Sự nghèo khó
Mọi quốc gia đều lấy sự giàu mạnh làm lý tưởng. Ai cũng mơ ước và cố gắng làm sao cho dân giàu nước mạnh. Vậy mà chỉ có Nước Trời xem ra lại chỉ muốn có sự nghèo khó.
Thực vậy sự nghèo khó gắn liền với Nước Trời, đó là điều đã được Chúa Giêsu công bố: Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Bài Tin Mừng hôm nay cũng nhắc cho chúng ta cái mối tương quan bất khả phân ly giữa Nước Trời và sự nghèo khó ấy: Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm cho mình kho tàng ở trên trời, nơi không có trộm cắp bén mảng và cũng chẳng có mối mọt đục phá. Lý do của sự gắn bó giữa Nước Trời và sự nghèo khó không phải như nhiều người vẫn nghĩ là vì Nước Trời thuộc về trật tự siêu nhiên, một thực tại đối lập với thực tại trần thế. Cái lối suy nghĩ như thế không giúp ích gì để soi sáng cho chúng ta hiểu được mầu nhiệm Nước Trời, trái lại nó còn làm cho lu mờ khó hiểu thêm, hay nói đúng hơn, nó xuyên tạc hoàn toàn ý nghĩa của mầu nhiệm đó.
Không phải vì Nước Trời là một thực tại thuộc về tâm linh mà đối lập và chống lại thực tại vật chất. Trái lại, giữa hai thực tại vẫn có một sự liên tục: giữa trần gian và Nước Chúa. Giữa trời đất đang có và trời mới đất mới đang hình thành có một liên hệ không thể nào tách biệt. Điều đó phần nào cũng giống như mối liên hệ giữa con sâu hiện tại và cánh bướm của tương lai, giữa hạt thóc hôm nay và bông lúa của ngày mai.
Vì thế, khó nghèo ở đây trước hết, không phải là chủ trương không có gì, và nhất là không phải chỉ dừng lại ở chuyện không có của cải vật chất. Sự nghèo khó ở đây phải là một sự nghèo khó tuyệt đối, một sự nghèo khó trong tâm hồn giống như cái “tiết trực tâm hư” theo lý tưởng của người quân tử Trung Hoa, nghĩa là cái lòng thanh bạch, không tham lam chất chứa gì cho mình. Hay là cái vô ngã của nhà Phật, chủ trương dẹp bỏ tận gốc của tham sân si, là cái tôi. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mình.
Do đó sư nghèo khó này không phải chủ yếu ở chỗ không có gì và không muốn có gì, mà còn là sự từ bỏ cái có mà nhân loại không ai muốn bỏ, tức là cái tôi của mình. Tuy nhiên muốn từ bỏ cái tôi mà lại không muốn từ bỏ những gì thuộc về nó, những gì nó có và bám vào để tồn tại, thì cũng chẳng khác gì muốn dập tắt ngọn lửa mà vẫn còn để cho nó bám vào chất cháy. Bởi đó không ai có thể từ bỏ chính mình mà lại không từ bỏ của cải vật chất cũng như danh vọng và địa vị. Thế nhưng sự từ bỏ ấy không phải để tạo cho mình một sự thanh tĩnh vô vi, một thứ niết bàn nào đó theo quan niệm Phật giáo, nhưng là để dâng hiến theo đòi hỏi của tình yêu, dâng hiến trọn vẹn để phục vụ anh em vì Nước Trời.
Khi yêu nhau, người ta sẵn sàng đem tất cả những gì mình có đến đặt dưới chân người mình yêu, sẵn sàng phó thác đời mình trong tay người mình yêu, sẵn sàng dâng hiến cả mạng sống mình cho người mình yêu, sẵn sàng sống tất cả vì người mình yêu và cho người mình yêu. Người nghèo khó theo chân Chúa Giêsu cũng phải là người hiến dâng trọn vẹn như thế. Chính trong kinh nghiệm ấy mà thánh Phaolô đã nói: Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.