Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng CN 2 Mùa chay năm B Ngày 28/2/2021.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng CN 2 Mùa chay năm B
Ngày 28/2/2021.
Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. (Mc 9,2).
Ngày xưa Abraham lên núi để sát tế đứa con yêu là Isaac cho Giave Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa chỉ thử lòng ông, xem ông là người như thế nào?. Quả thật, ông đã vâng lời Thiên Chúa một cách tuyệt đối.
Tin mừng hôm nay; Đức Giêsu vì vâng lời Đức Chúa Cha, Ngài cũng lên núi, Ngài đưa các ông Phêrô, Giacôbê, và Gioan cùng đi. Các ông đã thấy tận mắt các việc Thầy mình làm, nghe được các lời tiên tri nói, và nhất là được nghe tiếng nói từ trong đám mây: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người".
Trên núi này, núi Moria là núi của niềm tin. Abraham đã bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa là Cha của ông. Ngọn núi ấy cũng chính là nơi mà Chúa Giêsu đã tự hiến thân mình cho Chúa Cha. Trên núi Sọ, Chúa Giêsu đã hiến dâng lên Thiên Chúa của lễ toàn thiêu chính là cuộc đời của Ngài.
Cảm nhận tin mừng. Chúa Giêsu đã tỏ hiện đúng dung nhan thật của Ngài qua Bí tích Thánh Thể cho chúng con được chiêm ngắm hàng ngày. Là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng con mong sao cho lời nói và việc làm của chúng con nên tốt lành, ý thức được sự cao qúy của đời người, biết trân trọng và gìn giữ cho mình và cho anh em.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã tỏ vinh quang để củng cố đức tin cho các môn đệ, Xin Chúa cũng nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con để chúng con tin tưởng được chung phần vinh quang phục sinh với Chúa mai sau. Amen.




Ngày 28 tháng 2   

Thánh Grêgôriô II
    (c. 731)

 

    Sinh ở Rôma, ngay từ khi còn trẻ Grêgôriô đã dính dáng đến công việc của Giáo Hội. Chính Thánh Giáo Hoàng Sergius I là người nhận thấy những đức tính cao quý nơi người trẻ tuổi này và đã tấn phong Grêgôriô làm trợ phó tế. Ngài phục vụ liên tiếp dưới bốn triều đại giáo hoàng với chức vụ thủ quỹ, và sau đó là quản thủ thư viện. Ngài được giao cho các nhiệm vụ quan trọng và tháp tùng Ðức Giáo Hoàng Constantine đến Constantinople để phản đối Hoàng Ðế Justinian II về các nghị định chống lại tây phương của Công Ðồng Trullan II (692). Sau khi Ðức Constantine từ trần, Grêgôriô được chọn làm giáo hoàng và được tấn phong năm 715.

 

    St. Gregory II Ðức Grêgôriô làm giáo hoàng trong 15 năm. Trong thời gian này, ngài tổ chức các thượng hội đồng để chấn chỉnh các nhũng lạm, ngăn chặn lạc giáo và cổ vũ tinh thần kỷ luật và luân lý. Ngài tái xây dựng một phần lớn các tường thành Rôma để bảo vệ thành phố này chống với các cuộc tấn công của quân Lombard. Ngài tái thiết nhiều nhà thờ, và đặc biệt rất quan tâm đến người đau yếu và người già. Ðan viện thật lớn gần nhà thờ Thánh Phaolô đã được tái thiết, cũng như tu viện của Monte Cassino mà quân Lombard đã phá hủy cách đó 150 năm. Ngài tấn phong Thánh Boniface và Thánh Corbinian làm giám mục để đi truyền giáo cho các sắc dân ở Ðức. Và cũng như Ðức Grêgôriô I, ngài biến dinh thự của gia đình ngài thành một đan viện.

 

    Chính trong những cuộc thương thuyết với Hoàng Ðế Lêô III mà người ta mới thấy sức mạnh tinh thần cũng như sự kiên nhẫn của Ðức Grêgôriô. Hoàng Ðế Lêô đòi phải tiêu hủy tất cả các ảnh tượng thánh, và trừng phạt những ai không tuân lệnh. Khi các giám mục không thuyết phục được hoàng đế về sự sai lầm của ông, họ thỉnh cầu đến giáo hoàng. Một đàng, Ðức Grêgôriô cố gắng thay đổi ý nghĩ của hoàng đế. Ðàng khác, ngài khuyên dân chúng trung thành với hoàng tử, luôn luôn khuyến khích các giám mục chống với tà thuyết.

 

    Ðức Grêgôriô II từ trần năm 731.

 

 

    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:23

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27/2/2021.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27/2/2021.
Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.
Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư?
Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo" (Mt 5, 43-48).
Đọc đoạn tin mừng trên, chúng con không còn nguồn cảm nhận nào, vì tất cả những gì cần cảm nhận, Thầy Chí Thánh Giesu đã nói cho chúng con biết tất cả rồi. Giờ đây, chúng con cần suy chiêm những lời này một cách thâm sâu, từng câu từng chữ và nhất là phải thực hành ngay lời vàng ngọc này.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. Xin đổ tràn tình yêu Chúa trên chúng con, xin giải thoát chúng con khỏi tính hẹp hòi, hơn thua, tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng con. Amen.


   27 Tháng Hai
    Thánh Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi 
(c. 1862)

 

    Phanxicô, sinh trưởng trong một gia đình có đến 12 người con, và ngài mồ côi mẹ khi mới bốn tuổi. Phanxicô được các cha dòng Tên dạy dỗ, và sau hai lần thoát khỏi bệnh nặng, anh tin rằng Thiên Chúa kêu gọi anh vào đời sống tu trì. Tuy nhiên, ước ao gia nhập dòng Tên của anh bị từ chối, có lẽ vì tuổi còn nhỏ, lúc ấy anh chưa đến 17 tuổi. Sau cái chết của người chị vì bệnh dịch tả, quyết tâm đi tu của anh lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và anh được các cha dòng Passionist chấp nhận. Khi bắt đầu cuộc sống đệ tử, Phanxicô lấy tên là Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi.

 

    Là một con người luôn luôn bình dị và vui tươi, không bao lâu Gabrien đã tập được cho mình một đức tính: trung thành trong mọi chuyện dù nhỏ bé. Anh khiến mọi người ngạc nhiên về tinh thần cầu nguyện của anh cũng như việc yêu thương người nghèo, quan tâm đến người khác, tuân giữ quy luật cách nghiêm nhặt và hãm mình phạt xác -- luôn luôn tùy theo tôn ý của bề trên.

 

    Cha bề trên rất kỳ vọng nơi Gabrien khi anh đang chuẩn bị cho đời sống linh mục, nhưng chỉ sau bốn năm tu tập, các triệu chứng của bệnh lao bắt đầu xuất hiện. Luôn luôn vâng lời, anh kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn và những hạn chế mà cơn bệnh đòi hỏi, không muốn được lưu ý cách đặc biệt. Anh từ trần cách êm ái vào ngày 27 tháng Hai 1862, khi mới 24 tuổi, sau khi sống gương mẫu cho mọi người.

 

    Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi được phong thánh năm 1920.

    


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:31

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/2/2021

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/2/2021
“Hãy đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã” (Mt 5, 20-26).
Cách đây khá lâu, bên Ấn Độ, theo lệnh của tòa án, người ta sắp sửa treo cổ một người phạm tội giết người. Số người đứng xem khá đông. Mẹ của nạn nhân (Tạm gọi là bà A) cũng có mặt, bà không vui, không buồn, bà đang nhớ đến đứa con trai duy nhất của bà.
Bên kia, có một người mẹ khác (Tạm gọi là bà B), bà là mẹ của người sắp sửa bị treo cổ. Bà khóc lóc chạy đến mẹ của nạn nhân xin tha. Bà nói: Tôi cũng chỉ có một đứa con trai duy nhất, bà thương con bà thế nào thì tôi cũng thương con trai tôi như vậy. Nếu bà thương con trai bà, thì xin bà cũng thương đến con trai tôi nữa.
Bà A đồng ý xin tha cho kẻ đã giết con trai mình. Bà nghĩ; "Con mình cũng đã chết, mình đã chịu đau khổ nhiều. Bà B đây, cũng chỉ có một đứa con duy nhất, mình không muốn có người mẹ nào khác phải khổ như mình). Tòa án đã tha theo yêu cầu của nạn nhân.
Tha thứ không dễ chút nào, nhưng đó là điều để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng. Tha thứ không có nghĩa là đã xong, nhưng là bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với người được tha, đã tha thứ, không nên đòi hỏi điều kiện.
Cảm nhận tin mừng. Mùa chay là thời giờ chúng con tới gần Chúa, Chúng con cần sự tha thứ của Chúa. Để được tha thứ, chúng con phải nhìn lại mình; Chúng con có hòa đồng với anh em chung quanh không?, tâm trạng của chúng con đối với anh em con như thế nào”.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể: Mến Chúa, yêu người là giới luật quan trọng nhất mà Thiên Chúa đặt vào tâm khảm con người chúng con, để qua đó chúng con biết yêu thương và tha thứ cho anh em đồng loại. xin cho chúng con biết yêu thương anh chị em mình bằng tình thương của Chúa. Amen.


   26 Tháng Hai
    Thánh Apollonia
    (c. 249)

 

    Cuộc bách hại Kitô Hữu đầu tiên ở Alexandria xảy ra trong triều đại Hoàng Ðế Philip. Nạn nhân đầu tiên bị người ngoại giáo tấn công là một cụ già tên Metrius, cụ bị tra tấn và sau đó bị ném đá cho đến chết. Người thứ hai từ chối không chịu thờ tà thần là một phụ nữ Kitô Hữu tên Quinta. Lời nói của bà đã làm đám đông tức giận và bà đã bị đánh đập bằng gậy gộc và ném đá.

 

    Thanh Apollonia Trong khi hầu hết Kitô Hữu rời bỏ thành phố, để lại mọi của cải thế gian thì một nữ phó tế tên là Apollonia bị bắt. Thánh Dionysius, Giám Mục Antiôkia, kể cho chúng ta biết, đám đông đã đánh đập Apollonia, và bẻ gãy mọi cái răng của ngài. Sau đó họ đốt một đám lửa thật lớn và đe dọa nếu ngài không chịu nguyền rủa Thiên Chúa thì họ sẽ ném ngài vào lửa. Ngài xin đợi một vài giây phút như để suy nghĩ về điều họ yêu cầu. Nhưng thay vào đó, ngài đã tự ý nhảy vào lửa và được phúc tử đạo.

 

    Có nhiều nhà thờ được dâng kính cho thánh nữ. Là quan thầy của các nha sĩ, Thánh Apollonia thường được cầu khẩn để chữa răng đau và các bệnh liên hệ đến răng. Ngài thường được vẽ với đôi kìm đang kẹp một cái răng hoặc một chiếc răng vàng đeo trên cổ. Thánh Augustine giải thích về sự tử đạo của ngài là do sự thúc giục đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vì không ai được phép tự ý gây ra cái chết cho mình.

    

    Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:58

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Phút càm nhận Tin Mừng ngày 25/2/2021.

Filled under:

 


Phút càm nhận Tin Mừng ngày 25/2/2021.
“Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho. (Mt 7,7).
Một bà mẹ cầu xin cho con gái mình được thi đậu, vì có thi đậu thì mới được học tiếp vào đại học. Kết quả là con bà thi rớt. Bà buồn lắm, trách móc Chúa đủ điều. Vài tháng sau, một trường đại học ở gần nhà mở đợt tuyển sinh. Điều kiện thi thật dễ dàng, con bà trúng tuyển với điểm cao, được ưu tiên chọn ngành. Nhớ lại, bà cảm thấy có lỗi vì đã trách lầm Chúa.
Thiên Chúa tạo dựng lên con người và mong cho con người được mọi điều tốt đẹp. Ngài ban phát nhu cầu cần thiết cho cho mọi người. Bóng tối sự dữ thì ngược lại. Chúng đẩy đưa con người vào bóng tối sự chết, để chiếm lấy linh hồn và thể xác của con người cách dễ dàng.
Quá ham danh, quá ham vật chất, con người đã cậy dựa vào sức mạnh của thân xác, sức mạnh của kiến thức, của khoa học, quên đi thân phận nhỏ nhoi của mình, quên đi sự cậy dựa vào Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa giúp sức, không cầu nguyện với Ngài.
Cảm nhận tin mừng: Chúa Giesu đã bảo đảm rằng những lời cầu nguyện của chúng con là không vô ích. Ngài ban cho chúng con những điều chúng con xin với đức tin chân thành mạnh mẽ. Chúng con cũng phải chân thành với nhau nữa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. xin ban cho chúng con có được tâm tình khiêm tốn, tín thác, trung thành. Xin cho lời cầu nguyện của chúng con được làm vinh danh Chúa. Amen.

