Tâm Thức Thời Ðại
Dư luận trong giới trí thức Âu Mỹ hiện nay đang nhắc nhiều đến cuốn sách bàn về tương lai nhân loại với tựa đề: "Ngỡ Ngàng Trước Tương Lai", trong đó tác giả nói về những thay đổi nhanh chóng hiện nay trên đời sống con người khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng. Theo tác giả thì tâm lý thường tình của con người thích những khuôn sẵn có cho cuộc sống của mình nhờ đó con người dễ ổn định và dự liệu cho những gì xảy ra. Tắt một lời, dù có khuynh hướng sống thay đổi nhưng tận thâm tâm,con người sống và suy tưởng theo những khung sẵn có, và tệ hại hơn theo điều mà chúng ta gọi là thành kiến.
Tâm thức trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào biến cố được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.
Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước tác động của ơn Chúa?
Xin Chúa tha thứ cho thái độ lạnh nhạt của chúng ta. Xin ban Thánh Thần để chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ Chúa thực hiện trong đời sống và trong những biến cố hằng ngày để chúng ta luôn tin nhận Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 2
“Bởi đâu ông được như vậy ?”
Chúa Giêsu trở về thăm quê hương Nazareth, nhưng bị người đồng hương từ chối.
Họ đã sửng sốt khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy, bởi Người giảng dạy cách khôn ngoan và sâu nhiệm. Nhưng họ cũng sửng sốt vì tông tích của Chúa Giêsu. “Bởi đâu ông được khôn ngoan như vậy. Ông ấy không phải là con bác thợ mộc đó sao?”; và họ vấp ngã vì Người.
Thái độ cứng lòng tin của người đồng hương đã làm Chúa Giêsu khó chịu và Ngài đã lấy câu ngạn ngữ để giáo huấn: “Tiên tri có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi !”.
Những người Nazareth cảm phục lời Chúa Giêsu rao giảng và các phép lạ người làm, nhưng họ lại không tin vào con người của Chúa Giêsu, chỉ vì họ chỉ để ý đến nguồn gốc tầm thường của gia đình Người. Như thế, cái vẻ tầm thường bên ngoài rất dễ che lấp con mắt khách quan của chúng ta, khiến chúng ta khó nhận ra cái giá trị sâu xa bên trong. Điều này nhắc nhở chúng ta: khi tiếp xúc với những giá trị tinh thần, nhất là có tính cách thần thiêng như khi chúng ta gặp gỡ Chúa, cử hành các bí tích, chúng ta cần vượt qua cái vẻ tầm thường và tự nhiên bên ngoài để dùng con mắt đức tin mà nhận ra những giá trị thiêng liêng và cao trọng của những gì thuộc về Thiên Chúa.
Những người Nazareth biết rõ tông tích có tính cách trần thế của Chúa Giêsu, nhưng họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, chỉ vì họ cứng lòng tin. Rút kinh nghiệm, dù biết rõ, hiểu rõ và thấy rõ những gì bên ngoài của các bí tích, nhưng thiếu lòng tin thì việc nhận lãnh các bí tích cũng không hiệu quả tốt cho phần rỗi của chúng ta. Như vậy, giảng dạy nhiều mà không sống điều mình giảng dạy thì cũng vô ích cho phần rỗi của mình!
Chính vì họ không tin nên Chúa Giêsu đã không làm nhiều phép lạ. Muốn được hiệu quả cho phần rỗi thì những việc đạo đức, nhất là khi nhận lãnh các bí tích, chúng ta cần có đức tin đơn sơ và chân thành.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường