Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY – NGÀY 20/08/2019

Filled under:

Giáo Hội Của Người Nghèo

"Giáo Hội của người nghèo", "Ưu tiên phục vụ người nghèo", đó là những khẩu hiệu đã trở thành thời trang trong Giáo Hội kể từ vài thập niên qua. Bất cứ ai có ý thức về công bằng xã hội hoặc đôi chút trăn trở về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, cũng đều thốt lên những khẩu hiệu ấy. Nhưng Giáo Hội có thực sự là Giáo Hội của đại đa số dân nghèo khổ chưa?
Sự hiện diện của người nghèo quả là một thách đố lớn cho Giáo Hội. Ngày nay, tiếng kêu than của họ luôn là một nhắc nhớ cho Giáo Hội về bản chất và sứ mệnh của mình trong thế giới. Cuộc trở lại của Hoàng đế Constantinople vào thế kỷ thứ 4 đã chấm dứt những cuộc bách hại đẫm máu và đã biến Tây Phương thành thế giới Kitô giáo, nhưng không chừng đã làm Giáo Hội quên đi bản chất đích thực của mình. Sự tương nhập giữa thế quyền và giáo quyền đã biến Giáo Hội thành một thế lực chính trị, và các vị lãnh đạo Giáo Hội thành những vua chúa trần gian. Nhiều người đã có lý để nói rằng nhờ những lay động của Karl Marx mà Giáo Hội đã lắng nghe được tiếng kêu than của người nghèo, đồng thời ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình trong thế giới ngày nay.
Ngay từ khi mới khai sinh, cộng đoàn Kitô tiên khởi đã ý thức được vấn đề ấy. Tin Mừng hôm nay là một phản ánh về những trăn trở của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, cách riêng cộng đoàn Giêrusalem là cộng đoàn gồm toàn những người nghèo trong xã hội thời bấy giờ. Ðọc lại giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của Kitô hữu đối với tiền bạc của cải, cộng đoàn tiên khởi đặt lại vấn đề về sự hiện diện của người giầu trong Giáo Hội. Theo quan niệm quen thuộc của người Do thái, thì sự giầu sang phú quí là một chúc lành của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đánh đổ quan niệm sai lầm ấy, khi nói rằng: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó", và rằng sự nghèo khó là điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời.
Giáo Hội của người nghèo, điều đó có nghĩa là trước tiên tất cả những ai thuộc về Giáo Hội đều phải có tinh thần nghèo khó đích thực, họ phải sống phó thác và quảng đại chia sẻ cho nhau. Các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu được điều ấy: họ để chung của cải lại, chia sẻ với nhau và yêu thương đùm bọc nhau như trong cùng một gia đình. Giáo Hội của người nghèo, điều đó cũng có nghĩa là các tín hữu phải lấy sự phục vụ người nghèo làm ưu tiên hàng đầu. Bản sắc của người Kitô hữu do đó được xác nhận bằng chính tương quan với người nghèo.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách sống đạo của chúng ta. Thách đố của Giáo Hội hiện nay cũng chính là thách đố của mỗi người chúng ta. Nếu những người cùng khổ chưa phải là thao thức trăn trở của chúng ta, thì có lẽ chúng ta còn quá xa với Giáo Hội Chúa Kitô. Nếu cuộc sống chúng ta chưa phải là cuộc sống liên đới chia sẻ với người khốn khổ, thì có lẽ chúng ta chỉ là những Kitô hữu hữu danh vô thực.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Suy niệm 2


     Người ta thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Nói chung cuộc sống nếu có tiền có của thì thấy dễ dàng cho mọi chuyện. Tuy nhiên Lời Chúa của ngày hôm nay lại đối nghịch với quan điểm mà xã hội thường nghĩ. Chính Chúa Giêsu đã đưa ra một bài học về giá trị tiền của để cảnh báo cho cả người giàu lẫn người nghèo: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.
 
     Quả thực khi nói điều này, chúng ta thấy rằng, không phải trở thành người giàu là xuống hỏa ngục, mà chính yếu người giàu rất có thể sẽ dễ rơi vào hành động của quyền lực, tham lam và ích kỷ. Ngay cả những người nghèo, nếu vì muốn có tiền của, muốn trở thành người giàu, họ dùng mọi thủ đoạn, mọi thỏa hiệp của trần gian, thì họ cũng không thể đón nhận được hạnh phúc của Nước Trời.
 
     Trong đời sống gia đình ngày nay, người ta cũng dễ rơi vào tình trạng chia rẽ, bất đồng, li thân và li dị. Bởi hạnh phúc ngày nay đối diện với những trào lưu tục hóa và một lối sống hưởng thụ. Người ta quên đi một điều căn bản là việc xây dựng hạnh phúc gia đình đòi buộc phải có tình yêu, sự trung thành, hy sinh, quãng đại và chân thành, chứ không phải lấy tiêu chuẩn hàng đầu là tiền bạc, của cải.
 
     Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi gia đình biết sống giá trị văn minh tình yêu của Chúa Giêsu trong đời sống gia đình và xin Mẹ Maria luôn bầu cử, gìn giữ các gia đình trong hạnh phúc.
 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường