Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

GIÁO DỤC LÒNG HIẾU THẢO CHO CON CÁI

Filled under:

1. LỜI CHÚA:
Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ (Hc 3,3-7).

2. CÂU CHUYỆN:
Một chàng thanh niên nộp đơn xin làm giám đốc quản trị của một công ty lớn. Viên Tổng giám đốc công ty trực tiếp phỏng vấn thấy học bạ của anh ta từ nhỏ tới lớn năm nào cũng được xếp vào lọai giỏi và xuất sắc liền hỏi “Từ nhỏ đến lớn anh đã nhận được bao nhiêu học bổng ?” Anh ta đáp “Thưa ngài, tôi không nhận được bất cứ một học bổng nào”. Viên Tổng giám đốc lại hỏi: “Thế thì cha anh phải trả học phí hằng năm cho anh ?” Chàng thanh niên đáp “Cha tôi mất khi tôi mới được một tuổi. Mẹ tôi mới là người đứng ra trả học phí cho tôi”. Khi được hỏi về nghề nghiệp của bà mẹ, anh ta đáp “Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo thuê cho khách hàng”. Viên giám đốc yêu cầu anh ta giơ hai bàn tay của anh cho ông xem. Thấy hai bàn tay của anh trắng trẻo mịn màng liền hỏi anh có bao giờ giúp mẹ giặt áo quần cho khách chưa và nghe anh trả lời: “Chưa bao giờ. Mẹ tôi chỉ yêu cầu tôi phải chuyên cần học tập. Đàng khác bà giặt ủi áo quần nhanh hơn tôi”. Sau đó, viên Tổng giám đốc yêu cầu anh về nhà lau sạch đôi bàn tay của mẹ rồi hôm sau phải đến báo cáo việc làm này.

Khi về đến nhà, chàng thanh niên đã yêu cầu mẹ cho anh được lau sạch đôi bàn tay của bà. Khi ấy bà mẹ cảm thấy có điều chi khác thường. Bà vừa vui mừng vừa e dè đưa đôi tay cho con trai rửa lau. Chàng thanh niên đã cẩn thận dùng nước sạch lau rửa đôi tay của mẹ. Vừa lau, nước mắt chàng tự nhiên trào ra khi tận mắt thấy đôi bàn tay gầy guộc nhăn nheo và nhiều vết bầm tín đau nhức của bà, đến nỗi nhiều lần bà rùng mình khi tay anh chạm nhẹ đến. Lần đầu tiên trong đời, anh mới có dịp suy nghĩ về công ơn của mẹ: Chính nhờ đôi tay này mà anh mới có tiền đóng học phí để học thành tài như bây giờ. Những vết bầm trên hai bàn tay kia chính là cái giá mà mẹ anh đã phải trả cho văn bằng tốt nghiệp, cho những điểm xuất sắc trong học bạ và cho tương lai sau này của anh. Sau đó anh lặng lẽ giặt hết số áo quần còn lại. Tối hôm ấy, hai mẹ con đã tâm sự rất lâu mới đi ngủ.

Hôm sau, khi viên Tổng giám đốc thấy những giọt nước mắt chưa ráo hết trên đôi mắt thâm quầng của anh liền hỏi “Anh hãy cho biết cảm tưởng khi rửa tay cho mẹ ?” Anh đáp: “Thứ nhất, bây giờ tôi mới thấm thía về công ơn trời bể của mẹ tôi; vì nếu không có mẹ, chắc chắn tôi sẽ không có được kết quả học tập như hiện nay. Thứ hai, qua việc giúp mẹ giặt quần áo, tôi cảm nghiệm việc giặt quần áo mẹ tôi đã làm trong nhiều năm qua thật không dễ chút nào. Thứ ba, tôi ý thức mình phải làm gì để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục mà mẹ đã làm vì yêu thương tôi”. Bấy giờ ông Tổng giám đốc liền nói: “Anh đã đáp ứng đúng theo yêu cầu mà một giám đốc quản trị phải có. Tôi muốn tuyển dụng một con người có lòng biết ơn các nhân viên dưới quyền, kiên nhẫn chịu đựng thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được trao, và nhất là phải làm việc vì ích lợi của công ty hơn chỉ vì lợi ích riêng của mình. Tôi tuyên bố anh được nhận làm giám đốc quản trị của công ty chúng tôi”.

Từ đó, trong cương vị giám đốc quản trị của công ty, chàng thanh niên đã làm việc rất nhiệt tình và hiệu quả. Anh được các nhân viên dưới quyền kính trọng và sẵn sàng hợp tác. Mọi người đều làm việc vì ích chung của công ty, nhờ đó công ty ngày càng phát đạt thăng tiến.

3. SUY NIỆM
Một số cha mẹ khi gặp nhau thường hay than phiền về việc con cái thờ ơ với gia đình, thiếu lòng hiếu kính và có khi còn tỏ ra “bất hiếu" với cha mẹ. Nhưng người lớn cũng cần phải xét lại về trách nhiệm giáo dục con cái của mình. Vì lòng hiếu thảo của con cái không phải là đức tính tự nhiên nhưng phải nhờ được giáo dục ngay từ bé mới hình thành được. Sau đây là một số gợi ý giúp các bậc cha mẹ thực hành giáo dục lòng hiếu thảo cho con cái:

1) Đứng cưng chiều con thái quá:
Ngày nay khi kinh tế gia đình thăng tiên thì việc cha mẹ lo cho con cái có một cuộc sống no đủ sung túc là điều hợp lý. Chẳng hạn: cha hay mẹ đưa đón con cái đến trường mỗi ngày, lo cho con ăn mặc và có tiền tiêu xài để khỏi thua kém chúng bạn. Tuy nhiên nếu cha mẹ cho con mặc sức ăn chơi và không đòi chúng cộng tác làm việc nhà thì cần phải xét lại. Vì sự cưng chiều, bao bọc thái quá sẽ hình thành tâm lý ỷ nại, lười biếng và lạm dụng tình thương nơi chúng. Nhiều cha mẹ vừa phải kiếm sống cho gia đình, lại vừa phải lo toan mọi việc nhà, đang khi lẽ ra phải phân công cho con, tập cho chúng cộng tác theo lứa tuổi và khả năng, để qua đó giáo dục chúng về lòng hiếu thảo và ý thức trách nhiệm phải góp phần lo cho gia đình.

2) Hãy dạy con hiếu thảo bằng các việc cụ thể:
Lòng hiếu thảo cần được cha mẹ giúp hình thành và phát triển dần dần bằng việc dạy dỗ bằng lời nói và bằng việc phân công phục vụ gia đình cụ thể. Chẳng hạn khi con còn bé, cha mẹ phải dạy con biết nói “cám ơn, xin lỗi”, biết “đi thưa về trình”, biết “mời cơm” ông bà cha mẹ, biết chào hỏi vâng lời, biết năng nói câu: “Con yêu bố, yệu mẹ nhất trên đời”…. Khi chúng sai lỗi cha mẹ phải uốn nắn sửa dạy vào khuôn phép. Khi con lớn khôn, cha mẹ phải tập cho chúng ngòai việc học hành còn biết giúp cha mẹ làm các việc nhà như: quét nhà, lau chùi bàn ghế. Sau bữa cơm, biết thu dọn chén đĩa từ bàn ăn xuống bồn rửa và cùng rữa chén bát với anh chị em hay người giúp việc. Những việc làm trên dần dần hình thành thói quen “nghĩ đến người khác” và sau này chúng sẽ biết chu tòan bổn phận hiếu thảo với cha mẹ. Ngay cả khi nhà có mướn người đến giúp việc, cha mẹ cũng đừng bắt người giúp việc phải làm mọi công việc xứng với đồng lương phải trả, nhưng vẫn đòi con cái phải cộng tác để giáo dục lòng hiếu thảo và giúp con hình thành nhân cách. Cha mẹ nên dạy con cái ý thức rằng: Bất kể gia đình mình giàu có cỡ nào, thì một ngày nào đó cha mẹ cũng sẽ phải già yêu không thể tiếp tục làm việc, và con cái sẽ phải thay thế lo cho gia đình. Dù con cái chúng ta có thể làm việc nhà cách vụng về, nhưng cha mẹ vẫn phải đòi chúng hòan thành công việc và sau đó sẽ giúp chúng khắc phục nhược điểm. Cha mẹ tránh làm thay con và cần sửa dạy nếu chúng không hòan thành nhiệm vụ.

3) Hãy giáo dục con cái bằng lời nói và bằng gương sáng:
Một điều quan trọng là cha mẹ phải nêu gương sáng qua cách ứng xử đối với ông bà nội ngọai. Nếu ông bà ở xa thì năng gọi điện hỏi thăm sức khỏe, mau mắn đến giúp khi ông bà đau ốm hay có việc cần nhờ cậy... Nếu ông bà sống chung nhà thì cha mẹ phải quan tâm giặt giũ quần áo, cơm bưng nước rót, dọn giường ngủ, đối xử lễ phép. Đi xa về, cha mẹ cần chào hỏi, biếu quà bánh cho ông bà trước, rồi mới đến lượt cho quà các con cháu. Nếu ông bà mất sớm thì cha mẹ phải lập bàn kính nhớ ông bà và năng thắp nén nhang trước di ảnh khi đọc kinh tối gia đình. Những lúc gia đình họp mặt vào ngày giỗ tết, cha mẹ nên kể cho con cháu nghe về công ơn của ông bà đã vất và nuôi dạy mình… Chính cách đối xữ hiếu thảo của cha mẹ đối với ông bà sẽ gây ấn tượng sâu sắc trong tâm trí con cái và đến khi cha mẹ già yếu, chúng sẽ biết thể hiện lòng hiếu thảo để đền đáp công ơn cha mẹ.

4) Sóng trước vỗ đâu sóng sau vỗ đó:
Ngày nay một số người lớn thường lơ là, lảng tránh, so đo tính tóan, coi cha mẹ như một gánh nặng để đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng cho nhau. Nên nhớ rằng "Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó” là một quy luật tất yếu: Sau này khi lớn lên con cái cũng sẽ đối xử với cha mẹ theo cách chúng thấy cha mẹ hôm nay đối xử với ông bà.

5) Hãy cầu nguyện cho con cái:
Ngay từ khi mang thai đứa con, bà mẹ đã phải năng cầu nguyện cho đứa con thai nhi của mình được khỏe mạnh và sau này trở thành con ngoan hiếu thảo. Trong việc giáo dục con cái, cha mẹ cần ý thức tầm quan trọng của ơn Chúa giúp để năng nhớ cầu xin cho con mỗi ngày, nhất là khi phải uốn nắn sửa dạy con. Nhờ đó chúng sẽ trở nên con ngoan trò giỏi, nên công dân tốt ngòai xã hội và tông đồ giáo dân nhiệt thành làm chứng cho Chúa.

4. THẢO LUẬN:
1) Qua bài suy niem tren, bạn hãy tự kiểm về cách giáo dục con cái trong gia đình bạn hiện nay ra sao ? Mang lại hiệu quả thế nào ? 2) Trong tuần này bạn sẽ làm gì cụ thể để giáo dục con cái của bạn có lòng hiếu thảo cách hữu hiệu nhất?

5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Xin giúp các bậc cha mẹ chúng con luôn biết phó thác cậy trông vào quyền năng của Chúa trong việc nuôi dạy con cái. Xin cho chúng con năng cầu nguyện và nêu gương sáng cho con cái qua cách ứng xử hiếu thảo với ông bà tổ tiên. Xin cho các bậc cha mẹ chúng con biết áp dụng các phương pháp tâm lý sư phạm để giáo dục con cái chúng con ý thức trách nhiệm phải lo cho gia đình, chu tòan bổn phận với các bậc bề trên trong đạo ngòai đời, để nên con thảo của Chúa Cha noi gương Chúa Giê-su và nên chứng nhân tình thương của Chúa trước mặt người đời.- A-MEN.

boy-praying-on-bed-SCH-r
Nhập nguyện
Xin cho con biết cầu nguyện để Đấng Phục Sinh sống trong con.
Suy chiêm
1. Cầu nguyện thế nào để Chúa Ki-tô có thể sống trong ta
a. Đừng chiêm ngắm Đức Ki-tô như người ở ngoài ta mà phải thấy Người ở trong ta (38:1-5).
JL 38:1-5: Hiện hữu của bạn phải mang chiều kích mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Bạn muốn gặp gỡ Ngài khi cầu nguyện và theo gương Ngài trong cuộc sống, bạn muốn khám phá Ngài trong các biến cố, nhận ra bộ mặt Ngài trong một mối tương quan thân tình, vác Thập giá theo Ngài và đi sâu vào Vương quốc các mối phúc.
Vì sao bạn chiêm ngưỡng Chúa Giê-su? Tin Mừng không nhắm dạy bạn lịch sử của Ngài, nhưng cho bạn nhận biết Ngài trong đức tin và đức mến. Dẫu vậy Chúa Giê-su vẫn còn là ai đó bên ngoài ảnh hưởng bạn một cách gián tiếp.
Bạn không đọc Tin Mừng như đọc sách Khổng để biết tư tưởng một người ảnh hưởng trên người khác như thế nào. Chúa Giê-su có ảnh hưởng khác hẳn, vì Ngài là Con Thiên Chúa đã nhập thể và đã sống lại. Ngài đi vào con tim của thế giới này và của con người. Từ khi Ngài mặc lấy thân xác loài người, chỗi dậy từ cõi chết, thế giới này đã ra khác. Ngài thật sự vẫn còn sống giữa loài người chúng ta. Ngày nay chúng ta không thể nói đến Thiên Chúa mà không liên hệ đến con người, và ngược lại. Không thể đụng chạm đến con người mà không đụng chạm đến Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là biết Đức Giê-su, là bắt chước từ lời nói đến việc làm một ai đó ở bên ngoài. Từ khi bạn được dìm vào trong sự chết vinh hiển của Chúa Giê-su, thì sự sống của Ngài đã thâm nhập vào bạn. “Nếu ta đã nên đồng hình với sự chết của Ngài, thì ta cũng sẽ được đồng dạng với sự sống lại của Ngài” (Rm 6,5). Bạn cùng một hữu thể với Chúa Giê-su, nên trong chiều sâu hữu thể của bạn, một sự biến đổi toàn diện đang xảy ra, sâu xa đến nỗi những mối giây liên kết bạn với Chúa Giê-su bền chắc hơn mọi mối giây liên kết bạn với bất cứ ai trên cõi đời này. Bạn tin và sống mầu nhiệm trọn vẹn của Đức Giê-su Ki-tô.
Bạn thân thiết với Chúa Giê-su đến nỗi nên một với Ngài (identification) và nhập thân với Ngài (incorporation): Cả đời bạn nỗ lực tháp nhập vào Thân mình Chúa Giê-su và Chúa Thánh Linh mới có thể hình thành bản vị Đức Giê-su nơi bạn.
b. Cầu nguyện thế nào để ta nên giống Chúa Ki-tô hơn là bắt người nên giống ta (6-9).
JL 38:6-9: Đời sống cầu nguyện ra khác khi bạn khám phá Đức Giê-su đang sống trong bạn (Gl 2,20) sống thật trọn vẹn hơn chính bạn sống nữa. Chúa Giê-su không sống trong bạn để đồng hóa với bạn mà Ngài biến hóa bạn nên Lời Ngài và Thân Mình Ngài. Thánh Âu-tinh nói là “bạn trở thành điều bạn ăn”.
Khi cầu nguyện, hãy chìm sâu trong bản thân bạn và trong lòng thế giới để khi chỗi dậy, bạn nhận ra Con Thiên Chúa, bạn nên một với Chúa Ki-tô. Vậy tại sao đi tìm Ngài ở nơi khác, bên ngoài bạn? Ki-tô hữu là người được Chúa Ki-tô choán hết từ trong nội tâm: Hãy để Ngài suy nghĩ, quyết định, yêu mến bằng trí óc và con tim bạn.
Cầu nguyện là hiện hữu mỗi giây phút trong mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Ki-tô. Bạn sống “Nhờ Người, với Người và trong Người”, mọi giây phút đời bạn, chung hiệp với mọi anh chị em.
Càng chiêm ngưỡng Chúa Giê-su, bạn càng được biến đổi để trở nên giống Ngài, với điều kiện phải sống như Ngài đã sống, hiến trọn bản thân cho Cha và cho đồng loại. Chung hiệp với Chúa Giê-su là nguồn suối duy nhất của cầu nguyện, nhờ Ngài bạn được đưa vào chiều sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giê-su sống trong bạn nhờ Thánh Thần, hướng dẫn bạn đến gần Chúa Cha. Hãy xóa mình đi để Đức Ki-tô choán hết chỗ, để Ngài chung hiệp với Cha nơi bạn. Mầu nhiệm vô tận dìm bạn trong thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa.
- Cầu nguyện với Đấng Phục Sinh (39:3).
JL 39:3: Đã đến lúc phải cầu nguyện với mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô, không những trong chiều kích lịch sử mà trong chiều kích phổ quát và hiện đại. Đức Ki-tô đã chết và sống lại, nay đang ở với loài người qua mọi thời đại, Ngài thấu hiểu những gì sâu thẳm nhất nơi con người. Trong bí tích Thánh Thể Ngài gặp gỡ bạn. Thánh Thể là trung tâm đời người Ki-tô hữu và trọng tâm của Thánh Thể là cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô. Sở dĩ ngày nay chúng ta cử hành nghi lễ tưởng niệm là vì đã có thứ Sáu Tuần Thánh và ngày Phục Sinh. Ba biến cố này liên đới với nhau, nhưng khi cầu nguyện bạn lần lượt chiêm ngắm từng biến cố để thấm nhuần các chân lý và suy ra điều bạn phải làm.
- Chiêm ngắm tình yêu của Đấng Phục Sinh đã chết vì yêu (39:4-5).
JL 39:4-5: Khi chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ, lời cầu nguyện của bạn đổi cung điệu. Bạn đã nghe giảng huấn của Chúa Giê-su. Con tim bạn đã được Lời Chúa soi sáng để biết điều phải làm. Bây giờ bạn không bận tâm lo cho mình nữa, mà chỉ muốn ngắm nhìn bản vị Chúa Ki-tô trong thái độ hiện sinh của Ngài, có thể tóm kết bằng một lời của Chúa Giê-su “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Bạn chiêm niệm một thực tại duy nhất: tình Chúa Ki-tô, yêu nhân loại. Trong bữu Tiệc Ly cũng như trên Thập giá, chỉ còn tình yêu Chúa Giê-su phó mình cho Cha và cho bạn. Hãy đón nhận tình yêu của Ngài. Cuộc sống của bạn đã được Chúa Ki-tô bảo lãnh, vì vậy mà nó có một chiều kích vĩnh cửu.
- Xóa mình trong cầu nguyện (39:6).
2. Phải có thái độ nào khi thấy trái tim ta cứng cỏi? (39:6b-7).
JL 39:6b-7: Khi chiêm niệm như vậy, bạn nghiệm được trái tim cứng cỏi và khô cằn của bạn trước tình yêu vô biên của Chúa Giêsu trong cuộc Tử Nạn, và thấy rõ khoảng cách xa vời giữa Chúa Ki-tô và bạn.
Hãy chấp nhận mình nghèo nàn, khốn cùng, bất lực trước mặt Ngài, hãy biến đau khổ của bạn thành một lời van nài, để đến buổi bạn được Chúa cho cảm nghiệm tình yêu Ngài dành cho bạn. Lời cầu nguyện trở nên đơn sơ giản dị. Hãy đọc một bản tường thuật cuộc Thương Khó, đừng lưu ý đến những chi tiết mà chỉ ngắm nhìn Chúa Giê-su mà thôi. Xin Thánh Thần, Đấng đã thúc đẩy Chúa Giê-su phó mình cho Cha ban cho bạn một chút tình yêu của Ngài. Phải chờ ròng rã nhiều năm để một chút tình yêu nẩy sinh trong lòng bạn và không để bạn nghỉ ngơi. Lúc đó bạn sẽ yêu mến Chúa Giê-su như Ngài yêu mến bạn.
Kết nguyện