Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 05/12/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 05/12/2020.
"Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương." (Mt 9,36).
Theo sử học, thời Chúa Giesu, nước Do Thái có khoảng 10 triệu người. Đó là vùng đất chảy sữa và mật ong. Là vùng nông nghiệp du cư (nay đây, mai đó) nên đời sống không bền vững. Có những năm được mùa nhưng cũng có những năm mất mùa, vì thế nghèo khó thường xuất hiện.
Đức Giesu rảo qua các làng mạc để thấy cảnh sinh hoạt của dân chúng. Thấy họ sống chen chúc trong các ngôi nhà làm bằng đất. Ngài động lòng thương và chữa lành cho họ nhiều bệnh tật. Đã thế, dân chúng lại không có người chăn dắt, hướng dẫn, khiến đời sống thêm phần đói khổ bệnh tật.
Mười hai môn đệ đi theo Đức Giesu, đã được sai đến với các làng xa xôi khác, loan báo cho dân chúng biết; Nước Trời đã đến gần và chữa lành cho họ khỏi mọi sự dữ. Các ông đã thi hành đúng các lời dặn dò của Thầy mình. Các ông không cậy quyền được ban cho mà dọa nạt dân chúng, ngược lại phải hết lòng phục vụ.
Cảm nhận tin mừng. Thế giới chúng con xấp xỉ tám tỷ người. Sản xuất nông nghiệp bị hạn hẹp vì chỗ ở, nhịp sống thành thị bị lối sống hưởng thụ lôi cuốn, khói bụi cùng với dịch bệnh chiếm lĩnh khu dân cư đông người. Trong khi đó vùng nông thôn bị bỏ hoang, chăn nuôi giới hạn...Chúng con không có được người lãnh đạo sáng suốt, cứ mặc nhiên sống theo ảo tưởng là sung túc giả tạo, hạnh phúc mong manh, tệ hại hơn là bất cần đời.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Chúa đã xuống thế gian để đem hạnh phúc thật sự cho chúng con và mong chúng con mang hạnh phúc ấy đến với muôn người. Xin cho chúng con trở thành môn đệ của Chúa, là thực thi yêu thương, công bằng và bác ái với hết mọi người. Amen.

5 Tháng Mười Hai

Thánh Sabas
(s. 439)

 

Sinh ở Cappadocia (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ), Thánh Sabas là một trong những thượng phụ đáng kính của các đan sĩ Palestine và được coi là một trong các vị sáng lập lối sống ẩn tu của Ðông Phương.

 Sau thời thơ ấu thiếu hạnh phúc mà ngài thường bị đánh đập và bỏ nhà một vài lần, sau cùng Sabas đã đến trú ẩn trong một tu viện. Mặc dù gia đình đã nhiều lần dụ dỗ trở về nhà, người thiếu niên ấy cảm thấy bị thu hút bởi đời sống đan viện. Và mặc dù là một đan sĩ trẻ nhất trong cộng đoàn, ngài trổi vượt về nhân đức.

 

Vào năm 18 tuổi, ngài đến Giêrusalem, tìm hiểu biết thêm về lối sống cô độc. Không bao lâu, ngài xin được làm đệ tử của một vị ẩn tu nổi tiếng ở địa phương, dù rằng lúc đầu ngài được coi là quá trẻ để có thể theo được lối sống khắc khổ. Trong thời gian ở tu viện, vào ban ngày ngài làm việc quần quật và ban đêm ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Vào lúc 30 tuổi, ngài được phép dành năm ngày mỗi tuần để sống trong một hang động thật xa vắng, để cầu nguyện và lao động chân tay dưới hình thức đan rổ rá.

 

Sau khi vị linh hướng là Thánh Euthymius từ trần, Sabas đi sâu vào sa mạc hơn nữa, gần Jericho. Ở đây ngài sống trong một hang động gần con suối Cedron mà lối ra vào chỉ là sợi dây thừng, còn thức ăn là rau cỏ dại mọc trên đá sỏi. Thỉnh thoảng có người đem cho ngài các thực phẩm và đồ gia dụng cần thiết, trong khi ngài phải tự đi tìm nước uống.

 

Một số người đến với ngài để xin gia nhập đời sống ẩn dật. Lúc đầu ngài từ chối. Nhưng không lâu sau khi ngài cho phép, những người theo ngài lên đến trên 150 người, tất cả đều sống trong các túp lều tranh riêng rẽ quây quần thành một cộng đoàn, gọi là laura.

 

Trong thời gian ngài khoảng 50 tuổi, đức giám mục thuyết phục Sabas chuẩn bị chịu chức linh mục để ngài có thể phục vụ cộng đoàn đan viện của ngài tốt đẹp hơn trong vai trò lãnh đạo. Mặc dù điều khiển một cộng đoàn đan sĩ với tư cách tu viện trưởng, ngài vẫn cảm thấy ơn gọi sống đời ẩn dật. Hàng năm -- thường vào mùa Chay -- ngài bỏ cộng đoàn trong một thời gian khá lâu khiến các đan sĩ thật lo lắng. Một nhóm khoảng 60 người rời bỏ tu viện, thành lập một cộng đoàn ở gần đó mà không có phương tiện cần thiết. Khi Sabas nghe biết về các khó khăn họ phải gánh chịu, ngài đã rộng lượng cấp dưỡng cho họ và giúp đỡ xây dựng cộng đoàn.

 

Trong nhiều năm trời, Sabas đi khắp Palestine, rao giảng đức tin chân chính và đem được nhiều người về với Giáo Hội. Vào lúc 91 tuổi, theo lời thỉnh cầu của Ðức Thượng Phụ Giêrusalem, Sabas thực hiện cuộc hành trình đến Constantinople cùng lúc với cuộc nổi loạn của người Samaritan và sự đàn áp đầy võ lực. Ngài cảm thấy đau yếu và, sau khi trở về nhà không lâu, ngài từ trần tại tu viện Mar Saba. Ngày nay tu viện này vẫn còn các đan sĩ của Giáo Hội Chính Thống Giáo, và Thánh Sabas được coi là một trong những nhân vật sáng giá của đời sống ẩn tu thời tiên khởi.

 

Trích từ NguoiTinHuu.com