Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 04/11/2020

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 04/11/2020
“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,33).
Có người bạn khuyên tôi: "Nếu có dịp thuận tiện, anh nên đến Israel bằng phương tiện du lịch, đến ngay thành phố Gierusalem, đi trên con đường ngày xưa Chúa Giêsu đã đi, bạn vừa đi vừa hát (hét) lên rằng:
"Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua?
Con đường nào Ngài ra pháp trường? Mão gai nào hằn sâu trên trán?
Lạy Chúa, Thánh Giá nào Ngài vác trên vai? Đau thương nào phủ kín tâm tư?
Đường tình đó Ngài dành cho con".
(Viết đến đây mà lòng tôi ao ước. Niềm ao ước thật chính đáng).
Một đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu, thấy thế, Người quay lại giải thích cho họ về nước trời. Theo đó: Từ bỏ mọi sự để theo Đức Giêsu không phải là ruồng rẫy cha mẹ vợ con... nhưng là để cho không bị vướng mắc trở ngại gì, dù là người thân nhất, thì việc theo Thầy mới được toàn tâm toàn ý.
Cảm nhận tin mừng. Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng con là; hãy sẵn sàng theo Chúa trong mọi hoàn cảnh thích hợp. Là từ bỏ mọi sự, kể cả thứ tình cảm riêng tư, và ngay cả bản thân của mình để theo Chúa cho trọn vẹn...
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng con không chỉ tôn thờ Thánh giá, mà chúng con sẵn sàng vác thập giá của mình để theo Chúa cách yêu mến. Khi đã theo Chúa thì biết chiến đấu, hy sinh, như thế, chúng con mới trở nên giống Chúa và là môn đệ của Chúa được. Amen.


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 03/11/2020
"Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ, và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi" (Lc 14, 15-24).
"Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp". Được mời dự tiệc là một vinh hạnh vì được chủ tiệc quan tâm, quý trọng, nên người được mời dự tiệc cảm thấy vui và hạnh phúc.
""PHÚC CHO AI ĐƯỢC MỜI ĐẾN DỰ TIỆC CHIÊN THIÊN CHÚA".
Đó là lời mời của các linh mục trước khi cho rước lễ, nhắc nhớ cho mọi người tham dự niềm vui, hạnh phúc được Chúa mời đến dự tiệc.
Tin Mừng hôm nay, chủ tiệc đã dọn sẵn cỗ bàn để đãi khách. Vậy mà khách được mời đâu đoái hoài gì đến thiện ý của Chủ tiệc, nên đã đặt những chuyện cá nhân lên trên và viện cớ: nào là đi tậu đất, thăm trại, mua bò và mới cưới.
Ðức Giêsu muốn nói đến lòng thương xót của Chúa Cha đối với mọi người, đặc biệt là những người Do Thái. Nhưng họ đã không đón nhận và đánh mất đi tình thương ấy. Vì thế ân lộc bị cất đi khỏi họ.
Cảm nhận tin mừng. Tất cả chúng con đều được Thiên Chúa mời dự tiệc nước trời, vậy mà trong chúng con có người thoái thác, vịn cớ là bận nhiều việc lắm không có thì giờ đâu.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngày chúng con lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, ấy là lúc chúng con tạm cầm chiếc vé để vào Nước Trời. Điều đó có được hay không là tùy thuộc vào thái độ, cách sống của chúng con. xin cho chúng con nhận ra những ân huệ Chúa ban, đồng thời giúp chúng con biết mở rộng bàn tay chia sẻ với anh em. Amen.



Lễ Cung Hiến Ðền Thờ Thánh Gioan Latêranô

 

Nhiều người Công Giáo nghĩ rằng Ðền Thánh Phêrô là nhà thờ của đức giáo hoàng, nhưng sự thật không phải vậy. Ðền Thánh Gioan Latêranô mới là nhà thờ của đức giáo hoàng, là vương cung thánh đường của Giáo Phận Rôma, nơi Ðức Giám Mục của Rôma trụ trì.

 

Vương cung thánh đường đầu tiên ở đây được xây cất vào thế kỷ thứ tư khi Hoàng Ðế Constantine dâng cúng phần đất mà ông nhận được từ gia đình Latêranô giầu có. Kiến trúc đó và những đấng kế vị phải trải qua những tai nạn như hoả hoạn, động đất và chiến tranh, nhưng thánh đường Latêranô vẫn là nơi các giáo hoàng được tấn phong mãi cho đến thế kỷ 15, khi các giáo hoàng từ Avignon trở về thì thánh đường và công trường cạnh đó đã đổ nát.

 

Thánh đường hiện nay được xây cất vào năm 1646 theo lệnh của Ðức Giáo Hoàng Innocent X. Là một trong những thánh đường uy nghi nhất ở Rôma, ngọn tháp mặt tiền của đền Latêranô được trang hoàng với 15 bức tượng của Ðức Kitô, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Gioan Tông Ðồ và 12 vị tiến sĩ của Giáo Hội. Bên dưới bàn thờ sang trọng là một bàn nhỏ bằng gỗ mà truyền thuyết cho rằng chính Thánh Phêrô đã cử hành Thánh Lễ ở bàn này.

 

Lời Bàn

Không như lễ kỷ niệm các đền thờ khác ở Rôma (như đền Ðức Bà Cả, ngày 5-8, đền Các Thánh Phêrô và Phao-lô, 18-11), lễ này là một đại lễ. Việc cung hiến đền thờ là một đại lễ cho toàn thể giáo dân trong xứ. Trong ý nghĩa tiêu biểu, Ðền Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ của mọi người Công Giáo, vì đó là giáo xứ của đức giáo hoàng, vương cung thánh đường của Ðức Giám Mục Rôma. Nhà thờ này là mái nhà tinh thần của tất cả những ai thuộc về Giáo Hội.

 

Lời Trích

“Cũng như các bức tường được xây cao này, những gì đã được thể hiện ở đây lại được tái diễn khi chúng ta quy tụ những người tin vào Ðức Kitô. Vì, qua đức tin họ đã được gọt dũa, như thể đá và gỗ từ núi rừng; nhưng bởi việc học hỏi giáo lý, rửa tội và giáo dục, họ được khuôn đúc, được điều chỉnh, và được mài nhẵn bởi bàn tay của các thợ chuyên môn. Tuy nhiên, họ không làm nên căn nhà của Thiên Chúa, cho đến khi họ hài hòa với nhau trong đức ái” (Thánh Augustine, Bài Giảng 36).