Support@example.com
Get in touch - Saturday: 8:30 am - 6:00 pm
Toàn thể cuộc đời của Thánh Phaolô có thể nói hệ tại ở một biến cố -- ngài được gặp Ðức Giêsu trên đường đi Damascus. Ngay khoảng khắc đó, mọi sự hăng say của một người nhiệt huyết như ngài đều trở nên vô ích, như quả đấm ngàn cân của một tay quyền anh bị hụt hẫng. Có lẽ ngài chưa bao giờ được gặp Ðức Giêsu, mặc dù chỉ lớn hơn Ðức Giêsu vài tuổi. Nhưng ngài ghét cay ghét đắng những gì Ðức Giêsu chủ trương khi ngài bắt đầu bắt bớ Giáo Hội: "... đi vào từng nhà và bắt bỏ tù những người đàn ông cũng như đàn bà" (CVTÐ 8:3b). Bây giờ, chính ngài được "đi vào", được chiếm ngự, mọi năng lực của ngài được khai thác cho một mục đích -- trở nên một nô lệ cho Ðức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận được Ðấng Cứu Thế.
Câu nói sau đã xác định lập trường đức tin của ngài: "Ta là Giêsu, người mà ngươi đang bách hại" (CVTÐ 9:5b). Một cách huyền nhiệm Ðức Giêsu đã đồng hóa với dân của Người -- là những người mà Thánh Phaolô trước đây đã từng săn đuổi như các tội nhân. Ngài nhìn thấy nơi Ðức Giêsu, sự hoàn tất một cách huyền nhiệm những gì ngài đang theo đuổi cách mù quáng.
Từ đó trở đi, công việc của ngài là "giúp mỗi người trở nên hoàn thiện trong Ðức Ki-tô. Vì đó mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi" (Colossê 1:28b-29). "Vì tin mừng được loan báo cho anh chị em không chỉ bằng lời nói, mà còn trong quyền năng và trong Thánh Thần và với niềm xác tín sâu xa" (1 Thess. 1-5a).
Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá: qua sự rửa tội, người Kitô chết cho tội lỗi và được mai táng với Ðức Kitô; họ là người chết đối với những gì sai trái và không giúp đưa đến sự cứu chuộc thế gian. Họ được tạo thành một tạo vật mới, được chia sẻ vinh quang của Ðức Kitô và một ngày nào đó họ sẽ được sống lại từ cõi chết như Người. Qua Ðức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha tuôn đổ Thánh Thần trên họ, biến họ trở nên hoàn toàn mới.
Do đó thông điệp vĩ đại cho thế giới của Thánh Phaolô là: Bạn đã được Thiên Chúa cứu chuộc, không do bởi bất cứ gì bạn thi hành. Ðức tin cứu độ là quà tặng cho những ai tận hiến cho Ðức Kitô một cách tuyệt đối, tự nguyện và cá biệt, mà sự tận hiến ấy mang lại kết quả trong "việc làm" nhiều hơn là những gì Luật Lệ mơ tưởng.
Lời Bàn
Quả thật Thánh Phaolô là người khó hiểu. Lối văn của ngài phản ảnh kiểu cách tranh luận của một giáo sĩ Do Thái trong thời ấy, và tư tưởng của ngài đã vượt đến đỉnh núi trong khi chúng ta còn lẽo đẽo ở bên dưới. Nhưng có lẽ, sự khó khăn của chúng ta sẽ vơi bớt đi nếu chúng ta áp dụng lời khuyên của ngài vào đời sống hàng ngày.
Lời Trích
"Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả" (1 Côrintô 13:4-7).
Trích từ NguoiTinHuu.com
Cha của Phanxicô dự định cho chàng là một luật sư để có thể thế chỗ ông trong nghị viện tỉnh Savoy nước Pháp. Vì lý do đó Phanxicô được gửi đến Padua để học luật. Sau khi đậu bằng tiến sĩ, chàng trở về nhà, và đúng lúc ấy, chàng ngỏ ý muốn đi tu làm linh mục. Dĩ nhiên, cha mẹ chàng chống đối kịch liệt, và phải mất một thời gian khá lâu sau khi Phanxicô kiên trì thuyết phục thì ông bà mới đồng ý. Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Phanxicô được bầu làm giáo trưởng của Ðịa Phận Geneva, sau này nơi đó là trung tâm phát xuất tà thuyết Calvin. Ngài được sai đi để hoán cải những người theo tà thuyết này, nhất là ở quận lỵ Chablais. Qua lời giảng và qua việc phân phát những tài liệu nhỏ do ngài viết để giải thích giáo lý thật của Công Giáo, ngài rất thành công.
Khi 35 tuổi, ngài là Giám Mục của Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, ngài tiếp tục rao giảng, nghe xưng tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Sự nhân từ của ngài đã đưa được nhiều linh hồn về với Chúa. Ngài thực hành câu châm ngôn của chính ngài là, "Một muỗng mật ong thì thu hút nhiều ruồi hơn một thùng dấm."
Ngoài hai tác phẩm nổi tiếng của ngài là "Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức" và "Luận Án về Tình Yêu Thiên Chúa", ngài còn viết nhiều cuốn sách nhỏ và rất nhiều bài báo. Vì những văn bản này mà ngài được đặt làm quan thầy của báo giới Công Giáo. Văn bản của ngài, đầy dẫy những nét nhân hậu, nhắm đến người giáo dân. Ngài muốn họ hiểu là họ cũng được mời gọi để trở nên thánh. Như ngài viết trong cuốn "Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức": "Ðó là điều sai lầm, hoặc đúng hơn là một tà thuyết, khi nói rằng việc đạo đức không thích hợp với đời sống của một binh sĩ, một thương gia, một thái tử hay một phụ nữ có chồng... Ðã có nhiều người mất sự trọn lành trong cái khô khan của thế gian."
Mặc dù sự bận rộn và cuộc đời ngắn ngủi của ngài, Cha Phanxicô đã cộng tác với một vị thánh khác, Jane Frances de Chantal, trong việc thành lập tu hội Nữ Tu Dòng Thăm Viếng. Các nữ tu này thi hành nhân đức mà Ðức Maria đã làm gương khi đến thăm người chị họ là bà Êligiabét: khiêm tốn, đạo đức và giúp đỡ lẫn nhau. Lúc đầu các nữ tu tiếp tay một cách giới hạn trong công việc bác ái đối với người nghèo và bệnh nhân. Ngày nay, trong khi một số nữ tu điều hành các trường học, một số nữ tu khác dành trọn cuộc đời để chiêm niệm.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô de Sales đã coi trọng lời Ðức Kitô: "Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật." Như chính thánh nhân thú nhận, ngài phải mất 20 năm mới chiến thắng được tính tình nóng nẩy của ngài, nhưng không ai cho rằng ngài có tính xấu đó mà chỉ thấy trong lối đối xử của ngài tràn ngập sự ân cần và bản chất tốt lành của ngài. Vì bản tính hiền lành và vui vẻ ấy mà ngài được gọi là "Thánh Lịch Thiệp."
Lời Trích
Thánh Phanxicô dặn dò chúng ta: "Người có đức hiền lành Kitô Giáo thì thương yêu và dịu dàng với người khác: Họ có khuynh hướng tha thứ lỗi lầm của người khác; sự thiện hảo của tâm hồn họ được bộc lộ trong sự hoà nhã dịu dàng có ảnh hưởng đến lời nói cũng như hành động của họ, giúp họ nhìn bất cứ vấn đề gì trong đường hướng bác ái và đem lại sự thoải mái."
Trích từ NguoiTinHuu.com
Fabian là một giáo dân bình thường ở Rôma từ quê lên tỉnh vào một ngày khi giáo sĩ và dân chúng chuẩn bị chọn vị tân giáo hoàng. Có lẽ ngài đến Rôma cũng giống như nhiều người ngày nay đến Rôma trong thời gian tuyển chọn giáo hoàng: lo lắng cho tương lai của đạo, tò mò muốn biết vị tân giáo hoàng, hoặc tỏ lòng luyến tiếc vị giáo hoàng vừa quá cố. Hơn nữa, được nhìn thấy tất cả các vị chức sắc trong Giáo Hội cùng quy tụ lại để có một quyết định quan trọng cũng là điều thích thú. Ai sẽ là tân giáo hoàng? Ðó là người nhiều quyền thế? Là người có tài hùng biện? Là người dũng cảm?
Theo sử gia Eusebius của Giáo Hội, bỗng dưng có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, nhưng không đậu trên "bất cứ ai nổi tiếng". Theo Eusebius, bồ câu "đậu trên đầu Fabian giống hệt như Chúa Thánh Thần ngự trên Ðấng Cứu Thế dưới hình chim bồ câu." Ðiều đó phải có một ý nghĩa gì liên quan đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, và mọi người đồng thanh tuyên bố Fabian "xứng đáng" là giáo hoàng.
Ðối với chúng ta, bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo trước. Bắt đầu từ gần ngày Fabian được tuyển chọn, việc bách hại và đau khôå của Giáo Hội cũng chấm dứt. Hoàng đế Philip, thân thiện với Kitô Hữu và không những ông ngừng bách hại mà còn chấp nhận các nghi lễ của Kitô Giáo.
Trong thời gian hòa bình, Ðức Fabian đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài chỉ định bảy phó tế và giúp thu thập các chứng thư tử đạo.
Nhưng như ở bất cứ thời gian nào, những người có quyền thường không vui khi thấy các kẻ lạ mặt gia tăng và phát đạt. Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công Kitô Hữu, và khi hoàng đế Philip từ trần thì thời gian bình an cũng chấm dứt. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô Hữu phải khước từ Ðức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo khác.
Sau một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Ðức Fabian, một biểu tượng hoà bình nổi bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo năm 250 và được chôn cất trong Nghĩa Trang Calixtus, là nơi chính ngài giúp tân trang.
Trong Nghĩa Trang Calixtus, ngày nay vẫn còn có một bia đá dùng để đậy mồ Thánh Fabian, bị vỡ làm bốn mảnh, có mang dòng chữ Hy Lạp, "Fabian, giám mục, tử đạo."
Lời Bàn
Chúng ta chỉ có thể tin tưởng bước vào tương lai và chấp nhận những thay đổi cần thiết để phát triển nếu chúng ta bám rễ vào quá khứ của một truyền thống sống động. Một vài mảnh đá ở Rôma nhắc nhở rằng, chúng ta là những người của thế kỷ 20 tiếp tục truyền thống đức tin sống động và can đảm thay đổi cuộc đời giống như Ðức Kitô, và làm chứng cho Ngài trong thế gian. Chúng ta đã có các anh chị là những người "ra đi trước chúng ta được ghi dấu đức tin" để dẫn đường cho chúng ta.
Lời Trích
"Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội" (Tertullian).
Trích từ NguoiTinHuu.com
Thánh Charles nghĩ rằng Thiên Chúa gọi ngài đi truyền giáo ở Ấn Ðộ, nhưng ngài chưa bao giờ được đặt chân đến đó. Thiên Chúa đã có những hoạch định khác tốt đẹp hơn cho ngài.
John Charles Marchioni sinh ở làng Sezze, phía đông nam của Rôma trong một gia đình nghèo nàn. Khi niên thiếu, ngài đi chăn cừu và ao ước trở nên một linh mục. Nhưng ước mơ đó không thành tựu vì hoàn cảnh nghèo nàn nên thiếu học thức (ngài chỉ biết đọc và biết viết căn bản), do đó ngài trở nên một thầy dòng Phanxicô năm 1635. Trong cuốn nhật ký, Thầy Charles cho chúng ta biết, "Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn tôi ao ước muốn trở nên một thầy dòng, với khao khát sống nghèo hèn và đi xin ăn vì tình yêu Thiên Chúa."
Thầy Charles đã làm các công việc như nấu ăn, giữ cửa, dọn lễ, làm vườn và đi xin ăn cho nhiều tu viện ở nước Ý. Câu chuyện sau cho thấy tinh thần Phúc Âm của thầy. Khi là người giữ cửa, cha bề trên ra lệnh cho thầy chỉ được phân phát thực phẩm cho các tu sĩ di chuyển ngang qua vùng mà thôi. Thầy vâng lời theo cách đó, và đồng thời của bố thí cũng vơi dần. Thầy cố thuyết phục cha bề trên về sự liên hệ giữa hai yếu tố này. Khi nhà dòng trở lại truyền thống phân phát thực phẩm cho bất cứ ai đến với họ thì của bố thí lại gia tăng.
Theo chỉ thị của cha giải tội, Thầy Charles viết cuốn nhật ký, Sự Vĩ Ðại của Lòng Thương Xót Chúa. Ngài còn viết một vài cuốn sách khác về tâm linh. Trong nhiều năm trời, ngài biết tận dụng sự hướng dẫn tinh thần của các cha linh hướng khi họ giúp ngài phân biệt đâu là tư tưởng của thầy và đâu là tư tưởng của Thiên Chúa. Và chính thầy cũng được người ta tìm đến để xin hướng dẫn tinh thần. Khi Ðức Giáo Hoàng Clement IX hấp hối, ngài đã cho mời Thầy Charles đến để cầu nguyện và chúc lành cho đức giáo hoàng.
Thầy là người tin tưởng vững vàng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cha Severino Gori đã nói, "Qua lời nói và hành động, thầy nhắc nhở cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta cần theo đuổi là sự vĩnh cửu" (Leonard Perotti, St. Charles of Sezze: An Autobiography, trang 215).
