn ông sợ vợ là khôn…
Nếu không ai sẽ nấu cơm quét nhà?”

Ít ra cũng phải là như vậy. Cứ tưởng tượng một ngày nào đó mở mắt ra mà thấy phụ nữ, đàn bà biến mất trên mặt đất, chắc chắn ngày đó sẽ là một ngày kinh hoàng nhất cho giới đàn ông con trai. Không chỉ là chuyện nấu cơm, rửa bát, quét nhà mà còn rất nhiều thứ khác mà thiếu bàn tay phụ nữ, thiếu người đàn bà, người đàn ông không làm được, hoặc có làm thì cũng chỉ là bất đắc dĩ.

Mặc dù người phụ nữ có bị nhiều thiệt thòi tại những nền văn hóa nơi mà vai trò người đàn ông được đề cao, nhưng không phải vì vậy mà hình ảnh của người phụ nữ hoàn toàn bị lu mờ. Socrates (469 BC - 399 BC), nhà triết học Hy Lạp đã có kinh nghiệm này khi ông phát biểu: “Hãy cứ lấy vợ đi. Nếu may mắn, bạn sẽ hạnh phúc; nếu không may, ít nhất bạn cũng là một triết gia” (By all means marry: If you get a good wife, you'll become happy; if you get a bad one, you'll become a philosopher.) Ai có dịp đọc Socrates thì đều biết, đây là câu nói diễn tả kinh nghiệm của chính bản thân ông.

Để khỏi bị cho là mất mặt hoặc mất giá qua những hành động quan tâm, lo lắng, và săn sóc vợ, giới đàn ông thường tự nhủ: Đàn ông ai lại sợ vợ, có sợ là sợ vợ buồn, sợ vợ yêu mình quá nên ghen tương tí thôi. Và sợ như vậy là cái sợ mà cả hai đều có lợi. Thí dụ, sợ vợ buồn, vợ quá lo lắng cho sức khỏe của mình mà chừa uống rượu, chừa hút thuốc, và chừa nhậu nhoẹt, la cà với người này người khác. Hoặc sợ vợ ghen mà hại cho sức khỏe, tàn phai nhan sắc nên mỗi khi ra đường, người chồng mắt nhìn nghiêm trang, không ngó ngang, liếc dọc, hoặc tối về không email, chat chít với em gái nuôi, em gái tinh thần hoặc cô bạn trong sở đang gặp khó khăn cần nhờ giúp đỡ… Cũng có thể sợ vợ la mắng làm gương xấu trước mặt con cháu trong nhà mà nhịn vợ, tập sống cho ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Rồi vì lo lắng cho sức khỏe của vợ nên giúp vợ một tay thay tã, tắm rửa, cho con bú, ru con ngủ, làm việc vườn tược, hút bụi nhà, đổ thùng rác, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa… Nhất là để chăm chút cho sắc đẹp của vợ, mà chồng đi làm được bao nhiêu tiền đều đem về cho vợ shopping, mua sắm để mỗi khi ra đường “không xấu thiếp hổ chàng”. Tóm lại, những hình thức sợ trên là những hình thức “sợ vợ sống lâu”, và sợ như thế là sợ vợ mình chứ không sợ vợ hàng xóm.

Cứ tưởng sợ vợ chỉ là đề tài được bàn tán cho vui. Nhưng nó đã được nghiên cứu dưới cái nhìn tâm lý học. Một cuộc khảo cứu về ích lợi của người sợ vợ được giáo sư David Vogel thuộc đại học Iowa thực hiện. 

Ông đã khảo sát 72 cặp vợ chồng trung bình ở độ tuổi 33 và đã kết hôn được khoảng 7 năm. Họ thuộc các chủng tộc khác nhau như Âu, Á, Mỹ, và Phi châu. Trong phần khảo cứu, họ phải trả lời cho biết là họ có hài lòng trong mối tương quan vợ chồng, cũng như khả năng quyết định công việc trong gia đình hay không? Ngoài ra, họ cũng được gợi ý ghi lại những vấn đề mà họ không thể giải quyết nếu như không có sự hợp tác của chồng. Và kết quả được ghi nhận như sau:

Phân tích thêm nội dung cuộc khảo cứu, khi quay lại cảnh các đôi thảo luận về từng vấn đề này trong vòng 10 phút. Thí dụ, tiền bạc, tự do quyết định, việc nhà, thời gian bên nhau, giao hảo giữa gia đình và bạn bè, sinh lý, xã giao, cảm xúc bên nhau, con cái… Kết quả của cuộc khảo cứu này đã có những kết luận hết sức ngạc nhiên, đó là hầu như mọi đòi hỏi, yêu sách của các bà vợ đều đạt được mục đích, mặc dù trong lúc thảo luận, trao đổi đôi bên đều dùng những từ ngữ mang tính tiêu cực như trách móc, buộc tội, chỉ trích, rầy la, ép buộc thay đổi, ra lệnh; hoặc những thái độ như lạnh lùng, miễn cưỡng. Ngoài ra, những phụ nữ trong cuộc khảo cứu này lại không hề lắm lời như người ta tưởng. Theo Vogel phân tích sở dĩ phụ nữ được lắng nghe bởi vì họ truyền đi những thông điệp tích cực, và cũng có thể là do sự “nhịn nhục” và không muốn bị rầy rà của phía đàn ông. Một câu ví von diễn tả mối tương qua và “quyền hành” của người vợ trong gia đình là: “Đàn ông làm đại tướng, nhưng đàn bà làm nội tướng”. Ở một nghĩa nào đó, nội tướng thắng đại tướng. Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Và đó cũng là lý do tại sao vai trò người phụ nữ trong gia đình được cho là “nội tướng”.  

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nếu người chồng lắng nghe vợ, hoặc tỏ ra nể vợ cũng là vì muốn cho gia đình được êm ấm. Trong một nghiên cứu khác, Murphy cũng khẳng định rằng “dấu hiệu của một cuộc hôn nhân lành mạnh là người chồng biết cách chiều theo ý vợ.” Trong bài khảo cứu “Tại sao đàn ông sợ vợ?” (Why do Men Fear their Wives?), tác giả Richard Jungst đã ghi lại một vài câu nói rất ý nhị, đầy tính trào phúng về những lý do tại sao người đàn ông lại sợ vợ, và thích sợ vợ:

“Với vợ, tôi luôn luôn nói câu sau cùng, ‘có phải vậy không cưng?’” 
(With my wife I always have the last word, isn’t that right honey?)
Và:
“Tôi nghĩ điều này OK, nhưng để hỏi lại xếp lớn cái đã”.
(I think that is OK, but let me check with the boss first.)

Người đàn ông, theo tâm lý có khuynh hướng giải quyết cấp thời, mạnh bạo những đe dọa, khó khăn trong cuộc sống. Người đàn bà, trái lại, thích hợp với khuynh hướng nhẹ nhàng, và dịu dàng hơn trong những căng thẳng. Điều này phù hợp với quan niệm sống cho rằng “trong biển trần của xung đột, đàn ông chìm, nhưng đàn bà bơi” - “in the sea of conflict, men sink and women swim” (John Gottman).

Như vậy thì phái mày râu từ nay có lý do để sợ vợ. Sợ vợ mới anh hùng! Nói cho cùng, vợ mình mình sợ, có sợ vợ ai đâu! Nhất là trong cái sợ ấy phảng phất chút yêu thương, nuông chiều, nhường nhịn và dễ dãi. Vợ là xương sườn của chồng, không thuận thảo, lo lắng cho nó, nó đau lên một cái chỉ còn nước vô nhà thương! Và lúc này mới là lúc ứng dụng câu: “Sợ vợ sống lâu.”!  

Posted By Đỗ Lộc Sơn01:31

Lần hạt sẽ thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào

Filled under:

Lần hạt sẽ thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào


Sức mạnh của chuỗi Mân Côi đã được truyền đến màn hình trong một bộ sưu tập những những lời chứng về kinh Mân Côi trong vòng 80 phút. “Sức mạnh trong tay tôi” chia sẻ những câu chuyện của nhiều người nhằm xác nhận sự thành công của sức mạnh nguyện kinh Mân Côi trên thực tế cuộc sống con người.

Ryan Freng, đồng giám đốc, “Power in my Hands”:
“Chúng tôi theo dõi rất nhiều người khác nhau mà chúng tôi đã tìm thấy trên khắp đất nước, những người vừa có những câu chuyện mãnh liệt về kinh Mân Côi và sự can thiệp của Đức Maria trong cuộc sống của họ. Qua việc nguyện kinh Mân Côi, họ trải qua những thời điểm khó khăn với một người cha xa lạ, căn bệnh ung thư, với một đứa trẻ khuyết tật, với vô vàn lần khó khăn.”

