Phút cảm nhận Tin Mừng chúa nhật 18 ngày 4/8/2019
“Anh em phải coi chừng, phải giữ khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15).
Ông Trung (Bót) tâm sự: Ngày mới vào nam (1954) người dân Giáo xứ Sơn Lộc chưa có việc làm, nên ai cũng đi bán hàng rong. Hàng rong lúc bấy giờ thường là bánh mỳ, cà-rem, khoai lang, khoai mỳ...
Ông Trung cùng nhiều người bán bánh mỳ. Người ta bán 100 bánh, ông bán 120 bánh. Ông cố gắng hơn người, nên thu nhập cũng có hơn.
Mấy năm sau, nhà ông là căn nhà đầu tiên được lợp tôn, ông nghĩ còn lâu mới có người theo kịp.
Nhưng chỉ một năm sau, nhà nào cũng lợp tôn, mà còn tốt đẹp hơn nhà ông.
Ông nói; Mọi cố gắng của con người đều trở nên vô ích, nếu không biết cậy dựa vào Chúa.
Người phú hộ trong bài dụ ngôn thật đáng khen vì đã cố gắng làm ăn để có được một mùa bội thu. Ông cho rằng với thóc lúa đầy bồ, ông có thể sống an nhàn trong nhiều năm.
Ông đã lầm, ông không thể định đoạt được mạng sống của ông, cũng như không tận hưởng được an nhàn như ông nghĩ.
Ðức Giêsu cho thấy hạnh phúc của con người không phải là có nhiều của cải ở đời này, vì chúng mau qua và không thể mua được sự sống đời đời.
Lạy Chúa, nhiều lúc chúng con cũng khờ khạo như người phú hộ kia, tìm sự bảo đảm cho cuộc sống của mình bằng cách mải mê tích cóp cho có thật nhiều tiền của mà quên đi nỗi lầm than túng thiếu của anh em. Xin giúp chúng con biết dùng của cải đời này để mua lấy sự sống vĩnh cửu, bằng cách chia sẻ, giúp đỡ những anh chị em nghèo khổ chung quanh chúng con. Amen.
Ông đã lầm, ông không thể định đoạt được mạng sống của ông, cũng như không tận hưởng được an nhàn như ông nghĩ.
Ðức Giêsu cho thấy hạnh phúc của con người không phải là có nhiều của cải ở đời này, vì chúng mau qua và không thể mua được sự sống đời đời.
Lạy Chúa, nhiều lúc chúng con cũng khờ khạo như người phú hộ kia, tìm sự bảo đảm cho cuộc sống của mình bằng cách mải mê tích cóp cho có thật nhiều tiền của mà quên đi nỗi lầm than túng thiếu của anh em. Xin giúp chúng con biết dùng của cải đời này để mua lấy sự sống vĩnh cửu, bằng cách chia sẻ, giúp đỡ những anh chị em nghèo khổ chung quanh chúng con. Amen.
Thánh Gioan Baotixita Vianney (1786-1859)
Thật ít người có được sự quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua các trở ngại và đạt được các kỳ công. Thánh Gioan Baotixita Vianney (còn được gọi là Cha Sở họ Ars) là một người có quyết tâm: Ngài muốn trở nên một linh mục. Nhưng trở ngại lớn nhất là ngài không có căn bản học vấn cần thiết.
Sinh ngày 08 tháng 5 năm 1786 tại Dardilly, Lyons, nước Pháp trong một gia đình nông dân đạo đức. Khi còn nhỏ, Gioan đi chăn chiên và phụ giúp gia đình trong công việc đồng áng, không được học hành gì cho đến 20 tuổi. Đang khi theo học các môn đạo, Gioan lại bị động viên vào quân ngũ. Sau thời gian nhập ngũ và trở lại chủng viện, ngài không hiểu nổi các bài học bằng tiếng Latinh nên bị đuổi ra khỏi trường. Nhờ sự giúp đỡ kiên nhẫn của Cha Balley, một linh mục thánh thiện tại làng Ecully gần đó nâng đỡ và dạy thêm riêng, sau cùng Gioan được nhận trở lại và được thụ phong linh mục với nhiều cay đắng năm 1815.
Hầu như chẳng giám mục nào muốn có một linh mục như Gioan, do đó, họ đưa ngài về một giáo xứ hẻo lánh là Ars-sur-Formans trong một làng nhỏ gần Lyons, nước Pháp. Giáo xứ chỉ có 40 gia đình nhưng có đến 4 quán rượu. Khi ngài đến giáo xứ Ars , lúc ấy đã 31 tuổi, hầu như chẳng ai thèm lưu ý. Giáo xứ này đã trở nên nơi đầy ải các linh mục mà ai ai cũng biết. Giáo dân thì thờ ơ với việc đạo đức và thoải mái với nếp sống cố hữu của họ.
Không bao lâu họ thấy có những thay đổi. Khi nhìn trộm qua cửa sổ họ thấy cha sở gầy gò ốm yếu cầu nguyện suốt đêm. Có người thấy ngài vất bỏ các bàn ghế đắt tiền và thay chiếc giường nệm êm ấm bằng các khúc gỗ sần sùi. Cũng có người thấy ngài chia sẻ quần áo cho người ăn xin, và chính ngài chỉ ăn có hai củ khoai mỗi ngày. Một vài người tò mò đến nhà thờ nghe giảng, và họ thấy tiếng nói của ngài như xé vào tai nhưng có sức đánh động tâm hồn. Từ tò mò dẫn đến nghi vấn. Có thể nào đây là một linh mục đích thực? Và nhà thờ bắt đầu đông người trở lại.
Cha Gioan đã trở nên một phần tử của cộng đồng nhỏ bé ấy. Mỗi ngày ngài đi thăm các giáo dân, những người nghèo khó, già yếu, bệnh tật và lắng nghe những ưu tư của họ. Ngài không hiểu tiếng Latinh nhưng ngài rất hiểu các nỗi khó khăn của đời sống người dân. Do đó, sau mười hai năm, hầu như mọi người trong tỉnh đều tham dự Thánh Lễ hàng ngày và các nông dân vừa lần chuỗi vừa cầy cấy nơi đồng áng. Ngài thường cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể.
Nhận xét về sự cầu nguyện chung trong phụng vụ, cha Gioan Vianney cho biết: “Cầu nguyện riêng giống như cọng rơm rải rác đó đây: Nếu bạn đốt lên nó chỉ tạo thành ngọn lửa nhỏ. Nhưng gom các cọng rơm ấy lại và đốt lên, bạn có được ngọn lửa lớn, vươn lên cao như một cột lửa đến tận trời xanh; cầu nguyện chung thì cũng giống như vậy.”
Sự thay đổi không phải dễ dàng. Những dèm pha, đàm tiếu, chụp mũ Cha Gioan cũng không thiếu. Ðối phó với những người ấy, ngài chỉ im lặng và nhẫn nhục chịu đựng.
Công việc giải tội là thành quả đáng kể nhất của Cha Gioan. Khi mới chịu chức linh mục, ngài không được phép giải tội vì học lực quá kém. Nhưng ở họ đạo Ars, điều giáo dân lưu tâm là ngài có khả năng thấu suốt linh hồn họ, khuyên bảo họ một cách chân thành với tấm lòng quý mến.
Dân chúng từ khắp Âu Châu đổ về tỉnh nhỏ xíu ấy chỉ để xưng tội. Trong những tháng mùa đông, ngài phải mất từ 11 đến 12 tiếng đồng hồ để đưa người ta về với Thiên Chúa. Trong mùa hè, thời gian giải tội lên đến 16 tiếng. Ðó là chưa kể cảnh giáo dân, vì quá ái mộ ngài nên họ luôn rình rập để cắt áo, cắt tóc và lấy trộm mũ của ngài làm kỷ niệm. Nhưng các điều ấy không tệ hại cho bằng cứ phải nghe những câu chuyện đau lòng trong toà giải tội. Nếu một người không quyết tâm sống ơn gọi linh mục thì không thể nào chịu đựng nổi sự hy sinh bền bỉ như vậy.