Ngài từ trần ở San Francesco a Ripa ở Rôma và được chôn cất ở đây. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã phong thánh cho ngài vào năm 1959.
Lời Bàn
Ðời sống các thánh thì đầy những cuộc chiến nội tâm. Ðời sống Thánh Charles chỉ kỳ diệu khi ngài cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa. Ngài bị quyến rũ bởi vẻ huy hoàng của Thiên Chúa và lòng thương xót tất cả chúng ta.
Lời Trích
Cha Gori cho biết tự truyện của Thánh Charles "là một sự bác bẻ mạnh mẽ những ai cho rằng các thánh sinh ra đã là thánh, các ngài được những ưu tiên ngay khi xuất hiện trên mặt đất. Ðiều này không đúng như vậy. Các ngài trở nên thánh trong phương cách bình thường, nhờ bởi sự trung tín lớn lao khi đáp ứng với ơn sủng của Thiên Chúa. Các ngài cũng phải chiến đấu như chúng ta, và hơn thế nữa, chống với những đam mê, thế gian và ma quỷ" (St. Charles of Sezze: An Autobiography, trang viii).
Trích từ NguoiTinHuu.com
Cuộc đời Thánh Antôn nhắc nhở chúng ta nhiều điểm về cuộc đời Thánh Phanxicô Assisi. Khi 20 tuổi, ngài thật cảm kích trước câu Phúc Âm, "Hãy đi và bán những gì anh có, và phân phát cho người nghèo" (Máccô 10:21b), và Thánh Antôn đã thực sự thi hành đúng như vậy với gia tài kếch sù của ngài. Thánh Antôn khác với Thánh Phanxicô ở cuộc đời ẩn dật. Ngài nhìn thấy thế gian đầy những cạm bẫy và đã sống nhân chứng cho Giáo Hội cũng như thế gian qua cuộc đời khổ hạnh nơi ẩn dật, đầy hy sinh hãm mình và cầu nguyện. Nhưng không vị thánh nào thực sự xa lánh xã hội, và Thánh Antôn đã thu hút người ta đến với ngài để được hướng dẫn và chữa lành tâm linh.
Lúc 54 tuổi, theo lời thỉnh cầu của nhiều người, ngài đã sáng lập một loại đan viện với các phòng ở rải rác cách nhau. Lúc 60 tuổi, ngài hy vọng sẽ là vị tử đạo trong thời tái bách hại của Rôma năm 311, và ngài đã không sợ nguy hiểm khi hỗ trợ tinh thần và giảng dạy đạo lý cho những người trong tù. Năm 88 tuổi, ngài chống với bè rối Arian (từ chối thiên tính của Ðức Kitô), vết thương to lớn ấy đã khiến Giáo Hội phải mất nhiều thế kỷ mới phục hồi được.
Ảnh Thánh Antôn thường được vẽ với thập giá hình chữ T, một cuốn sách và một con heo. Thập giá và con heo tượng trưng cho cuộc chiến dũng cảm của ngài chống với ma quỷ -- thập giá luôn luôn là phương tiện quyền lực giúp ngài chế ngự ma quỷ, được tượng trưng là con heo. Cuốn sách nói lên sở thích của ngài là "học hỏi từ thiên nhiên" thay vì sách vở in ấn.
Thánh Antôn chết trong cô độc khi ngài 105 tuổi.
Lời Bàn
Trong thời đại mà người ta coi thường ma qủy và thiên thần, một người có sức mạnh chế ngự ma quỷ khiến chúng ta phải suy nghĩ. Và trong thời buổi người ta nói đến đời sống như cuộc chạy đua nước rút thì một người dành cả cuộc đời cho sự cô quạnh và cầu nguyện đã nói lên những căn bản quan trọng của đời sống Kitô Hữu. Ðời sống ẩn dật của Thánh Antôn nhắc nhở chúng ta về sự tuyệt đối cắt đứt tội lỗi và hoàn toàn tận hiến cho Ðức Kitô. Ngay cả trong thế giới tốt lành của Thiên Chúa cũng còn một thế giới khác mà giá trị giả dối của nó luôn cám dỗ chúng ta.
Trích từ NguoiTinHuu.com
16 Tháng Giêng
Rao giảng Tin Mừng thường là công việc nguy hiểm. Rời bỏ quê hương và thích ứng với các nền văn hóa mới, chính phủ mới và ngôn ngữ mới thì đã đủ khó khăn; nhưng đôi khi sự tử đạo còn vượt quá mọi hy sinh này.
Vào năm 1219 với chúc lành của Thánh Phanxicô, Cha Berard rời Ý với các tu sĩ Peter, Adjute, Accurs, Odo và Vitalis để đi rao giảng ở Morocco. Trên đường đến Tây Ban Nha thì Cha Vitalis bị đau nặng và ngài xin các linh mục khác cứ tiếp tục sứ mệnh truyền giáo mà đừng bận tâm đến ngài.
Các cha khác cố gắng đi rao giảng ở Seville nhưng không đạt được kết quả nào. Sau đó họ tiếp tục đến Morocco là nơi họ rao giảng ngay trên đường phố, trong khu thị tứ. Các ngài bị nhà cầm quyền Hồi Giáo khiển trách và ra lệnh cho họ phải rời bỏ nơi đó; nhưng họ từ chối. Khi các ngài lại tiếp tục rao giảng thì vua Thổ Nhĩ Kỳ tức giận đã ra lệnh xử tử họ. Sau khi bị đánh đập và khước từ những dụ dỗ để chối bỏ đức tin, các ngài đã bị chém đầu vào ngày 16 tháng Giêng, 1220.
Họ là các tu sĩ Phanxicô đầu tiên được tử đạo. Khi Thánh Phanxicô nghe tin về cái chết của họ, ngài đã thốt lên, "Bây giờ tôi có thể thực sự nói rằng tôi có được năm Tu Sĩ Dòng!" Di hài của họ được đưa về Bồ Ðào Nha, là nơi một giáo sĩ trẻ của dòng Augustine vì cảm kích trước cái chết anh hùng của họ, đã gia nhập dòng Phanxicô và sang truyền giáo ở Morocco vào năm kế tiếp. Giáo sĩ trẻ tuổi đó là Thánh Antôn ở Padua.
Năm vị tử đạo được phong thánh năm 1481.
Lời Bàn
Cái chết anh hùng của Thánh Berard và các bạn đã khơi dậy lòng khát khao truyền giáo của Thánh Antôn Padua và những người khác. Có rất nhiều tu sĩ Phanxicô đã đáp lại lời thách đố của Cha Thánh Phanxicô. Rao giảng Phúc Âm có thể nguy hại đến tính mạng, nhưng điều đó không thể ngăn cản các tu sĩ nam nữ của dòng Phanxicô ngày nay liều mạng sống đi rao giảng ở khắp nơi trên thế giới.
Lời Trích
Trước thời Thánh Phanxicô, Quy Luật của các dòng không nhắc đến việc rao giảng cho người Hồi Giáo. Trong Quy Luật năm 1223, Thánh Phanxicô viết: "Các tu sĩ, là những người được linh ứng để đi rao giảng cho người Saracen (Hồi Giáo và Ả Rập) và những người ngoại giáo khác, phải xin phép bề trên của họ. Nhưng các bề trên không được cho phép, trừ khi thấy người ấy thích hợp để được sai đi" (Chương 12).
Trích từ NguoiTinHuu.com
14 Tháng Giêng
Thánh Macrina là bà nội của Thánh Basil Cả mà chúng ta mừng kính vào ngày 2-1. Dường như Thánh Macrina đã nuôi dưỡng Thánh Basil Cả và khi lớn lên thánh nhân đã không ngớt lời ca tụng công việc lành phúc đức của bà nội. Ðặc biệt, thánh nhân đã nhắc đến việc giáo dục đức tin của bà khi thánh nhân còn nhỏ.
Thánh Macrina và chồng đã phải trả một giá rất đắt khi theo Ðức Kitô. Trong thời kỳ bách hại của các hoàng đế La Mã Galerius và Maximinus, hai ông bà đã phải đi trốn. Họ tìm thấy một nơi ẩn náu trong rừng gần nhà. Bằng cách nào đó, họ đã thoát khỏi sự bách hại. Họ luôn luôn bị đói khát và lo sợ nhưng không mất đức tin. Họ đã kiên nhẫn chờ đợi và cầu nguyện để chấm dứt sự bách hại. Và cuộc bách hại này đã chấm dứt sau bảy năm dài. Thánh Gregory Nazianzen có ghi lại các chi tiết này.
Trong một cuộc bách hại khác, Thánh Macrina và chồng bị mất tất cả tài sản. Họ không còn gì ngoại trừ đức tin và lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Người ta không biết chính xác Thánh Macrina từ trần năm nào, họ phỏng đoán năm 340, và cháu nội của thánh nữ là Thánh Basil Cả từ trần năm 379.
Trích từ NguoiTinHuu.com
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam, quis nostrud exercitation ullamco laboris nisi ut aliquip ex ea commodo consequat. Duis aute irure dolor in reprehenderit...
Copyright © 201. Metro UI Theme. Designed by: Templateism