Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Tin Công Giáo Thế Giới Ngày 29.6.2016

Filled under:




Posted By Đỗ Lộc Sơn04:37

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật XIV Thường Niên năm C

Filled under:

PHÚC ÂM: Lc 10, 1-9
"Chiên con giữa bầy sói"
Suy niệm
Trong khi sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu mở rộng ánh nhìn về thế giới, vượt quá khỏi biên cương của dân tộc Do Thái. Sứ mệnh truyền giáo đã là lệnh truyền ngay từ khởi đầu, và được Chúa Giêsu trao chính thức cho những người đi theo Ngài và ngày Ngài thăng thiên. 
Không chỉ đơn thuần là lệnh truyền, Chúa Giêsu còn sai các môn đệ đi và cặn kẽ hướng dẫn các ông về cách thức, nội dung chia sẻ và những lối ứng xử với tình huống tiếp cận trong tinh thần Phúc Âm. 
“Như chiên con vào giữa bầy sói”, Chúa cảnh báo “những người truyền giảng Tin Mừng” về thế giới mà họ sẽ gieo hạt giống Tin Mừng: đầy những cạm bẫy, những mưu mô, gạnh ghét và hận thù chực chờ.
Như một con người bình thường, người môn đệ cũng mang nơi mình những yếu đuối và bóng mờ nơi tâm hồn.Tuy nhiên, nhờ thấm nhuần Tin Mừng, và được hoán cải từng ngày, họ đồng hoá mình với tinh thần hiền lành, khiêm nhường, đầy lòng thương xót và trong sáng, vô vị lợi của Chúa Giêsu, Đấng là mẫu gương của mọi sứ giả Tin Mừng. Cùng với Chúa Giêsu, họ trở thành chiên non giữa đàn sói của trần gian. 
Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ “loại vũ khí” để chiến thắng những cạm bẫy của sự ác đang vây bủa: Một tâm hồn hiền lành, trong sáng và tự do, không dính bén đến bất cứ điều gì, để trong lòng họ chỉ còn một mối lo toan duy nhất: Tin Mừng được mọi người nhận biết.
Sứ điệp
Từ bản chất truyền giáo của mình, Giáo Hội mời gọi chúng ta “ra đi” chứ không co mình trong chiếc chăn êm ấm, an toàn. Chính nhờ bước chân ra đi của người môn đệ mà Tin Mừng được lan toả. 
Khi đáp lời mời gọi này để truyền bá Tin Mừng, có lẽ không ít lần chúng ta phải lúng túng trước những mời gọi của sự xấu, của sự vô cảm, độc ác tràn lan trong đời sống. Lắm lúc ta dễ ở trong tâm trạng “Thiên hạ say, chẳng lẽ mình tỉnh!”, để rồi việc tha hoá bản thân sẽ chỉ còn là một bước rất gần.
Để tránh nguy cơ này, ta cần luôn ý thức: điều bảo vệ các môn đệ của Đức Kitô được an toàn không phải là tính độc ác, nhưng là lòng nhân từ thương xót, là khả năng yêu mến người khác và chấp nhận tình yêu mà người khác muốn dâng hiến cho mình. Sức mạnh thật của con người là sự mềm dịu kiên nhẫn trong một tình yêu vững vàng và khôn ngoan. 
Xin Chúa giúp con chứng thực “chất chiên con trong sáng” giữa đàn sói, luôn tỉnh táo trước cạm bẫy, luôn tự do thanh thoát trước sự xấu, hằng nhiệt thành với Tin Mừng, và hân hoan luôn vì biết “tên các con đã được ghi trên trời”.
Nguồn: Tin Mừng Chúa nhật số 08 (07.2016)


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:32

SUY NIỆM NGÀY 30-6-2016

Filled under:

THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN C
 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 9, 1-8)


1 Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình.2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi! "3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: "Ông này nói phạm thượng."4 Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?5 Trong hai điều: một là bảo: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn?6 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác giường đi về nhà! "7 Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà.8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.

SUY NIỆM

Nếu dân Israel có kinh nghiệm rằng bệnh tật có liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi và sự dữ, thì việc Chúa Giêsu nói “tội con được tha” để chữa lành cho người bại liệt trong Tin Mừng hôm nay có gì là sai trái? Vậy tại sao các Pharisêu lại trách Chúa “ông này nói phạm thượng?”

Hoàn toàn do tính ích kỷ và hờn ghen mà nhóm Pharisêu đã làm như thế. Họ không thể chấp nhận Chúa Giêsu chính là vị lương y hết lòng thương cảm người bệnh tật và chữa lành mọi kẻ yếu đau (Mt 7,24), đó chính là dâu chỉ cho thấy Thiên Chúa viếng thăm dân người (Lc 7,16) và Nước Trời đã gần kề.

Chúa Giêsu không những có quyền chữa bệnh nhưng còn có quyền tha tội (Mc 2,5-15): Người đến chữa lành con người, cả hồn lẫn xác; Người là Lương Y mà các bệnh nhân cần đến. Người cảm thương mọi bệnh nhân đến nỗi đồng hóa với họ: “Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom” (Mt 25,36). Lòng yêu thương Chúa Giêsu dành cho nhưng người đau yếu luôn thôi thúc mỗi Kitô Hữu chúng ta đón nhận tất cả những người đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Tình yêu này là nguồn mọi cố gắng không ngừng để nâng đỡ anh em khổ đau.

Y học ngày nay cũng hoàn toàn đồng ý rằng: tâm trí có thể ảnh hưởng đến tình trạng thể xác và nếu tâm trí không lành mạnh, thì không thể có thân thể khỏe mạnh.

Hãy luôn là người rộng mở, cảm thông và yêu thương sống liên đới với nhau, chúng ta sẽ thực sự là người môn đệ chân chính của Chúa Kitô, vì chính lúc chúng ta biết thứ tha là khi ta nhận lãnh dư đầy (Phanxico Assisi)

Lạy Chúa, xin con con luôn biết ghi khắc lời dạy của Chúa hôm nay, để con sống yêu thương và cảm thông với anh chị em chung quanh. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Đức Ki-tô phục vụ cho sự sống của con người :
Chữa bệnh và tha tội
(Mt 9, 1-8)

1 Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình.2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi! “
3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.”4 Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?5 Trong hai điều: một là bảo: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn?6 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội.
Bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà! “7 Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà.8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.
***
Lành bệnh và tha thứ đều quan trọng cho sự sống con người: lành bệnh liên quan đến sức khỏe; tha thứ liên quan đến tương quan với Thiên Chúa, với bản thân và với người khác. Con người không thể sống bình an, thậm chí sống mà như chết, nếu những tương quan này bị tổn thương.
Đức Giê-su quan tâm đến sự sống của con người mang hai chiều kích thể lý (chữa bệnh, cho ăn, hồi sinh) và tương quan, nhưng luôn hướng ơn chữa bệnh đến ơn tha thứ, vốn thiết yếu cho sự sống hôm nay, diễn tả và hướng đến sự sống đích thật.
Tuy nhiên, trong trình thuật chữa lành kẻ bại liệt, tương quan giữa hai ơn huệ, ơn chữa bệnh và ơn tha thứ, trở nên phức tạp hơn bình thường : lúc cần chữa bệnh, thì Đức Giê-su ban ơn tha thứ, lúc nói về năng quyền tha tội, thì Ngài lại chữa bệnh !

  1. Tình liên đới và lòng tin
Khi hình dung ra những gì mà bài Tin Mừng chúng ta vừa được nghe công bố, chúng ta không thể không được đánh động bởi hình ảnh một người bại liệt, được nhiều người khiêng, Tin Mừng theo thánh Mác-cô xác định có bốn người khiêng (x. Mc 2, 3) ; và chắc chắn chung quanh còn có nhiều người nữa. Và điều đánh động chúng ta nhất, có lẽ không phải là tình cảnh người bại liệt, nhưng là sự liên đới của nhiều người đối với tình cảnh người bại liệt. Hình ảnh này vẫn còn rất phổ biến trong đời sống của chúng ta, nhất là ở bệnh viện và ở những trung tâm hành hương : người bệnh không bao giờ đi một mình và cũng không thể đi một mình ; và cũng không nên, hay thậm chí không được, để người bệnh đi một mình.
Và trong cuộc sống, chúng ta cần tình liên đới biết bao ; thậm chí, chúng ta không thể sống mà không có tình liên đới. Thật vậy, trong cuộc sống, nhất là trong đời sống gia đình và cộng đoàn, chúng ta được mời gọi mang vác nhau, nhất là mang vác những anh em, chị em đau yếu, và rộng hơn, những anh em hay chị em yếu đuối hay yếu kém hơn. Và một ngày kia, và ngày này không thể tránh được, chính chúng ta, chúng ta cũng sẽ được những người thân yêu, anh em hay chị em của chúng ta mang vác, mang vác loanh quanh một hồi (để đi chữa bệnh), và rồi cuối cùng, cũng mang vác chúng ta đến đặt trước mặt Đức Giê-su (trong nhà nguyện hay nhà thờ) ; và lúc ấy, chúng ta chỉ có thể cậy vào lòng tin của mọi người, nhất là anh em, chị em và những người thân yêu của chúng ta mà thôi. Thực ra, mỗi người trong chúng ta cũng đã từng được mang vác đấy thôi, khi chúng ta còn bé ; và chúng ta vẫn được Chúa và anh em, chị em, những người thân yêu mang vác mỗi ngày ; có điều là chúng ta nhiều khi mù quáng không nhận ra.
Và sự liên đới này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng và đã khiến cho Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, phải động lòng, như bài Tin Mừng hôm nay kể lại. Và một ngày kia, chính Đức Giê-su cũng sẽ để cho người khác mang vác.
Trong bài Tin Mừng, không chỉ có tình liên đới, nhưng còn có lòng tin. Và một lòng tin mãnh liệt đến độ sáng tạo ra những phương thế lạ lùng và táo bạo, khi gặp trở ngại, như thánh sử Mác-cô kể lại : « Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống » (Mc 2, 4). Đó một lòng tin mạnh đến độ có thê nhìn thấy được. Và quả thực, Đức Giê-su đã nhìn thấy lòng tin của họ.
« Lòng tin của họ », nhưng họ đây là những ai ? Là những người khiêng vác người bại liệt, là những người tỏ tình liên đới với người bại liệt. Như thế, lòng tin không chỉ có thể cứu chính mình, như Đức Giê-su hay nói : « lòng tin của con đã cứu con », nhưng còn có thể cứu người khác nữa, như trường hợp ở đây, và nhiều trường hợp khác nữa trong các Tin Mừng. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, những người con sống, cũng như những người đã qua đời. Bởi vì, Chúa cũng mến thương những người chúng ta thương mến.

  1. Bệnh tật và tội lỗi
Nhưng còn có một điều đáng ngạc nhiên khác nữa, mà bài Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh, đó là ơn tha thứ Đức Giê-su ban cho người bại liệt : « Này con, cứ yên tâm, tội con được tha tội rồi » ; trong khi tất cả mọi người, trong đó có người bệnh và cả chúng ta nữa hôm nay nghe bài Tin Mừng này, đều chờ đợi một điều khác, đó là phép lạ chữa lành thể lí. Hơn nữa, chữa lành thể lí mới là khẩn cấp và gây ấn tượng cho người xem. Ngoài ra, nếu Đức Giê-su chữa lành ngay, thì sẽ không gây cớ cho người ta xì xầm, thậm chí lên án : « Ông này nói phạm thượng! »
Bình thường Đức Giê-su chữa bệnh rồi mới tha tội ; nhưng trong trường hợp này, tại sao Ngài cố ý tha tội trước rồi mới chữa bệnh, và lại còn so sánh hai hành động này nữa :
Trong hai điều: một là bảo: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn?
(c. 5)
Trong bài Tin Mừng không có câu trả lời, chính là để cho người đọc, là chính chúng ta trả lời. Quả thực, có người mau mắn trả lời, bảo người bại liệt đứng dậy mà đi thì khó hơn, vì đó là phép lạ không tuân theo qui luật tự nhiên, còn tha tội thì không phải là “phép lạ”. Đó là vì người này chưa thực sự có kinh nghiệm về ơn tha thứ và chưa hiểu hết được sự lạ lùng nhân linh và thiên linh của lời tha thứ.

Sự sống của người
Sức khỏe
(bệnh tật)- Bệnh tật, đến từ sự bất toàn của thể xác, liên quan đến sức khỏe.





– Để được chữa lành, không nhất thiết cần tương quan.


– Sức khỏe cần thiết cho cuộc sống những sẽ qua đi.
Tương quan
(tội lỗi)- Tội lỗi, đến từ sự dữ, là thứ bệnh vô hình (vô ơn, nghi ngờ, ham muốn, ghen tị…), nhưng làm ô nhiễm tâm hồn, gây ra bầu khí chết chóc, ảnh hưởng đến các mối tương quan làm nên cuộc sống, tương quan với Chúa, với bản thân và với người khác, và có hậu quả cụ thể và rộng lớn.
– Ơn tha thứ đòi hỏi lòng tin : « Lòng tin của chị đã cứu chị » (Lc 7, 50) và dẫn đến hành trình chữa lành hay tái sinh lâu dài trong việc đón nhận ơn huệ tha thứ và sống ơn huệ tha thứ.
– Thiết yếu cho sự sống hôm nay, bền vững và diễn tả và hướng đến sự sống đích thật.

Trước hết về thiên linh, qua lời tha tội, Đức Giê-su mặc khải chính căn tính thần linh của mình, chính tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa. Đúng như những người Pha-ri-sêu và luật sĩ đã nghĩ : « Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? » ; và Đức Giê-su công bố : « Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội ». Chúa đánh liều chính sự sống của mình khi phục hồi sự sống nhân linh, nghĩa là sự sống, được nuôi dưỡng bởi tương quan liên vị, của người bệnh.
Về nhân linh, chữa lành thể lí đúng là việc khẩn cấp, mọi người đều muốn và gây ấn tượng. Con người thời nay cũng vậy, hay chạy theo những cách chữa bệnh lạ lùng. Được lành bệnh, phục hồi sức khỏe, cho dù là quan trọng cho cuộc sống, nhưng đâu có thể giải quyết hết được mọi vấn để của cuộc sống, nhất là những vấn đề sâu xa, chẳng hạn những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, không bình an và bị « bại liệt » với bản thân, với người khác và nhất là với Thiên Chúa. Như thế, ơn tha thứ không thể là « tự động » được, nhưng liên quan đến tự do của ngôi vị, liên quan đến ơn chữa lành con tim, chữa lành tâm hồn, được giải thoát khỏi sự dữ. Để được « hoàn tất », ơn tha thứ cần được đón nhận và thể hiện trong cuộc sống như là ơn tái sinh : « Con ta đã chết, nay sống lại » (Lc 15, 24). Và đây là một việc lâu dài và rất khó khăn : chúng ta có thật sự xác tín mình được bao dung tha thứ hay không bởi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô, vì « Đức Ki-tô chết cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn ở trong tội » ? Chúng ta có nhận ra gốc rễ của tội chưa ? Chúng ta đón nhận ơn chữa lành khỏi sự dữ chưa ? Chúng ta đã sống ơn tha thứ đã nhận được chưa, nhất là diễn tả tình yêu và lòng biết ơn của chúng ta dành cho Chúa và lòng bao dung chúng ta dành cho nhau ? Nếu không, chúng ta sẽ tự biến mình trở thành bất xứng với ơn tha tội (x. Người tôi tớ, được tha thứ, nhưng lại độc ác với bạn của mình trong Mt 18, 23-35).
Và giả như, phép lạ chữa lành có xẩy ra, thì sức khỏe đâu có tồn tại mãi. Người bại liệt được Đức Giê-su chữa lành ; nhưng một ngày kia, anh lại bị « liệt » trở lại, và lần này sẽ mãi mãi không thể đứng dậy được.

  1. Ơn tái tạo
Vì thế khi nhìn ngắm hình ảnh người bại liệt đứng dậy vác giường đi về nhà, bằng lời của Đức Giê-su : « Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà », đôi mắt của chúng ta được mời gọi nhận ra một ân huệ lớn hơn là ơn huệ chữa lành thể lí, mà Chúa muốn ban cho mỗi người chúng ta. Bởi vì chính chúng ta cũng đã từng bị và đang bị bại liệt, trong tương quan với mình, với Chúa và với nhau. Bại liệt này vô hình, nhưng lại có hiệu quả hữu hình : chúng ta im lặng, tiêu cực, lẩn trốn, đóng kín, tính toán, tẩy chay… Chính Lời bao dung tha thứ của Chúa làm chúng ta đứng dậy, chữa lành, tái tạo chúng ta để chúng ta có sức mạnh và tình yêu để đảm nhận gánh nặng (hình ảnh tự vác giường, thay vì để cái giường nó vác mình), đi về nhà, nghĩa là tái hòa nhập với những người thân yêu trong hòa giải và hiệp nhất.
Đức Giê-su đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Và sự sống đích thực này được trao ban cho chúng ta, không phải bằng những phép lạ chữa bệnh (xét cho cùng, con người làm được chuyện này, bằng nền y học càng ngày càng hiệu quả), nhưng là bằng lời tha thứ, lời tái tạo, lời phục hồi : « Này con, cứu yên tâm, tôi con được tha rồi. » Và Lời này chỉ có thể đến từ Thiên Chúa mà thôi. Lời tha thứ tái tạo, tuy vô hình, nhưng lại có những hiệu quả hữu hình, khi làm cho chúng ta hòa giải với bản thân, với người khác và với Thiên Chúa, qua đó, làm cho chúng ta sống dồi dào ngay trong thân phận con người và ngay trong những hoàn cảnh đầy thách đố, sinh lão bệnh tử.

* * *
Khi ban ơn tha thứ cho người bại liệt, Đức Giê-su muốn dẫn anh đi xa hơn việc tìm lại được sức khỏe, đó là đi vào trong sự sống đích thật ; đồng thời, Ngài cũng mặc khải chính căn tính của Ngài là Con Thiên Chúa. Nhưng khi làm như thế, Ngài đánh liều chính sự sống của mình, và sẽ đánh liều đến cùng bằng cái chết trên Thập Giá, để tha thứ và chữa lành chúng ta một cách bền vững và tận căn. Chúng ta được mời gọi đi theo Đức Giê-su và cũng dám đánh liều sự sống và cuộc đời để phục vụ sự sống, qua đó « ca tụng, tôn kính và phụng sự » Thiên Chúa, Chúa chúng ta, trong ơn gọi Chúa ban cho mỗi người chúng ta, như Đức Giê-su.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:30

Lời cầu nguyện mở ra lối thoát trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn

Filled under:

Lời cầu nguyện giúp thắng vượt các khép kín và mở một lối thoát trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn
PopeFrancis-29Jun2016-01.jpg

Lời cầu nguyện giúp thắng vượt các khéo kín và cho phép ơn thánh mở một lối ra trong cuộc sống chúng ta: từ khép kín tới rộng mở, từ sợ hãi tới can đảm, từ buồn phiền tới niềm vui. Và chúng ta có thể thêm từ sự chia rẽ tới hiệp nhất.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giàng thánh lễ cử hành lúc 9 giở 30 sáng 29-6-2016, lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô. Cùng đồng tế với ĐTC có 40 Hồng Y, 75 Tổng Giám Mục và Giám Mục, trong đó có 25 Tổng Giám Mục nhận dây Pallium và 300 linh mục.

Trong số các Tổng Giám Mục nhân dây Pallium có 4 vị người Ý, 4 vị Brasil, các nước Tây Ban Nha, Mêhicô và Ecuador mỗi nuớc 2 vị, các nước Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, quần đảo Antille, Ba Lan, Myanmar, Benin, Mỹ, đảo Salomon mỗi nước 1 vị.

Hiện diện trong thánh lễ có gần 10.000 tín hữu đặc biệt là phái đoàn của Toà Thượng Phụ Chính Thống Costantinopoli, gồm Đức Methodios TGM Boston, ĐC Telmessos, ĐC Job và Trưởng Phó tế Nephon Tsemalis.

Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có mấy ca đoàn khách. 

Các bài đọc bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý và Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh. Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Pháp, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tầu và Ý.

Sau lời chào mở đầu, các Phó tế đã xuống trước mộ của Thánh Phêrô lấy các khăn Pallium để ở đây lên. Tiếp theo sau là phần giới thiệu các Tổng Giám Mục được nhận dây Pallium và lời thề của các vị. Dây Pallium được làm bằng lông chiên có 5  thánh giá mầu đen. Ngay từ hồi thế kỷ thứ IV nó đã được ĐGH dùng. Có lẽ nó đã là một dấu hiệu của hoàng đế, sau này được dùng cho các Giám Mục. Dây Pallium biểu tượng cho sự hiệp nhất của các Tổng Giám Mục với Đức Giáo Hoàng, là người kế vị thánh Phêrô. Sau này nó đuợc ĐGH là Giám Mục Rona trao cho các Tổng Giám Mục, nhất là dưới thời ĐGH Gregorio VII sau năm 1000, khi có nhu cầu kiểm soát việc lựa chọn các Giám Mục. Kể từ đó các Tổng Giám Mục đến Roma để nhận dây Pallium. Sau đó dây Pallium cũng được ban cho các vị không phải là Tổng Giám Mục như là một dấu hiệu danh dự. Vào thập niên 1970 Đức Phaolô VI đã cải cách hình thức trao dây Pallium, vì thế ngày nay nó chỉ được ban cho các Tổng Giám Mục mà thôi trong ngày lễ kính hai thánh Phêrô Phaolô 29 tháng 6 hàng năm, để nêu bật sự hiệp nhất gắn bó của các vị với Ngài Toà Thánh Phêrô. Trong suốt ngàn năm đầu tiên của Giáo Hội dây Pallium biểu tượng cho con chiên lạc và mục tử mang nó trên vai trái. Đó là hình chúng ta tìm thấy trên các ảnh vẽ icone trên gỗ và trên các bức khảm đá mầu. Sau ngàn năm thứ nhất dây Pallium thay đổi hình thức, nó được mang trên cổ và có ý nghĩa khác. Năm hình thánh giá đỏ ám chỉ 5 dấu thánh Chúa. Ba dấu thánh giá diễn tả 3 chiếc đinh đóng vào người Chúa Giêsu. Như thế dây Pallium đặc biệt có ý nghĩa kitô học, diễn tả Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành. Ngày này dây Pallium bao gồm tất cả các ý nghĩa kể trên và biểu hiệu cho Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.

Giảng trong thánh lễ ĐTC nói:

Lời Chúa trong phụng vụ chứa đựng một từ kép chính yếu: đóng – mở. Chúng ta cũng có thể để bên cạnh hình ảnh này biểu tượng của các chià khóa, mà Chúa Giêsu hứa ban cho Simon Phêrô để ông có thể mở cửa vào Nước Trời, chứ không đóng nó trước người ta, như vài ký lục và người pharisêu mà Chúa Giêsu quở trách, đã làm (c. Mt 23,13).

Bài đọc sách Tông Đồ Công Vụ (12,1-11) trình bầy với chúng ta ba cái đóng: thánh Phêrô bị đóng trong ngục; cộng đoàn đóng cửa chăm chú cầu nguyện; và trong bối cảnh gần với văn bản của chúng ta – sự đóng cửa nhà bà Maria, mẹ của Gioan gọi là Marco, nơi Phêrô tới gõ cửa  sau khi được giải thoát.

Liên quan tới các đóng kín này, lời cầu nguyện xem ra như là lối ra chính: lối ra cho cộng đoàn, có nguy cơ đóng kín trong chính mình vì cuộc bách hại và vì sợ hãi; lối ra cho Phêrô, còn đang ở trong giai đoạn đầu của sứ mệnh do Chúa trao phó, bị vua Hêrôđê tống ngục và có nguy cơ  bị kết án tử. Trong khi thánh Phêrô ở trong tù, thì “Giáo Hội liên lỉ dâng lên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12,5). Và Chúa đáp trả lời cầu nguyện và sai thiên thần tới giải thoát ông, “giật thoát ông khỏi tay vua Hêrôđê (c. 11). Lời cầu nguyện như là việc khiêm tốn tín thác nơi Thiên Chúa và thánh ý Ngài, luôn luôn là lối ra cho các khép kín cá nhân và công đoàn của chúng ta.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Cả  thánh Phaolô, khi viết thư cho Timôthê, cũng nói về kinh nghiệm giải thoát của ngài, kinh nghiệm đi ra khỏi nguy hiểm bị kết án tử; nhưng Chúa đã ở gần ngài và ban cho ngài sức mạnh, để ngài có thể hoàn thành công trình rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (x. 2 Tm 4,17). Nhưng Phaolô nói tới một rộng mở lớn lao hơn nhiều, hướng tới một chân trời vô cùng rộng rãi hơn: chân trời của cuộc sống vĩnh cửu, trước hết để đem Chúa Kitô tới cho những người không biết Chúa, và rồi để ném mình vào trong vòng tay ôm của Chúa và được Chúa cứu thoát đem lên trời trong nước Ngài” (c. 8).

Chúng ta hãy trở lại với thánh Phêrô. Trình thuật Tin Mừng (Mt 16,13-19) về lời tuyên xưng đức tin và sứ mệnh theo sau mà Chúa Giêsu tín thác cho thánh Phêrô cho thấy rằng cuộc sống của Simon - bác thuyền chài người Galilê  - như là cuộc sống của từng người trong chúng ta – mở ra, hoàn toàn mở ra, khi nó tiếp nhận ơn thánh đức tin từ Thiên Chúa Cha. Khi đó Simon lên đường – một con đường dài và cam go – sẽ đưa ông tới chỗ ra khỏi chính mình, ra khỏi các an ninh nhân loại của mình, nhất là ra khỏi sự kiêu căng lẫn lộn với can đảm và với lòng quảng đại yêu thương tha nhân. Trên lộ trình này của cuộc giải thoát của ông, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thật là định đoạt: “Thầy đã cầu nguyện cho anh, để đức tin của anh không thuyên giảm” (Lc 22,32). Nhưng cũng định đoạt cái nhìn tràn đầy cảm thương của Chúa, sau khi Phêrô đã chối Ngài ba lần: một cái nhìn đánh động con tim và tháo cởi các giọt nước mắt của sự hối hận (x. Lc 22,61-62).. Khi đó Simon đưọc giải thoát khỏi ngục tù của cái tôi kiêu căng và sợ hãi, và thắng vượt cám dỗ khép kín với lời mời Chúa Giêsu mời gọi theo Ngài trên con đường thập giá.

Như tôi đã nhấn mạnh, trong bối cảnh của sách Tông Đồ Công Vụ có một chi tiết chúng ta có thể ghi nhận (x. 12,12-17). Khi Phêrô được giải thoát ra khỏi ngục của vua Hêrôđê một cách lạ lùng, ông đến nhà bà mẹ của Gioan gọi là Marcô. Ông gõ cửa, và từ bên trong một đầy tớ gái tên là Rođê nhận ra tiếng Phêrô, nhưng thay vì mở cửa thì lại đầy nghi ngờ và vui mừng chạy vào báo cho bà chủ biết. Trình thuật xem ra tức cười, khiến cho chúng ta nhận thức được bầu khí sợ hãi mà cộng đoàn kitô đã sống, đóng kín trong nhà và cũng khép kín với cả các ngạc nhiên của Thiên Chúa nữa. Chi tiết này nói với chúng ta về cám dỗ luôn luôn hiện hữu đối với Giáo Hội: cám dỗ khép kín trong chính mình, khép kín trước các hiểm nguy.  Nhưng ở đây cũng có lốc xoáy, qua đó hoạt động của Chúa có thể đi ngang qua: thánh sử Luca nói rằng trong nhà đó “nhiều người họp nhau và cầu nguyện” (v. 12). ĐTC giải thích thêm như sau:

Lời cầu nguyện cho phép ơn thánh mở một lối ra: từ khéo kín tới rộng mở, từ sợ hãi tới can đảm, từ buồn phiền tới niềm vui. Và chúng ta có thể thêm từ sự chia rẽ tới hiệp nhất. Phải, hôm nay chúng ta nói lên điều này với sự tin tưởng cùng với các anh em của Phái đoàn, do ĐTC đại kết Bartolomeo thân mến gửi tới tham dự lễ hai thánh Bổn Mạng của Roma. Một ngày lễ của sự hiệp thông đối với toàn thể Giáo Hội như cũng minh nhiên sự hiện diện của các Tổng Giám Mục đến tham dự lễ làm phép các dây Pallium sẽ được các vị đại diện của tôi đeo cho các vị tại các toà địa phương.
Xin các thánh Phêrô Phaolô bầu cử cho chúng ta, để chúng ta có thể tươi vui hoàn thành lộ trình này, sống kinh nghiệm hoạt động giải thoát của Thiên  Chúa và làm chứng cho nó trước tất cả  mọi người.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã ra cửa sổ Dinh Tông Toà đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường dưới trời nóng 34 độ C của mùa hè Roma. Ngỏ lời với mọi người ĐTC nói: hôm nay lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô chúng ta chúc tụng Chúa vì lời rao giảng và chứng tá của các vị. Giáo Hội Roma được xây trên đức tin của hai vị Bổn Mạng của mình. Nhưng hai vị cũng là rường cột và là ánh sáng lớn chiếu soi không những trên bầu trời Roma mà cả trong con tim của các tín hữu Đông và Tây Phương nữa. Trình thuật sứ mệnh của các Tồng Đồ cho biết Chúa Giêsu gửi các môn đệ ra đi cứ hai người một (x, Mt 10,1; Lc 10,1). Trong một nghĩa nào đó từ Thánh Địa hai thánh Phêrô Phaolô cũng đã được gửi tới Roma để rao giảng Tin Mừng. Hai vị đã là những người rất khác nhau: thánh Phêrô một bác “thuyền chài khiêm tốn”, thánh Phaolô “bậc thầy và tiến sĩ” như phụng vụ hôm nay nói. Nhưng nếu ở Roma này chúng ta được biết Chúa Giêsu, và nếu đức tin kitô là phần sống động và nền tảng của gia tài tinh thần và nền văn hóa của vùng đất này, thì cũng là nhờ lòng can đảm tông đồ của hai người con này của vùng Cận Đông. Vì tình yêu đối với Chúa Kitô, hai vị đã bỏ quê hương, không lo lắng trước các khó khăn của cuộc du hành dài và các hiểm nguy cũng như các nghi ngờ có thể gặp, và đã đến Roma. Nơi đây các vị đã là những người loan báo và chứng nhân của Tin Mừng giữa dân chúng, và đóng ấn sứ mệnh đức tin và lòng bác ái của mình với cuộc tử đạo.

Ngày này hai thánh Phêrô và Phaolô trở lại trong tinh thần  giữa chúng ta, các vị rong ruổi trên các con đường của thành phố này, gõ cửa nhà của chúng ta, nhưng nhất là gõ cửa con tim chúng ta. Các ngài muốn một lần nữa đem Chúa Giêsu, tình yêu thương xót, sự ủi an và hoà bình của Chúa Giêsu tới cho chúng ta. Chúng ta hãy tiếp nhận sứ điệp của các ngài! Chúng ta hãy lấy chứng tá của các ngài làm kho tàng của mình. Đức tin ngay thẳng và vững vàng của thánh Phêrô, con tim vĩ đại và hoàn vũ của thánh Phaolô sẽ giúp chúng ta là các kitô hữu tươi vui, trung thành với Tin Mừng và cởi mở cho sự gặp gỡ với mọi người.

ĐTC cũng nhắc cho mọi người biết trong thánh lễ ban sáng ngài đã làm phép các dây Pallium của các Tổng Giám Mục được chỉ định trong năm qua thuộc nhiều nước. Ngài chào và chúc mừng các vị, cũng như thân nhân và những người tháp tùng các vị hành hương tới Roma. ĐTC khích lệ các vị tươi vui tiếp tục sứ mệnh phục vụ Tin Mừng trong niềm hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, đặc biệt là với Ngai Toà thánh Phêrô, như dấu chỉ dây Pallium diễn tả. ĐTC cũng chào phái đoàn Giáo Hội Chính Thống do Đức Thượng Phụ Bartolomaios Giáo chủ chính thống Costantinopoli gửi sang tham dự thánh lễ hai thánh Bổn Mạng của Giáo Hội Roma. Sự hiện diện của phái đoàn là dấu chỉ các mối dây huynh đệ giữa hai Giáo Hội chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện để các mối dây liên kết hiệp thông và làm chứng tá chung ngày càng mạnh mẽ hơn.

Chúng ta hãy phó thác toàn thế giới và đặc biệt thành Roma này cho Đức Trinh Nữ Maria, Sự cứu rỗi của dân Roma, để nó có thể luôn tìm thấy nơi các giá trị tinh thần và luân lý nền tảng phong phú cho cuộc sống xã hội và sứ mệnh của nó tại Italia, trong Âu châu và trên thế giới.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.



(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 29.06.2016)

Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI – 65 năm phục vụ Giáo hội trong thiên chức Linh mục


Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ năm nay (2016) là ngày kỷ niệm 65 năm Đức nguyên giáo hoàng Biển đức, một trong những thần học gia vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, được lãnh nhận thiên chức Linh mục.
PopeFrancis-PopeBenedictXVI-01.jpg

Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927 tại nước Đức, trong một gia đình bình dân và đạo đức. Ngài đã  khám phá ra vẻ đẹp và chân lý nơi Chúa Kitô phần lớn là nhờ ảnh hưởng của gia đình luôn sống tốt lành và cậy trông vào Chúa, gắn bó với Giáo hội trong mọi hoàn cảnh. Ngày 29-6-1951, ngài được nhận lãnh thiên chức linh mục cùng với người anh của mình là Đức ông George Ratzinger. Ngài đã góp phần đáng kể cho Công đồng Vaticanô II trong tư cách chuyên viên. Ngày 25-3-1977, Đức Phaolô VI đã đặt ngài làm Tổng giám mục München và Freising. Cũng trong năm 1977, tại Công nghị hồng y vào ngày 27-6, Đức Phaolô VI nâng ngài lên hàng hồng y. Ngày 25-11-1981, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh và Ủy ban Thần học.

Sau khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, ngày 19-4-2005, Đức hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng, lấy tước hiệu là Bênêđictô XVI. Lời đầu tiên vị tân giáo hoàng gửi đến toàn thể thế giới là: “Anh chị em thân mến, sau vị giáo hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các hồng y đã bầu chọn tôi, một người thợ đơn sơ và khiêm hạ làm việc trong vườn nho của Chúa. Tôi cảm thấy được an ủi vì niềm tin rằng Chúa có thể làm việc và hành động ngay cả với những phương thế bất toàn, và trên hết mọi sự, tôi phó thác mình cho lời cầu nguyện của anh chị em”. Trong Thánh Lễ khai mạc sứ vụ giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI nói với mọi người tham dự và với cả thế giới: “Mọi ý thức hệ về quyền lực đều hành động như nhau. Những ý thức hệ ấy biện minh cho việc tiêu diệt bất cứ cái gì có thể cản đường tiến bộ và giải phóng nhân loại. Còn Thiên Chúa, Đấng đã nên Chiên (xá tội), lại nói với chúng ta rằng: thế giới được cứu độ nhờ Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, chứ không phải nhờ những kẻ đóng đinh tha nhân”. Rồi ngài nói thêm: “Xin cầu nguyện cho tôi để tôi không vì sợ hãi sói dữ mà bỏ trốn”.

