Nhập nguyện
Xin cho con biết cầu nguyện để Đấng Phục Sinh sống trong con.
Suy chiêm
1. Cầu nguyện thế nào để Chúa Ki-tô có thể sống trong ta
a. Đừng chiêm ngắm Đức Ki-tô như người ở ngoài ta mà phải thấy Người ở trong ta (38:1-5).
JL 38:1-5: Hiện hữu của bạn phải mang chiều kích mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Bạn muốn gặp gỡ Ngài khi cầu nguyện và theo gương Ngài trong cuộc sống, bạn muốn khám phá Ngài trong các biến cố, nhận ra bộ mặt Ngài trong một mối tương quan thân tình, vác Thập giá theo Ngài và đi sâu vào Vương quốc các mối phúc.
Vì sao bạn chiêm ngưỡng Chúa Giê-su? Tin Mừng không nhắm dạy bạn lịch sử của Ngài, nhưng cho bạn nhận biết Ngài trong đức tin và đức mến. Dẫu vậy Chúa Giê-su vẫn còn là ai đó bên ngoài ảnh hưởng bạn một cách gián tiếp.
Bạn không đọc Tin Mừng như đọc sách Khổng để biết tư tưởng một người ảnh hưởng trên người khác như thế nào. Chúa Giê-su có ảnh hưởng khác hẳn, vì Ngài là Con Thiên Chúa đã nhập thể và đã sống lại. Ngài đi vào con tim của thế giới này và của con người. Từ khi Ngài mặc lấy thân xác loài người, chỗi dậy từ cõi chết, thế giới này đã ra khác. Ngài thật sự vẫn còn sống giữa loài người chúng ta. Ngày nay chúng ta không thể nói đến Thiên Chúa mà không liên hệ đến con người, và ngược lại. Không thể đụng chạm đến con người mà không đụng chạm đến Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là biết Đức Giê-su, là bắt chước từ lời nói đến việc làm một ai đó ở bên ngoài. Từ khi bạn được dìm vào trong sự chết vinh hiển của Chúa Giê-su, thì sự sống của Ngài đã thâm nhập vào bạn. “Nếu ta đã nên đồng hình với sự chết của Ngài, thì ta cũng sẽ được đồng dạng với sự sống lại của Ngài” (Rm 6,5). Bạn cùng một hữu thể với Chúa Giê-su, nên trong chiều sâu hữu thể của bạn, một sự biến đổi toàn diện đang xảy ra, sâu xa đến nỗi những mối giây liên kết bạn với Chúa Giê-su bền chắc hơn mọi mối giây liên kết bạn với bất cứ ai trên cõi đời này. Bạn tin và sống mầu nhiệm trọn vẹn của Đức Giê-su Ki-tô.
Bạn thân thiết với Chúa Giê-su đến nỗi nên một với Ngài (identification) và nhập thân với Ngài (incorporation): Cả đời bạn nỗ lực tháp nhập vào Thân mình Chúa Giê-su và Chúa Thánh Linh mới có thể hình thành bản vị Đức Giê-su nơi bạn.
b. Cầu nguyện thế nào để ta nên giống Chúa Ki-tô hơn là bắt người nên giống ta (6-9).
JL 38:6-9: Đời sống cầu nguyện ra khác khi bạn khám phá Đức Giê-su đang sống trong bạn (Gl 2,20) sống thật trọn vẹn hơn chính bạn sống nữa. Chúa Giê-su không sống trong bạn để đồng hóa với bạn mà Ngài biến hóa bạn nên Lời Ngài và Thân Mình Ngài. Thánh Âu-tinh nói là “bạn trở thành điều bạn ăn”.
Khi cầu nguyện, hãy chìm sâu trong bản thân bạn và trong lòng thế giới để khi chỗi dậy, bạn nhận ra Con Thiên Chúa, bạn nên một với Chúa Ki-tô. Vậy tại sao đi tìm Ngài ở nơi khác, bên ngoài bạn? Ki-tô hữu là người được Chúa Ki-tô choán hết từ trong nội tâm: Hãy để Ngài suy nghĩ, quyết định, yêu mến bằng trí óc và con tim bạn.
Cầu nguyện là hiện hữu mỗi giây phút trong mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Ki-tô. Bạn sống “Nhờ Người, với Người và trong Người”, mọi giây phút đời bạn, chung hiệp với mọi anh chị em.
Càng chiêm ngưỡng Chúa Giê-su, bạn càng được biến đổi để trở nên giống Ngài, với điều kiện phải sống như Ngài đã sống, hiến trọn bản thân cho Cha và cho đồng loại. Chung hiệp với Chúa Giê-su là nguồn suối duy nhất của cầu nguyện, nhờ Ngài bạn được đưa vào chiều sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giê-su sống trong bạn nhờ Thánh Thần, hướng dẫn bạn đến gần Chúa Cha. Hãy xóa mình đi để Đức Ki-tô choán hết chỗ, để Ngài chung hiệp với Cha nơi bạn. Mầu nhiệm vô tận dìm bạn trong thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa.
- Cầu nguyện với Đấng Phục Sinh (39:3).
JL 39:3: Đã đến lúc phải cầu nguyện với mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô, không những trong chiều kích lịch sử mà trong chiều kích phổ quát và hiện đại. Đức Ki-tô đã chết và sống lại, nay đang ở với loài người qua mọi thời đại, Ngài thấu hiểu những gì sâu thẳm nhất nơi con người. Trong bí tích Thánh Thể Ngài gặp gỡ bạn. Thánh Thể là trung tâm đời người Ki-tô hữu và trọng tâm của Thánh Thể là cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô. Sở dĩ ngày nay chúng ta cử hành nghi lễ tưởng niệm là vì đã có thứ Sáu Tuần Thánh và ngày Phục Sinh. Ba biến cố này liên đới với nhau, nhưng khi cầu nguyện bạn lần lượt chiêm ngắm từng biến cố để thấm nhuần các chân lý và suy ra điều bạn phải làm.
- Chiêm ngắm tình yêu của Đấng Phục Sinh đã chết vì yêu (39:4-5).
JL 39:4-5: Khi chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ, lời cầu nguyện của bạn đổi cung điệu. Bạn đã nghe giảng huấn của Chúa Giê-su. Con tim bạn đã được Lời Chúa soi sáng để biết điều phải làm. Bây giờ bạn không bận tâm lo cho mình nữa, mà chỉ muốn ngắm nhìn bản vị Chúa Ki-tô trong thái độ hiện sinh của Ngài, có thể tóm kết bằng một lời của Chúa Giê-su “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Bạn chiêm niệm một thực tại duy nhất: tình Chúa Ki-tô, yêu nhân loại. Trong bữu Tiệc Ly cũng như trên Thập giá, chỉ còn tình yêu Chúa Giê-su phó mình cho Cha và cho bạn. Hãy đón nhận tình yêu của Ngài. Cuộc sống của bạn đã được Chúa Ki-tô bảo lãnh, vì vậy mà nó có một chiều kích vĩnh cửu.
- Xóa mình trong cầu nguyện (39:6).
2. Phải có thái độ nào khi thấy trái tim ta cứng cỏi? (39:6b-7).
JL 39:6b-7: Khi chiêm niệm như vậy, bạn nghiệm được trái tim cứng cỏi và khô cằn của bạn trước tình yêu vô biên của Chúa Giêsu trong cuộc Tử Nạn, và thấy rõ khoảng cách xa vời giữa Chúa Ki-tô và bạn.
Hãy chấp nhận mình nghèo nàn, khốn cùng, bất lực trước mặt Ngài, hãy biến đau khổ của bạn thành một lời van nài, để đến buổi bạn được Chúa cho cảm nghiệm tình yêu Ngài dành cho bạn. Lời cầu nguyện trở nên đơn sơ giản dị. Hãy đọc một bản tường thuật cuộc Thương Khó, đừng lưu ý đến những chi tiết mà chỉ ngắm nhìn Chúa Giê-su mà thôi. Xin Thánh Thần, Đấng đã thúc đẩy Chúa Giê-su phó mình cho Cha ban cho bạn một chút tình yêu của Ngài. Phải chờ ròng rã nhiều năm để một chút tình yêu nẩy sinh trong lòng bạn và không để bạn nghỉ ngơi. Lúc đó bạn sẽ yêu mến Chúa Giê-su như Ngài yêu mến bạn.
Kết nguyện