Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Tại sao phải sạch tội trọng mới được rước Mình Máu Chúa?

Filled under:




Hỏi: Xin Cha giải thích thắc mắc sau đây: Xưa Chúa Giêsu thường đến ăn uống với những người tội lỗi như bọn thu thuế. Trong Bữa Tiệc Ly cuối cùng, Chúa đã cho Phêrô và Giuđa "ăn và uống" Mình Máu Chúa như tất cả các Tông Đồ khác hiện diện. Vậy tại sao bây giờ Giáo Hội dạy phải sạch tội trọng mới được rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô.?

 
Trả lời:


I- Trước hết, xin tự hỏi : tại sao Chúa Giêsu giao du với những người bị xã hội Do Thái coi là tội lỗi?

   Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần đọc lại lời Chúa Giêsu nói với nhóm biệt phái xưa kia: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” ( Mt 9:12)  Thật vậy, Chúa Kitô đến để tìm những người tội lỗi và kêu gọi họ ăn năn sám hối để được tha thứ và cứu rỗi. Do đó, Chúa tự ví mình như thầy thuốc đi tìm bệnh nhân để cứu chữa chứ không tìm người mạnh khoẻ để săn sóc.

Vì thế, Chúa đã không ngần ngại đến nhà những người thu thuế, tức những người bị bọn Biệt phái (Pharisi) coi là người tội lỗi để dùng bữa với họ. Chúa còn làm bạn với cả những người có đời sống tai tiếng như Mađalêna.Nhưng thử hỏi: Chúa đồng bàn với người bị coi là tội lỗi cũng như làm bạn với  phụ nữ tai tiếng kia với mục đích gì? Có phải là để công nhận nếp sống tội lỗi của họ hay để kêu gọi họ từ bỏ đời sống đó để trở nên hoàn thiện?

Chắc chắn chúng ta phải tin rằng Chúa Giêsu không đồng bàn, hay giao du với những người bị xã hội lên án là kẻ tội lỗi để đồng hoá  với họ hay tán thành  cách sống của họ. Chúa đến với họ để mời gọi họ từ bỏ nếp sống tội lỗi  để trở nên tốt lànhnhư Chúa mong muốn mà thôi. Đây chính là mục đích của Chúa đến trần gian cách nay trên 2000 năm để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội như Chúa đã nói với các môn đệ xưa kia: “...Con Người đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (x Mt 20:28).

Tuy nhiên, trong suốt 3 năm rao giảng Tin mừng Cu độ, Chúa Giêsu chưa một lần nào đã nói với ai rằng các con  đừng lo nghĩ gì về đời sống của mình. Cứ sống và làm những gì mình thích rồi sau khi chết, Ta sẽ cho tất cả vào Thiên đàng để vui hưởng hạnh phúc muôn đời vì Thiên Chúa, Cha của các con là Đấng tốt lành, không muốn bắt lỗi ai về bất cứ điều gì.”

Ngược lại, ngay khi mở đầu cho sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng Cứu độ, Chúa Giêsu đã kêu gọi dân chúng thời đónhư sau: “Thời  kỳ đã mãn. Nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh  em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” ( x.Mc 1:15).

Sám hối và tin vào Tin Mừng có nghĩa là từ bỏ tội lỗi và sống theo đường lối của Thiên Chúa, đối nghịch hoàn toàn với đường lối của con người, của trần gian, của “văn hoá sự chết” đang lộng hành ở khắp nơi trên thế giới ngày nay… Vì thế,trong suốt thời gian rao giảng, Chúa Giêsu đã nhiều lần đưa ra những lời ngăm đe hay cảnh cáo nghiêm khắc như sau:
                   
Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13:24).
             
Hay:
                     
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lậy Chúa, Lậy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” (Mt 7:12)
             
 Hoặc nghiêm khắc hơn nữa:
                     
Nếu chân của ngươi làm cớ cho ngươi sa ngã thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ  hai chân mà bị ném vào hoả ngục.” ( Mc 9:45)

Sở dĩ Chúa phải đưa ra những lời ngăm đe nghiêm khắc nói trên vì con người còn có tự do mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người xử dụng  để hoặc chọn lựa sống theo đường lối của Thiên Chúa hay khước từ Người để sống theo ý riêng và làm những điều trái nghịch với lương tâm,  với thánh ý của Cha trên Trời, là Đấng trọn tốt ,trọn lành.

Như thế đủ cho thấy là Chúa Giêsu không đến để thoả hiệp với sự dữvới tội lỗi của trần gian,  mặc dù  Chúa có đến ăn uống hoặc giao du với những người bị mang tiếng là tội lỗi xấu xa như những người thu thuế và phụ nữ tai tiếng thời đó vì lý do  như đã nói ở trên. 

Liên quan đến hai Tông Đồ Phêrô và Giuđa , Chúa Giêsu cũng đã khoan dung cho họ cơ hội để thay đổi ý  định hoặc lưu ý đến sự yếu đuối của mình. Trước hết, trong bữa ăn sau cùng , Chúa đã nói với tất cả 12 Tông Đồ hiện hiện : " Thầy bảo thật cho anh  em , một người trong anh  em sẽ nộp Thầy." ( Mt 26:18. Mc 14: 18; Lc 22: 21-22; Ga 17: 12). Chúa nói thế để đánh động Giuđa một lần cuối  trước khi y ra tay hành động.Y biết điều này, nhưng vẫn trơ trẽn hỏi Chúa : " Rap-bi ( thưa Thầy) chẳng lẽ con sao,? ". Chúa trả lời : " chính anh nói đó." ( Mt 26: 25). Dầu vậy,  Giuđa vẫn cứng lòng, nên ăn Mình Chúa xong,  y đã ra đi vào đêm tối, tìm gặp bọn luật sĩ và tư tế Do Thái để trao nộp Chúa như  Người  đã nói trước đó trong Bữa Tiệc Ly. Như thế có nghĩa là Giuđa đã xử dụng ý muốn tự do ( free will) của mình để bán Chúa Giêsu lấy 30 đồng bạc của bọn giáo sĩ Do Thái thù ghét Chúa.  Về phần Phêrô thì khác. Ông này quá tự tin nơi mình nên đã quả quyết : " Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." ( Mc 14: 31). Nhưng Phêrô đã vấp ngã không phải vì cố ý dùng tự do của mình để chối Chúa mà vì yếu đuối con người mà ông không để ý đến  khi nghe  Chúa cảnh cảo ông buổi ban chiều hôm đó : " Thầy bảo thật anh : hôm nay , nội đêm nay : gà chưa gáy hai lần thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần." ( Mc 14:30 ) Và sự việc đã xảy ra đúng như Chúa đã cảnh cáo Phêrô. Lúc đó Phêrô không tin và cũng không có ý định sẽ chối Thầy như Chúa đã  tiên báo. Nhưng vì ông quá tự tin nên vấp ngã, chứ không phải vì cố tình ngoan cố cho đến phút chót như Giuđa. Như thế việc Chúa cho Giuđa và Phêrô "rước Lễ" tức ăn thịt và uống máu Chúa trong Bữa Tiệc Ly không có nghĩa là Chúa không biết đến sự phản bội của Giuđa và chối Chúa của Phêrô.Chúa biết nhưng vẫn tôn trọng ý muôn tự do  để họ tự quyết định việc họ muốn làm  ( Giuđa phản bội vì tham tiền ) ( Phêrô chối Chúa vì yếu đuối và sợ hãi bọn Do Thái).

II- Giáo lý của Giáo Hội về việc rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Nhưng không thể lý luận rằng Chúa Giêsu từng ăn uống với “những người tội lỗi”, từng cho Guiđa và Phêrô "ăn thịt và uống máu"  Người trong bữa tiệc ly cuối cùng  do đó không cần phải sạch tội trọng mới được rước Mình Máu Thánh Chúa như Giáo Hội dạy ngày nay..

Lý do trước hết như vừa nói ở trên: Chúa ăn uống với những người bị xã hội coi là "kẻ tội lỗi " không có nghĩa là Chúa  chấp nhận hay tán đồng  cách sống của họ mà thực ra Chúa đồng bàn với họ,   vì Người muốn kêu  gọi họ sám hối, thay đổi cách sống  để được cứu rỗi.

Chúa vẫn rửa chân và cho Giuđa và Phêrô cũng như cho họ ăn thịt và uống máu Người trong Bữa ăn sau hết dù biết họ sẽ phản bội và chối Chúa vì  Chúa đã kêu gọi Giuđa lần chót và cảnh cáo Phêrô, nhưng vì Giuđa cứng lòng nên đã cố tình phạm tội phản bội và tuyệt vọng đi treo cổ tự tử sau đó. Ngược lại,  Phêrô chối Thầy vì yếu đuối con người, nhưng đã biết ăn năn thống hối sau đó nên được tha thứ và còn được trao cho trọng trách lãnh đạo Giáo Hội để "chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thầy".( Ga 21: 15-16)

Chắc chắn Chúa chê ghét tội lỗi nhưng lại yêu thương kẻ có tội biết hối lỗi và xin tha thứ.Tuy nhiên, tội vẫn  luôn luôn là trở ngại lớn lao nhất để ngăn cách con người với Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành. Do đó, muốn gần Chúa, muốn là bạn hữu nghĩa thiết với Ngài thì điều kiện cần thiết là phải xa tránh  mọi tội lỗi.

Liên quan đến việc rước Mình Máu Chúa Kitô khi tham dự Thánh lễ, Giáo Hội dạy rằng: “Ai muốn rước lấy Chúa Kitô trong hiệp lễ Tạ Ơn (Eucharistic communion) thì phải ở trong tình trạng có ân sủng.  Ai biết mình có tội trọng thì không được làm lễ (nếu là  linh mục)  và  bước tới Bàn Tiệc Thánh Thể để rước Mình Thánh Chúa,  nếu trước đó đã không nhận được ơn tha tội  qua bí tích hòa giải( xưng tội ).” (x SLGHCG, số 1415;  giáo luật  số 916). Sở dĩ thế vì cũng theo giáo lý của Giáo Hội, thì “tội trọng làm mất hoàn toàn sự hiệp thông (communion) giữa ta với Thiên Chúa  và nếu chết không kịp ăn năn thống hối và được tha tội qua bí tích hoà giải thì phải chịu án phạt đời đời trong nơi gọi là hoả ngục.” (x. SGLGHCG, số 1033).

Đây là ác tính và hậu quả rất tai hại của tội trọng (mortal sin) vì tội này đẩy con người ra khỏi tình yêu và lòng khoan dung của Thiên Chúa do cố ý hành động nghịch với tình yêu và sự trọn lành của Người. Khi muốn rước Chúa Kitô vào lòng tức là muốn hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trong tình yêu và sự trọn hảo, tức là trở nên làm một với Người. Nhưng khi có tội trọng thì con người đã đối nghịch hoàn toàn với Thiên Chúa, xa lìa tình yêu và sự trọn lành của Người. Như vậy làm sao có sự hiệp thông được nữa?

Tóm lại, Chúa luôn giang tay chờ đón kẻ có tội trở về để tha thứ, mặc dù Ngài gớm ghét tội lỗi.Vậy muốn kết hiệp với Chúa qua bí tích Thánh Thể thì cần thiết phải sạch tội, nhất là tội trọng, vì khi phạm tội này, con người đã cố tình quay lưng lại với Thiên Chúa, cố ý từ khước Người để chọn  sự dữ đối nghịch hoàn toàn với tình yêu và bản tính trọn  hảo của Người.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn