Có bạn hỏi, Tạo Sao Chúa Dựng Nên Con Người?
Trong sách Giáo Lý Công Giáo Tổng hợp như sau: 59. Tại sao Chúa làm ra loài người?
(Theo Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho Giới Trẻ “Youcat”)
Thiên Chúa làm ra con người cho Chúa (GS 24,3), làm ra loài người để chúc phúc cho chúng, cho chúng nhận biết, yêu mến, phục vụ Chúa, sống trong niềm biết ơn Đấng dựng nên mình. Thiên Chúa đã làm ra mọi sự cho con ngườị
67. Thiên Chúa dựng nên con người với mục đích gì ? (Toát Yếu Giáo Lý Công Giáo.)
Thiên Chúa đã dựng nên tất cả cho con người, nhưng con người được dựng nên để nhận biết, phục vụ và yêu mến Thiên Chúa; hầu ở trần gian, họ dâng lên Thiên Chúa mọi thụ tạo mà tạ ơn Ngài, nhờ đó họ sẽ được nâng lên trời sống với Thiên Chúa. Chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập thể mà mầu nhiệm về con người mới thực sự được sáng tỏ. Con người được tiền định để phản ánh hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người, Đấng là “hình ảnh trọn hảo của Thiên Chúa vô hình” (Côlôsê 1:15). (GLCG tóm lược từ số 358-359 ; 381) Hỏi: Đức Chúa Trời dựng nên chúng ta để làm gì?
Thưa: Đức Chúa Trời dựng nên chúng ta để tỏ cho chúng ta thấy Người thiện hảo dường bao, và để cho chúng ta cùng được chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu với Người trên thiên đàng.
“Ðiều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người .” (1 Côrintô 2:9)
Hỏi: Tại Sao Chúa tạo nên hay sinh ra bạn?
Thưa: Chúa tạo dựng bạn để nhận biết Người, để yêu mến Người,và để phụng sự Người trên dương thế này, và để được hưởng hạnh phúc cùng với Người đời đời kiếp kiếp.
“Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo 1993”: (số 358-381)
358. Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự cho con người[4]; còn con người được tạo dựng để phục vụ Thiên Chúa và yêu mến Ngài và dâng lên Ngài toàn thể thụ tạo:
“Vậy ai được tạo dựng sau cùng và được vinh dự dường ấy? Thưa đó là con người, một sinh vật cao cả và kỳ diệu, và đối với Thiên Chúa, nó quý giá hơn mọi thụ tạo; vì con người mà trời, đất, biển và toàn thể thụ tạo được hiện hữu: Thiên Chúa đã tha thiết muốn cứu độ con người, đến nỗi đã không buông tha Con Một của Ngài vì họ: Thiên Chúa cũng không ngừng vận dụng mọi cách để nâng con người lên đặt ở bên hữu Ngài”[5].
359. “Quả thật, chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, mà mầu nhiệm về con người mới thật sự được sáng tỏ”[6]:
“Thánh Phaolô cho chúng ta biết có hai người là nguồn gốc của nhân loại, là ông Ađam và Đức Kitô …. Ađam đầu tiên được tạo dựng là một người lãnh nhận sự sống. Còn Ađam cuối cùng là Đấng thiêng liêng ban sự sống. Người đầu tiên được tạo dựng bởi Đấng cuối cùng, do Đấng này, người đầu tiên lãnh nhận linh hồn để được sống …. Khi tạo dựng Ađam đầu tiên, Ađam cuối cùng đã khắc ghi hình ảnh mình trong đó. Từ đó Ađam cuối cùng đã nhận lấy vai trò và tên gọi của Ađam đầu tiên, để không bỏ mất những gì đã được tạo dựng theo hình ảnh của mình. Ađam đầu tiên, Ađam cuối cùng: Ađam đầu tiên có khởi đầu, Ađam cuối cùng không có kết thúc, bởi vì Đấng cuối cùng này mới thật sự là Đấng đầu tiên, như chính Người đã nói: ‘Ta là Đầu và là Cuốí”[7].
