VATICAN - Hãy thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, để Người trợ giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh. linh hứng chúng ta và làm cho chúng ta tiến tới. Các cha mẹ hãy dưỡng nuôi con cái mình bằng Lời Chúa và gương sống đức tin.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ như trên trong thánh lễ ban bí tích Tửa Tội cho 33 trẻ em nam nữ trong nhà nguyện Sistina và trong bài huấn dụ khi đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu và du khách hanh hương tại công trường Thánh Phêrô. Lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ ban Bí Tích Rửa Tội cho 33 trẻ em nam nữ, con của các nhân viên làm việc trong Tòa Thánh. Sau lời chào mở đầu, ĐTC đã đối thoại với các cha mẹ. Ngài nói: Mở đầu buổi cử hành này, tôi xin hỏi các cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu: Anh chị em đặt tên cho con là gì? Anh chị em xin gì cho con cái anh chị em với Giáo Hội Chúa? Anh chị em thân mến khi xin Bí tích Rửa Tội cho con cái anh chị em, anh chị em dấn thân giáo dục chúng trong đức tin, để trong việc tuân giữ các giới răn chúng học yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như Chúa Kitô đã dậy chúng ta. Anh chị em có ý thức được trách nhiệm này của anh chị em không? Các cha me thưa có. Và anh chị em là các cha mẹ đỡ đầu, anh chị em có sẵn sàng trợ giúp cha mẹ các em trong nhiệm vụ quan trọng như thế không? Các cha mẹ đỡ đầu thưa có. Tiếp đến ĐTC nói: Các trẻ em thân mến, với niềm vui lớn Giáo Hội Chúa đón nhận các con. Nhân danh Người cha làm dấu thánh giá cho các con. Và sau tôi anh chị em là cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu cũng làm dấu của Chúa Kitô Cứu Thế trên con của anh chị em. Các cha mẹ và người đỡ đầu đã bế các em lên để ĐTC vẽ dấu thánh giá trên trán các em và họ cũng vẽ dấu thánh già trên trán chúng. Giảng trong thánh lễ ĐTC nói Lời Chúa cho chúng ta thấy như một người cha và một bà mẹ giỏi Thiên Chúa muốn các sự tốt lành cho con cái Ngài. Và điều Thiên Chúa muốn trao ban là Lời ngài, làm cho chúng ta lớn lên và sinh hoa trái tốt lành trong cuộc sống, như mưa và tuyết rơi xuống khiến cho đất đai được phong phú (x. Is 55,10-11). Cũng thế anh chị em là cha me, cha mẹ đỡ đầu, là ông bà, cô chú hãy giúp các trẻ em này lớn lên, nếu anh chị em cho chúng Lời Chúa, Tin Mừng của Chúa Giêsu, và làm gương cho chúng bằng cách có thói quen đọc Lời Chúa mỗi ngày và mang Lời Chúa theo trong mình, trong túi trong xách tay, để đọc. Khi trông thấy anh chị em đọc Lời Chúa, các em sẽ noi theo. Các bà mẹ hãy cho con cái sữa, nếu chúng khóc vì đói, hãy bình tĩnh cho chúng bú ngay bây giờ đây. Cứ bình tĩnh (Lúc này có nhiều em khóc lớn trong nhà nguyện). Chúng ta cảm tạ Chúa vì ơn của sữa, và cầu nguyện cho các bà mẹ, biết bao nhiêu bà mẹ không có điều kiện cho con cái họ ăn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và trợ giúp họ. Điều mà sữa làm cho thân xác, thì Lời Chúa làm cho tinh thần: Lời Chúa lam cho đức tin lớn lên. Và nhờ đức tin chúng ta được Thiên Chúa sinh ra. Đó là điều xảy ra trong bí tích Rửa Tội. Chúng ta đã nghe lời thánh Gioan nói: “Ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì đã được Thiên Chúa sinh ra” (1 Ga 5,1). Hôm nay là đức in của anh chị em, là đức tin của Giáo Hội qua đó các em bé này nhận bí tích Rửa Tội, nhưng ngày mai, với ơn thánh Chúa sẽ là đức tin của các em, sẽ là tiếng “có” cá nhân thưa với Chúa Giêsu Kitô, Đấng trao ban cho chúng ta tình yêu của Chúa Cha. Bí tích Rửa Tội tháp nhập chúng ta vào dân thánh Chúa là Giáo Hội, trong đó đức tin được thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là đức tin của Mẹ Maria, của các Tông Đồ, của các Thánh Tử Đạo. Ánh sáng đức tin được chuyền tay nhau, mà trong chốc lát nữa chúng ta sẽ đốt lên từ nến phục sinh biểu tượng cho Chúa Kitô sống lại. Anh chị em là các gia đình hãy lấy ánh sáng đức tin từ Ngài để truyền lại cho con cái. Hãy dậy cho con cái anh chị em biết rằng không thể là kitô hữu ngoài Giáo Hội, không thể theo Chúa Kitô mà không có Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội là mẹ và làm cho chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Chúa Giêsu. Trong bí tích Rửa Tội chúng ta đưọc thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần. Từ “kitô” có nghĩa là được thánh hiến như Chúa Giêsu trong cùng Thánh Thần trong đó Chúa Giêsu được dìm mình trong suốt cuộc đời dương thế của Người. Người là Đấng được xức dầu, được thánh hiến. Các người được rửa tội là các kitô hữu nghĩa là những người được thánh hiến, được xức dầu. Các cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu thân mến, nếu anh chị em muốn cho con cái anh chị em trở thành các kitô hữu, thì hãy giúp chúng lớn lên “chìm ngập” trong Chúa Thánh Thần, nghĩa là trong hơi ấm tình yêu của Thiên Chúa, trong ánh sáng Lời Ngài. Vì thế đừng quên cầu khẩn Chúa Thánh Thần thường xuyên. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa Cha trong Kinh Lậy Cha, nhưng ít khi cầu xin Chúa Thánh Thần. Nhưng cầu khẩn Chúa Thánh Thần rất quan trọng, để Người dậy chúng ta đưa gia đình, con cái tiến tới, để cho con cái lớn lên trong bầu khí của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Chẳng hạn hãy cầu khẩn với lời cầu đơn sơ này: “Lậy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổ đầy trái tim của tín hữu Chúa và đốt lên trong chúng ngọn lửa tình yêu của Chúa”. Khi cầu nguyện như vậy, anh chị em cảm thấy sự hiện diện hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ dậy chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần và sống theo Thần Khí như Chúa Giêsu. Xin Mẹ đồng hành với con cái và gia đình anh chị em. Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngài đã đào sâu ý nghĩa lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa và nhấn mạnh rằng với biến cố này “thời gian của trời đóng kín đã kết thúc”, chúng ta đang sống trong thời gian của lòng thương xót. ĐTC nói: Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa chịu phép rửa kết thúc mùa Giáng Sinh. Phúc Âm miêu tả điều xảy ra trên bờ sông Giorđan. Trong khi Gioan Tây Giả ban phép rửa cho Chúa Giêsu, thì trời mở ra. Thánh sử Marcô nói: “Lập tức, khi ra khỏi nước Người thấy trời mở ra” (Mc 1,10). Trở lại trong trí chúng ta lời khẩn nài thê thảm của ngôn sứ Isaia: “Ôi phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63,19). Lời khẩn cầu này đã được nhận lời với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa. ĐTC giải thích như sau: Như thế đã chấm dứt “thời gian “trời đóng” ám chỉ sự xa cách giữa Thiên Chúa và con người, hậu qủa của tội lỗi. Tội lỗi làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa và bẻ gẫy mối liên hệ giữa đất và trời, và như thế xác định sự bần cùng và thất bại của cuộc sống chúng ta. Trời mở ra ám chỉ rằng Thiên Chúa đã ban ơn thánh Người để trái đất cho hoa trái của nó “(x. Tv 85,13). Như thế trái đất trở thành nơi ở của Thiên Chúa giữa loài người, và từng người trong chúng ta có khả thể gặp gỡ Con Thiên Chúa, khi kinh nghiệm tất cả tình yêu và lòng thương xót vô biên của Người. Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa hiện diện thực sự trong các Bí Tích, một cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể gặp gỡ Người nơi gương mặt của các anh chị em chúng ta, cách riêng nơi người nghèo, người bệnh, người bị tù, người tỵ nạn: họ là thịt xác sống động của Chúa Kitô khổ đau và là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình. ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa trời không chỉ xé ra, mà Thiên Chúa lại nói và làm vang lên tiếng nói của Người: “Con là Con yếu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Tiếng của Thiên Chúa Cha loan báo mầu nhiệm dấu ẩn nơi Con Người được vị Tiên Hô làm phép rửa. Đức Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể, cũng là Ngôi Lời vĩnh viễn, mà Thiên Chúa Cha đã muốn nói với thế giới. Chỉ khi lắng nghe, đi theo và làm chứng cho Lời đó, chúng ta mới có thể làm cho kinh nghiệm đức tin của chúng ta phong phú tràn đầy, mà mầm giống đã được đặt để trong chúng ta trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Và rồi biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu: điều này cho phép Đức Kitô, Đấng Được Xức Dầu của Chúa, khai mào sứ mệnh của Người là cứu rỗi tất cả chúng ta. Chúa Thánh Thần, Đấng vĩ đại bị lãng quên trong lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta thường cầu xin Chúa Giêsu; chúng ta cầu xin Chúa Cha, đặc biệt trong “Kinh Lậy Cha”, nhưng không thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, có đúng thế không? Ngài là Đấng bị bỏ quên. Chúng ta cần xin sự trợ giúp của Người, sức mạnh của Người, linh hứng của Người. Chúa Thánh Thần là Đấng đã linh hoạt toàn cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu, cũng là Thần Khí hướng dẫn cuộc sống kitô, cuộc sống của con người nam nữ nói rằng họ là tín hữu kitô và muốn là tín hữu kitô. Đặt để dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần cuộc sống kitô và sứ mệnh, mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận được nhờ sức mạnh của bí tích Thánh Tẩy, có nghĩa là tìm lại lòng can đảm tông đồ cần thiết giúp thắng vượt các thích nghi trần tục dễ dãi. ĐTC khẳng định như sau: Trái lại, một kitô hữu, một cộng đoàn “điếc” đối với tiếng nói của Chúa Thánh Thần. thúc đẩy đem Tin Mừng đến tận cùng bờ cõi trái đất và xã hội, cũng trở thành một kitô hữu và một cộng đoàn “câm” không nói và không rao giảng Tin Mừng. Nhưng xin anh chị em nhớ điều này: hãy thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, để Người trợ giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh. linh hứng chúng ta và làm cho chúng ta tiến tới. Xin Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội, đồng hành với tất cả chúng ta là những người đã được rửa tội; xin Mẹ giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và trong niềm vui phục vụ Tin Mừng, để như thế trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta. Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người. Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào tín hữu và các đoàn hành hương, đặc biệt là Hiệp hội giáo dân Lòng Chúa Thương Xót. Ngài nói ngày nay cần đến lòng thương xót biết bao, và thật là điều quan trọng anh chị em giáo dân đem nó đến với các môi trường xã hội khác nhau. Anh chị em cứ tiến lên. Chúng ta đang sống trong thời gian của lòng xót thương. Đây là thời gian của lòng thương xót. Chiều ngài mai tôi sẽ lên đường tông du tại Sri Lanka và Philippines. Xin cám ơn lời cầu chúc của anh chị em như viết trên băng rôn kia, xin cám ơn rất nhiều! Tôi xin anh chị em vui lòng đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện, và tôi cũng xin các anh chị em người Sri Lanka và Philipines sống tại Roma đặc biệt cầu nguyện cho tôi trong chuyến viếng thăm này. Xin chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành, cả khi trời hơi xấu một chút. Hôm nay cũng là ngày để tươi vui nhớ tới bí tích Rửa Tội của từng người. Xin anh chị em nhớ lời tôi xin là tìm ngày rửa tội của mình, để mỗi người có thể nói tôi đã được rửa tội ngày đó. Ước chi hôm nay là niềm vui của bí tích Rửa Tội. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em ăn trưa ngon miệng và xin hẹn gặp lại. |