Bất đồng là điều thường xảy ra trong các quan hệ gia đình. Dẫu người ta có tương đồng hoặc thông cảm với nhau cách mấy, cũng có lúc tư tưởng, hành động hoặc ý thích của mỗi người khác nhau. Một cuộc nghiên cứu với 52 gia đình về sự xung khắc giữa những người thân ghi nhận, trung bình cứ mỗi bữa cơm gia đình, người ta có hơn ba ý kiến xung đột nhau (S. Vuchinich, Journal of Mariage and the Family 49, 1987). Khi tôi tỏ vẻ bất bình với đứa con vì kiểu tóc của nó, hoặc khó chịu vì người phối ngẫu lỡ một cuộc hẹn nha sĩ, bực mình vì thấy khăn tắm vất bừa bãi trên nền nhà ... là tôi đã tạo ra sự bất đồng. Nhưng sự bất đồng cũng có thể rắc rối trầm trọng hơn do cách cư xử hoặc đối thoại của những thành viên gia đình. Sự xung đột, vì vậy, là sự khác biệt nghiêm trọng gây căng thẳng mối tình cảm của những người liên hệ. Nhưng khi sự xung đột xảy ra, bạn có đổ lỗi cho hoàn cảnh hay do người khác chứ không phải do mình? Và tất nhiên bạn có quyền tức giận? Chúng ta phải công nhận rằng, sự giận dữ không hoàn toàn là tiêu cực mà nhiều khi nó cũng mang lại lợi ích vì giúp cho người khác hiểu rõ mình hơn, cũng như nhằm biểu lộ sự quan tâm của mình. Một người không biết nóng giận có thể bị cho là người bàng quan, vô tâm vô cảm. Thông thường chúng ta được căn dặn phải biết kềm chế và đừng vội phản ứng khi nóng giận vì “giận mất khôn”. Tuy nhiên, làm sao để biểu lộ sự nóng giận của mình mà không làm tổn thương quan hệ đối với người khác? Triết gia Aristotle nói, “Nổi giận là điều dễ làm. Nhưng giận đúng người, đúng chỗ, đúng lý, đúng lúc là điều không dễ làm”. Chúng ta cần nhận thức rằng sống chung với người khác, dẫu đó là thân thích cật ruột, nhất là với con cái ở tuổi dậy thì, là một thách đố vì bạn phải hài hoà, tùy thuộc vào họ, cũng như bạn có thể bị làm phiền, bị mất tự do, phải làm thêm việc, dễ bị gây căng thẳng. Khi giải quyết xung đột, trước hết bạn cần đặt cho mình một mục tiêu, đó là quyết tâm thăng tiến mối quan hệ với người thân. Để được như thế, bạn phải cởi mở và chân thành trong đối thoại, cũng như sẵn sàng áp dụng các sáng kiến và phương thức ôn hoà để giải quyết vấn đề. Bạn cũng cần để ý những thái độ thường dẫn đến bế tắc như tự bào chữa hoặc nại các lý do để tránh lãnh nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác, ù lì, cứng đầu bất chấp lẽ phải, hoặc phàn nàn, than vãn, lắm lời. Đồng thời, trong đối thoại và thương lượng, bạn cần lưu ý các điểm sau:
§ Bạn có quyền nói điều bạn muốn nói, nhưng bạn không thể dùng lời lẽ xúc phạm, cộc cằn, hay đe doạ.
§ Để cuộc trò chuyện giữa hai bên có hiệu qủa, mỗi người cần biết lắng nghe người đối diện phát biểu và đừng cố thuyết phục họ theo lập trường của mình.
§ Một cuộc đối thoại tử tế đòi hỏi sự tương nhượng và dung hoà. Nếu cuộc tranh luận có kẻ thắng người thua, cuộc đối thoại thân tình đó đã bị làm hỏng.
§ Không để cho cuộc đối thoại gây phương hại đến mối quan hệ của bạn.
Vì vậy, khi bạn thấy chiếc khăn tắm vất bừa bãi trên nền nhà, thay vì dùng lối nói phê bình đặc tính của người đối diện, bạn hãy cho họ biết một cách cụ thể vì sao bạn bực mình. Dùng lối nói “lấy tôi làm chủ từ” (I message); ví dụ như, thay vì nói, “Bê bối! Em lười qúa!”, bạn hãy nói, “Anh cảm thấy bực mình khi thấy khăn ướt vất trên thảm!” Đây là lối nói bộc lộ cảm xúc, có thể người nghe sẽ chưa lượm chiếc khăn ướt đó ngay, nhưng câu nói giúp bạn hả cơn khó chịu của mình.
Biểu lộ cảm xúc mà không làm nhục người khác là điều khó làm. Nó đi ngược lại với thói quen đã ăn sâu trong cách chúng ta thường phản ứng khi bị người khác gây bất bình. Nhưng chúng ta phải học cách nói mới để tránh gây thương tổn trong quan hệ với người yêu thương.
Một khi bạn biết dùng ngôn ngữ và cách diễn đạt mới, bạn đã gia tăng khả năng kiểm soát chính bạn và có hiệu qủa hơn trong cách giải quyết những bất đồng.- |