Đó là một câu chuyện về đức tin, chứa đựng căn tính của lời cầu nguyện. Nó gồm những khoảnh khắc khi nguyện kinh Mân Côi thay đổi tiến trình lịch sử cho tốt hơn và làm thế nào để nó tiếp tục thực hiện y như vậy với những thách thức ngày nay.

“Đây thực sự là những vấn đề sinh tồn. Phá thai ... Hôn nhân là gì? Thiên Chúa có tồn tại không? Tại sao tôi lại ở đây?”

John Shoemaker, đồng giám đốc “Sức mạnh trong tay tôi”:
“Tôi nghĩ rằng chuỗi Mân Côi và đề án “Sức mạnh trong tay tôi” cho tôi khả năng nói về những vấn đề khó khăn như phá thai, hôn nhân và những hành động tàn bạo trên thế giới, trong chiến tranh, trên khắp thế giới bởi vì chúng khuyến khích tôi, hoặc chúng trao quyền cho tôi chỉ là nhân chứng của Thiên Chúa trên thế giới.”

Ryan Freng, đồng giám đốc, “Power in my Hands”:
“Ngày nay một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là phá thai và chiến tranh về hôn nhân. Với tất cả những áp lực đó, là những người lớn và có khả năng chi phối đến sự thay đổi thực tại trên thế giới, chúng ta có trách nhiệm thực sự để thảo luận những điều này và biến đổi trên thế giới.”

Bộ phim này cho thấy rằng trách nhiệm này chỉ đơn giản là có thể được thực hiện trong lời cầu nguyện, cầu nguyện cho gia đình, đất nước và thế giới của con người.

John Shoemaker, đồng giám đốc “Sức mạnh trong tay tôi”:
“Có thể có đôi chút rủi ro, là một nhà làm phim, để tạo ra thứ gì đó mà nó đang chia sẻ tôn giáo của bạn và ngăn chặn tất cả những điều này một cách rất công khai. Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn vì đã có thể làm việc về một bộ phim chia sẻ rất nhiều về đức tin của chúng ta và những gì chúng ta tin tưởng, trong khi làm những gì mà chúng ta yêu thích.”

Bộ phim chiếu tại các thành phố trên khắp nước Mỹ cho đến trung tuần tháng Bảy. Sau đó, DVD này sẽ bắt đầu vào tháng Tam. Đó là cách hoàn hảo để bắt đầu cuộc sống cầu nguyện của con người và chia sẻ “hy vọng và sức mạnh của lời cầu ngyện.”

Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn




CHIÊM NGẮM VÀ HỌC HỎI CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Tính từ ngày Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tuyên phong 117 chứng nhân tử đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh (19/6/1988) đến nay là vừa tròn 30 năm. Đó là lý do khiến Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ban hành Thư công bố Năm thánh Tôn vinh các Thánh Tử đạo Việt Nam: Năm Thánh sẽ khai mạc vào ngày 19/6/2018 (kỷ niệm ngày phong thánh 19/6/1988) và bế mạc vào ngày 24/11/2018 (lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam). Trong Thư công bố Năm Thánh (số 2), Hội Đồng Giám Mục viết:

”Năm Thánh 2018 mời gọi mọi tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Việc học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và các Thánh Tử Đạo, vùa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài. Chúng tôi khuyến khích các giáo xứ, dòng tu cũng như các đoàn thể, tổ chức những buổi thuyết trình và thảo luận về các Thánh Tử Đạo, để giúp mọi người hiểu biết, yêu mến và noi gương các ngài. Để đồng hành với anh chị em trong việc học hỏi này, Văn phòng Hội Đồng Giám Mục sẽ phổ biến tập sách “Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam” ghi lại vắn tắt gương sống đức tin và cuộc tử đạo của các thánh. Ước mong tập sách nhỏ này sẽ được mọi người nhiệt tình đón nhận.”

