Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Tỏi rất tốt, tỏi mầm còn tốt hơn

Filled under:

Theo kinh nghiệm miệng truyền tai, có lẽ bạn sẽ vất những củ tỏi đi ngay khi thấy chúng mọc mầm xanh. Tuy nhiên từ nay bạn sẽ cần không làm như thế nữa, bởi vì theo các nhà nghiên cứu khoa học thì những củ tỏi mới mọc mầm này lại chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá hơn tỏi tươi.
Từ hàng nghìn năm nay, tỏi đã được xem là một thực phẩm-dược phẩm quý với rất nhiều công dụng, ví dụ như phòng chống các bệnh tim mạch, cao huyết áp, hạ cholesterol, tăng sức đề kháng nói chung, chữa bệnh yếu sinh lý, trị cảm cúm, đau răng, chữa mụn, chống ung thư… Đó là trên các loại tỏi thông thường.
Không có nhiều nghiên cứu thực hiện trên tỏi mọc mầm, nhưng kết quả thu được thì cũng rất ngạc nhiên. Trên các củ tỏi đã mọc mầm, hàm lượng các hoạt tính chống oxi hóa còn vượt trội hơn. Chiết xuất từ loại tỏi này thậm chí có thể bảo vệ tế bào tránh khỏi một số loại tổn thương. Các kết quả thú vị này đã được nhóm nghiên cứu Hàn Quốc công bố trên tập chí Agriculture & Chemistry (1).
Theo dõi sự phát triển của mầm tỏi qua các ngày khác nhau, các tác giả nhận thấy ở tỏi mọc mầm được 5 ngày là tốt hơn hẳn. Như vậy chắc chắn trong quá trình nảy mầm, có những thay đổi đã diễn ra, nhiều cơ chế được hoạt hóa. Kết quả là nhiều chất mang hoạt tính được tạo mới, bao gồm các chất có thể bảo vệ cái mầm non chống lại bệnh tật trong môi trường sống mới lạ.
Trong hạt/củ nảy nầm, một số chất dinh dưỡng có thể tăng lên gấp 30 lần so với bình thường, giúp cơ thể bạn sử dụng các vitamin, khoáng, axit amin và axit béo từ các thực phẩm ăn vào một cách hiệu quả hơn. Do đó, một số chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn hãy làm món tỏi mọc mầm nếu bạn có một góc vườn nhỏ.


Posted By Đỗ Lộc Sơn10:15

Sr Cristina: giọng ca, ơn gọi và mùa chay

Filled under:

Ngày 19 tháng 3 năm 2014, trên kênh truyền hình Italia, đã diễn ra cuộc thi hát chung kết của “The Voice”. Một nữ tu người Italia dành giải nhất, với bài hát nhạc Pop “No One” của tác giả Alicia Keys ngày hôm đó. Mục đích chính của chị khi tham gia chương trình: Loan báo Phúc Âm cho mọi người bằng ca nhạc, “tất cả làm Vinh Danh Thiên Chúa”.
Trước Mùa Chay năm nay ít ngày, kênh truyền hình công giáo “Kto” của Pháp đã có dịp phát sóng về gặp gỡ và trò chuyện với nữ tu Cristina. Dưới đây là những điểm nổi bật nhất của cuộc phỏng vấn, giữa Emmanuel Querry và nữ tu Cristina.
 
Cristina.jpg

[...]
 
Emmanuel Querry (EQ) – Chính Mẹ bề trên đã cho phép Sơ tham gia cuộc thi “The Voice”. Phải chăng, điều đó là mạo hiểm với Mẹ bề trên và cộng đoàn?
 
Nữ tu Cristina (Nt C) – Đúng vậy, đó là một một quyết định rất khó khăn với Mẹ bề trên. Nhưng Mẹ đã tin tưởng tôi, và đặc biệt, Mẹ tin vào lĩnh vực này, điều đã làm cho tôi có ơn gọi trở thành một nữ tu, đó chính là sự ca hát. Sau đó, Mẹ đã nghĩ rằng, sẽ tốt hơn, nếu tôi mang điều đó ra để phục vụ mọi người, và làm chứng cho niềm vui Phúc Âm.
 
EQ – Theo cách đó, Sơ có nhiều lần, làm lay động đến nhiều người, để họ quay lại với Giáo Hội?
 
Nt C – Vâng, tôi có thể làm như thế, và tôi đã nhận được rất nhiều những bức thư tay, rồi thư điện tử và kể từ khi họ nhìn thấy tôi trên chương trình “The Voice”, họ đã tạo ra một nhóm bạn trên Facebook, và những người này đã liên kết với nhau để cầu nguyện, và nhất là, họ đã nối lại mối dây mới với Thiên Chúa.
 
EQ – Mục đích chính của Sơ là chạm đến tâm hồn của những con người đã rời xa Chúa Giêsu?
 
Nt C – Đó là mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chính Ngài mời gọi mỗi chúng ta đến với những người ngoài để truyền giáo. Chính lời mời gọi này đã thúc bách tôi. Chính Đức Giáo Hoàng là người đã mở đường. Tôi, tôi chỉ mang sự ca hát để phục vụ như lời Ngài mời gọi. Kể từ đó, có rất nhiều người đã trở lại và những người khác đến gần với Thiên Chúa.
 
EQ – Sơ, Sơ đã luôn không phải là người tin Chúa...
 
Nt C – Tôi lớn lên và sống trong một gia đình công giáo có những giá trị căn bản của người kitô hữu, những điều đó đã ảnh hưởng tốt đến tôi. Khi còn bé, tôi sùng đạo và tôi cũng đã từng giúp lễ. Nhưng đến khi là một thiếu nữ, dường như tôi chống lại mẹ tôi về việc, không muốn tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Tôi muốn biết tại sao phải tham dự Thánh Lễ. Và tôi đã làm tất cả mọi thứ chỉ vì muốn được hát. Tôi hát ở trong các quán rượu nơi có piano. Tôi đã học hát. Với tôi, tôi chỉ muốn dừng việc học kế toán ở trường đại học. Tôi đã làm được mọi thứ trừ việc tin vào Thiên Chúa. Tôi đã ít nhiều tức giận với Thiên Chúa. Chính Ngài đã đưa nhiều điều đến cho gia đình, những cái mà tôi không muốn Ngài làm.
 
EQ – Cái gì là nhân tố chính để Sơ xích gần lại với Thiên Chúa và trở thành một nữ tu?
 
Nt C – Một hôm, tôi được đề nghị vào vai diễn của Sơ Rosa, trong một bản nhạc kịch và tôi đã đồng ý. Nhưng ở thời điểm bắt đầu, tôi đã vào vai diễn với một thái độ dửng dưng. Tôi đã thực sự không thể kiêm được, bởi vai diễn đó nói về Sơ, về Linh mục, về Thiên Chúa; cái mà tôi không muốn nghe nói tới. Vai diễn này đúng là một thời cơ lớn với tôi. Tôi không hề biết rằng chính Thiên Chúa dùng nhân vật này, giọng ca và điệu múa, để tiếp sau đó đánh động tôi và mang đến cho tôi một thông điệp, đó là mời gọi tôi hiến dâng cuộc đời cho Ngài.
 
EQ – Giữa các sân khấu truyền hình, rồi những cuộc phỏng vấn và biểu diễn: Làm thế nào mà Sơ có thể giữ chu toàn luật sống của một nữ tu?
 
Nt C – Đầu tiên, phải nói rằng trong mọi lúc, đời sống thiêng liêng, đời sống thánh hiến của tôi luôn được ưu tiên và đồng hành bởi gia đình cộng đoàn và các chị em nữ tu khác. Nhờ vậy, đời sống của một nữ tu như tôi vượt qua được tất cả. Tất cả tôi làm cho Thiên Chúa, cho Danh Thánh Ngài. Tôi có thể đi đây đó, tôi có thể hát, tôi có thể đi khắp nơi trên thế giới [...] để làm chứng về sự ủy thác của Thiên Chúa.
 
EQ – Ngày 18 tháng 2 sẽ là Lễ Tro, bắt đầu của Mùa Chay, điều đó mang lại điều gì cho Sơ?
 
Nt C – Mùa Chay là thời gian để sám hối, thời gian đặc biệt với Giáo Hội và trong thời gian này, Thiên Chúa và Giáo Hội giúp chúng ta có khả năng bước lại trên con đường, trên con đường theo Chúa. Mùa Chay là một thời gian quan trọng để sám hối, hơn nữa, chúng ta, những người công giáo chưa bao giờ đi đến cuối cùng của sự sám hối, bởi, mỗi ngày qua đi, chúng ta lại cần có thời gian để sám hối, điều đó, làm cho chúng ta chưa nhận biết ra Ngài.
 
EQ – Mùa Chay cũng muốn nói điều gì với những người sống xa Đức tin?
 
Nt C – Trong Mùa Chay, Thiên Chúa nói với những người đó rằng, Ngài đến ngõ cửa nhà họ và nói: “Cách cửa của Giáo Hội luôn mở”. Ngài ban cho họ những điều có thể, để họ đẩy cánh cửa đó ra và chính Ngài sẽ đón họ ở cửa. Sự chào đón đó, chính thật là luật của Thiên Chúa, luật của Tình Yêu và luật của đón mời.
 
[...]
 

(Vui Mừng - Hy Vọng, WGP.Bùi Chu 27.02.2015/ l1visible.com)

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:44

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Tại sao đi Đàng Thánh Giá?

Filled under:

Đi Đàng Thánh Giá là truyền thống cổ xưa của Giáo hội Công giáo có từ thế kỷ IV, khi các tín hữu hành hương tới Thánh Địa.
Cũng như các truyền thống khác của Công giáo, Đàng Thánh Giá có ý nghĩa sâu sắc và phong phú, nhưng có thể chúng ta không nhận ra tầm quan trọng và không biết cách liên kết với cuộc sống hàng ngày. Đây là 8 lý do chúng ta nên đi Đàng Thánh Giá.
1. Đàng Thánh Giá giúp chúng ta tín thác vào Chúa Giêsu
Thập Giá của Đức Kitô chứa đầy tình yêu Thiên Chúa. Qua Thập Giá, chúng ta thấy lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tín thác vào Chúa Giêsu, hãy tận hiến cho Ngài, vì Ngài không bao giờ làm cho ai thất vọng! Chúng ta chỉ có thể tìm thấy Ơn Cứu Độ nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh.
2. Đàng Thánh Giá đưa chúng ta vào lịch sử
Bạn muốn nên giống Philatô, Simôn Kyrênê, Phêrô, Maria Mácđala? Chúa Giêsu đang âu yếm nhìn bạn và hỏi bạn: “Con có muốn vác thập giá lên Can-vê với Ta không?”. Có khó trả lời không? Và bạn trả lời Ngài thế nào?
3. Đàng Thánh Giá nhắc chúng ta nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu vì chúng ta
Thập Giá của Đức Kitô trĩu nặng vì tội lỗi của nhân loại, trong đó có phần tội lỗi của bạn. Chúa Giêsu chấp nhận vì vâng lời Chúa Cha và vì yêu thương chúng ta. Ngài đang nói với chúng ta: “Hãy can đảm lên! Con không vác thập giá một mình đâu. Ta vác với con mà. Ta đã chiến thắng tử thần, và Ta cho con cả niềm hy vọng và sự sống”.
4. Đàng Thánh Giá thúc giục chúng ta hành động
Thập Giá mời gọi chúng ta từ bỏ mình vì yêu mến Đức Kitô, dạy chúng ta chấp nhận người khác với lòng yêu thương và sự cảm thông – nhất là đối với những người đau khổ, nghèo khó, cô đơn, bị ruồng bỏ,... kể cả kẻ thù.
5. Đàng Thánh Giá giúp chúng ta quyết định
Thập Giá cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu bị xét xử oan sai vì yêu thương chúng ta. Hãy nhớ điều này: Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhưng Ngài cũng sẽ xét xử chúng ta. Chúng ta được cứu độ hay không, đó là lỗi của chính chúng ta, Thiên Chúa luôn yêu thương và muốn cứu thoát chúng ta chứ Ngài không kết án chúng ta.
6. Đàng Thánh Giá mặc khải cách phản ứng của Thiên Chúa
Thập Giá là lời đáp lại với sự dữ trên thế gian. Đôi khi có vẻ như Thiên Chúa im lặng, làm ngơ, không phản ứng với điều ác. Tuy nhiên, Ngài vẫn nói, Ngài vẫn phản ứng, và câu trả lời là Thập Giá của Đức Kitô: Hãy yêu thương và tha thứ.
7. Đàng Thánh Giá cho chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta
Thiên Chúa trao gì cho những người nhìn lên Thánh Giá và chạm vào Thánh Giá? Thập Giá để lại gì nơi mỗi chúng ta? Một kho tàng vô giá: Lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.
8. Đàng Thánh Giá đưa chúng ta từ Thập Giá tới Sự Phục Sinh
Chúa Giêsu đưa chúng ta từ thất bại tới thành công, từ đau khổ tới hạnh phúc, từ nhục nhã tới vinh quang, từ sự chết tới sự sống. Thập Giá dạy chúng ta biết rằng sự dữ không là lời cuối cùng, mà là yêu thương và tha thứ.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin giúp chúng con luôn biết chấp nhận đau khổ, can đảm chịu đóng đinh với Ngài, chịu chết với Ngài, và chịu mai táng với Ngài, vì chỉ có như vậy thì chúng con mới hy vọng được phục sinh vinh quang với Ngài. Amen.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Focus.org)

Posted By Đỗ Lộc Sơn09:13

KIÊNG THỊT VÀ ĂN CHAY - Piô Ngô Phúc Hậu

Filled under:


Cái Rắn, ngày 28-3-1997

Mình vừa vứt bỏ cây tăm, thì có người hỏi từ phía sau lưng

- Đã tới 12 giờ chưa, ông cố ?
- Chi vậy ?
- Để con đánh kẻng cho người ta ăn cơm trưa.
- Tại sao vậy ?
- Hôm nay là ngày ăn chay, phải đánh chuông mới được ăn cơm.
- Luật nào vậy ?
- Biết đâu à !

Sau nghi thức suy tôn Thánh Giá, mình mở cuộc điều tra về tục lệ ăn chay ở đây. Các ông già, bà già đua nhau khoe trí nhớ của mình.

- Sáng: nhịn;
12 giờ: nghe chuông nhật một thì ăn cơm.
Trưa ăn no.
Tối ăn đói.

- Ăn một miếng thịt heo bằng lóng tay cái, thì mắc tội trọng. Được ăn loài có máu lạnh như ếch, lươn, kỳ đà, cá, tôm.

- Các loại chim thì được ăn: cò, quắm, thằng bè.

- Được ăn vịt lộn, vì vịt lộn được kể là trứng. Khi con vịt con chui ra khỏi vỏ trứng mới kể là con vịt và cấm không được ăn...

Để khen thưởng trí nhớ sắc sảo của bà con, mình tặng họ một câu chuyện, câu chuyện của đời mình.
----------

Năm 1945 mình đi tu, làm chú tiểu tại nhà xứ Vĩnh Lộc, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Thứ Tư lễ Tro năm 1946, mình thấy các thầy kẻ giảng tập trung về nhà xứ rất đông: thầy Nhã, thầy Tài, thầy Viêm... Nhà xứ vui như lễ hội. Cha già cố phấn khởi như chưa từng thấy.

- Các cậu xuống ao kéo lưới bắt cá mè làm gỏi đãi các thầy một bữa...
- Vâng ạ. Xin cha già cho phép chúng con đi lấy quần đùi đã ạ.
- Cho chúng mày làm ông Adong, không cần che chúm gì hết... Bằng quả ớt chứ gì.

Chúng mình nhảy tùm xuống ao, gạt bèo, giăng lưới, đập nước. Vọc nước, quậy bùn là thú vui của tụi mình. Một thú vui được chấp thuận, được khích lệ: Sướng ơi là sướng !
Bữa cơm chay hôm ấy trở thành bữa cơm thịnh soạn nhất trong năm. Cha già cố và các thầy ăn uống phủ phê. Còn tụi mình thì không thích ăn và cũng không được phép ăn. Trẻ con không ăn gỏi cá bao giờ. Đùa giỡn thì sướng hơn.

Kể xong câu chuyện. Không thấy ai thắc mắc gì. Ai nấy đều cười vui vẻ. Ai cũng biết rằng luật chỉ cấm ăn thịt, chứ không cấm ăn cá. Không ai phát giác ra rằng ăn gỏi cá, một món ăn thịnh soạn nhất, như thế là vi phạm tinh thần luật một cách trầm trọng, là nhân danh luật để vi phạm luật. Mình lấy sách lễ Rôma đọc lại lời nguyện nhập lễ, để thấy mục đích của việc ăn chay, kiêng thịt.

“Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay, hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”.

Mình đọc thêm lời Tiền tụng Mùa Chay III.

“Cha muốn chúng con dùng việc hãm mình để cảm tạ Cha. Nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính kiêu căng và khi giúp nuôi dưỡng những người thiếu thốn, chúng con biết noi theo lòng nhân hậu của Cha”.

Như vậy rõ ràng mục tiêu của việc ăn chay kiêng thịt chỉ là: rèn luyện ý chí, nhờ việc khắc khổ trong vấn đề ăn uống và tiêu xài, để đương đầu và thắng các chước cám dỗ, đồng thời có thêm tiền bạc giúp đỡ người nghèo.

Như vậy rõ ràng là cha già cố của mình đã đánh mất toàn bộ tinh thần ăn chay kiêng thịt bằng bữa gỏi cá năm ấy. Nhưng nói cho cùng thì cha già cố của mình cũng vô tội. Vậy ai là người có lỗi trong vụ vi phạm luật pháp này ? Phải quy trách nhiệm cho ông làm luật. Cái lối trình bày hình thức luật mà quên tinh thần luật ấy, mình đã hấp thụ ngay trong lớp thần học. Chính thầy mình đã dạy rằng: ăn vịt lộn ngày kiêng thịt là không vi phạm luật, vì vịt lộn khi còn ở trong trứng, thì chỉ là trứng, chứ không phải là vịt. Khi trình bày cái vỏ luật, thầy mình đã quên không tham chiếu tinh thần luật, nên đã lạc xa mục tiêu của luật.

Nghĩ lại chuyện xưa, mình mắc cở quá chừng. Từ nay mình sẽ nói với anh chị em dự tòng, tân tòng và cả đạo dòng một cách giản dị rằng:

“Ngày kiêng thịt, thì ăn khem khổ. Ngày ăn chay, thì ăn ít thôi. Thắng cái thèm và cái đói, để thắng cái yếu đuối. Trong những ngày ấy, chỉ nên ăn rau mà thôi. Ăn khem khổ như thế sẽ dành ra được chút tiền, để san sẻ cho người nghèo”.

Tuyệt nhiên mình không nhắc gì đến chuyện ăn vịt lộn không phải là ăn thịt vịt; ăn lươn um, ếch chiên bơ. . . không lỗi luật kiêng thịt. Mình trả lại tất cả những thứ đó cho thầy. Những thứ đó không thể là hành trang của người truyền giáo. Rườm rà đến chịu không nổi ! Kềnh càng đến đi không được ! Phức tạp đến lầm đường lạc lối !

--------------

Cái Rắn, ngày 20-2-1999

Hôm nay khách Sàigòn đổ xuống Cái Rắn như đi trẩy hội. Hai vỏ lãi lớn nuốt tối đa mà chỉ được sáu mươi khách. Còn hai chục khách nữa đứng xớ rớ… chờ ba vỏ lãi nhỏ. Sân nhà thờ đầy người. Bệnh nhân chờ bác sĩ và nha sĩ. Trẻ em chờ hội chợ và quà bánh. Kẻ qua người lại tấp nập. Bác sĩ Nghĩa nghiêm trang và thủng thỉnh như ông thiên triều đi… Cha Lộc có cặp mắt hấp háy, hấp háy như muốn đùa với cả thế gian. Thầy Nhiên có cặp môi mấp máy, mấp máy như đang bứt rứt trước một ẩn số khó giải trình... Khách nào cũng đói mèm vì hôm qua là ngày chay và đêm qua là đêm ngủ không tròn giấc.

Bữa cơm trưa chỉ thịnh soạn ở mức dưới trung bình, nhưng lại được khách chiếu cố tận tình. Đói bụng thì cơm nguội trở thành yến xào. Vừa ăn vừa tưởng nhớ ngày chay vừa qua mà xót xa trong lòng.

- Hôm qua ăn chay, đói run cả chân tay.

- Đúng là có ma quỷ cám dỗ thật. Bữa chay tối nào đồ ăn cũng chẳng ra gì, mà miệng thì ăn gì cũng thấy ngon, cứ muốn ăn mãi cho đến mất chay thì thôi.

- Hồi tôi học ở chủng viện Sàigòn, bữa chay tối thường chỉ có rau muống luộc chấm nước mắm giằm hột vịt. Bình thường thì ăn hai đĩa, bữa chay tối chỉ ăn một đĩa. Nhưng ma quỷ cám dỗ nên làm bộ rưới nước mắm thật nhiều, để phải lấy thêm cơm cho bớt mặn. Rồi làm bộ bới cơm hơi lố, để rưới thêm nước mắm cho vừa miệng... Cuối cùng thì một đĩa thành một đĩa phết chín mươi chín. Vừa đủ để lương tâm không bị cắn rứt ? Đúng là trò hề.

---------------

Cà Mau, ngày...

Hôm nay Đức cha xuống cấm phòng với hạt Minh Hải. Mình tâm sự với ngài.

- Thưa Đức cha, con thấy cái luật kiêng thịt lỉnh kỉnh và khôi hài quá à ! Ăn một miếng thịt heo thì có tội nặng, còn ăn một lẫu lươn thì không có tội ! Tại sao lại cho ăn thịt loài có máu lạnh ?

- Luật này rất phù hợp đối với tây phương. Ở bên đó mà không có thịt, thì bữa cơm trở nên khắc khổ liền.

- Thưa Đức cha, ở bên Tây, người công giáo còn kiêng thịt không ?

- Chung chung thì họ lơ là. Nhưng có nhiều nơi Nhà Nước vẫn cấm bán thịt vào các ngày thứ Sáu. Không phải vì họ giữ luật đạo, mà vì đó là quyền lợi của nghiệp đoàn bán cá.

- Con đề nghị điều chỉnh lại luật kiêng thịt và ăn chay để đạt được mục tiêu Giáo hội đề ra cho mùa chay.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:09

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Nên Tông đồ Bí tích Hòa Giải

Filled under:



Nhiều người lầm đường lạc lối thường xuyên phải nhờ đến Bí Tích Lòng Thương Xót của Chúa mà chúng ta gọi là Bí Tích Hòa Giải (hoặc Bí tích giải tội)!
confession.jpg  
Lý do thì có nhiều! Có người chẳng bao giờ chịu hồi tâm ăn năn; người khác thì không muốn đi xưng tội vì ngại; còn có người thì thốt ra là: “Mình chẳng có tội gì!” … Có thể bị như thế, nhưng các tình trạng khủng hoảng này cần được chế ngự.

Sau đây là năm điều thực hành cụ thể mà ta có thể thực hiện ngay bây giờ để thúc đẩy sự trở về lãnh nhận thường xuyên Bí tích giải tội với Lòng Thương Xót của Chúa.

1. BẢN THÂN: ĐI XƯNG TỘI! Cố gắng thuyết phục người khác đi xưng tội nếu chính ta viện cớ này cớ khác không đi xưng tội để tránh đón nhận Lòng Thương Xót Vô Biên của Thiên Chúa là không thành thật. Hôm nay, hãy dọn mình để ngày mai đi xưng tội! Không để sự trì hoãn của ma quỷ chinh phục ta!

2. LÒNG THƯƠNG XÓT. Sau khi ta đã trải nghiệm lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa qua việc đến tòa xưng tội riêng với linh mục, hãy mời gọi người khác đi xưng tội. Nhắc nhở linh hồn lầm lạc, con chiên lạc đường, người con hoang đàng là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thật vô biên. Thánh Phaolô nhắc chúng ta: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó lòng thương xót của Thiên Chúa càng chứa chan gấp bội.” Hơn nữa, trong Nhật Ký Lòng Thương Xót Nơi Linh Hồn Tôi của Thánh Faustina Kowalska khẳng định rằng những người tội lỗi nhất có thể nên thánh lớn nhất nếu họ biết đặt lòng tín thác vào Lòng Thương Xót Vô Biên của Chúa Giêsu. Thật vậy, theo Chúa Giêsu, những người tội lỗi nhất được nói rõ trong Nhật Ký này là thiếu sự tin tưởng vào Người! Sự thiếu tin tưởng ấy là điều gây thương tích nhất cho Chúa Giêsu.

3. NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG VÀ THÚ TỘI (Lc 15:. 11-32). Mời gọi tất cả mọi người đọc và suy gẫm về dụ ngôn Người Con Hoang Đàng trước khi đến với Bí Tích Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cũng như đọc và suy gẫm về kiệt tác thiêng liêng này sau khi lãnh nhận Bí tích giải tội. Ngay cả có thể tập trung vào những món quà tuyệt vời mà Người Cha ban cho đứa con biết ăn năn trở về này một cách quảng đại và ý nghĩa biểu tượng của các quà tặng ấy. Quà tặng và các ý nghĩa biểu tượng?

a) HÔN – Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta không bao giờ thay đổi ngay cả khi chúng ta phạm sai lầm và thậm chí là những sai lầm nghiêm trọng!

b) ÔM –Thiên Chúa là Người Cha yêu thương luôn sẵn lòng tha thứ cho chúng ta ngay khi chúng ta có thể nói lên từ thẳm sâu trong tâm hồn mình: Lạy Chúa, con thật có lỗi; xin tha cho con!

c) NHẪN – Thiên Chúa muốn thiết lập lại một lần nữa giao ước tình yêu với chúng ta, nhưng cũng thử thách lòng trung tin của chúng ta với Người trong tương lai và khả năng từ chối các cám dỗ phạm tội.

d) ÁO MỚI – Sự trần truồng tượng trưng cho tội lỗi và tình trạng mất ân sủng. Áo là biểu tượng trọng đại bên ngoài mặc vào cho linh hồn ơn thánh hóa, tình bạn hữu sâu đậm và trường cửu của Thiên Chúa.

e) DÉP – được ban cho để chúng ta có thể nói theo và bước theo đúng dấu chân của Chúa Giêsu là Đường, Sự Thật và là Sự Sống.

f) TIỆC – sau khi đã thành tâm xưng tội, bấy giờ chúng ta có thể trở về với niềm vui dự Tiệc Thánh Thể Chúa, trong khung cảnh của Thánh Lễ.

g) BÊ BÉO – Bây giờ trong Thánh Lễ, sau khi xưng tội và trở về tình trạng ân sủng, chúng ta có thể nuôi dưỡng linh hồn mình bằng Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.

h) ĐÀN CA NHẢY MÚA! Việc xưng tội nên luôn luôn là lý do để vui mừng khôn tả. Việc trải nghiệm sự tha thứ yêu thương của Thiên Chúa, niềm an ủi xoa dịu lương tâm thanh sạch, lời mời gọi bắt đầu cuộc sống mới, và nhận thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa, Người Cha Nhân Hậu hằng hữu –Tất cả những ân ban này là biển vui mừng hân hoan vô tận!

4. XÉT MÌNH. Để tạo thuận tiện cho việc dọn mình lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, cần có bản kinh Mười Điều Răn được giải thích rõ ràng với các điểm chính để việc xét mình được đầy đủ và đưa bản này cho linh hồn lầm lạc. Mời gọi người ấy đọc kỹ, rồi xét mình và thậm chí có thể viết ra các tội mà người ấy ý thức được. Nếu là tội trọng, nhớ ghi số lần. Sách Giáo lý xác định rằng tội trọng phải được xưng ra cả loại tội và số lần đã phạm. Điều này cần cho việc xưng tội đầy đủ, không bị thiếu sót!

BẢN XÉT MÌNH CHO THIẾU NHI của Cha Edward Filardi

I)  Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.
• Hằng ngày tôi có dành thời gian cầu nguyện với Chúa không?
•  Tôi có tin vào chuyện mê tín dị đoan, bùa ngải, thay vì chỉ tin vào một mình Thiên Chúa?
  Tôi có bác bỏ giáo huấn của Giáo hội hoặc không nhận mình là người Công giáo?

II)    Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ
• Tôi có kêu “Chúa” hay “Giêsu” lúc tức giận hay một cách bất kính không?
• Tôi có chửi thề, nói tục không? Tôi có muốn người khác bị tai ương không?

III)  Giữ ngày Chúa Nhật
• Tôi có bỏ lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc không?
• Tôi có đến dự Thánh lễ trễ hay về sớm? Tôi có thiếu nghiêm trang hoặc bị chia trí trong khi dự Thánh lễ không?
• Tôi có làm các việc không thật cần thiết vào ngày Chúa nhật?
• Tôi có xem ngày Chúa nhật là ngày dành cho Chúa để cầu nguyện và nghỉ ngơi không?

IV)  Thảo kính cha mẹ
• Tôi có kính trọng và vâng lời cha mẹ không?
• Tôi có lời nói hay cử chỉ vô lễ hoặc ngược đãi với cha mẹ?
• Tôi có chịu giúp việc nhà hay phải thúc giục nhiều lần?
• Tôi có cố gắng hòa thuận với anh chị em không? Có ngồi lê đôi mách hoặc bắt nạt người khác?
•  Tôi có làm gương tốt, nhất là cho các em mình?
•  Tôi có kính trọng những người coi sóc mình: các cha, các sơ, người cao tuổi, người giữ trẻ …?

V)   Chớ giết người
• Tôi có đánh đập hoặc gây đau đớn cho người khác?
  Tôi có rủa sả hoặc giễu cợt làm tổn thương kẻ khác?
•  Tôi có nói hành nói xấu khẻ khác không?
  Tôi có bỏ nói chuyện với ai không? Có xúi giục người khác làm điều xấu không?
•  Tôi có thương yêu mọi người, kể cả các bé còn trong bụng mẹ?

VI)  Chớ làm sự dâm dục
•  Tôi có tôn trọng sự thanh sạch của thân xác mình và của người khác?
  Tôi có xem phim ảnh xấu không?
• Tôi có ăn nói nhã nhặn và ăn mặc kín đáo?

