Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Thánh I-nha-xiô ở Loyola (Y Nhã) (1491-1556)

Filled under:

31/07/2020

31 Tháng Bảy


Thánh I-nha-xiô ở Loyola (Y Nhã)
(1491-1556)

 

Vị sáng lập dòng Tên này đang trên đà danh vọng và quyền thế của một sĩ quan trong quân đội Tây Ban Nha thì một trái đạn đại bác đã làm ngài bị thương ở chân. Trong thời kỳ dưỡng bệnh, vì không có sẵn các cuốn tiểu thuyết để giết thời giờ nên ngài đã biết đến cuộc đời Ðức Kitô và hạnh các thánh. Lương tâm ngài bị đánh động, và từ đó khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Ðức Kitô.

 

Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Ðức ở Monserrat. Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Ðức Maria thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Ðức Mẹ.

 

Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Ða Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện. Chính trong thời gian hoán cải này ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, cuốn Những Thao Luyện Tâm Linh.

Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Rôma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây. Vì lo sợ cho tính mạng của ngài các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona. Tin tưởng rằng kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học ở Alcalá, Salamanca và Balê.

Vào năm 1534, lúc ấy đã 43 tuổi, cùng với sáu người khác (trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê) ngài thề sống khó nghèo và khiết tịnh và tất cả cùng đến Ðất Thánh. Các ngài thề quyết rằng nếu không thể ở đây thì sẽ dâng mình cho công việc tông đồ của đức giáo hoàng. Và đó là điều đã xảy ra. Bốn năm sau, Thánh Y Nhã hợp thức hóa tổ chức của ngài. Tu Hội của Ðức Giêsu (Dòng Tên) được Ðức Giáo Hoàng Phaolô III chuẩn nhận và Thánh Y Nhã được bầu làm bề trên đầu tiên.

 

Trong khi các bạn đồng hành được đức giáo hoàng sai đi truyền giáo thì Thánh Y Nhã vẫn ở Rôma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi, cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Roma (sau này là Ðại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội.

 

Thánh Y Nhã đích thực là một vị thần bí. Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo -- Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Kitô, Bí Tích Thánh Thể. Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên, ad majorem Dei gloriam -- "để Thiên Chúa được vinh danh hơn." Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội. Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Ðức Thánh Cha vô điều kiện, vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà đức giáo hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.


Lời Bàn

 

Vào năm 1517, Luther đã niêm yết các đề án của ông lên cửa nhà thờ ở Wittenberg. Mười bảy năm sau, Thánh Y Nhã sáng lập một tu hội góp phần quan trọng trong việc chống lại sự cải cách Tin Lành. Ngài là một kẻ thù bất khả tiêu diệt của Tin Lành. Tuy nhiên, trong lời lẽ của ngài người ta vẫn thấy tiềm ẩn sự đại kết: "Phải rất thận trọng khi đưa ra các chân lý chính truyền để nếu người lạc giáo có mặt ở đó, họ sẽ cảm nhận được lòng bác ái và sự ôn hòa Kitô Giáo. Không được dùng lời lẽ cứng rắn và cũng không được khinh miệt những sai lầm của họ." Một trong những khuôn mặt vĩ đại của phong trào đại kết hiện nay là Ðức Hồng Y Bea, một linh mục dòng Tên.


Lời Trích

 

Thánh Y Nhã đề nghị lời nguyện sau đây cho các hối nhân: "Lạy Chúa, xin hãy chấp nhận mọi đặc quyền, mọi ký ức, mọi hiểu biết và toàn thể ý chí của con. Ngài đã ban cho con tất cả những gì con có, tất cả con người của con, và con xin phó thác chúng cho thánh ý của Ngài, để Ngài tùy ý sử dụng. Con chỉ xin Chúa ban cho con tình yêu và ơn sủng. Ðược như thế, con đã giàu sang đủ và không dám đòi hỏi gì nữa."

 

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:58

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 31/7/2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 31/7/2020
"Người không làm nhiều phép lạ tại quê hương mình, vì họ không tin" (Mt 13,58).
Những "Câu chuyện cảnh giác" được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã làm cho người ta mất niềm tin với người xung quanh, thậm chí cả với người thân của mình.
Hôm nay, Đức Giêsu về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, và biết sẽ không được ai đón nhận, bởi vì:“Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Mặc dù trước đó, họ cũng đã biết ít nhiều về Ngài. Họ cũng được nghe lời Ngài dạy, phép lạ Ngài làm, Nhưng vì đầu óc cố chấp, họ không tiếp rước Ngài.
Những người Dothái và cả những người đồng hương với Đức Giesu, đã không chấp nhận, không tin và cũng chẳng tôn trọng Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã không làm phép lạ nào tại quê hương của mình vì sự cứng lòng tin nơi họ.
Cảm nhận tin mừng: Ngày nay chúng con cũng có những thành kiến cố chấp, không chấp nhận nhiều việc tốt của người khác, vì thế chúng con không xứng đáng được Chúa viếng thăm.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra Chúa mỗi ngày qua anh chị em chung quanh. Xin cho chúng con xóa bỏ thành kiến để công cuộc loan báo Tin Mừng đạt được nhiều kết quả. Amen.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:56

