Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 07/01/2021

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 07/01/2021
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).
Nadazet là một làng quê nhỏ ở miền bắc Israel, nơi có nhiều mưa, nên cuộc sống đỡ khô hạn hơn miền nam. Vào thời Đức Giesu, dân làng có khoảng trên dưới một trăm gia đình. Có một Hội đường nhỏ để dân làng cầu nguyện và để nghe giảng dạy của các thầy tư tế.
Hội đường Nadazet là nơi quen thuộc của Đức Giesu, bởi vì từ ba mươi năm nay, Ngài thường đến đây để nghe đọc kinh thánh. Hôm nay, có dịp về thăm quê hương, dân làng muốn nghe Ngài đọc sách, vì nghe danh Ngài đã từ lâu.
Mở sách, đọc bất kỳ một đoạn. Ngài đọc được đoạn sách tiên tri Isaia viết cách đó khoảng 4000 năm, đoạn ấy như sau: "Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa".
Cảm nhận tin mừng. Đoạn kinh thánh trên có từ 4000 năm, đã có nhiều người đọc nhưng không ai cảm nhận được điều gì vì không phải của mình. Cho đến tận bây giờ, đoạn kinh thánh này mới tìm được Đấng sở hữu, Đấng ấy chính là Đức Giesu, vì đã ứng nghiệm nơi Ngài và chỉ một mình Ngài thôi.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Xin cho Lời Chúa ứng nghiệm nơi mỗi người chúng con, để chúng con biết ca tụng Chúa là Đấng Cứu Chuộc chúng con. Amen.

7 Tháng Giêng
    Thánh Raymond ở Penafort
    (1175 - 1275)

 

    Ðược Thiên Chúa cho hưởng thọ đến 100 tuổi, Thánh Raymond có cơ hội để thực hiện được nhiều điều trong đời.

 

    Là một phần tử của dòng dõi quý tộc Tây Ban Nha, ngài có đầy đủ tài nguyên và nền tảng giáo dục vững chắc để bước vào đời. Ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã yêu quý và sùng kính Ðức Mẹ. Vào lúc 20 tuổi, ngài dạy triết. Trong khoảng 30, ngài đậu bằng tiến sĩ về giáo luật và dân luật. Tuy nhiên, ngài đã từ bỏ tất cả để gia nhập Dòng Thuyết Giáo (Ða Minh) và là một linh mục năm 47 tuổi. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX gọi ngài về Rôma làm việc cho đức giáo hoàng và cũng là cha giải tội cho người. Môät trong những điều đức giáo hoàng yêu cầu ngài thi hành là thu thập tất cả các sắc lệnh của các giáo hoàng và công đồng trong 80 năm, kể từ lần sưu tập sau cùng của Gratianô. Cha Raymond biên soạn thành năm cuốn sách được gọi là "Bộ Giáo Lệnh" (Decretals). Những cuốn này được coi là bộ sưu tập giáo luật có giá trị nhất của Giáo Hội mãi cho đến năm 1917 khi giáo luật được hệ thống hóa.

 

    Trước đó, Cha Raymond đã viết một cuốn sách dành cho các cha giải tội, được gọi là "Summa de Poenitentia et Matrimonio". Cuốn sách này không chỉ kể ra các tội và việc đền tội, mà còn thảo luận các luật lệ và học thuyết chính đáng của Giáo Hội liên hệ đến vấn đề hay trường hợp mà cha giải tội phải giải quyết.

 

    Khi Cha Raymond được 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Tarragona, thủ phủ của Aragon nằm về phía đông bắc Tây Ban Nha. Ngài không thích vinh dự này chút nào nên kết quả là ngài bị đau yếu và đã từ nhiệm sau đó hai năm.

 

    Tuy nhiên, ngài không được hưởng sự an bình đó bao lâu, vì khi 63 tuổi ngài được anh em tu sĩ dòng chọn làm bề trên của toàn thể nhà dòng, chỉ sau Thánh Ða Minh. Cha Raymond phải vất vả trong các công việc như đi thăm các tu sĩ dòng, cải tổ lại hiến pháp dòng và cố đưa vào hiến pháp dòng điều khoản cho phép vị bề trên có thể từ chức. Khi bản hiến pháp mới được chấp nhận, Cha Raymond, lúc ấy 65 tuổi, đã xin từ nhiệm.

 

    Nhưng ngài vẫn còn phải làm việc trong 35 năm nữa để chống với bè rối và hoán cải người Moor ở Tây Ban Nha. Và theo lời yêu cầu của ngài, Thánh Tôma Aquina đã viết cuốn "Summa Contra Gentes".

 

    Mãi cho đến khi ngài được 100 tuổi thì Thiên Chúa mới cho ngài về hưu dưỡng. Năm 1601, Cha Raymond được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII tuyên xưng là thánh.


    Lời Bàn

 

    Thánh Raymond là một luật gia và là nhà giáo luật. Thói vụ luật (legalism) là một trong những điều mà Giáo Hội cố tránh trong Công Ðồng Vatican II. Có sự khác biệt lớn lao giữa các điều khoản với tinh thần và mục đích của luật lệ. Luật lệ tự nó có thể trở thành cùng đích, do đó giá trị mà luật lệ muốn nhắm đến đã bị quên lãng. Nhưng chúng ta cũng phải thận trọng đừng ngả về thái cực bên kia, coi luật lệ như vô ích hoặc cho đó là một điều tầm thường. Một cách lý tưởng, luật lệ được đặt ra là vì lợi ích của mọi người và phải đảm bảo quyền lợi của mọi người được tôn trọng. Qua Thánh Raymond, chúng ta học được sự tôn trọng luật lệ như một phương tiện phục vụ công ích.


    Lời Trích

 

    "Ai ghét bỏ luật lệ thì không khôn ngoan, và sẽ bị nghiêng ngả như con tàu giữa cơn phong ba" (Sách Huấn Ca 33:2).