Suy niệm Thánh Kinh trong lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đọc thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma (bài đọc 2 – Rm 8, 31b-39), thấy có đoạn: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” Nếu đem áp dụng vào lịch sử truyền giáo tại Việt Nam thì thấy rất phù hợp. Thật thế, tuy Việt Nam được tiếp cận Tin Mừng Cứu Độ hơi muộn, nhưng ngay từ khi hạt giống đức tin đầu tiên được gieo trên mảnh đất hình cong chữ S này, đã thấy rõ ràng “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”, dù cho đó có là những thế lực phong kiến đầy đủ uy quyền với những cách bách hại đạo khủng khiếp.

Sự thật hiển nhiên là chỉ trong ba thế kỷ, trên 130.000 Ki-tô hữu Việt Nam đã gắn liền cuộc đời minh với cây Thập Tự, hoà trộn máu của mình với Máu Đức Giê-su Ki-tô, nhuần thắm cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Trong số 130.000 anh hùng tử vì đạo ấy, Giáo hội đã tuyên phong 117 vị lên bậc hiển thánh. Trên 130.000 chứng nhân Tin Mừng anh dũng tuyên xưng đức tin vào cây “Thập giá Chúa Ki-tô”! Thật là một con số kỷ lục đối với một đất nước nhỏ bé và tiếp cận với Ki-tô giáo hơi muộn. Muộn, nhưng vững vàng – muộn, nhưng khởi sắc – muộn, nhưng tốt đẹp – “Muộn thì muộn, muộn thì càng chắc. Khó thì khó, khó chẳng lụy ai” (ca dao VN). Há chẳng phải đó là một niềm vinh dự, một niềm tự hào cho quê hương đất nước Việt Nam thân yêu sao? Quả thật “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”, đúng như lời Thánh Tử Vì Đạo Tê-ô-pha-nô Ven nói với bọn quan quyền bách hại Đạo Chúa: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về Đạo Thập Giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hoá đến độ tôi phải bỏ Đạo mà mua?” (Điệp ca Ca vịnh 3, Kinh Chiều II, Lễ kính CTTĐ/VN).

Hơn ai hết, các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam đã thấm nhuần Lời dạy của Đấng khai mở Đạo Thập Giá: “Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Mt 1, 10-13). Vì thế, mở đầu bài giảng trong đại lễ “Tôn vinh Hiển thánh 117 vị Chân Phước Tử Vì Đạo Việt Nam” tại Rô-ma ngày 19/6/1988, Thánh GH Gio-an Phao-lô II phát biểu: “Lên tiếng với anh em để hô vang Chúa Ki-tô Tử nạn Thập Giá, tất cả chúng tôi hôm nay để lời cám ơn anh em vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị thánh Tử vì Đạo của Giáo hội Việt Nam anh em đã nêu cao, bất cứ các ngài là con dân Việt Nam hay là những Thừa sai, xuất xứ từ những nước đã in sâu mầm mống đức tin Chúa Ki-tô. Làm sao kể lại cho hết? Tất cả là 117 vị Tử vì Đạo, trong số có 8 vị Giám mục, 50 vị Linh mục, 59 giáo dân, trong số đó có một phụ nữ là thánh A-nê Lê Thị Thành, mẹ của sáu người con.”

Càng suy niệm, càng thấy lời dậy của Thánh Phê-rô là xác thực: “Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em.” (1Pr 4, 12-14). Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam đã “thật có phúc”, vì “cùng được vui mừng hoan hỷ” khi “vinh quang của Đức Ki-tô tỏ hiện”.

Tổ tiên chúng ta đã anh hùng làm chứng cho Tin Mừng, làm chứng cho Chân Lý, đem Công Lý gieo mầm tin yêu trên dải đất chữ S thân yêu này. Điều đó, một lần nữa cho thấy chân lý: Máu các Thánh Tử Vì Đạo là nguồn ân sủng chan chứa tưới trên đất nước Việt Nam, làm cho cánh đồng truyền giáo ngày càng thêm màu mỡ, trổ sinh biết bao hạt giống đức tin đơm bông kết trái rực rỡ như ngày nay. Điều này khẳng định nguồn ân sủng vô tận đó chính là để dành cho con cháu các Thánh Tử Vì Đạo trước tiên, để con cháu ngày càng thăng tiến trong đức tin. Đức tin của tổ tiên vẫn mãi tồn tại và còn tiếp tục truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức tin này chính là nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu đích thực của Chúa Ki-tô (công dân nước trần thế + công dân Nước Trời).