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 30/7/2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 30/7/2020
“Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.” (Mt 13,47-48).
Ngày nay với phương tiện giao thông đường hàng không, người ta có thể có mặt bất cứ nơi nào trên thế giới, miễn là có điều kiện. Đi đến đâu bạn cũng có thể gặp gỡ, tiếp xúc với các người bản xứ, nghĩa là nhìn thấy, nói chuyện với họ. Họ là người da trắng, da vàng, da đen...Gặp họ và theo hình dáng bên ngoài, bạn không thể biết đâu là người Việt Nam, đâu là người Trung quốc. Đâu là người Nhật đâu là người Hàn Quốc. Đâu là người Mỹ, người Pháp...
Thế gian này có nhiều chủng tộc, cũng như dưới biển sâu có nhiều thứ cá.
Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ biết: Nước Trời giống như người ngư phủ đánh bắt cá và bắt được nhiều thứ cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những con cá xấu.
Thế nào là cá tốt và thế nào là cá xấu?
Cá tốt là những cá mập mạp. Ở đây là những người biết nghe và thực hành Lời Chúa. Cá xấu là những người không nghe, hay có nghe, nhưng không biến đổi được họ vì sự ích kỷ và kiêu ngạo.
Cá tốt và cá xấu chung sống trong một đại dương! Khi ngày giờ đến, lúc ấy chúng mới bị phân loại ra.
Cảm nhận tin mừng: Chúng con rồi đây cũng sẽ được diện kiến dung nhan Chúa. Chúng con phải thật sự vui mừng vì chúng con là những con cá tốt trong Nước Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng con là loài thụ tạo rất hèn mọn và tội lỗi. Chúng con tin Chúa luôn yêu thương đón nhận chúng con vào đoàn những người Chúa chọn. Xin Chúa biến đổi và giải cứu chúng con, để chúng con luôn được ở trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.

30 Tháng Bảy
Thánh Phêrô Chrysologus
(406-450?)


Thánh Phêrô Chrysologus sinh ở Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu chức phó tế bởi Ðức Cornelius, là Giám Mục của Imola.

Thánh Phêrô có biệt danh là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng của ngài. Vào năm 433, Ðức Giáo Hoàng Sixtus III tấn phong ngài làm giám mục của Ravenna. Ngài thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần, và chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.

Ngài tẩy sạch mọi vết tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được phát sinh trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn. Ngài nhận xét, "Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Ðức Kitô."

Thánh Phêrô Chrysologus từ trần ở Imola năm 450, và năm 1729 ngài được đặt làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn lưu truyền đến ngày nay.

Lời Bàn

Chắc chắn rằng thái độ của Thánh Phêrô Chrysologus đối với việc học đã đem lại cho ngài tài hùng biện. Theo quan điểm của thánh nhân, ngoài việc trau dồi đức tính, việc học hỏi là sự thăng tiến lớn lao cho trí óc con người và giúp hỗ trợ tôn giáo. Sự ngu dốt không phải là một đức tính, và cũng không giúp gì cho trí óc. Kiến thức là nguồn hãnh diện không khác gì khả năng của thể xác, về hành chánh hay tài chánh. Là một con người đích thực thì phải phát triển kiến thức -- dù kiến thức đạo hay đời -- theo khả năng và cơ hội của mỗi người.

Lời Trích

Eutyches, người lãnh đạo lạc giáo từ chối nhân tính của Ðức Kitô, sau khi bị Giáo Hội kết án, ông tìm sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Thánh Phêrô Chrysologus. Thánh nhân thành thật nói với ông ta: "Vì lợi ích cho đức tin và sự bình an, chúng ta không thể phán xét vấn đề mà không có sự đồng ý của vị giám mục Rôma." Ngài thúc giục Eutyches hãy đơn sơ chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể và ngài nhắc cho ông biết rằng, nếu sự bình an trong Giáo Hội khiến thiên đàng vui mừng thì sự chia cắt chắc chắn sẽ đem đến lo buồn.


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:24

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/7/2020 Thánh nữ Mátta. Lễ nhớ.