Cuộc đời 65 năm phục vụ như Linh mục, Giám mục, Hồng y, rồi Giáo hoàng và ngày nay là nguyên Giáo hoàng, trong những giai đoạn sáng tối khác nhau của lịch sử và Giáo hội, nhưng Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức vẫn luôn là “một con người hiện thân của sự thánh thiện, một con người của hòa bình và con người của Thiên Chúa” như Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét. Ngài luôn là tấm gương sáng cho các Linh mục và toàn thể Giáo Hội về lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội, về đời sống cầu nguyện và sự khiêm nhường.

Ngay từ ngày đầu của đời Linh mục, Đức Biển đức XVI đã xác tín thiên chức Linh mục là một thánh chức, qua đó Thiên Chúa biến một con người tầm thường thành quà tặng cho nhân loại và hành động nhân danh Người. Linh mục không cô đơn lẻ loi, nhưng có các thánh đồng hành, các thánh trên trời cũng như các thánh đang sống ở trần gian, những tín hữu hôm nay và ngày mai luôn nâng đỡ và đồng hành với các Linh mục. Linh mục được trở nên bạn của Chúa Giêsu, được gọi ở cùng Người và loan truyền sứ điệp của Người. Câu hỏi Chúa Giêsu nói với Phêrô: con có yêu mến Ta không, được Đức Biển Đức suy tư như là câu hỏi cho chính mình, để rồi cuộc đời ngài được định nghĩa như “tìm kiếm Đấng yêu thương” trong suốt cuộc đời phục vụ của Linh mục cũng như nghiên cứu giảng dạy thần học. Thiên Chúa là Đấng ngài yêu mến ao ước, gắn bó kết hiệp và tin tưởng.

Cuộc đời Linh mục của Đức Biển Đức là một cuộc đời cầu nguyện, chìm sâu trong sự kết hiệp với Thiên Chúa. Không phài chỉ đến khi từ chức, nghỉ hưu, rút về đan viện trong nội thành Vatican ngài mới bắt đầu cuộc sống chiêm niệm cầu nguyện, nhưng trong suốt cuộc đời Linh mục, cuộc đời của một thần học gia đương thời lỗi lạc nhất, ngài đã là một chuyên gia cầu nguyện. Thật không sai khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong lời giới thiệu của cuốn sách “Dạy và học tình yêu Thiên Chúa” được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 65 Linh mục của Đức Biển Đức: điều căn bản và quan trọng nhất không phải là giải quyết các công việc ngày qua ngày, nhưng là cầu nguyện không ngừng nghỉ cho người khác, cả hồn và xác, như Đức nguyên giáo hoàng Biển đức”. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi ngài là một “thần học gia quỳ gối”, vì trước khi là thần học gia lỗi lạc và thầy dạy đức tin ngài đã thật sự tin, thật sự cầu nguyện. Ngài là hiện thân mẫu mực của hoạt động của Linh mục là đâm rễ sâu trong Chúa. Đức Biển đức cho thấy cầu nguyện là yếu tố quyết định và là điều thế giới đang cần.

Là một thần học gia lỗi lạc và đã là Giáo hoàng đứng đầu Giáo hội, nhưng Đức Biển đức còn cho thấy lòng khiêm nhường tuyệt đối của ngài. Khi ngài cảm thấy sức khỏe không cho phép ngài tiếp tục sứ vụ thánh Phêrô, ngài đã khiêm nhường can đảm từ chức để đi vào đời sống cầu nguyện. Mới đây trên chuyến bay trở về Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi: có chăng 2 Đức giáo hoàng, nhắc lại lời của Đức Biển đức khi tuyên bố từ chức: “Trong số anh em đây, có người kế nhiệm tôi; tôi hứa vâng phục ngài”. Đức Thánh Cha nhận xét: ngài giữ lời đã nói và rất khôn ngoan.
Khi tuyên bố từ chức, Đức Biển đức đã nói: Thiên Chúa goi tôi “lên núi”, để dành bản thân mình cho việc cầu nguyện nhiều hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là bỏ rơi Giáo hội. Nếu Thiên Chúa yêu cầu tôi, thì chính xác là để tôi có thể tiếp tục phục vụ Giáo hội với cùng sự dấn thân và cùng tình yêu mà tôi đã cố gắng dành cho Giáo hội cho đến nay, nhưng trong một cách thức khác thích hợp với tuổi già và sức khỏe của tôi.” Ngày nay trong đời sống âm thầm nơi đan viện, ngài chắc chắn vẫn yêu mến và bảo vệ Giáo hôi như những ngày còn hoạt động trong môi trường nghiên cứu giảng dạy và như những vị lãnh đạo hướng dẫn Giáo hội. Sự hiện diện âm thầm của ngài nhưng vẫn được cảm thấy qua sự thanh tĩnh, bình an, mạnh mẽ, đầy tin tưởng và niềm tin, trung thành và tận hiến, là một điều tốt lành và sức mạnh cho toàn thể Giáo hội. 

(Hồng Thủy Op, RadioVaticana 29.06.2016)

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:25

5 Phút cho Lời Chúa 30/6/2016

Filled under:

CÒN CON, CON BẢO THẦY LÀ AI?
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15)
Suy niệm: Vốn không ưa thích gì Ki-tô giáo, nhưng triết gia Pháp E. Renan cũng phải thốt lên: “Đức Giê-su là thiên tài tôn giáo vĩ đại nhất của lịch sử.” Người Do Thái thời Đức Giê-su cũng dành cho Ngài những danh hiệu cao quý nhất: là Ê-li-a, bậc tôn sư lỗi lạc trong hàng ngũ ngôn sứ; là Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ giúp quốc gia trong cơn khốn khó. Cả hai vị này bất quá chỉ là người dọn đường cho Đấng Ki-tô. Vì thế đối với người đương thời, Đức Giê-su cao lắm chỉ được coi là người dọn đường, chứ không phải là chính Đấng Cứu Thế. Chỉ có Phê-rô, đại diện cho các môn đệ, mới có thể nhận diện đúng chân tướng của Chúa: Ngài là chính Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Ngày hôm nay, bạn có tuyên xưng Ngài là Cứu Chúa đời bạn như Phê-rô không?
Mời Bạn: “Vấn đề cấp bách nhất về niềm tin là liệu một người văn minh có thể tin Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa hay không, vì toàn bộ niềm tin của ta dựa trên điều ấy” (nhà văn Nga F. Dostoievski). Ngày hôm nay, Đức Giê-su cũng hỏi bạn: “Còn con, con bảo Ta là ai?” Bạn sẽ trả lời Ngài thế nào? Đây là câu trả lời mang tính sinh tử với bạn, vì sẽ quyết định vận mạng đời bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, là Anh Cả, là bậc Thầy có lời ban sự sống đời đời, là người bạn thân thiết nhất, và sẽ nỗ lực sống điều mình tuyên xưng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tựa như thánh Phê-rô, con cũng tuyên xưng Chúa là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con muốn sống với trọn con tim điều mình tuyên xưng: Chúa có vị trí quan trọng nhất trong những chọn lựa hằng ngày của con. Amen. 

Suy niệm với Mẹ.

“Này con, cứ an tâm,
con đã được tha tội rồi” (Mt 9,2b).
Như Mẹ: Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy cho chúng ta biết rằng tình yêu thương nhau rất cần thiết, giống như chiếc cầu giúp chúng ta đến được với Chúa như anh bại liệt trong bài Tin Mừng. Anh không thể tự mình đến với Chúa Giêsu, nhưng anh được những người xung quanh giúp anh, khiêng anh đến với Chúa Giêsu và anh đã được chữa lành.
Với Mẹ: Chúa ơi, chúng con cũng bị liệt về thể lý, tâm lý vì bị bức xúc, thất vọng, chán chường, hay liệt về tâm linh do tội lỗi... Vì thế chúng con cần lòng thương xót của Chúa, để được chúc phúc và chữa lành.
Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ cực khôn cực ngoan, xin cho chúng con mau mắn chạy tới Chúa để được Ngài xót thương phù trì.
Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.
 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

Các Vị Tử Ðạo Tiên Khởi ở Rôma
(c. 68 A.D.)
Nhiều năm sau khi Ðức Giêsu về trời, chỉ có khoảng một chục người Kitô Giáo ở Rôma, dù rằng họ không phải là những người tòng giáo của "vị tông đồ Dân Ngoại" (Rom 15:20). Khi Thánh Phaolô viết lá thư ấy vào khoảng 57-58 A.D. thì ngài chưa đến thăm họ.
Ở Rôma có nhiều người Do Thái. Có lẽ vì sự tranh chấp giữa những người Do Thái truyền thống và Do Thái theo Kitô Giáo mà Hoàng Ðế Claudius đã trục xuất tất cả người Do Thái ra khỏi Rôma trong những năm 49-50 A.D. Sử gia Suetonius nói rằng việc trục xuất là vì những xáo trộn trong thành phố "gây nên bởi một vài Kitô Hữu." Có lẽ sau khi Claudius từ trần, nhiều người đã trở lại đây vào năm 54, vì lá thư của Thánh Phaolô dường như viết cho một giáo đoàn Dân Ngoại đông đảo.
Vào tháng Bảy năm 64, hơn một nửa thành phố Rôma bị tiêu hủy vì hỏa hoạn. Người ta đồn rằng chính Hoàng Ðế Nero đã gây ra thảm kịch này vì muốn nới rộng cung điện của ông. Nero đã mưu mô đánh lạc hướng bằng cách kết tội người Kitô Giáo. Theo sử gia Tacitus, một "số đông" Kitô Hữu đã bị chết vì "sự thù hận của con người." Thánh Phêrô và Thánh Phaolô có lẽ cùng chung số phận với những người này.

Lời Bàn
Bất cứ đâu Tin Mừng của Ðức Giêsu được rao giảng, ở đó có sự chống đối như Ðức Giêsu đã từng gặp, và nhiều người theo Ngài đã chia sẻ sự đau khổ và sự chết của Ngài. Nhưng không một sức lực nào của loài người có thể ngăn chặn quyền năng của Thần Khí đang giải thoát thế giới. Máu của các vị tử đạo đã từng là, và sẽ luôn luôn là hạt giống đức tin.

Lời Trích
Ðức Giáo Hoàng Clêmentê I, người kế vị Thánh Phêrô đã viết: "Chính vì sự đố kỵ và ghen ghét mà các trụ cột vĩ đại và chính trực của Giáo Hội đã bị bách hại và đã chiến đấu cho tới chết... Trước nhất, Thánh Phêrô, vì sự ghen tương vô lý ngài phải đau khổ không chỉ một hoặc hai lần nhưng nhiều lần, và như thế ngài đã hy sinh làm chứng, đã đến nơi vinh hiển mà ngài đáng được. Vì sự đố kỵ và tranh chấp, Thánh Phaolô đã cho thấy cái giá của sự kiên trì. Ngài bị xiềng xích bảy lần, bị lưu đầy, và bị ném đá; là một sứ giả từ đông sang tây, ngài đáng được kính phục vì đức tin của ngài...
"Chung quanh các đấng ấy là một đám đông những người được tuyển chọn, mặc dù là nạn nhân của sự ghen ghét, họ đã đem cho chúng ta gương mẫu cao quý nhất về sự chịu đựng khi bị tra tấn và sỉ nhục. Vì sự đố kỵ mà các phụ nữ phải đau khổ, như bà Dirce hoặc các con gái của Danaus, họ phải đau đớn khủng khiếp vì các hành động thô bạo. Nhưng họ đã can đảm chu toàn đức tin bất kể sự yếu đuối của thân xác và đã chiếm được phần thưởng cao quý."

Chiếc Cầu Của Gặp Gỡ

Vào khoảng năm 1850, họa sĩ tài ba của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết. Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường đại học quân sự West Point.
Người ta kể lại rằng khi giáo sư ra đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu đây là một chiếc cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn nghệ sĩ của Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm thảm cỏ xanh tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.
Ông giáo sư cầu cóng không ưng ý chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai đứa bé. Viên sĩ quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này, ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: "Tôi đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh".
Nhưng con người có tâm hồn nghệ sĩ xem chừng như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng của con người. Không được sáng tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ dọc theo dòng sông và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.
Chiếc cầu được bắc qua dòng sông là để nối liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho con người ở hai bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người thì chiếc cầu trở thành vô nghĩa.
Chúa Giêsu là chiếc cầu nối liền Trời cao và Ðất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Chỉ trên chiếc cầu của Ðức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.
Ngài sinh ra trong một gia đình, Ngài lớn lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại thành một gia đình. Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người cùng nắm tay đi với nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu của gặp gỡ, của cảm thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc trên chiếc cầu của gặp gỡ, của yêu thương ấy.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:21

Dâng hoa Kính Đức Mẹ (Khai Hoa)- Gx. Sơn Lộc

Filled under:


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:16

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Đức Thánh Cha đề cao sứ mạng chung với Chính Thống

Filled under:

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 28-6-2016 dành cho phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, ĐTC Phanxicô đề cao sứ mạng chung của tất cả các tín hữu Kitô là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa.
PopeFrancis-Metodio.jpg

Phái đoàn do Đức TGM Metodio, Đồng Chủ tịch Ủy ban đối thoại giữa Chính Thống và Công Giáo tại Hoa Kỳ, hướng dẫn, về Roma dự lễ thánh Phêrô Phaolô bổn mạng của Giáo Hội Roma. ĐTC nhận xét rằng ”cả hai Thánh Tông đồ đều đã từng cảm nghiệm quyền năng lòng thương xót của Thiên Chúa: một vị đã chối Thầy và một vị đã bách hại Giáo Hội sơ khai. ”Noi gương hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và các Tông Đồ khác, Giáo Hội gồm những người tội lỗi được cứu độ nhờ phép rửa, đã tiếp tục loan báo lòng thương xót của Chúa qua dòng lịch sử.

