Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 25/1/2021.

Filled under:


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 25/1/2021.
”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật" (Mc 16, 15).
Cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam hiện nay có khoảng tám triệu người. Một con số khá lớn, nhưng xét về tỷ lệ, con số ấy còn quá khiêm tốn. Gần 500 năm trước, các thầy giảng của mọi nước trên khắp thế giới (Nhật Bản, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và đông nhất là ý và Pháp) đã vâng nghe lời dạy của Thầy Chí Thánh là Đức Giesu, mà đến bảo ban cho người Việt nhưng lời yêu thương của Đức Giesu. Chính Đức Giesu là Người Con duy nhất của Thượng Đế. Vì thế mọi người ai cũng được làm con của Thượng Đế qua Người Con ấy. Và mọi người ai cũng được chung chia hạnh phúc với Ngài mai mãi.
Thánh Phao-lo, trước kia là một ngươi chống đối Đức Giesu ra mặt, ông ra sức truy lùng những người mến mộ Đức Giesu, để hãm hại họ. Ông đã thành công trong vài trường hợp khiến cộng đồng dân Chúa hết sức khổ đau.
Ông đã được chính Đức Giesu chiêu mộ sau cú ngã ngựa kinh điển. Ông đã được gặp Ngài, ông từ bỏ mọi sự và quyết theo Ngài vinh viễn. Chính vì thế ông đã làm chứng cho Ngài suốt quãng đường còn lại (Khoảng 60 năm) bằng lời rao giảng Lời của Ngài khắp các mọi miền từ Âu sang Á. Ông là một trong số các tông đồ nhiệt thành nhất.
cảm nhận tin mừng: Phao-lo, từ người bách hại đạo Chúa, đã trở thành người hùng phụng thờ Ngài. Từ chỗ cậy dựa vào quyền lực đã nhận ra sự sống mới của Đức Giêsu. Giờ đây, chúng con sẽ nỗ lực vượt lên tính an phận, để trở thành “người hùng” trong việc loan báo Tin Mừng và phụng thờ Chúa, bằng cách sống và làm những việc lành với lòng yêu mến Chúa.
Lạy Chúa xin thắp sáng ngọn lửa Tin Cậy Mến trong lòng chúng con, để chúng con noi gương các Chứng nhân Đức Tin, biết củng cố và lưu truyền gia sản đức tin cho các thế hệ tương lai. Amen. (1)
(1) Kinh Năm Thánh năm 2010

25 Tháng Giêng
    Sự Trở Lại của Thánh Phaolô

 

    Toàn thể cuộc đời của Thánh Phaolô có thể nói hệ tại ở một biến cố -- ngài được gặp Ðức Giêsu trên đường đi Damascus. Ngay khoảng khắc đó, mọi sự hăng say của một người nhiệt huyết như ngài đều trở nên vô ích, như quả đấm ngàn cân của một tay quyền anh bị hụt hẫng. Có lẽ ngài chưa bao giờ được gặp Ðức Giêsu, mặc dù chỉ lớn hơn Ðức Giêsu vài tuổi. Nhưng ngài ghét cay ghét đắng những gì Ðức Giêsu chủ trương khi ngài bắt đầu bắt bớ Giáo Hội: "... đi vào từng nhà và bắt bỏ tù những người đàn ông cũng như đàn bà" (CVTÐ 8:3b). Bây giờ, chính ngài được "đi vào", được chiếm ngự, mọi năng lực của ngài được khai thác cho một mục đích -- trở nên một nô lệ cho Ðức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận được Ðấng Cứu Thế.

 

    Câu nói sau đã xác định lập trường đức tin của ngài: "Ta là Giêsu, người mà ngươi đang bách hại" (CVTÐ 9:5b). Một cách huyền nhiệm Ðức Giêsu đã đồng hóa với dân của Người -- là những người mà Thánh Phaolô trước đây đã từng săn đuổi như các tội nhân. Ngài nhìn thấy nơi Ðức Giêsu, sự hoàn tất một cách huyền nhiệm những gì ngài đang theo đuổi cách mù quáng.

 

    Từ đó trở đi, công việc của ngài là "giúp mỗi người trở nên hoàn thiện trong Ðức Ki-tô. Vì đó mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi" (Colossê 1:28b-29). "Vì tin mừng được loan báo cho anh chị em không chỉ bằng lời nói, mà còn trong quyền năng và trong Thánh Thần và với niềm xác tín sâu xa" (1 Thess. 1-5a).

 

    Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá: qua sự rửa tội, người Kitô chết cho tội lỗi và được mai táng với Ðức Kitô; họ là người chết đối với những gì sai trái và không giúp đưa đến sự cứu chuộc thế gian. Họ được tạo thành một tạo vật mới, được chia sẻ vinh quang của Ðức Kitô và một ngày nào đó họ sẽ được sống lại từ cõi chết như Người. Qua Ðức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha tuôn đổ Thánh Thần trên họ, biến họ trở nên hoàn toàn mới.

 

    Do đó thông điệp vĩ đại cho thế giới của Thánh Phaolô là: Bạn đã được Thiên Chúa cứu chuộc, không do bởi bất cứ gì bạn thi hành. Ðức tin cứu độ là quà tặng cho những ai tận hiến cho Ðức Kitô một cách tuyệt đối, tự nguyện và cá biệt, mà sự tận hiến ấy mang lại kết quả trong "việc làm" nhiều hơn là những gì Luật Lệ mơ tưởng.


    Lời Bàn

 

    Quả thật Thánh Phaolô là người khó hiểu. Lối văn của ngài phản ảnh kiểu cách tranh luận của một giáo sĩ Do Thái trong thời ấy, và tư tưởng của ngài đã vượt đến đỉnh núi trong khi chúng ta còn lẽo đẽo ở bên dưới. Nhưng có lẽ, sự khó khăn của chúng ta sẽ vơi bớt đi nếu chúng ta áp dụng lời khuyên của ngài vào đời sống hàng ngày.


    Lời Trích

 

    "Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả" (1 Côrintô 13:4-7).

 

    Trích từ NguoiTinHuu.com