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/7/2020
Thánh nữ Mátta. Lễ nhớ.
"Mát-ta, Mát-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất" (Lc 10, 42).
Thánh Mát-ta là chị cả (Chị Hai) của Ma-ri-a và La-da-rô. Cha mẹ mất sớm nên hai em nghe lời chị Hai lắm, nhất nhất việc gì cũng hỏi ý kiến chị mình.
Trên đường đi rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu và các môn đệ đến làng Betania, ghé thăm ba chị em Matta, Maria và Lagiarô và cũng để nghỉ ngơi.
Theo Tin mừng; Mátta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà, và Mátta đã chuẩn bị cơm nước đầy đủ. Lần này Matta đón tiếp Đức Giesu một cách trọng thị hơn, vì bà nghĩ; (Đức Giesu và các môn đệ đi đường mệt mỏi lắm, nên cần nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ).
Chị Matta bực mình biết chừng nào khi Maria không chịu lo giúp tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu giảng dạy.
Đức Giêsu biết tất cả, Ngài gọi Matta đến mà nói: "Mát-ta, Mát-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất". (Lc. 10, 38-42).
Cảm nhận tin mừng: Chúng con đến với Chúa mà tâm trạng hết sức rối bời, bởi vì chúng con quá lo lắng áy nay cho cuộc sống hiện tại mà quên đi cuộc sống mai sau.
Lạy Chúa. Qua thánh nữ Matta, Chúa đã dạy cho chung con một bài học cần thiết biết bao. Xin cho chúng con chuyên tâm học hỏi Lời Chúa và mau đem ra thực hành. Amen.


29 Tháng Bảy
Thánh Mátta


Đức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô." Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của thánh nữ.

Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10:38-42, Gioan 11:1-53, và Gioan 12:1-9.

Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. Ðức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta -- thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria.

Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Ðức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Ðức Giêsu.

Cuộc đối thoại của ngài với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.

Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: "Mácta lo hầu hạ." Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.

Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.

Lời Bàn

Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng trong đoạn văn diễn tả việc Lagiarô sống lại, Thánh Gioan có ý nhắn nhủ chúng ta phải coi lời của Mácta nói với Maria (trước khi Lagiarô sống lại) như tóm lược những gì một Kitô Hữu phải vâng theo. "Thầy có mặt ở đây và đang hỏi đến em." Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chúng ta đến sự phục sinh -- mà sự phục sinh ấy hiện có trong đức tin khi rửa tội, được chia sẻ vĩnh viễn sự chiến thắng của Người đối với sự chết. Và tất cả chúng ta, cũng như ba người bạn của Chúa Giêsu, được mời gọi kết tình bằng hữu với Chúa trong một phương cách độc đáo.


Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:32

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/7/2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/7/2020
"Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". (Mt 13,36).
Chuyện bên lề.
"Nhân chi sơ tính bản thiện hay nhân chi sơ tính bản ác".
Người xưa nói rằng: Bản tính của con người lúc ban đầu là Thiện. Đức của một người là quà tặng của thiên thượng (Trời), và được liên thông với thiên thượng. Mọi người đều có bản chất tốt và đạo đức, nếu một người thủ đức và nỗ lực tu thân, anh ta có thể trở thành người giống như các vị vua Nghiêu, vua Thuấn.
Người xưa cũng nói rằng.
Con người sinh ra vốn dĩ là ác, có được thiện là do quá trình bồi dưỡng, giáo dục mà có. Con người khi sinh ra có đầy đủ dục vọng như ham lợi, ham sắc,… Nếu như con người cứ phát triển theo dục vọng thì mối quan hệ giữa người và người sẽ phát sinh ra tranh đấu và tạo nên một xã hội hỗn loạn, do đó mới cần phải có “lễ” để điều chỉnh, sửa đổi bản tính ác của con người.
Lúa và cỏ lùng cùng chung một họ là họ lúa. Nếu nhìn hình dáng bên ngoài, hai cây giống hệt nhau. Lúa cho ra hạt chắc, có nhiều tinh bột, dùng làm lương thực nuôi sống con người. Cỏ lùng hạt nhỏ, không có tinh bột, không làm thức ăn được.
Người ta thường nguyền rủa những người ác độc; "sao Chúa không phạt quách đi cho rồi?”; và "Trong khi mình đạo đức, liêm chính, tốt lành thì lại gặp toàn chuyện không may?”.
Đức Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các ông: Thuở đầu Thiên Chúa tạo nên những điều tốt lành, nhưng sau có sự pha tạp, vì kẻ xấu đã gieo trộm cỏ lùng vào ruộng lúa. Điều này cho thấy: Ngay từ ngày đầu tiên thành lập Giáo Hội, Giáo hội luôn gặp phải những chống đối, thù nghịch luôn tìm cách phá hoại công trình yêu thương và cứu độ muôn người.
Cảm nhận tin mừng: Lúa tốt và cỏ lùng nhiều khi chúng con không nhận dạng được. Trong thực tế chúng con đã chứng kiến biết bao là cỏ lùng xám hối để trở thành lúa tốt. và cũng có những bông lúa tốt nhưng không ra hạt được bởi kiêu căng tự mãn.
Lạy Chúa. Con cái Nước Trời là hạt giống tốt, và con cái ma quỷ là cỏ lùng. Cỏ lùng phải được tiêu diệt để lúa thêm tốt tươi. Xin cho chúng con biết hoán cải, để chúng con thoát khỏi hình phạt muôn đời. Amen.


28 Tháng Bảy
Thánh Leopold Mandic
(1887-1942)


Kitô Hữu Tây Phương đang nỗ lực hoạt động để thông cảm hơn với Kitô Hữu Chính Thống Giáo, có thể đó là nhờ lời cầu bầu của Thánh Leopold Mandic.

Thánh Leopold sinh ở Castelnuovo, một hải cảng nhỏ ở Croatia và là người con thứ mười hai trong gia đình. Khi rửa tội, cha mẹ đặt tên cho ngài là Bogdan, có nghĩa "con-Chúa-ban."

Mặc dù sức khỏe rất yếu kém và bị tật nguyền, ngay từ nhỏ ngài đã cho thấy một sức mạnh tâm linh và sự đoan chính. Vào năm 16 tuổi, Bogdan từ giã quê nhà để sang Ý là nơi ngài theo học với các tu sĩ Capuchin ở Udine với khao khát được gia nhập Dòng này.

Vào tháng Tư 1884, ngài được gia nhập đệ tử viện Dòng Capuchin ở Bassano del Grappa và lấy tên là Thầy Leopold. Bất kể sự khắc khổ của đời sống tu sĩ Capuchin, ngài vẫn can đảm theo đuổi và đắm chìm trong Linh Ðạo Thánh Phanxicô mà nhờ đó ngài trở nên một trong những gương mẫu tốt lành nhất.

Sau khi chịu chức linh mục, Cha Leopold muốn thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Ðông Âu đang tan nát vì tranh chấp tôn giáo, nhưng bề trên từ chối vì sức khỏe yếu kém của ngài.

Từ 1890 đến 1906, Cha Leopold làm việc tại một vài nhà dòng trong tỉnh Venetian. Năm 1906, ngài được bổ nhiệm về Padua là nơi ngài sống cho đến suốt đời, ngoại trừ một năm phải ở tù trong thời Thế Chiến I, vì không chịu từ bỏ quốc tịch Croatia.

Chính ở Padua là nơi ngài đảm nhận việc Giải Tội và Linh Hướng, một công việc mà Thiên Chúa đã dùng đến người tôi tớ Chúa là Cha Leopold trong gần bốn mươi năm trời, và cũng nhờ đó mà cha nổi tiếng. Mỗi ngày ngài dành cho công việc mục vụ đó có đến 15 giờ đồng hồ. Một vài giám mục cũng tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh.

Vào tháng Chín 1940, Cha Leopold mừng Kim Khánh Linh Mục. Nhưng sau đó, sức khoẻ của ngài tàn tạ dần. Ngài từ trần ở Tu Viện Padua ngày 30 tháng Bảy 1942. Sau đó không lâu, sự mến mộ ngài ngày càng gia tăng và đã đưa đến việc phong chân phước cho ngài vào năm 1976 và sau cùng, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1983.

Lời Bàn

Thánh Phanxicô khuyên nhủ các môn đệ "hãy theo đuổi điều mà họ phải khao khát trên hết mọi sự, đó là có được Thần Khí Thiên Chúa và cách làm việc thánh thiện của Chúa" (Quy Luật 1223, Chương 10) -- đó là những lời mà Thánh Leopold đã sống. Khi bề trên tổng quyền dòng Capuchin viết thư cho các tu sĩ nhân dịp phong chân phước cho Cha Leopold, ngài nói đời sống của Cha Leopold đã chứng tỏ "sự tiên quyết của điều được coi là thiết yếu."

Lời Trích

Thánh Leopold thường hay tự nhủ: "Hãy nhớ rằng ngươi được sai đi là vì ơn cứu độ của nhân loại, không phải vì ngươi có công trạng gì, vì chính Chúa Giêsu chứ không phải ngươi đã chết để cứu chuộc các linh hồn... Tôi phải cộng tác với sự thiện hảo siêu phàm của Chúa là Người đã đoái hoài và chọn tôi, để qua sứ vụ của tôi, lời Chúa hứa sẽ được thể hiện, đó là: 'Sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên'" (Gioan 10:16).


Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:27

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Thiếu nhi ngành ấu sinh hoạt lên cấp ngay 26/7/2020

Filled under:






















Posted By Đỗ Lộc Sơn04:45

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27/7/2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27/7/2020
“Nước Trời giống như hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình… như nắm men người kia lấy vùi vào ba thúng bột…” (Mt 13,31.33).
Xưa nay, người ta vẫn xem thường những điều nhỏ và coi đó là chuyện nhỏ không cần quan tâm. Năm 1972, ở Pháp có một cây cầu bê tông cốt thép bị xập trước thời gian quy định. Nguyên nhân là có một khe hở dưới chân cầu không trám bịt kín. Một hạt cây rừng theo gió cuốn lọt vào khe. Hạt cây nảy mầm và lớn nhanh, rễ nó ăn sâu vào lòng đất đồng thời làm nứt khe bê tông. Nước thấm vào làm mục lõi sắt. Thế là...
Không như ở Việt Nam, Cây cải vùng hồ Ti-bê-ri-a có thể cao tới một mét, nên chim trời đến làm tổ trên cành được.
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn hạt cải và men trong bột để nói về Nước Trời. Qua đó, Ngài dạy cho mọi người; hãy làm việc trong âm thầm nhỏ bé (như cầu nguyện, hãm mình, chay tịnh) nhưng với một ý chí bền vững, chắc chắn sẽ được vinh quang Nước Trời.
Cảm nhận tin mừng: Hạt cải, men bột là những thứ nhỏ, tầm thường, nhưng chúng đã làm nên chuyện. Chúng con tầm thường nhỏ bé, nhưng chúng con biết sống hòa nhã, biết chia sẻ, biết đồng cảm với tha nhân, chúng con cũng sẽ là những cây cải tốt, những đấu men dậy bột làm nên những tấm bánh, ấm thân nhiều người.
Lạy Chúa. Xin giúp chúng con ý thức từng lời nói, hành động dù là nhỏ bé, để như men, như hạt cải được mau lớn lên, để mưu tìm hạnh phúc cho mọi người. Amen.

Chân Phước Antôniô Lucci
(1682-1752)


Antôniô cùng học chung và là người bạn của Thánh Francesco Antonio Fasani, là người đã ra tòa án Giáo Hội để làm chứng cho sự thánh thiện của Antôniô sau khi ngài từ trần.

Sinh ở Agnone miền nam nước Ý, đó là một thành phố nổi tiếng về sản xuất chuông và đồ đồng, Antôniô có tên rửa tội là Angelo. Ngài theo học trường của các tu sĩ Phanxicô và gia nhập cộng đoàn này khi 16 tuổi. Antôniô hoàn tất chương trình tu tập ở Assisi và thụ phong linh mục năm 1705. Sau đó, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học và được bổ nhiệm làm giáo sư ở Agnone, Ravello và Naples. Ngài cũng là cha bề trên nhà dòng ở Naples.

Ðược bầu làm bề trên giám tỉnh năm 1718, và năm sau đó ngài được bổ nhiệm làm giáo sư trường Thánh Bônaventura ở Rôma. Ngài giữ chức vụ này cho đến năm 1729, ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII chọn làm giám mục của Bovino (gần Foggia). Ðức giáo hoàng cho biết, "Tôi vừa chọn được một thần học gia xuất chúng và vị đại thánh làm giám mục Bovino."

Trong 23 năm làm giám mục, Ðức Lucci thường đến thăm các giáo xứ và canh tân đời sống phúc âm của giáo dân trong địa phận. Ngài dùng tiền lương của một giám mục để hỗ trợ cho công việc giáo dục và bác ái. Theo sự thúc giục của bề trên dòng, Ðức Giám Mục Lucci đã viết cuốn sách về các thánh và các chân phước của dòng Phanxicô trong 200 năm đầu tiên.

Ngài được phong chân phước năm 1989, ba năm sau khi người bạn của ngài là Cha Francesco Antonio Fasani được phong thánh.

Lời Bàn

Như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong năm 1975, con người ngày nay "được cảm kích bởi các chứng nhân hơn là người giảng dạy, và nếu họ nghe những người này, đó là vì người giảng dạy cũng là các chứng nhân" (Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Ngày Nay, #41).


Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:38

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng CN ngày 26/7/2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng CN ngày 26/7/2020
“Nước Trời giống như chuyện kho báu dấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.” (Mt 13,44).
Ở Giáo xứ Sơn Lôc, có người kia trồng được chậu Bonsai quý, ông đem biếu xếp và nghĩ; xếp rất thích vì nó là một trong mười cây có giá trị cao. Nhưng ông xếp này không thích và không biết giá trị của cây này, nên ông để nó ở góc vườn không quan tâm đến.
Lại có người khác, mua được chậu cảnh có dáng "Long thiên bạt gió" trị giá cả trăm triệu đồng. Ngày ngày ông cầm kéo cắt tỉa y như một nghệ nhân thực thụ, đến nỗi cả công ty trầm trồ khen ngợi. Một hôm có người đến xem và hỏi: Con rồng đâu rồi?. Sao bây giờ chỉ còn là một tàn cây rối rắm, chẳng còn giá trị gì.
“Nước Trời giống như chuyện người nông dân tìm tìm được ngọc quý. Bằng mọi cách, ông phải mua cho được mảnh đất ấy chỉ để có được viên ngọc quý ấy.
Là người Công giáo, ai cũng biết: Thiên đàng là kho báu. Đức Giêsu là viên ngọc quý. Đã bao lâu nay, từ khi có trí khôn, tôi và anh đã miệt mài học hỏi Lời Chúa, thu tích những ân ban qua các Bí Tích, cố gắng sống chan hòa yêu thương, có thể nói gần như là tìm được kho báu ấy.
Xa mặt cách lòng. Thời gian là thử thách, cùng với sự lười biếng cùng tham lam của cải danh vọng, dục vọng, khiến cho bao người đánh mất niềm mơ ước đó.
Cảm nhận tin mừng: Chúng con phải sáng suốt nhận ra Đức Giêsu chính là viên ngọc quý, lấp lánh như sao mai trên bầu trời,. Chúng con phải bỏ đi những viên ngọc giả là của cải, danh vọng và khoái lạc trần gian.
Lạy Chúa, Qua Lời Chúa dạy, Nước Trời chỉ dành cho những ai thành tâm tìm kiếm. Xin cho chúng con biết từ bỏ những danh vọng vật chất mà biết lo tìm kiếm hạnh phúc đích thực. Xin cho cuộc đời chúng con luôn là một lời cảm tạ Chúa không ngừng. Amen.


26 Tháng Bảy
Thánh Gioankim và Thánh Anna


Trong Kinh Thánh, các thánh sử Mátthêu và Luca cung cấp cho chúng ta phả hệ của Ðức Giêsu. Các ngài đi ngược trở về tổ tiên dòng họ của Người chỉ để chứng minh rằng Ðức Giêsu là cực điểm của các lời hứa trọng đại. Nhưng bên ngoại của Ðức Giêsu thì bị lãng quên, chúng ta không có một dữ kiện gì về các đấng sinh thành ra Ðức Maria. Ngay cả tên Gioankim và Anna cũng xuất phát từ một truyền thuyết được viết lại sau khi Ðức Giêsu về trời khoảng hơn một thế kỷ.

Tuy nhiên, đức tính anh hùng và thánh thiện của các ngài được suy đoán từ bầu khí của toàn thể gia tộc Ðức Maria. Dù chúng ta dựa trên truyền thuyết về thời kỳ thơ ấu của Ðức Maria hoặc suy đoán từ các dữ kiện trong Phúc Âm, Ðức Maria là một thể hiện của biết bao thế hệ những người siêng năng cầu nguyện mà chính ngài là một người đắm chìm trong các truyền thống đạo đức của người Do Thái.

Các đức tính nổi bật của Ðức Maria khi ngài thi hành các quyết định, khi liên lỉ cầu nguyện, khi trung thành với quy luật tôn giáo, khi bình tĩnh trước những khủng hoảng và khi tận tâm với người bà con -- tất cả những điều này cho thấy một gia tộc khắng khít, yêu thương nhau biết nhìn đến các thệ hệ tương lai trong khi vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp của quá khứ.

Thánh Gioankim và Thánh Anna -- dù những tên tuổi này có thật hay không -- đã đại diện cho một chuỗi thế hệ của những người trung tín thi hành bổn phận, kiên trì sống đức tin để tạo nên một bầu khí thuận tiện cho sự giáng trần của Ðấng Thiên Sai, nhưng họ vẫn âm thầm không ai biết đến.

Lời Bàn

Ðây là "ngày lễ của các ông bà". Nó nhắc nhở cho các ông bà về trách nhiệm của họ là phải thiết lập gia phong cho các thế hệ tương lai: Họ phải làm sống lại các truyền thống và trao truyền cho con cháu. Nhưng ngày lễ này cũng có ý nghĩa cho các thế hệ trẻ. Nó nhắc nhở người trẻ rằng cái nhìn chín chắn, giầu kinh nghiệm của người già là sự khôn ngoan không nên coi thường hoặc bỏ qua.