Không chỉ ở những chế độ phong kiến hà khắc, mà ngay cả ngày nay cũng vẫn còn những luồng dư luận cho rằng các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam đã theo đạo của đế quốc chống lại triều đình, làm hại cho đất nước mình (cõng rắn cắn gà nhà). Nhưng nhìn thẳng vào thực tế, sẽ thấy rằng đó hoàn toàn là một nguỵ thuyết được tô vẽ để che đậy cho ý đồ “tẩy chay Ki-tô Giáo”. Thánh Lu-ca Vũ Bá Loan – linh mục tử đao –  đã trả lời thẳng quan quyền: "Tôi chẳng theo đạo của nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa Trời Đất, Chúa của muôn dân thôi." Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam có chống lại chính quyền hay không? Hoàn toàn không! Không một Giáo sĩ hay Giáo dân Tử Vì Đạo nào dùng vũ khí, vũ lực trần thế để chiến đấu, mà ngược lại các ngài chấp nhận để chính quyền giết hại, chỉ vì các ngài thấy rõ được chân lý cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô không nhằm vào cuộc sống tạm bợ trần gian, mà là nhắm đến sự sống vĩnh cửu mai sau.

Chính Thánh Tô-ma Khuông – linh mục tử đạo – đã thẳng thắn trả lời cho các quan quyền chụp lên đầu các ngài cái mũ “chống triều đình”, bằng câu nói bất hủ: "Đạo Gia-tô không những cấm tín hữu chống lại triều đình, mà còn khuyến khích để họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương an ninh thịnh vượng". Một cách cụ thể, gương chứng nhân của các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam luôn minh họa một chân lý: Công ích của quốc gia vẫn là xuất phát điểm để người công dân phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng đức tin của mình vào một Thiên Chúa Tình Yêu. Và như thế là để sống an bình, hoà giải với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân. Thật đúng như lời dạy của Thánh Phê-rô: “tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra, hành động như những người tự do, không phải như những người lấy tự do làm màn che sự gian ác, nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa, tôn trọng mọi người, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng nhà vua.” (1Pr 2, 13-17).

Người Ki-tô hữu Việt Nam hãy noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà kiên cường rèn luyện cho mình trở thành một đạo quân cảm tử vì Đạo Chúa. Xin nhấn mạnh: Cảm tử là liều chết, nhưng ở đây là liều chết vì Đạo Chúa, sẵn sàng hy sinh tất cả để làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giê-su Ki-tô. Hãy sống như Thánh Si-mon Phan Đắc Hòa: "Dầu tôi phải mất vợ mất con, mất hết của cải và mạng sống nữa, tôi cũng không bao giờ bỏ Chúa tôi thờ." Hãy học theo lời Thánh Phao-lô Tịnh nhắn nhủ các chủng sinh ở Kẻ Vĩnh: “Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Ki-tô ở cùng tôi. Người mang tất cả sức nặng thập giá, chỉ để cho tôi đỡ phần nhẹ nhất.” Thánh Tịnh còn thẳng thắn nói với quan án xử tội ngài: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được.”

Nhìn vào tấm gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, người Ki-tô hữu hãy sống và thực hành đúng và cụ thể bằng chính sứ vụ của người Giáo dân là làm chứng cho chân lý cứu độ của Thiên Chúa: Trước hết “Hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.” (Ep 6, 10-17). Nói cách khác “Hãy mang chiến phục của Thiên Chúa” (Ep 6, 11), tức là phải coi bản thân minh như là “Một hiến tế sống động, thánh hảo, đẹp lòng Thiên Chúa và không rập theo trần gian.” (Rm 12,1-2). Tuyệt đối “Không được trốn tránh những cực nhọc và lao phiền” (2Cr 11,27), sẵn sàng “đi con đường bác ái theo gương Chúa Ki-tô đã thương chúng ta và đã phó mình chịu chết cho chúng ta” ( Ep 5, 2) và nhất quyết “chạy hết quãng đường của mình” (2Tm 4, 7).