 ĐTC nói: ”Vì thế, khi mừng lễ các thánh Tông Đồ, chúng ta hãy tái cảm nghiệm sự tha thứ và ơn thánh liên kết tất cả các tín hữu của Chúa Kitô với nhau.. Nhìn nhận kinh nghiệm về lòng thương xót của Chúa là mối giây liên kết chúng ta bao hàm điều này là chúng ta phải luôn luôn làm cho tiêu chuẩn từ bi thương xót ngày càng trở thành tiêu chuẩn những quan hệ của chúng ta với nhau. Nếu chúng ta, trong tư cách là Công Giáo và Chính Thống, muốn cùng nhau loan báo những kỳ công của lòng thương xót Chúa cho toàn thế giới, chúng ta không thể duy trì những tâm tình và thái độ cạnh tranh, nghi kỵ và oán hận giữa chúng ta với nhau. Chính lòng thương xót giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng của một quá khứ bị ghi đậm những cuộc xung đột và giúp chúng ta cởi mở đối với một tương lai mà Chúa Thánh Linh dẫn chúng ta tới”.

 ĐTC cũng nhắc đến khóa họp vào tháng 9 tới đây của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống. Ngài nói: Nhiệm vụ của Ủy ban này rất quí giá, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho công việc của Ủy ban được tiếp tục một với nhiều thành quả.

 Sau cùng, ngài cầu mong cho Công đồng liên Chính Thống giáo mới kết thúc tại đảo Creta được Chúa Thánh Linh cho nảy sinh từ đó những hoa trái dồi dào cho thiện ích của Giáo Hội. (SD 28-6-2016)

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 28.06.2016)


Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 kỷ niệm 65 năm Linh Mục


VATICAN. Trưa ngày 28-6-2016, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã mừng kỷ niệm 65 năm Linh Mục.
PopeFrancis-PopeBenedictXVI-02.jpg

Ngài thụ phong ngày 29-6 năm 1951 tại Nhà thờ Chính Tòa Freising của Tổng giáo phận Munich-Freising, cùng với anh ruột Georg và 42 bạn đồng môn.

 Hiện diện tại sảnh đường Clementina trong dinh Tông Tòa, đặc biệt có ĐTC Phanxicô, đông đảo các vị Hồng Y và thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

 Lên tiếng sau bài ca chúc mừng của Ca đoàn Sistina, ĐTC Phanxicô nhắc đến một nét nổi bật trong ơn gọi LM của Đức nguyên Giáo Hoàng là câu hỏi của Chúa Giêsu ”Hỡi Simon, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15-19). ”Đây là nét trổi vượt trong toàn đời sống phục vụ như LM và thần học gia mà Ngài (Đức nguyên Giáo Hoàng) không ngại định nghĩa là ”sự tìm kiếm Đấng được yêu mến”: đó là điều Ngài vẫn luôn đã và đang làm chứng ngày nay: điều quyết định trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chính là Chúa thực sự hiện diện, Đấng mà chúng ta mong ước và gần gũi Người trong nội tâm, Đấng mà chúng ta yêu mến và thực sự tin tưởng, tin rằng Chúa thực sự yêu thương chúng ta”.. Chính khi sống và làm chứng một cách khẩn trương và sáng ngời điều duy nhất thực sự quan trọng như thế mà Ngài vẫn tiếp tục phục vụ Giáo Hội, không ngừng góp phần mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của Giáo Hội và Ngài thi hành điều đó trong Đan viện bé nhỏ Mẹ Giáo Hội ở Vatican...”.

 ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cũng chúc mừng Đức nguyên Giáo Hoàng và trao cho ngài cuốn đầu tiên trong bộ sách tuyển tập tựa đề ”Dạy và học Tình Yêu Thiên Chúa”. ĐHY nói: Xét cho cùng, qua tựa đề đó có nói lên tất cả: chúng ta được kêu gọi dạy điều mà chúng ta đã học được nơi Tình Yêu Thiên Chúa.

 ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, đã ngỏ lời chúc mừng Đức Biển Đức 16 và nhắc lại bài giảng thánh lễ của Người hồi tháng 9 năm 2006 tại Nhà thờ chính tòa Freising, nơi Người thụ phong. Trong bài giảng ấy, ĐGH Biển Đức 16 kể lại rằng: ”Khi tôi nằm phủ phục trên mặt đất như được kinh cầu các thánh bao phủ, tôi ý thức rằng trên con đường này chúng tôi không lẻ loi, nhưng có hàng ngũ đông đảo các thánh đồng hành với chúng tôi và các thánh vẫn còn sống, nghĩa là các tín hữu hôm nay và ngày mai, họ đang nâng đỡ và đồng hành với chúng tôi. Rồi đến nghi thức đặt tay và khi ĐHY Faulhaber nói với chúng tôi: ”Từ nay Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu”, lúc ấy tôi cảm nghiệm thấy rằng việc truyền chức linh mục giống như một sự khai tâm trong cộng đoàn các bạn hữu của Chúa Giêsu, họ được kêu gọi ở với Chúa và loan báo sứ điệp của Ngài”.

 ĐHY Sodano cũng nhắc đến sự mô tả của Đức nguyên Giáo Hoàng về bản chất sứ điệp mà các linh mục được kêu gọi loan báo trên thế giới, nghĩa là các LM phải mang đến cho con người ngày nay ”Ánh sáng của Thiên Chúa và Tình Yêu của Thiên Chúa”.

 ĐHY cũng nhận xét rằng khi đọc lại những lời của Đức Nguyên Giáo Hoàng ngày nay, chúng ta thấy như một sự đi trước Giáo huấn của ĐGH Phanxicô, Người luôn mời gọi chúng ta hãy đi gặp những người đau khổ nhất, mang lại cho họ tình yêu thương huynh đệ của chúng ta. Đó cũng là đại sứ điệp của Năm Thánh Lòng Thương Xót chúng ta đang cử hành.

 ĐHY niên trưởng Hồng Y đoàn cũng xin Đức Nguyên Giáo Hoàng ”đang ở trên núi” chuyên chăm sứ mạng cầu nguyện và suy niệm, tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội và các tín hữu.

 Buổi lễ mừng kết thúc với lời cám ơn chân thành của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đối với ĐTC Phanxicô vì lòng nhân từ ngay từ đầu đối với Ngài và cám ơn ĐHY Sodano và Mueller cũng như tất cả các Hồng Y và mọi người khác.

 Sau bản nhạc của Ca đoàn Sistina, các Hồng Y còn ở lại bắt tay và chúc mừng Đức đương kim Giáo Hoàng và vị Tiền Nhiệm (SD 28-6-2016)

PopeFrancis-PopeBenedictXVI-03.jpg

PopeFrancis-PopeBenedictXVI-01.jpg

popes.jpg

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 28.06.2016)

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:54