Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Mầu Nhiệm Chúa Cha, ÐGM Phaolô Bùi Văn Ðọc

Filled under:

Yêu thương là cho đi chính mình.
Khi nói về Thiên Chúa, thánh sử Gioan có một vài thành ngữ ngắn gọn và súc tích, như:
"Thiên Chúa là Khí Thần" (Ga 4, 24), "Thiên Chúa là Ánh Sáng" (1Ga 1, 5), "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1 Ga 4, 8.16). Những thành ngữ ấy gần như là những định nghĩa mô tả, cho chúng ta biết một phần nào bản chất của Thiên Chúa.
"Thiên Chúa là Khí Thần" (Ga 4, 24)
Chữ Khí Thần ở đây chắc chắn có ý nghĩa là "Sự sống Thần Linh". Chữ Khí Thần đối với chữ xác thịt hay xác phàm, là thực tại mỏng dòn yếu đuối, như bông hoa sớm nở chiều tàn.
Thiên Chúa là Khí Thần có nghĩa Thiên Chúa là Ðấng ban sự sống, là Ðấng Hằng Sống, là Thiên Chúa của mọi hồng ân, là nguồn suối mọi thực tại.
"Thiên Chúa là Ánh Sáng" (1Ga 1, 5)
Ánh sáng vừa là biểu tượng cho chân lý, vừa là biểu tượng của sự thiện. Ðối ngược với ánh sáng, tối tăm là biểu tượng cho sự sai lầm, sự dữ hay tội ác. Thế giới tối tăm là thế giới của sự, của thần dữ.
Thiên Chúa là Ánh Sáng có nghĩa Thiên Chúa là Chân Lý, là nguồn Suối Mạc Khải, là nguồn ơn cứu độ, "Thiên Chúa là Ðấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện" (Kinh nguyện Thánh Thể II).
"Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4, 8.16)
Tác giả thư 1 Ga gọi Thiên Chúa là Tình Yêu. Các bản dịch Kinh Thánh TOB và Bible de Jérusalem dịch bằng "Dieu est Amour". Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch: "Thiên Chúa là Lòng Mến".
Dù dịch cách nào đi nữa, điều chắc chắn ở đây là tác giả muốn khẳng định: Thiên Chúa là Nguồn mọi tình yêu. Mọi tình yêu phát xuất từ Người. Những ai yêu mến thì sinh ra bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Ai không yêu mến thì không biết Thiên Chúa (1Ga 4, 7-8).
Chúng ta hãy dừng lại suy nghĩ về tình yêu Nội Tại trong Thiên Chúa và sau đó về Tình Yêu của Người đối với chúng ta.
Chúa Cha là Tình Yêu Tuyệt Ðối. Bản chất của Người là Tình Yêu, đến nỗi ai không yêu mến, không thể biết được Người. Nói rằng Thiên Chúa có Tình Yêu thì chưa đủ. Phải nói: Người là Tình Yêu. Tình Yêu là tất cả nơi Người, Tình Yêu là Bản Thân Người, Tình Yêu là Chính Mình Người. Người là Lòng Mến Phong Nhiêu (Caritas Fecunda), là "Tình Yêu Sinh Hạ" (Amor Generans), là "Tình Yêu Khởi Nguồn" (Amor Originans).
Khi nói đến Tình Yêu và Sự Sống của Chúa Cha, để phân biệt với Tình Yêu và Sự Sống của Chúa Con, Kinh Thánh, các giáo phụ và Huấn Quyền dùng những thành ngữ nhấn mạnh tối đa đặc tính "Khởi Nguồn" của Chúa Cha:
- Chúa Cha là "Principium sine principio" (Người là Nguồn không có nguồn, Nguyên Thủy vô nguyên thủy).
- Chúa Cha là "Principium Generans" (Người là Nguồn sinh).
- Chúa Cha là"Origo Originans" (Nguồn Khởi Nguồn).
- Chúa Cha là "Fons Fontalis: (Người là Nguồn Mạch).
- Chúa Cha là "Fons Deitatis" (Cội Nguồn của Thần Tính).
Giáo phụ và Huấn Quyền nhấn mạnh như thế, muốn nói lên điều gì? Nguồn là gì? Bản chất của Nguồn là gì?
1. Bản chất của Nguồn là "Tuôn đổ", là "Mở ra", là không giữ lại. Nguồn không giữ lại chính mình, vì nếu giữ lại chính mình thì không là Nguồn, mà là ao tù, nước đọng. Bản chất của nguồn là cho đi chính mình. Nguồn không cho gì khác, mà cho đi chính mình. Và nguồn cho hết, không giữ lại gì cả.
2. Nếu dùng hình ảnh "Nguồn Nước" ứng dụng cho Chúa Cha trong tương quan với Chúa Con, chúng ta có thể nói: "Nguồn Nước sinh ra Nước Nguồn và hiện hữu trong Nước Nguồn! Và sự sinh ra này không gì khác hơn là sự Từ Bỏ chính mình, cho đi chính mình.
Theo một nghĩa thần học nhất định, chúng ta có thể nói: Vì sự từ bỏ của Chúa Cha mà có Chúa Con. Chúa Cha từ bỏ chính mình từ đời đời và mãi mãi, nên từ đời đời và mãi mãi có Chúa Con (Generatio aeterna). Từ đời đời và mãi mãi có Tình Yêu Sinh Hạ là Chúa Cha và Tình Yêu được sinh ra (Amor generatus) là Chúa Con. 3. Chúa con là tình yêu được Chúa Cha sinh ra, là Hoa Quả của Lòng Dạ Cha (Fructus ventris sui), là sự sống của Cha, là Bản Thể của Cha, là bản thân Cha. Chúa Con là Lẽ Sống, Niềm Vui, là Kho Tàng của Cha, là Con Cưng (Con Yêu Dấu) của Cha, là Con Một của Cha, là "Ruột Thịt" của Cha (Nói theo kiểu nhân cách hóa). Chúa Cha chỉ có thể có một người Con (không thể có hai). Cha đã cho người Con ấy hết Sự Sống của mình: "Cũng như Cha có sự sống trong mình, thì Người cũng ban cho Con có sự sống trong mình như vậy" (Ga 5, 26). " Cha đã yêu mến Con và đã ban cho Con mọi sự trong tay" (Ga 13,3).
II. LỊCH SỬ CỨU ÐỘ
Ðiều hết sức lạ lùng, điều không thể tưởng tượng được, là: Người Con ấy, người Con yêu Dấu, người Con Một ấy, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, ban cho nhân loại (Ga 3, 16).
Người ban cho chúng ta Con Yêu Dâu, Con Một, thì không khác gì ban chính mình Người.
Trên bình diện lịch sử cứu độ, chúng ta khẳng định rằng trong Ðức Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa đã tự hiến mình cho chúng ta.
Ðức Giêsu Kitô là "Cao Ðiểm" của lịch sử hồng ân. Lịch sử hồng ân bắt đầu từ Tạo Dựng. Thiên Chúa đã ban sự sống cách nhưng không cho muôn loài trong Tạo Dựng. Các hồng ân trong Tạo Dựng đã là dấu chỉ Thiên Chúa là Ðấng thích ban ơn. Rõ hơn cả là khi mạc khải cho Môsê, Thiên Chúa đã tự xưng: "Gia vê, Gia vê, Thiên Chúa chạnh thương, huệ ái, bao dung đầy nhân nghĩa tín thành" (Xh 34,5-6).
Gia vê là Ðấng Huệ Ái, là Ðấng thích ban ơn: Người chỉ vui khi nào ban ơn. Ban ơn là lẽ sống của Người, là niềm vui của Người. Người ban cho chúng ta hết ơn này đến ơn khác, ban cho tràn ngập các ơn. Chúng ta không bao giờ thiếu ơn sủng.
Nhưng dù Thiên Chúa rộng rãi đến đâu đi nữa, dù Người là Ðấng thích ban ơn, dù bản chất của Người là cho đi, không giữ lại gì cả, chúng ta vẫn không thể nào nghĩ được, nếu không có Mạc Khải: "Người ban cho chúng ta Con Một của Người".
Càng đi sâu vào Tình Yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Con bao nhiêu, chúng ta càng không hiểu được vì sao mà Người ban Con Một Người cho chúng ta (Ga 3, 16; Rm 8, 32).
Chúng ta chỉ có một câu trả lời duy nhất, như Gioan đã viết "vì Thiên Chúa là Lòng Mến". Vì Thiên Chúa là Lòng Mến, nên Người sẵn sàng từ khước chính mình khi yêu thương chúng ta. Ban Con Một Người cho chúng ta đòi hỏi nơi Thiên Chúa một sự "từ bỏ triệt để", từ bỏ chính mình cách trọn vẹn. Không những vậy, Thiên Chúa còn "liều mình", còn sẵn sàng bị từ chối. Và khi bị từ chối, Thiên Chúa còn đau khổ đến dường nào!
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là cuộc khổ nạn của Chúa Cha ("Cha ở trong Con") trong cái chết bi thảm của Chúa Giêsu bị treo trên "thập ác". Chúng ta vẫn quen quan niệm Thiên Chúa là Ðấng Tuyệt Ðối, Bất Biến, không hề lay chuyển, nên Người không thể đau khổ được. Nhưng đó là quan niệm "thuần lý", chứ không phải là quan niệm của Kinh Thánh.
Họa sĩ El Greco trong tác phẩm "Ba Ngôi trong Lịch sử cứu độ", đã vẽ Chúa Cha đang đỡ Chúa Giêsu từ thập giá và đặt vào lòng với tất cả tình âu yếm, với cái nhìn đượm nét buồn. Phía trên đầu Chúa Cha có Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới chim câu. Thay vì vẽ Ðức Mẹ ôm thân xác Chúa Giêsu vào lòng như tượng pietà của Michel Ange, họa sĩ cố ý vẽ Chúa Cha. Nếu Ðức Mẹ yêu Chúa Giêsu và tan nát cõi lòng vì cái chết của Chúa Giêsu, lẽ nào Chúa Cha lạnh lùng trước cái chết của Con Một Người!
Khi nhân loại từ khước Chúa Giêsu, đó là từ khước Hồng Ân của Chúa Cha, Tình Yêu của Chúa Cha, từ khước chính bản thân Chúa Cha. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu thường xuyên nhấn mạnh: "Ai tiếp đón Ta là tiếp đón Cha", "Kẻ tốn kính Con là tôn kính Cha, Ðấng đã sai Ngài" (Ga 5, 23).