Muốn được như vậy thì đừng quên học theo các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam, với lòng tôn sùng Đức Maria cách đặc biệt. Lòng tôn kính đó thể hiện qua các thứ bảy đầu tháng, với những cuộc rước long trọng, qua tháng Hoa và tháng Mân Côi mỗi năm, đặc biệt qua việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Nhiều người đọc kinh trên đường đi và lấy hạt chuỗi Mân Côi làm đơn vị tính đường dài. Tiêu biểu như Thánh Phi-lip-phê Phan Văn Minh (linh mục tử đạo) khi bị điệu ra pháp trường vẫn mặc áo dài, cầm tràng hạt trong tay vừa đi vừa lần chuỗi và trước khi bị xử tử, đã cầu nguyện lớn tiếng: “Lạy Mẹ, xin cầu cho con trong giờ lâm chung nguy hiểm này. Lạy Chúa xin thương đến con cùng. Xin Chúa ban cho con mạnh sức chịu cho sáng danh Chúa.”

Chính vì thế, nên trong giai đoạn cực kỳ gian khổ vì sự bách hại Đạo Chúa, các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam nhờ lòng cậy trông tuyệt đối vào Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ, nên Đức Mẹ đã đoái thương và hiện ra an ủi tại rừng La-Vang (Quảng Trị) năm 1798. Điều đó chứng tỏ Mẹ vẫn luôn hiện diện để nâng đỡ khích lệ con cái mình trong những lúc khó khăn nhất. Thật là một niềm an ủi lớn cho Giáo hội Việt Nam. Và vì thế, cánh đồng truyền giáo của Giáo hội Việt Nam luôn luôn và mãi mãi là một minh chứng sống động nhất cho chân lý bất biến: “người ta càng hành hạ áp bức dân Chúa, thì dân Chúa càng thêm đông đúc và lan tràn, khiến thiên hạ phải khiếp sợ.” (Xh 1, 12).

Tóm lại, “Kết thúc thư này, chúng tôi mời anh chị em hướng lòng lên Đức Trinh Nữ Maria. Đức Mẹ được tôn vinh Nữ Vương các Thánh Tử Đạo vì hơn ai hết, chính Mẹ đã hoàn toàn từ bỏ chính mình để quy phục Thánh Ý Thiên Chùa trong suốt cuộc đời. Bằng sự từ bỏ trọn vẹn đó, Mẹ đã cộng tác tích cực với Chúa Thánh Thần để Lời Thiên Chúa không chỉ là ngôn từ nhưng đã trở thành “xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Bước vào Năm Thánh 2018, chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria, kết hợp nật thiết với Chúa Giê-su, vâng phục thánh ý Chúa Cha, theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để xứng đáng lãnh nhận những ơn lành Chúa muốn ban cho chúng ta trong Năm Thánh này.” (Thư công bó Năm Thánh, phần Kết luận). Ước được như vậy.

Xin các thánh Tử Đạo Việt Nam dâng lời cầu nguyện và mọi việc lành của chúng con lên Thiên Chúa, giúp chúng con sống Năm Thánh cách tốt đẹp nhất. Chúng con ước mong được hưởng trọn vẹn những ơn ích thiêng liêng mà Năm Thánh mang lại, biết dùng ơn Chúa ban để hăng hái phụng sự Chúa, phục vụ đồng loại, và tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước Việt Nam thân yêu của chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

Posted By Đỗ Lộc Sơn01:14

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 31/5/2018

Filled under:

Lời Chúa: Lc 1, 39-56
Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được trần đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Bấy giờ bà Maria nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Suy nim 2
Từ Nadarét, Chị Maria đã phải đi 160 cây số để đến nhà ông bà Dacaria.
Ngày nay, người ta cho rằng nhà của ông bà tư tế này là ở En Kerem,
một ngôi làng nằm trên đồi, vây bọc bởi những cây ô liu và vườn nho,
cách Giêrusalem 6 cây số về hướng tây.
Cuộc hành trình vất vả, dài như cuộc hành hương lên Đền Thánh.
Chị Maria không đi một mình, chắc Chị đi với một người bà con.
Hơn nữa, chị đi với Giêsu đang lớn lên trong lòng Chị.
Khi nghe sứ thần nói bà chị họ Êlisabét già nua đang mang thai,
Maria thấy mình có bổn phận phải vội vã lên đường.
Chị muốn đem đến cho bà Êlisabét sự hiện diện của Chị.
Một sự hiện diện khiêm tốn và lịch sự.
Chị đã mở lời chào khi vừa bước vào nhà ông bà tư tế Dacaria.
Chúng ta không rõ Maria đã chào như thế nào,
nhưng lời chào của Chị đã làm bật dậy nơi bà Êlisabét
một chuỗi những âm vang mạnh mẽ và bất ngờ.
Tai vừa nghe lời chào của cô em Maria,
Êlisabét thấy thai nhi trong lòng mình nhảy lên vì vui sướng (cc. 41, 44).
Lập tức bà được đầy tràn Thánh Thần.
Thánh Thần đã khiến bà nhận ra những mầu nhiệm lớn lao
đang diễn ra trong cuộc hạnh ngộ ở đây, vào giây phút này.
Êlisabét lớn tiếng ca ngợi Maria là người phụ nữ diễm phúc nhất.
Maria có phúc vì được chọn làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu độ (c. 42),
và vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với mình (c. 45).
Ngỡ ngàng và ngây ngất trong hạnh phúc, Êlisabét kêu lên :
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa của tôi đến với tôi thế này?” (c. 43).
Như thế mầu nhiệm ẩn kín nơi Chị Maria, bà Êlisabét đã biết.
Ngược lại, khi thấy bà chị họ của mình mang thai,
Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần đã nói với mình.
Một sự hiện diện mang tính phục vụ.
Maria đã ở với bà Êlisabét độ ba tháng để giúp bà trong lúc sinh nở.
Tất cả những việc trong nhà, hẳn chị Maria đã tận tâm chu tất.
Khi Chị nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38),
khi bà Êlisabét gọi Chị là Mẹ của Chúa tôi (c. 43),
thì Chị lại trở nên nữ tỳ phục vụ bà chị họ cao niên.
Sự hiện diện của Chị đem lại cho cả nhà niềm vui và hạnh phúc.
Giêsu vẫn lớn lên từng ngày trong Chị, và Chị cảm nhận điều đó.
Lời ca Magnificat chẳng phải chỉ được cất lên một lần.
Lời ngợi khen ấy thấm nhuần cuộc sống của Chị.
Mãi mãi Chị là nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa cúi xuống (c. 48).
Và Chị biết mình cũng phải cúi xuống để phục vụ tha nhân.
Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta hằng ngày đều có tính linh thánh.
Trong niềm vui của Thánh Thần, ta vừa cho đi, vừa nhận lãnh,
vừa ngợi khen Chúa, vừa phục vụ con người.
Ước gì chúng ta thấy mình lớn lên nhờ dám mở ra để gặp gỡ.
Cầu nguyn:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

SUY NIỆM 2

Trình thuật Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta sống lại sự kiện Đức Maria đi thăm viếng người chị họ là bà Elizabeth. Sau khi được sứ thần Chúa loan báo Mẹ được diễm phúc làm Mẹ Đấng Cứu Thế và người chị họ mang thai ở tuổi già, Đức Maria đã vội vã lên đường để đi thăm và ở lại giúp đỡ bà Elizabeth. Mẹ đi để mang tin vui đến cho tha nhân, Mẹ hiện diện để chia sẻ và giúp đỡ khi chị em cần đến.

Điều đáng nói ở đây là cuộc viếng thăm của Mẹ đã thật sự mang lại niềm vinh dự, vui mừng và bình an tràn đầy cho gia đình bà Elizabeth, ngay cả hài nhi Gioan cũng nhảy lên vui mừng trong cung lòng bà. Rõ ràng Đức Maria không chỉ đến để chia sẻ niềm vui, niềm vinh dự mà Chúa dành cho Mẹ, nhưng Mẹ còn mang chính Chúa đến với tha nhân. Đó chính là khoảnh khắc Thiên Chúa viếng thăm, chúc phúc cho con người và nỗi vui mừng của người nhận ra sự hiện diện của Chúa. Chính Chúa mới là nguồn vui đích thực, nguồn bình an vĩnh cửu và là sự sống muôn đời.

Quả thật, được gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện là ước mơ, là cùng đích tối hậu của cuộc đời chúng ta. Một khi được gặp Chúa, chúng ta nhất định sẽ hân hoan, vui mừng, ca hát, cảm tạ và biến đổi. Điều quan trọng là chúng ta có khao khát được gặp Chúa, nhạy bén nhận ra những ân huệ Chúa ban trong cuộc đời và tinh tế nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa nơi những anh chị em chung quanh mình. Mỗi ngày sống của chúng ta đều có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc và gặp gỡ Chúa: qua thánh lễ, qua giờ kinh gia đình, qua những biến cố và những người chúng ta gặp gỡ... Chúng ta đã biết trân quý những niềm vui và bình an mà Chúa mang lại cho chúng ta không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết trân quý những ân huệ Chúa ban cho mình và cho tha nhân. Xin ở lại với chúng con và ban ơn biến đổi để chúng con trở nên những khí cụ mang niềm vui, bình an và sự cảm thông, chia sẻ đến cho anh chị em mình. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn00:58

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta 29.05.2018. Khi gặp thử thách, hãy tiến bước, hướng đến sự thánh thiện

Filled under:

Trong những lúc gặp khó khăn, đừng quay trở lại với những cách sống hay lối suy nghĩ của thế gian, vì nó cướp đi tự do của chúng ta. Ngược lại, cần phải tiếp tục bước đi trên con đường hướng đến sự thánh thiện.
Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng (29-5-2018) tại nhà nguyện Marta.




Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm tại đảo Sicilia, nam Italia

  •  
  •  
  •  
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm tại đảo Sicilia, nam Italia
VATICAN. Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: thứ Bảy ngày 15-9 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm hai giáo phận Piazza Armerina và Palermo tại đảo Sicilia, nam Italia, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của chân phước Linh mục Pino Puglisi.
Cha Puglisi sinh năm 1937 ở ngoại ô thành Palermo, dấn thân chống lại các tổ chức bất lương mafia bằng các công tác giáo dục và gây ý thức nơi các tín hữu về thảm họa này. Cha mục vụ tại xứ San Gaetano ở khu phố Brancaccio. Đây cũng là nơi tổ chức mafia ”Cosa nostra” ở Palermo hoạt động. Tại đây cha thành lập ”Trung Tâm Padre Nostro” Lạy Cha, để giáo dục săn sóc các trẻ em và thiếu niên bụi đời. Các thủ lãnh mafia ở địa phương ghét hoạt động của cha nơi giới trẻ và sai tên Salvatore Grigoli bắn chết cha ngày 15-9-1993 khi cha vừa bước qua tuổi 56.
Sáng 25-5-2013, hàng trăm ngàn tín hữu đã tham dự lễ phong chân phước cho cha Pino Puglisi, do ĐHY Salvatore De Giorgi, nguyên TGM giáo phận Palermo sở tại, đại diện ĐTC chủ sự tại Sân vận động Foro Italico ở địa phương.
Trong cuộc họp báo sáng ngày 28-5 vừa qua tại Palermo, Đức TGM sở tại, Corrado Lorefice, cho biết ĐTC sẽ bay đến phi trường thành phố Catania lúc 7 giờ 50 sáng ngày 15-9 như một trạm dừng kỹ thuật để đáp trực thăng bay đến giáo phận Piazza Armerina cách đó 65 cây số lúc 8 giờ rưỡi và gặp gỡ các tín hữu địa phương vào lúc 9 giờ.
Tiếp đến ngài bay thêm 120 cây số để đến thành phố Palermo, thủ phủ đảo Sicilia, và cử hành thánh lễ lúc gần 12 giờ trưa, kính chân phước Pino Puglisi.
Sau thánh lễ, ĐTC đến trung tâm Hy Vọng và Bác Ái để dùng bữa trưa với những người nghèo cùng với một số đại diện tù nhân và di dân lúc 1 giờ rưỡi trưa.
Ban chiều, lúc 3 giờ ĐTC viếng thăm giáo xứ thánh Gaetano ở khu phố Bracaccio và nhà chân phước Puglisi, trước khi đến Nhà thờ Chính tòa Palermo để gặp hàng giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh vào lúc 3 giờ rưỡi chiều.
Sau cùng, lúc 17 giờ, ngài gặp gỡ giới trẻ tại Quảng trường Politeamo rồi đáp máy bay trở về Roma dự kiến vào lúc 19 giờ 20 phút cùng ngày.
Palermo hiện có hơn 900 ngàn tín hữu Công Giáo và là giáo phận lớn nhất trong số 18 giáo phận ở đảo Sicilia, nam Italia (Rei 28-5-2018)
G. Trần Đức Anh OP 

Posted By Đỗ Lộc Sơn00:55