Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY NGÀY 10-8-2019

Filled under:

Tài sản của Giáo Hội

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô.

Thật ra, người ta biết rất ít về vị thánh này...
Theo tương truyền, thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của Hoàng đế Velerianô vào thế kỷ thứ 3.
Chuyện kể lại rằng, cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Lôrenxô được giao phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người nghèo. Ngày nay chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.
Sau khi Ðức Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi mình mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo, các bà góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân phát cho họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả các chén thánh dùng trong phụng tự...
Hoạt động bác ái quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho rằng, Giáo Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để cung khai về tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn lại một thời gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội. Trong suốt ba ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô nhi... và cho họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc tuyên bố: "Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội".
Viên thị trưởng đã cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh cho thiêu sống Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú...
Câu chuyện trên đây có thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín hữu thời sơ khai dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh này, chúng ta vẫn có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh thiện ở thời đại nào cũng được định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với lời mời gọi bước theo Ðức Kitô.
Sống và chết cho Ðức Kitô: đó là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức bắt đạo khác nhau: từ những sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự do tín ngưỡng một cách tinh vi.
Có nhiều hình thức tử đạo khác nhau: từ cảnh đầu rơi, máu đổ cho đến những cái chết dần mòn trong nơi lao tù, cũng như những khước từ hy sinh từng ngày mà mỗi người Kitô đang phải trải qua.
Sống trọn vẹn ơn gọi của người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Quyết trí trung thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám dỗ của quyền lực, của tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.
Quyết trí trung thành với Giáo Hội dù phải chịu những phân biệt đối xử, dù phải bị tước đoạt quyền lợi: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


SUY NIỆM 2
 
Đoạn Tin Mừng này thường được chọn đọc trong lễ mừng các thánh tử vì đạo, cụ thể trong thánh lễ hôm nay mừng kính thánh Lôrensô. Theo logic thánh thiêng, ý nghĩa của Tin Mừng hôm nay diễn tả giá trị của hy sinh và hoa trái của nó mang lại. Một hạt lúa gieo xuống lòng đất, thối nát đi để sinh nhiều bông hạt khác; một người dám hy sinh thân mình vì đức tin, thì máu của họ cũng sinh ra nhiều Kitô hữu khác. Tư tưởng này của giáo phụ Tertulianô, nó được ứng nghiệm trong chiều dài lịch sử Giáo Hội. Nhiều người nằm xuống vì đức tin để khai sinh những vụ mùa bội thu cho Hội Thánh Chúa Kitô. 

Chúng ta nhìn thấy điều này trong lịch sử Hội Thánh. Thời sơ khai, biết bao nhiêu Kitô hữu đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Trải qua gần 300 năm bị bắt bớ, những trang sử về các Kitô hữu sống dưới các hang toại đạo, câu chuyện về Thánh Lorenxô tử đạo, hay thánh Agnes, Lucia, và nhiều vị thánh tử đạo trong giai đoạn này cũng dệt thêm nhiều trang bi thương nhưng hào hùng của các Kitô hữu thời đầu. Không có họ, liệu đức tin Kitô giáo có được lưu truyền và lan rộng? 

Giáo Hội Việt Nam cũng không ngoại lệ, máu các anh hùng tử đạo đã dám đổ ra để làm chứng cho đức tin. Ngày hôm nay, có nhiều cơ hội và nhiều dịp để chúng ta tái hiện lại những giai đoạn lịch sử đó. Chúng ta không hiểu tại sao những Kitô hữu đơn sơ đó lại can đảm đến như thế. Thật là một mầu nhiệm, vì Chúa Giêsu là hạt lúa mì đầu tiên đã dám chịu mục nát, dám chết đi cho nhân loại. Chúa Giêsu đã chết trong tay con người, với quyền lực của thế gian, và tưởng chừng cái chết ấy là chiến thắng cho những kẻ không tin vào Người. Nhưng rồi Người đã sống lại. Niềm tin này đã là niềm hy vọng để con người dám đánh đổi cả mạng sống mình để đạt đến một sự sống viên mãn hơn. 

Những Lời Chúa nói, chúng ta phải ghi khắc: “ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”. Còn gì chắc chắn hơn cho chúng ta như thế. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trung kiên theo Chúa, cho dù chúng con có phải chịu nhiều hy sinh, phải đi qua cửa hẹp. Xin đừng để chúng con chùn bước trước khó khăn và những cám dỗ của thế gian. Amen. 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường