Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

DẤU THÁNH GIÁ ĐƠN

Filled under:

Tôi làm dấu Thánh giá từ thuở nhỏ cho đến bây giờ. Thú thực, tôi không hiểu mấy về ý nghĩa của dấu thánh giá, tôi chỉ làm dấu như một thói quen. Như vậy, khi nhỏ tôi không hiểu, làm thầy tôi vấn không để ý, làm Linh Mục 30 năm tôi vẫn chưa lưu tâm, nói đúng hơn là tôi không thấy tầm quan trọng của dấu Thánh giá. Cho đến khi về xứ Thanh Hải 2006, tôi mới hiểu. Lý do, ở Thanh Hải có nhiều Sinh viên học đạo nên tôi phải soạn sách dạy Giáo Lý và chính tôi cũng dạy Giáo Lý, do đó, tôi tìm hiểu và hôm nay, nhân năm Đức tin, tôi viết đôi dòng về dấu Thánh giá gắn liền với đời sống người Công giáo, nhưng chưa được hiểu một cách thấu đáo.

Khi làm dấu Thánh giá, ta vẽ hình thánh giá trên người và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ta luôn làm dấu đầu và cuối mỗi công việc…
Thú thực, dù chưa hiểu ý nghĩa của dấu thánh giá, nhưng tôi vẫn làm dấu rất nghiêm trang và kính cẩn. Và đây là ý nghĩa của dấu Thánh Giá:

- Khi làm dấu, ta vẽ hình Thánh giá: Điều đó muốn nhắc ta nhớ đến việc Chúa chết trên Thánh giá để chuộc tội loài người.

- Ta vẽ hình Thánh Giá trên người của mình: Điều đó chứng tỏ ta thuộc về Chúa, ta là con cái của Chúa nên phải luôn sống tốt.

- Ta đọc "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" nghĩa là ta tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi.

- Ta làm dấu đầu và cuối mỗi công việc: Điều đó muốn nhắc ta phải vì Chúa mà làm tốt công việc ta đang làm.

Trong cuộc sống, tôi thấy nhiều người làm dấu không nghiêm chỉnh, làm như đuổi ruồi, thiếu tôn kính. Có người lại tuyên xưng Thiên Chúa 4 ngôi vì họ đọc "Nhân danh Cha và Con và Thánh và Thần. Amen." Có người lại hỏi "Trong tiệm ăn, con không dám làm dấu thì có tội không?" Chúng ta chỉ nghĩ đến có tội hay không có tội. Nếu vì lòng mến Chúa thì ta cứ làm và phải làm. Với câu hỏi trên, tôi trả lời là không có tội vì có chỗ nào Giáo Hội buộc ta phải làm dấu đâu. Giáo Hội dạy ta làm dấu, khuyên ta làm dấu vì những ý nghĩa cao quí nêu trên và nhất là vì lòng mến Chúa. Tuy nhiên, việc làm dấu cũng nói lên niềm tin mãnh liệt của ta: Vì niềm tin, ta cứ làm dấu; vì lòng mến Chúa, ta cứ làm dấu. Nếu vì việc làm dấu mà ta bị khó dễ hay bị chê cười thì đó cũng là dịp để ta làm chứng cho Chúa. Tôi kể một chuyện như một mẫu gương:

Một học sinh Nhật là Kitô-hữu duy nhất trong ngôi trường có 150 học sinh. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố cáo với thầy giáo là em có "hành vi ma thuật". Nghe thấy thế, thầy cho gọi em lên đứng giữa lớp, hỏi xem em đã làm gì. Em thẳng thắn nói rằng em chỉ cám ơn Chúa đã ban lương thực hằng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục mặt xuống bàn, nước mắt ràn rụa nói : "Này con, ta cũng là Kitô-hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, ta đã biết là Kitô-hữu, mình phải làm gì."

Việc làm dấu Thánh Giá là việc rất nhỏ, rất dễ làm và thường phải làm bất cứ lúc nào. Nếu ta làm tốt dấu Thánh Giá thì Năm Đức tin coi như đã có ảnh hưởng trong ta. Chuyện tôi đề nghị không khó chút nào nhưng đem lại nhiều hiệu quả rất tích cực vì Chúa đã nói "Ai trung thành trong việc nhỏ thì sẽ trung thành trong việc lớn."

Tôi làm dấu khi đọc kinh, khi ăn cơm, khi ăn hay uống một chút gì ngoài giờ… nghĩa là tôi làm dấu luôn luôn… Tôi làm dấu đàng hoàng và tôi cảm thấy tôi gần Chúa hơn nhiều… Xin các cha mẹ tập cho mình và cho con cái làm dấu luôn luôn…Chỉ chừng đó thôi, nhưng ta sẽ thấy ta rất gần Chúa… và ta sẽ sống tốt.

Lạy Chúa, xin cho các cha mẹ hiểu ý nghĩa của dấu thánh giá, dạy con cái làm tốt dấu Thánh Giá và qua dấu Thánh Giá, mọi người sẽ sống Năm Đức Tin cách tích cực hơn. Amen.
-----------------------------------------
Lm. Mi Trầm, 

GX. Ngọc Thủy, Nha Trang