Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/7/2020
"Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". (Mt 13,36).
Chuyện bên lề.
"Nhân chi sơ tính bản thiện hay nhân chi sơ tính bản ác".
Người xưa nói rằng: Bản tính của con người lúc ban đầu là Thiện. Đức của một người là quà tặng của thiên thượng (Trời), và được liên thông với thiên thượng. Mọi người đều có bản chất tốt và đạo đức, nếu một người thủ đức và nỗ lực tu thân, anh ta có thể trở thành người giống như các vị vua Nghiêu, vua Thuấn.
Người xưa cũng nói rằng.
Con người sinh ra vốn dĩ là ác, có được thiện là do quá trình bồi dưỡng, giáo dục mà có. Con người khi sinh ra có đầy đủ dục vọng như ham lợi, ham sắc,… Nếu như con người cứ phát triển theo dục vọng thì mối quan hệ giữa người và người sẽ phát sinh ra tranh đấu và tạo nên một xã hội hỗn loạn, do đó mới cần phải có “lễ” để điều chỉnh, sửa đổi bản tính ác của con người.
Lúa và cỏ lùng cùng chung một họ là họ lúa. Nếu nhìn hình dáng bên ngoài, hai cây giống hệt nhau. Lúa cho ra hạt chắc, có nhiều tinh bột, dùng làm lương thực nuôi sống con người. Cỏ lùng hạt nhỏ, không có tinh bột, không làm thức ăn được.
Người ta thường nguyền rủa những người ác độc; "sao Chúa không phạt quách đi cho rồi?”; và "Trong khi mình đạo đức, liêm chính, tốt lành thì lại gặp toàn chuyện không may?”.
Đức Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các ông: Thuở đầu Thiên Chúa tạo nên những điều tốt lành, nhưng sau có sự pha tạp, vì kẻ xấu đã gieo trộm cỏ lùng vào ruộng lúa. Điều này cho thấy: Ngay từ ngày đầu tiên thành lập Giáo Hội, Giáo hội luôn gặp phải những chống đối, thù nghịch luôn tìm cách phá hoại công trình yêu thương và cứu độ muôn người.
Cảm nhận tin mừng: Lúa tốt và cỏ lùng nhiều khi chúng con không nhận dạng được. Trong thực tế chúng con đã chứng kiến biết bao là cỏ lùng xám hối để trở thành lúa tốt. và cũng có những bông lúa tốt nhưng không ra hạt được bởi kiêu căng tự mãn.
Lạy Chúa. Con cái Nước Trời là hạt giống tốt, và con cái ma quỷ là cỏ lùng. Cỏ lùng phải được tiêu diệt để lúa thêm tốt tươi. Xin cho chúng con biết hoán cải, để chúng con thoát khỏi hình phạt muôn đời. Amen.
28 Tháng Bảy
Thánh Leopold Mandic
(1887-1942)
Kitô Hữu Tây Phương đang nỗ lực hoạt động để thông cảm hơn với Kitô Hữu Chính Thống Giáo, có thể đó là nhờ lời cầu bầu của Thánh Leopold Mandic.
Thánh Leopold sinh ở Castelnuovo, một hải cảng nhỏ ở Croatia và là người con thứ mười hai trong gia đình. Khi rửa tội, cha mẹ đặt tên cho ngài là Bogdan, có nghĩa "con-Chúa-ban."
Mặc dù sức khỏe rất yếu kém và bị tật nguyền, ngay từ nhỏ ngài đã cho thấy một sức mạnh tâm linh và sự đoan chính. Vào năm 16 tuổi, Bogdan từ giã quê nhà để sang Ý là nơi ngài theo học với các tu sĩ Capuchin ở Udine với khao khát được gia nhập Dòng này.
Vào tháng Tư 1884, ngài được gia nhập đệ tử viện Dòng Capuchin ở Bassano del Grappa và lấy tên là Thầy Leopold. Bất kể sự khắc khổ của đời sống tu sĩ Capuchin, ngài vẫn can đảm theo đuổi và đắm chìm trong Linh Ðạo Thánh Phanxicô mà nhờ đó ngài trở nên một trong những gương mẫu tốt lành nhất.
Sau khi chịu chức linh mục, Cha Leopold muốn thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Ðông Âu đang tan nát vì tranh chấp tôn giáo, nhưng bề trên từ chối vì sức khỏe yếu kém của ngài.
Từ 1890 đến 1906, Cha Leopold làm việc tại một vài nhà dòng trong tỉnh Venetian. Năm 1906, ngài được bổ nhiệm về Padua là nơi ngài sống cho đến suốt đời, ngoại trừ một năm phải ở tù trong thời Thế Chiến I, vì không chịu từ bỏ quốc tịch Croatia.
Chính ở Padua là nơi ngài đảm nhận việc Giải Tội và Linh Hướng, một công việc mà Thiên Chúa đã dùng đến người tôi tớ Chúa là Cha Leopold trong gần bốn mươi năm trời, và cũng nhờ đó mà cha nổi tiếng. Mỗi ngày ngài dành cho công việc mục vụ đó có đến 15 giờ đồng hồ. Một vài giám mục cũng tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh.
Vào tháng Chín 1940, Cha Leopold mừng Kim Khánh Linh Mục. Nhưng sau đó, sức khoẻ của ngài tàn tạ dần. Ngài từ trần ở Tu Viện Padua ngày 30 tháng Bảy 1942. Sau đó không lâu, sự mến mộ ngài ngày càng gia tăng và đã đưa đến việc phong chân phước cho ngài vào năm 1976 và sau cùng, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1983.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô khuyên nhủ các môn đệ "hãy theo đuổi điều mà họ phải khao khát trên hết mọi sự, đó là có được Thần Khí Thiên Chúa và cách làm việc thánh thiện của Chúa" (Quy Luật 1223, Chương 10) -- đó là những lời mà Thánh Leopold đã sống. Khi bề trên tổng quyền dòng Capuchin viết thư cho các tu sĩ nhân dịp phong chân phước cho Cha Leopold, ngài nói đời sống của Cha Leopold đã chứng tỏ "sự tiên quyết của điều được coi là thiết yếu."
Lời Trích
Thánh Leopold thường hay tự nhủ: "Hãy nhớ rằng ngươi được sai đi là vì ơn cứu độ của nhân loại, không phải vì ngươi có công trạng gì, vì chính Chúa Giêsu chứ không phải ngươi đã chết để cứu chuộc các linh hồn... Tôi phải cộng tác với sự thiện hảo siêu phàm của Chúa là Người đã đoái hoài và chọn tôi, để qua sứ vụ của tôi, lời Chúa hứa sẽ được thể hiện, đó là: 'Sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên'" (Gioan 10:16).
Trích từ NguoiTinHuu.com