360. Vì cùng xuất phát từ một nguồn gốc chung, tất cả mọi người làm thành một loài người duy nhất. “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại” (Cv 17,26)[8]:
“Cái nhìn kỳ diệu khiến chúng ta có thể chiêm ngắm nhân loại trong sự thống nhất vì cùng có chung một nguồn gốc bởi Đấng Tạo Hoá; trong sự thống nhất về bản tính vì mọi người đều được tạo dựng như nhau, gồm một thân xác vật chất và một linh hồn thiêng liêng bất tử; trong sự thống nhất về mục đích mà mọi người cùng theo đuổi, về nhiệm vụ phải đảm nhận trong cuộc sống này; trong sự thống nhất về nơi cư ngụ là trái đất với những tài nguyên, mà mọi người, do quyền tự nhiên của mình, đều có quyền sử dụng để nuôi dưỡng và phát triển sự sống; sau cùng, trong sự thống nhất về cùng đích siêu nhiên, là chính Thiên Chúa, Đấng mà tất cả đều phải quy hướng về; trong sự thống nhất về những phương thế để đạt tới cùng đích đó; trong sự thống nhất về ơn Cứu chuộc mà Đức Kitô đã thực hiện cho mọi người”[9].
361. Quy luật “của sự con người cần đến nhau và của đức mến”[10], bảo đảm cho chúng ta rằng mọi người thật sự đều là anh em, tuy không loại trừ sự khác biệt rất nhiều giữa các cá nhân, các nền văn hóa, và các dân tộc.
II. “MỘT HỮU THỂ CÓ XÁC CÓ HỒN”
“CORPORE ET ANIMA UNUS”
362. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là một hữu thể vừa có yếu tố thể xác lại vừa có yếu tố tinh thần. Trình thuật Thánh Kinh diễn tả thực tại đó bằng một ngôn ngữ biểu tượng khi khẳng định rằng “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Như vậy con người toàn diện được dựng nên do ý muốn của Thiên Chúa.
363. Trong Thánh Kinh, từ linh hồn thường chỉ sự sống con người[11] hoặc toàn bộ nhân vị[12]. Nhưng từ đó cũng dùng để chỉ cái thâm sâu nhất trong con người[13], giá trị nhất trong con người[14], nhờ đó con người là hình ảnh của Thiên Chúa một cách đặc biệt hơn: “linh hồn” là nguyên lý tinh thần trong con người.
364. Thân xác của con người được dự phần vào phẩm giá là “hình ảnh của Thiên Chúa”: nó là thân xác nhân linh (corpus humanum) chính vì được linh hồn thiêng liêng làm cho sinh động, và toàn bộ nhân vị được đặt định trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần, trong Thân Thể Đức Kitô[15].
“Là một thực thể có xác có hồn, con người, nhờ chính điều kiện có xác của mình, quy tụ nơi mình những yếu tố của thế giới vật chất, cho nên, nhờ con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và có thể tự do dâng lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa. Vì vậy con người không được khinh miệt sự sống thể xác, nhưng trái lại, con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Thiên Chúa tạo dựng và sẽ được sống lại trong ngày sau hết”[16].
365. Sự thống nhất xác hồn thâm sâu đến độ linh hồn phải được coi là “mô thể” của thân xác[17]; nghĩa là, nhờ linh hồn thiêng liêng mà thân xác, vốn được cấu tạo bằng vật chất, là một thân xác nhân linh (corpus humanum) và sống động; tinh thần và vật chất nơi con người không phải là hai bản tính được nối kết lại, nhưng sự kết hợp của chúng tạo thành một bản tính duy nhất.
366. Hội Thánh dạy rằng mỗi linh hồn thiêng liêng được tạo dựng trực tiếp bởi Thiên Chúa[18] chứ không phải do cha mẹ “sinh sản”; Hội Thánh cũng dạy chúng ta rằng, linh hồn thì bất tử[19]; linh hồn không hư hoại khi lìa khỏi xác trong giờ chết, và sẽ tái hợp với thân xác trong ngày sống lại sau hết.
367. Đôi khi linh hồn được phân biệt với tinh thần. Chẳng hạn thánh Phaolô cầu nguyện để trọn con người chúng ta: “tinh thần, linh hồn và thân xác” được gìn giữ, “không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm” (1 Tx 5,23). Hội Thánh dạy rằng sự phân biệt này không đem lại sự nhị phân trong linh hồn[20]. Từ “tinh thần” muốn nói là con người, ngay từ khi được tạo dựng, đã được quy hướng về cùng đích siêu nhiên của mình[21], và linh hồn của con người có khả năng được nâng lên cách nhưng không để hiệp thông với Thiên Chúa[22].
368. Truyền thống linh đạo của Hội Thánh cũng nhấn mạnh đến trái tim, mà theo ý nghĩa của Thánh Kinh, là nơi “thâm sâu thân mật” (“trong đáy lòng”: Gr 31,33), đó là nơi con người quyết định theo hoặc không theo Thiên Chúa[23].
III. “THIÊN CHÚA ĐÃ TẠO DỰNG CON NGƯỜI CÓ NAM CÓ NỮ”
“MASCULUM ET FEMINAM CREAVIT EOS”
Thiên Chúa muốn con người bình đẳng nhưng khác biệt nhau
369. Người nam và người nữ được tạo dựng, nghĩa là họ hiện hữu do ý muốn của Thiên Chúa: một đàng, họ hoàn toàn bình đẳng với tư cách là những nhân vị; đàng khác, họ là nam và là nữ theo cách hiện hữu riêng. “Là người nam”, “là người nữ”, đều là thực tại tốt lành do ý muốn của Thiên Chúa: người nam và người nữ có một phẩm giá không thể mất được, do Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, trực tiếp ban cho họ[24] . Người nam và người nữ, với cùng một phẩm giá, đều là “hình ảnh của Thiên Chúa”. “Là người nam” hay “là người nữ”, họ đều phản ánh sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Đấng Tạo Hoá.
370. Đừng diễn tả Thiên Chúa theo hình ảnh loài người. Ngài không là nam, cũng không là nữ. Thiên Chúa là thuần tuý thiêng liêng, trong tính thiêng liêng đó không có chỗ cho sự phân biệt phái tính. Nhưng “những nét hoàn hảo” của người nam và người nữ phản ánh một chút nào đó sự trọn hảo vô biên của Thiên Chúa: những hoàn hảo của người mẹ[25], của người cha và người chồng[26] cũng vậy.
“Cho nhau” _ “Tuy hai mà một”
371. Người nam và người nữ, được tạo dựng đồng thời, được Thiên Chúa muốn là người này phải sống cho người kia. Lời Chúa muốn chúng ta hiểu điều đó qua nhiều câu Thánh Kinh: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Không một con vật nào có thể là “tương xứng” với con người[27]. Thiên Chúa lấy xương sườn người nam tạo thành người nữ và dẫn đến cho người nam; vừa trông thấy người nữ, người nam phải thốt lên một tiếng thán phục, một lời reo mừng của tình yêu và của sự hiệp thông: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Người nam nhận ra người nữ như một “cái tôi” khác của cùng bản tính nhân loại.
372. Người nam, và người nữ được tạo dựng “người này cho người kia”: không phải Thiên Chúa đã tạo dựng họ “chỉ có một nửa” và “không đầy đủ”; Thiên Chúa đã tạo dựng họ để họ hiệp thông các ngôi vị, trong đó mỗi người có thể thành “sự trợ giúp” cho người kia, bởi vì một đàng, họ là những nhân vị bình đẳng với nhau (“xương bởi xương tôi …”) và đàng khác, là người nam và là người nữ, họ bổ túc cho nhau[28]. Trong hôn nhân, Thiên Chúa đã kết hợp họ đến độ, một khi nên “một xương một thịt” (St 2,24), họ có thể lưu truyền sự sống con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 1,28). Người nam và người nữ, với tư cách là đôi vợ chồng và cha mẹ, khi lưu truyền sự sống con người cho dòng dõi mình, một cách độc đáo, cộng tác vào công trình của Đấng Tạo Hoá[29].
373. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, người nam và người nữ có ơn gọi để làm chủ trái đất[30] với tư cách là “những người quản lý” của Thiên Chúa. Quyền làm chủ này không được trở thành một sự thống trị độc đoán và phá hoại. Vì là hình ảnh của Đấng Tạo Hoá, “Đấng yêu thương mọi loài hiện hữu” (Kn 11,24), người nam và người nữ được kêu gọi tham dự vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với các thụ tạo khác. Do đó, họ có trách nhiệm về trần gian mà Thiên Chúa đã giao phó cho họ.
IV. CON NGƯỜI TRONG VƯỜN ĐỊA ĐÀNG
HOMO IN PARADISO
374. Con người đầu tiên không những được tạo dựng là tốt lành, mà còn được sống trong tình thân nghĩa với Đấng Tạo Hóa của mình, trong sự hài hòa với chính mình và với vạn vật xung quanh. Tình thân nghĩa và sự hài hòa này chỉ thua kém vinh quang của công trình tạo dựng mới trong Đức Kitô.
375. Hội Thánh, khi giải thích một cách chính thống ngôn ngữ biểu tượng của Thánh Kinh dưới ánh sáng của Tân Ước và Truyền Thống, dạy rằng: nguyên tổ chúng ta, ông Ađam và bà Evà, đã được tạo dựng trong tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy[31]. Ân sủng của sự thánh thiện nguyên thủy đó là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa[32].
376. Mọi chiều kích của đời sống con người được củng cố bằng sự rạng ngời của ân sủng này. Bao lâu còn sống thân mật với Thiên Chúa, con người sẽ không phải chết[33], cũng không phải đau khổ[34]. Sự hài hòa nội tâm nơi mỗi nhân vị, sự hài hòa giữa người nam và người nữ[35], và cuối cùng là sự hài hòa giữa đôi vợ chồng đầu tiên với toàn thể thụ tạo, tạo nên tình trạng được gọi là “sự công chính nguyên thủy”.
377. “Quyền làm chủ” trần gian mà Thiên Chúa đã ban cho con người ngay từ lúc đầu, được thực hiện trước tiên nơi chính con người, là việc làm chủ chính bản thân mình. Con người còn nguyên vẹn và có trật tự trong chính bản thân, vì còn tự do đối với ba thứ dục vọng[36] khiến con người quy phục các lạc thú của giác quan, sự ham mê của cải trần thế và đề cao chính mình, đi ngược lại những lệnh truyền của lý trí.
378. Dấu chỉ của sự thân thiện của con người với Thiên Chúa là việc Thiên Chúa đặt con người trong vườn địa đàng[37]. Con người sống ở đó “để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15): lao động không phải là một hình khổ[38], nhưng là sự cộng tác của người nam và người nữ với Thiên Chúa trong việc kiện toàn công trình tạo dựng hữu hình.
379. Toàn bộ sự hài hòa của tình trạng công chính nguyên thủy này, mà kế hoạch của Thiên Chúa nhắm dành cho con người, đã bị mất đi vì tội của nguyên tổ chúng ta.
TÓM LƯỢC
380. “Lạy Cha, Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha, và trao cho việc trông coi vũ trụ, để khi phụng sự một mình Cha là Đấng Tạo Hóa, con người cai quản mọi loài thụ tạo”[39] .
381. Con người được tiền định để họa lại hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người – “Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Cl 1,15) để Đức Kitô trở nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc[40] .
382. Con người là “một hữu thể có xác có hồn”[41] . Giáo lý đức tin xác quyết rằng linh hồn thì thiêng liêng và bất tử, được Thiên Chúa tạo dựng cách trực tiếp.
383. “Thiên Chúa không tạo dựng con người đơn độc:ngay từ đầu, ‘Ngài sáng tạo con người có nam có nữ’ (St 1,27), sự chung sống của họ đã tạo nên hình thức đầu tiên của sự hiệp thông giữa các ngôi vị”[42] .
384. Mạc khải cho chúng ta biết tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thuỷ của người nam và người nữ trước khi phạm tội:do tình thân nghĩa của họ với Thiên Chúa mà cuộc sống của họ trong vườn địa đàng được hạnh phúc.
10/2/2015 Sóng Biển
|