Với thân hình mảnh khảnh nhưng gánh nặng quá lớn vì yêu quý các linh hồn, sức khoẻ của ngài ngày càng sa sút. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngài tìm cách trốn khỏi giáo xứ để có chút thời giờ tĩnh dưỡng, nhưng cả xứ biết tin đã tìm cách chặn đường ngài. Bất chấp điều ấy, ngài lên đường trở về quê nhà nhưng cả đoàn người hành hương lại theo ngài đến đó. Biết rằng không thể nào được yên thân, ngài trở về họ đạo. Ngài từ trần ngày 4 tháng 8 năm 1859 sau cơn bệnh nặng, hưởng thọ 73 tuổi.
Bốn mươi lăm năm sau, ngày 17 tháng 6 năm 1904, thi hài cha sở họ Ars đã được cải lên trong tiến trình tôn phong Chân Phước. Người ta nhận thấy thi hài của ngài vẫn còn nguyên vẹn, tuy khô đét và sạm đen. Gương mặt vẫn còn có thể nhận ra rõ ràng, chỉ bị một chút ảnh hưởng của cái chết mà thôi. Sau đó thi hài được mặc lễ phục mới. Chuỗi Mân Côi bằng ngọc thạch được quấn quanh các ngón tay sạm đen. Mặt được bảo vệ bằng một mặt nạ sáp. Vào ngày 02 tháng 4 năm 1905, các người cao niên tại xứ Ars, những người rất quen biết cha thánh đã được xem xác thánh của ngài – thánh tích mà ngày nay các tín hữu hành hương đến kính viếng – họ đã bật khóc và reo lên: “Ôi, Đúng thật là ngài đây mà!”
Cũng trong năm ngài được tôn phong Chân Phước, trái tim còn lành nguyên của đấng thánh được lấy ra và đặt trong một hòm rất xinh đẹp tại đền thánh Trái Tim Cha Sở Họ Ars. Chiếc hòm kiếng lộng lẫy để thi hài đấng thánh được các linh mục khắp nơi trên thế giới đóng góp được đặt trên một bàn thờ trong vương cung thánh đường nối liền với ngôi nhà thờ cũ trước kia của giáo xứ Ars. Các thánh lễ hằng được các linh mục hành hương cử hành liên tục suốt những tháng mùa hè tại bàn thờ này.
Ngôi nhà thánh nhân đã từng sống tại giáo xứ Ars vẫn còn được bảo quản và được bày biện giống như khi thánh nhân còn sinh tiền. Người ta thấy trên các bức vách có những bức ảnh mà cha thánh đã treo lên trước kia. Ngoài ra còn cả các vật dụng cá nhân của ngài như sách nguyện, tràng hạt thánh nhân thường dùng, một hình cụ đánh tội vẫn còn bết máu và chiếc giường đã bị cháy xém, hậu quả của một lần ma quỉ quấy phá.
Khi còn là một sinh viên chủng viện, cha thánh Gioan Maria Vianney đã rất gian nan mới được chịu chức linh mục, nhưng ngài lại sống ơn thiên triệu ấy một cách rạng ngời. Ngài được Đức Giáo Hoàng Leo XIII ghi tên vào sổ Các Đấng Đáng Kính của Giáo Hội ngày 26 tháng 7 năm 1896. Đức Thánh Giáo Hoàng Pius X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 08 tháng 01 năm 1905 và hai mươi năm sau Đức Giáo Hoàng Pius XI đã nâng cha Gioan Maria Vianney lên hàng hiển thánh ngày 31 tháng 5 năm 1925 và đến năm 1929, ngài được tôn nhận làm quan thầy tất cả các linh mục coi xứ khắp thế giới.