VII)   Chớ lấy của người
•  Tôi có lấy những thứ không phải của mình không?
•  Tôi có phá hoại hoặc đùa nghịch đồ đạc của người khác không?
•  Tôi có trả lại đồ mình mượn? Không bị hư hỏng?

VIII)  Chớ làm chứng dối
• Tôi có gian lận khi làm bài ở lớp không?
• Tôi có nói dối để khỏi mất mặt không?
 Tôi có nói dối để khỏi bị phạt không?
• Tôi có nói dối để người khác bị mắc vạ hoặc phải xấu mặt không?

IX)  Chớ muốn vợ chồng người
• Tôi có để cho cha mẹ có thời gian ở với nhau hay ganh tị với họ và muốn phải quan tâm đến mình?
• Tôi có hờn dỗi khi phải chia phần với bạn?
•  Có thiếu nhi nào tôi không muốn chơi hoặc bủn xỉn với nó vì nó có vẻ khó ưa?

X)  Chớ tham của người
• Tôi có ganh tị hoặc đố kỵ về khả năng hoặc những thứ người khác có?
• Tôi có cảm tạ Chúa và cảm ơn cha mẹ về những gì đã cho mình?
• Tôi có chia sẻ những thứ mình có với gia đình, các bạn và người nghèo?

Kinh Ăn Năn Tội
Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

5. Ở ĐÂU? KHI NÀO? THẾ NÀO? Người đã bỏ không đi thờ đi lễ trong nhiều năm cũng như đã không xưng tội quá lâu, thậm chí có thể không nhớ các điều quan trọng cơ bản về cách xưng tội. Điều này có thể làm người ấy không còn muốn đi xưng tội nữa. Cần nói qua các điều cơ bản này với người ấy. Cho người ấy biết nhà thờ nơi có các cha ngồi tòa giải tội. Nhắc người ấy về ngày giờ giải tội của các linh mục trong giáo xứ đó. Sau đó, nhắc người ấy cách vào tòa giải tội, làm dấu thánh giá và thưa với cha giải tội đã xưng tội lần trước cách nay bao lâu, sau đó xưng tội với linh mục, vị đại diện Chúa Giêsu Kitô, Thầy thuốc thiêng liêng. Trong nhật ký của thánh nữ Faustina có ba điều kiện quan trọng được nhấn mạnh để xưng tội nên: 1) Chân thành, có nghĩa là xưng các tội thật rõ ràng; 2) Khiêm tốn – không che giấu tội lỗi, không đổ lỗi tại người khác hoặc cố bào chữa hay cải biến; 3) Cuối cùng, vâng phục. Khi linh mục, người đại diện Chúa Giêsu, cũng là thầy và người hướng dẫn khuyên giải và bảo làm việc đền tội thì chúng ta nên khiêm tốn vâng theo những lời khuyên bảo này như chính lời nói ra từ Chúa Giêsu.

Thánh Giacôbê khuyến khích chúng ta bằng những lời mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc đưa một linh hồn lầm lạc trở lại với Chúa:

 “Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.” (Giacôbe 5: 19-20)

Những lời đáng khích lệ nhất này có thể áp dụng vào các nỗ lực cố gắng của chúng ta để đưa linh hồn lầm lạc, tội nhân về với vòng tay yêu thương của Người Cha Nhân Hậu, trở về với Bí Tích Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Bí tích Hòa Giải. Lạy Đức Mẹ, Mẹ là “Nơi ẩn náu của kẻ có tội” cũng là “Mẹ của lòng thương xót” xin thúc giục chúng con đưa các tội nhân cứng lòng quay về cùng Trái Tim yêu thương và đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu!


Cts.sss chuyển ngữ từ fredbroom.blogspot.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn15:44

Làm người chớ quên tâm nguyện thuở ban đầu

Filled under:

Nhiều người tự hỏi bản thân mình sao không thành công trong cuộc sống, sao không được như người ta, cuộc sống sung túc, được người người kính trọng. Nguyên do thì có rất nhiều, trời định là một lẽ, nhưng phần lớn đều xuất phát từ chính bản thân mình.