Lời Trích

"... Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong đó, nhiều thế hệ đến với nhau để giúp đỡ nhau lớn lên trong sự khôn ngoan và để hòa hợp quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của đời sống xã hội" (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 52).


Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:04

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

NGƯỜI LẤY TRỘM TIỀN CỦA BẠN LÀ AI?

Filled under:

NGƯỜI LẤY TRỘM TIỀN CỦA BẠN LÀ AI?
-----------------------------------------------
Có 3 vị khách đến Jerusalem, dọc đường họ cảm thấy do mang quá nhiều tiền, nên tốc độ bị chậm và sợ bọn cướp, nên tất cả cùng nhất trí chôn toàn bộ tiền của cả 3 cùng một chỗ, đợi kiếm được xe thì qua lấy lại sau.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, bọn họ phát hiện số tiền đã "không cánh mà bay", và chắc chắn thủ phạm chỉ có thể là 1 trong 3 người họ, vì chỉ họ mới biết chỗ chôn tiền.
Cãi nhau hồi lâu, tất nhiên là không ai chịu nhận đã lấy cắp tiền, tất cả cùng mang "vụ án" tới gặp vua Solomon, người thông thái nhất thành Jerusalem xin giúp đỡ.
Vua Solomon ngay sau khi nghe xong câu chuyện, trả lời :
"Ta cũng đang có 1 vấn đề nan giải, phiền 3 vị nghe câu chuyện của ta trước, góp ý giúp ta rồi sau đó ta sẽ giải quyết giúp chuyện kia của các vị".
Và ngay sau đó, ông kể 1 câu chuyện cho 3 vị khách :
"Một cô gái được hứa gả cho một chàng trai và đã đính hôn ước. Nhưng không lâu sau, cô lại yêu một người khác. Thế là, cô đề nghị hủy hôn với vị hôn phu, đồng thời bằng lòng bồi thường cho anh một khoản tiền. Nhưng vì hạnh phúc của người mình yêu, chàng trai đã đồng ý hủy hôn mà không cần tiền bồi thường. Rồi chẳng bao lâu sau, cô gái bị một ông lão lừa và bắt làm con tin để đòi tiền chuộc. Vì muốn thoát thân, cô gái nói với ông lão:
"Vị hôn phu trước đây chẳng cần tiền bồi thường và đồng ý hủy hôn rồi, vì vậy, xin ông cũng nên làm thế với tôi". Vậy là ông lão cũng đồng ý để cô đi mà không lấy đồng nào."
Kể chuyện xong, Solomon hỏi: "Theo các vị, cô gái, chàng trai và ông lão, hành vi của ai là đáng khen nhất?".
Người đầu tiên nói: "Chàng trai hôn phu đáng khen nhất, vì đã trân trọng tình yêu với cô gái mà không cần tiền bồi thường".
Người thứ hai thì bảo: "Đó phải là cô gái, vì cô gái sẵn sàng vì tình yêu mà bất chấp tất cả, không ngại bồi thường tiền cho vị hôn phu".
Còn người thứ ba suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời: "Câu chuyện thật vớ vẩn, tại sao ông lão bắt cóc cô gái để đòi tiền mà sau đó lại thả đi một cách vô lý như vậy chứ ?".
Ngay sau khi người thứ ba dứt lời, vua Solomon đã chỉ thẳng vào mặt hắn nói rằng: "Ngươi chính là kẻ trộm!", và hô người bắt anh ta lại.
Khi mọi người hỏi lý do, vua Solomon trả lời: "Đó là đòn tâm lý, trong câu chuyện tôi vừa kể, 2 người đầu tiên chỉ quan tâm tới tình tiết, nhân vật mà coi nhẹ đồng tiền, còn kẻ kia chỉ nghĩ đến chuyện tại sao ông lão lại phải thả cô gái mà không lấy tiền, chứng tỏ hắn có tâm hồn đồi bại".
Nghe xong tất cả đều cúi đầu thán phục nhà vua, còn tên kẻ trộm sau đó cũng phải cúi đầu nhận tội.
Bài học: Đa phần chúng ta thường xét đoán mọi người dựa trên sự thật trước mắt, nhưng vua Salomon đã dạy chúng ta rằng, nhiều khi những hành động, thái độ dù rất nhỏ cũng nói lên được bản chất con người.

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:30

Hạt Giống Rơi Xuống Ðất Có Thối Ði...

Filled under:

Hạt Giống Rơi Xuống Ðất Có Thối Ði...

Giacôbê, vị thánh mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay là con ông Giêbêđê và bà Salomê và là anh của thánh Gioan tông đồ. Người ta quen gọi thánh Giacôbê Tiền để phân biệt với thánh Giacôbê, giám mục đầu tiên của Giêrusalem, được gọi là Giacôbê Hậu, kính ngày 03/5 cùng với thánh Philipphê.

Giacôbê và Gioan là hai anh em được Chúa Giêsu kêu gọi sau khi Ngài đã chiêu mộ hai anh em Phêrô và Anrê. Phúc Âm thánh Matthêu thuật lại: Hai anh em ông được Chúa gọi ở bờ hồ Genezareth, trong lúc đang ở trong thuyền vá lưới với cha. Ðược Chúa gọi, hai ông bỏ thuyền và người cha để theo Chúa ngay lập tức. Ðiều này chứng tỏ lòng hăng hái nhiệt thành của hai anh em, nên hai người được Ngài cho biệt hiệu là "con cái của sấm chớp" như chúng ta thấy xảy ra ít là trong hai trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất khi người xứ Samaria ngăn cản không cho Chúa Giêsu và đoàn môn đệ đi qua lãnh thổ của họ để tiến về Giêrusalem, hai anh em Giacôbê đã hỏi Thầy: "Thưa Thầy, Thầy có bằng lòng để chúng tôi khiến lửa trên trời xuống thiêu hủy họ không?".

Sau đó, trong chuyến đi Giêrusalem lần cuối cùng, cả hai đã đến xin ngồi bên phải và bên trái Thầy, khi Chúa Giêsu sẽ thống trị trong vinh quang. Và khi không hiểu hoàn toàn ý nghĩa câu hỏi của Chúa: "Anh em có uống được chén Ta sẽ uống không?", hai ông đã nhất quyết thưa: "Chúng tôi uống được". Vì thế, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, như các môn đệ khác, Giacôbê cũng can đảm làm chứng những điều mắt thấy tai nghe về Thầy Giêsu, dầu bị cầm tù, đòn vọt, nhưng đã vui mừng vì được đau khổ vì Chúa Giêsu.

Năm 42, vua Hêrôđê, cháu của Hêrôđê cả, người đã âm mưu giết con trẻ Giêsu, đã bách hại một số thủ lĩnh của các tín hữu Kitô, trong số đó có cả thánh Giacôbê, như sách Tông Ðồ Công Vụ ghi: "Cùng thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay bắt bớ và làm khổ mấy người trong Giáo Hội, vua đã truyền chém ông Giacôbê, anh của ông Gioan. Thấy điều này làm vừa lòng người Do Thái, ông lại bắt cả ông Phêrô nữa".

Với nguồn tin này, chúng ta biết thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên đã đổ máu đào minh chứng cho niềm tin của mình.

Trong thời nội chiến 1936-1939 tại Tây Ban Nha, các quân phiến loạn đốt nhà thờ, nhà thương, tu viện và giết hại nhiều linh mục cũng như nữ tu. Ngày nọ, một vị linh mục già nua bị phiến quân bắt và bị kết án tử hình. Khi bị trói và dẫn đến trước mặt đội lính hành quyết, cha nói với tên trưởng toán: "Xin anh làm ơn cắt dây trói này, để tôi có thể giơ tay chúc lành cho anh và xin Thiên Chúa cũng tha thứ và chúc lành cho các anh".

Lịch sử ghi nhận đa số các tông đồ đã kết thúc cuộc đời chứng tá cho niềm tn bằng những cái chết đau thương, khởi đầu cho những lớp người chứng tá khác trải qua bao thế hệ. Và cũng như vị linh mục trong câu chuyện trên, hàng trăm, hàng ngàn chứng nhân của niềm tin vẫn còn đang bị giam cầm, tra vấn, đày đọa vì niềm tin. Họ chấp nhận những khổ hình một cách bình thản, không oán hận, trái lại, noi gương Chúa Giêsu, họ sẵn sàng tha thứ cho những ngươi làm khổ họ.

"Hạt giống rơi xuống đất có mục nát và chết đi, mới nảy mầm và phát sinh hoa trái". Không gì minh chứng hùng hồn cho lời tuyên bố này của Chúa Giêsu bằng những cuộc sống chứng tá của các tín hữu Kitô đang chịu đau khổ, giam cầm và tử hình vì niềm tin.

Tử đạo là một ơn gọi đặc biệt, nhưng mọi tín hữu Kitô đều được kêu gọi dâng những ốm đau, bệnh tật, những hy sinh nho nhỏ hằng ngày để cầu cho Nước Cha được trị đến.



Posted By Đỗ Lộc Sơn05:50