ý chí, tâm nguyện, sự nghiệp, bất vong sơ tâm, Bài chọn lọc,
Hoa lan chuông chụp tại trung tâm thành phố New York. (Ảnh Quán Minh)
Lần đầu nghe câu “bất vong sơ tâm” từ một nhà sư tại Nhật Bản, tôi chưa hiểu hàm ý câu này. Sau thời gian bôn ba đường đời, tôi mới dần dần lĩnh ngộ ý nghĩa trong câu nói của ông. “Bất vong sơ tâm”, nghĩa là đừng quên tâm nguyện thuở ban đầu, câu nói chỉ ra rằng, đa phần sự nghiệp của thế gian con người đều cần phải có ý chí để hoàn thành, sự việc nào nếu không kiên tâm bền chí thì đều rất khó thành công.
Khi trong tâm phát sinh nguyện vọng, nếu một người chỉ có được 3 phút nhiệt tình rồi về sau không biết kiên trì, thì rốt cuộc chắc chắn người đó chỉ hoang phí cuộc đời mà không đạt được bất cứ thành tựu gì.
Khi quan sát một số bạn bè xung quanh, tôi bất ngờ phát hiện ra rằng, đa phần kết quả cuộc sống của họ đều đến từ tâm trí của chính bản thân họ. Ví như, trong tâm một người lúc nào cũng nuôi dưỡng nguyện vọng duy nhất, thì về sau cuộc sống tương lai của họ sẽ đạt được như ý nguyện.
Tất nhiên, không ít người sẽ phản đối kết luận này, bởi khi còn là thanh niên, họ có biết bao nhiêu nguyện vọng, nhưng rốt cuộc tất cả đều không thành.
Chẳng hạn như người bạn đồng nghiệp của tôi, khi còn trẻ, anh ấy đã lập chí trở thành một nhạc sĩ, nhưng ước nguyện này đã không đạt được, và giờ dù đã hơn 50 tuổi, anh vẫn là một viên chức bình thường. Tôi từng hỏi anh vì sao từ bỏ ước muốn làm nhạc sĩ? Lý do là vì anh thi rớt đại học âm nhạc, về sau mong muốn làm nhạc sĩ cũng tiêu tan. Rõ ràng, anh chưa thực sự nuôi dưỡng ý chí, kiên trì cho nguyện vọng này, và khi chỉ hơi có chút thất vọng, anh đã ngay lập tức từ bỏ. Nếu lúc bấy giờ, anh không bị kết quả cuộc thi tác động mà vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ, tiếp tục nỗ lực theo nghiệp âm nhạc, thì chắc chắn cuộc sống hiện tại của anh sẽ khác đi nhiều.
Một người bạn lâu năm của tôi lại hối hận sâu sắc khi kể về chuyện đời mình. Lúc còn trẻ ông ấy rất thích vẽ, cuối tuần nào ông cũng đi núi để vẽ phong cảnh. Tác phẩm của ông được các thầy cô giáo đánh giá cao. Nhưng sau khi tốt nghiệp, vì muốn kiếm nhiều tiền trang trải cho gia đình, ông ấy hoàn toàn từ bỏ sở thích hội họa. Đến khi đã nghỉ hưu, không cần phải đi làm hàng ngày nữa, ông mới thấy mình thật nhàn rỗi, chẳng có việc để làm.
Tình cờ hôm nọ, ông gặp lại người bạn trước đây từng hay rủ đi vẽ tranh, người này hiện đã trở thành họa sĩ nổi tiếng, tác phẩm của ông rất có giá trị. Nghề họa sĩ không có chuyện nghỉ hưu, trái lại do nỗ lực khi còn trẻ, tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống sâu sắc, hơn nữa vì đã trải qua quá trình trau dồi lâu dài trong lĩnh vực hội họa, nên đến khi tuổi về già, ông đã có thể phát huy hơn nữa khả năng sáng tạo xuất sắc và nổi bật của mình.
Ông bạn tôi cảm khái nói: “Nếu hồi đấy tôi không tùy ý từ bỏ, nếu tôi tiếp tục kiên trì, nếu tôi cố gắng học tập, nếu tôi vẫn nuôi dưỡng ý chí và nghị lực, nếu tôi vẫn vẽ tranh 1-2 tiếng hàng tuần….thì…(thở dài)!”.
Thực tế xã hội có khá nhiều người như 2 thí dụ trên đó, hễ gặp chút khó khăn thất vọng là dễ dàng từ bỏ ước muốn của mình. Việc kiên trì theo đuổi ước mơ không phải chuyện đơn giản, một người bình thường không dễ kiên trì, nên mọi việc đều khó hoàn thành. Tuy nhiên, khi nhìn lại, dẫu có hối hận thế nào, mọi việc cũng không thể quay trở lại từ đầu. Do vậy, tôi thật lòng muốn khuyên các bạn trẻ không nên dễ dàng từ bỏ tâm nguyện ban đầu của mình.
Trong cuộc sống này, khá nhiều người khi làm việc gặp trắc trở hoặc thất bại trong việc gây dựng sự nghiệp, cứ hay than thân trách phận, oán trách bản thân không may mắn, trách cứ người khác không tích cực phối hợp. Tuy nhiên, thực ra đối với một người, tâm nguyện ban đầu rất quan trọng, chư Thần trong vũ trụ luôn nhìn thẳng vào cái tâm của con người, và năng lượng vũ trụ luôn giúp con người hoàn thành nguyện vọng của bản thân họ. Nếu bản thân không đủ kiên trì, hoặc cách thực hiện không phù hợp với Pháp lý của vũ trụ, thì không thể đạt được kết quả “như mong đợi”.
Do vậy, dù là làm người bình thường hay người tu luyện, “bất vong sơ tâm” chính là một lời nhắc nhở bản thân không nên “hễ nước chảy là bèo trôi”, không được lùi bước trước khó khăn, không cảm thấy an nhàn lúc sung sướng, mà luôn phải vững vàng hướng tới mục tiêu của mình trong cuộc sống.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:01

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Cầu nguyện thế nào để được Chúa Kitô sống trong ta

Filled under:

Nhập nguyện
Xin cho con biết cầu nguyện để Đấng Phục Sinh sống trong con.
Suy chiêm
1. Cầu nguyện thế nào để Chúa Ki-tô có thể sống trong ta
a. Đừng chiêm ngắm Đức Ki-tô như người ở ngoài ta mà phải thấy Người ở trong ta (38:1-5).
JL 38:1-5: Hiện hữu của bạn phải mang chiều kích mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Bạn muốn gặp gỡ Ngài khi cầu nguyện và theo gương Ngài trong cuộc sống, bạn muốn khám phá Ngài trong các biến cố, nhận ra bộ mặt Ngài trong một mối tương quan thân tình, vác Thập giá theo Ngài và đi sâu vào Vương quốc các mối phúc.
Vì sao bạn chiêm ngưỡng Chúa Giê-su? Tin Mừng không nhắm dạy bạn lịch sử của Ngài, nhưng cho bạn nhận biết Ngài trong đức tin và đức mến. Dẫu vậy Chúa Giê-su vẫn còn là ai đó bên ngoài ảnh hưởng bạn một cách gián tiếp.
Bạn không đọc Tin Mừng như đọc sách Khổng để biết tư tưởng một người ảnh hưởng trên người khác như thế nào. Chúa Giê-su có ảnh hưởng khác hẳn, vì Ngài là Con Thiên Chúa đã nhập thể và đã sống lại. Ngài đi vào con tim của thế giới này và của con người. Từ khi Ngài mặc lấy thân xác loài người, chỗi dậy từ cõi chết, thế giới này đã ra khác. Ngài thật sự vẫn còn sống giữa loài người chúng ta. Ngày nay chúng ta không thể nói đến Thiên Chúa mà không liên hệ đến con người, và ngược lại. Không thể đụng chạm đến con người mà không đụng chạm đến Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là biết Đức Giê-su, là bắt chước từ lời nói đến việc làm một ai đó ở bên ngoài. Từ khi bạn được dìm vào trong sự chết vinh hiển của Chúa Giê-su, thì sự sống của Ngài đã thâm nhập vào bạn. “Nếu ta đã nên đồng hình với sự chết của Ngài, thì ta cũng sẽ được đồng dạng với sự sống lại của Ngài” (Rm 6,5). Bạn cùng một hữu thể với Chúa Giê-su, nên trong chiều sâu hữu thể của bạn, một sự biến đổi toàn diện đang xảy ra, sâu xa đến nỗi những mối giây liên kết bạn với Chúa Giê-su bền chắc hơn mọi mối giây liên kết bạn với bất cứ ai trên cõi đời này. Bạn tin và sống mầu nhiệm trọn vẹn của Đức Giê-su Ki-tô.
Bạn thân thiết với Chúa Giê-su đến nỗi nên một với Ngài (identification) và nhập thân với Ngài (incorporation): Cả đời bạn nỗ lực tháp nhập vào Thân mình Chúa Giê-su và Chúa Thánh Linh mới có thể hình thành bản vị Đức Giê-su nơi bạn.
b. Cầu nguyện thế nào để ta nên giống Chúa Ki-tô hơn là bắt người nên giống ta (6-9).
JL 38:6-9: Đời sống cầu nguyện ra khác khi bạn khám phá Đức Giê-su đang sống trong bạn (Gl 2,20) sống thật trọn vẹn hơn chính bạn sống nữa. Chúa Giê-su không sống trong bạn để đồng hóa với bạn mà Ngài biến hóa bạn nên Lời Ngài và Thân Mình Ngài. Thánh Âu-tinh nói là “bạn trở thành điều bạn ăn”.
Khi cầu nguyện, hãy chìm sâu trong bản thân bạn và trong lòng thế giới để khi chỗi dậy, bạn nhận ra Con Thiên Chúa, bạn nên một với Chúa Ki-tô. Vậy tại sao đi tìm Ngài ở nơi khác, bên ngoài bạn? Ki-tô hữu là người được Chúa Ki-tô choán hết từ trong nội tâm: Hãy để Ngài suy nghĩ, quyết định, yêu mến bằng trí óc và con tim bạn.
Cầu nguyện là hiện hữu mỗi giây phút trong mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Ki-tô. Bạn sống “Nhờ Người, với Người và trong Người”, mọi giây phút đời bạn, chung hiệp với mọi anh chị em.
Càng chiêm ngưỡng Chúa Giê-su, bạn càng được biến đổi để trở nên giống Ngài, với điều kiện phải sống như Ngài đã sống, hiến trọn bản thân cho Cha và cho đồng loại. Chung hiệp với Chúa Giê-su là nguồn suối duy nhất của cầu nguyện, nhờ Ngài bạn được đưa vào chiều sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giê-su sống trong bạn nhờ Thánh Thần, hướng dẫn bạn đến gần Chúa Cha. Hãy xóa mình đi để Đức Ki-tô choán hết chỗ, để Ngài chung hiệp với Cha nơi bạn. Mầu nhiệm vô tận dìm bạn trong thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa.
- Cầu nguyện với Đấng Phục Sinh (39:3).
JL 39:3: Đã đến lúc phải cầu nguyện với mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô, không những trong chiều kích lịch sử mà trong chiều kích phổ quát và hiện đại. Đức Ki-tô đã chết và sống lại, nay đang ở với loài người qua mọi thời đại, Ngài thấu hiểu những gì sâu thẳm nhất nơi con người. Trong bí tích Thánh Thể Ngài gặp gỡ bạn. Thánh Thể là trung tâm đời người Ki-tô hữu và trọng tâm của Thánh Thể là cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô. Sở dĩ ngày nay chúng ta cử hành nghi lễ tưởng niệm là vì đã có thứ Sáu Tuần Thánh và ngày Phục Sinh. Ba biến cố này liên đới với nhau, nhưng khi cầu nguyện bạn lần lượt chiêm ngắm từng biến cố để thấm nhuần các chân lý và suy ra điều bạn phải làm.
- Chiêm ngắm tình yêu của Đấng Phục Sinh đã chết vì yêu (39:4-5).
JL 39:4-5: Khi chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ, lời cầu nguyện của bạn đổi cung điệu. Bạn đã nghe giảng huấn của Chúa Giê-su. Con tim bạn đã được Lời Chúa soi sáng để biết điều phải làm. Bây giờ bạn không bận tâm lo cho mình nữa, mà chỉ muốn ngắm nhìn bản vị Chúa Ki-tô trong thái độ hiện sinh của Ngài, có thể tóm kết bằng một lời của Chúa Giê-su “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Bạn chiêm niệm một thực tại duy nhất: tình Chúa Ki-tô, yêu nhân loại. Trong bữu Tiệc Ly cũng như trên Thập giá, chỉ còn tình yêu Chúa Giê-su phó mình cho Cha và cho bạn. Hãy đón nhận tình yêu của Ngài. Cuộc sống của bạn đã được Chúa Ki-tô bảo lãnh, vì vậy mà nó có một chiều kích vĩnh cửu.
- Xóa mình trong cầu nguyện (39:6).
2. Phải có thái độ nào khi thấy trái tim ta cứng cỏi? (39:6b-7).
JL 39:6b-7: Khi chiêm niệm như vậy, bạn nghiệm được trái tim cứng cỏi và khô cằn của bạn trước tình yêu vô biên của Chúa Giêsu trong cuộc Tử Nạn, và thấy rõ khoảng cách xa vời giữa Chúa Ki-tô và bạn.
Hãy chấp nhận mình nghèo nàn, khốn cùng, bất lực trước mặt Ngài, hãy biến đau khổ của bạn thành một lời van nài, để đến buổi bạn được Chúa cho cảm nghiệm tình yêu Ngài dành cho bạn. Lời cầu nguyện trở nên đơn sơ giản dị. Hãy đọc một bản tường thuật cuộc Thương Khó, đừng lưu ý đến những chi tiết mà chỉ ngắm nhìn Chúa Giê-su mà thôi. Xin Thánh Thần, Đấng đã thúc đẩy Chúa Giê-su phó mình cho Cha ban cho bạn một chút tình yêu của Ngài. Phải chờ ròng rã nhiều năm để một chút tình yêu nẩy sinh trong lòng bạn và không để bạn nghỉ ngơi. Lúc đó bạn sẽ yêu mến Chúa Giê-su như Ngài yêu mến bạn.
Kết nguyện

Posted By Đỗ Lộc Sơn15:49