25 Tháng Hai
    Chân Phước Sebastian ở Aparicio
    (1502 - 1600)

 

    Những con đường và nhịp cầu mà Chân Phước Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ thật xa cách. Nhịp cầu sau cùng ngài hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm giá và cùng đích mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.

 

    Cha mẹ của Sebastian là nông dân Tây Ban Nha. Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ Tây Cơ, ở đây ngài làm việc đồng áng. Sau đó ngài xây đắp những con đường để thuận tiện cho việc trao đổi nông nghiệp và thương mãi. Con đường ngài xây từ Mexico City cho đến Zacatecas dài 466 dặm và phải mất 10 năm mới hoàn tất, và vừa phải khéo léo thương thuyết với những người thổ dân.

 

    Sau cùng, Sebastian là một điền chủ giàu có. Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một trinh nữ. Ðộng lực chính mà người trinh nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài kếch sù; phần ngài thì muốn giúp đỡ người con gái nghèo nàn không có của hồi môn ấy một cuộc đời xứng đáng. Khi người vợ thứ nhất qua đời, ngài lấy một trinh nữ thứ hai cũng vì lý do như trước; và người vợ thứ hai cũng chết sớm.

 

    Vào năm 72 tuổi, Sebastian phân phát tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng Phanxicô với tư cách của một thầy trợ sĩ. Ðược giao cho công việc ẩm thực của tu viện rộng lớn ở Puebla de los Angeles (100 thành viên) nằm về phía nam của Mexico City, Thầy Sebastian đã chu toàn bổn phận đi khất thực trong 25 năm. Lòng bác ái của thầy đối với tất cả mọi người thật xứng với cái tên mà người ta đã đặt cho ngài, "Thiên Thần của Mễ Tây Cơ."

 

    Thầy Sebastian được phong chân phước năm 1787 và là quan thầy của những người lữ hành.

 


    Lời Bàn

 

    Theo Quy Luật Thánh Phanxicô, các tu sĩ phải làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi khi công việc của họ không đủ cung cấp cho nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người cùi là những người không có gì để đáp trả. Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được phép đi xin, và luôn nhớ đến điều nhắc nhở của Thánh Phanxicô là hãy làm gương tốt để khuyến dụ dân chúng. Cuộc đời của Chân Phước Sebastian, dù tuổi già nhưng vẫn hăng say, chắc chắn đã đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa hơn.

 


    Lời Trích

 

    Có lần Thánh Phanxicô nói với các môn sinh:"Giữa thế gian và tu sĩ có một giao kèo. Tu sĩ phải đem lại cho thế gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải cung ứng cho các nhu cầu của họ. Khi các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm gương tốt, thế gian sẽ rút tay lại như một sự khiển trách chính đáng" (2 Celano, #70).

    

    Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:24

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24/2/2021.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24/2/2021.
Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona (Lc 11, 29 ).
Đức Giêsu đã thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu; Ngài hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông; Ngài chữa lành bệnh tật; Ngài là cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại.
Người Do thái đòi Đức Giê-su làm một dấu lạ. Thực ra Đức Giê-su đã làm phép lạ rồi, nhưng lần này Người từ chối.
Xưa kia, tiên tri Giôna được Giavê Thiên Chúa cho sống ở trong bụng cá ba ngày. Với ông, đó là một phép lạ cả thể. Đáp lại lời Chúa, Ông đã ra đi kêu gọi dân thành Ninivê mau mau hoán cải. Tin tưởng nơi ông, dân chúng đã một lòng thống hối, nhờ đó đã thoát khỏi cơn thịnh nộ của Chúa.
Giờ đây, Đức Giêsu, Ngài còn làm nhiều phép lạ hơn nhiều, trước mắt các quan quyền, trước đoàn người đông đảo, vậy mà họ còn đòi hỏi một phép lạ nào nữa?. Phải chăng họ đang thách thức Người.
Cảm nhận tin mừng: Dân chúng xưa kia một phần do ít học, một phần quá lo toan cho cuộc sống, nên đã không biết nhiều về Đức Giêsu. Ngày nay, chúng con những người theo Chúa đã biết rõ Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã được nghe những lời Ngài nói, thấy những việc Ngài làm, vậy mà trong chúng con vẫn còn có người hồ nghi, không tin tuyệt đối vào Ngài.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể: Lời kêu gọi trở về luôn vang vọng trong tâm hồn chúng con. Xin ban cho chúng con biết tìm về Thiên Chúa là nguồn sống, biết ăn năn sám hối chân thành để được hưởng ơn cứu độ. Amen.


    24 Tháng Hai
    Chân Phước Luca Belludi
    (1200 - 1285)

 

    Năm 1220, khi Thánh Antôn rao giảng cho cư dân ở Padua thì một thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc, là Luca Belludi, đã đến với thánh nhân và xin được theo nếp sống của những môn đệ Thánh Phanxicô. Thánh Antôn rất mến mộ tài năng, kiến thức của Luca và đích thân giới thiệu anh với Thánh Phanxicô, sau đó chính thánh nhân đã nhận anh vào dòng.

 

    Lúc ấy, Luca chỉ mới 20 tuổi, là bạn đồng hành của Thánh Antôn trong những công tác rao giảng, đã săn sóc thánh nhân vào những ngày cuối đời và sau khi Thánh Antôn từ trần, Luca đã thế chỗ của thánh nhân. Sau đó ngài được bổ nhiệm việc quản lý các tu sĩ Phanxicô ở Padua.

 

    Vào năm 1239, thành phố rơi vào tay quân thù. Những người quý tộc bị tử hình, thị trưởng và hội đồng thành phố bị dẹp bỏ, trường đại học ở Padua từ từ bị đóng cửa và việc xây cất nhà thờ để kính nhớ Thánh Antôn phải bỏ dở. Chính Luca bị trục xuất ra khỏi thành phố nhưng ngài bí mật trở về. Hàng đêm, ngài và thầy quản lý xuống mộ Thánh Antôn trong nguyện đường đang xây cất dở dang để cầu xin sự trợ giúp. Một đêm kia, có tiếng nói vang lên từ ngôi mộ, đảm bảo với các ngài là thành phố sẽ thoát khỏi tay bạo chúa hung dữ.

 

    Sau khi lời tiên đoán ấy thành sự thật, Luca được bầu làm bề trên tỉnh dòng và sau đó ngài hoàn tất vương cung thánh đường để kính nhớ Thánh Antôn, là thầy của ngài. Trong cuộc đời của Chân Phước Luca, ngài thành lập nhiều tu viện, và cũng như Thánh Antôn, ngài được ơn làm phép lạ. Sau khi từ trần, ngài được an nghỉ trong chính vương cung thánh đường mà ngài đã giúp hoàn tất và được tiếp tục sùng kính cho đến ngày nay.

    

    Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:21

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

Do Thái

Filled under:

 Diện tích nước Do Thái thời Chúa Giêsu khoảng từ 20 đến 25 ngàn km2. So với diện tích nước Việt nam là 334.230km2, nước Do Thái chỉ bằng 1/15.

Thời Chúa Giêsu, đế quốc Rôma bành trướng rộng khắp các miền quanh Địa trung Hải. Nước Do Thái nằm dưới ách thống trị của đế quốc Rôma, dưới các triều hoàng đế Au-gút-tô (-29 đến 14), Ti-bê-ri-ô (14-37), Cơ-lau-đi-ô (41-54, Nê-rô (54-68). Thời Chúa Giêsu, xứ Pa-lét-tin do một viên tổng trấn Rôma trực tiếp cai trị tên là Phong-xi-ô Phi-la-tô.
Khi Chúa Giáng Sinh thì nước "Do Thái" (vùng Palestina) đang dưới quyền ‘đô hộ’ của Đế Quốc Rôma. Lúc đó Đế Quốc Rôma đang cai trị nhiều vùng rộng lớn, bao gồm cả vùng Trung Đông. Hoàng Đế Rôma bấy giờ là Augustô. Còn vua Hêrôđê chỉ là một ‘tiểu vương’ thay mặt hoàng đế Rôma cai trị miền Giuđêa (phiá nam Palestina) và nhà vua không phải là người Do Thái. Vùng đất Palestina (nơi người Do Thái sinh sống thời đó) gồm ba miền: Galilê (Bắc), Samaria (Trung) và Giuđêa (Nam). Thành Bêlem nơi Chúa Giáng Sinh và thủ đô Giêrusalem nằm phiá nam, thuộc Giuđêa. Vua Hêrôđê này thường được gọi là vua ‘ Hêrôđê Cả’ (Herod the Great) để phân biệt với Hêrôđê ‘Antipa’ là con. Vua ‘ Hêrôđê Cả’ là người đã tiếp kiến các nhà đạo sĩ phương đông đến triều yết để hỏi đường đến chiêm bái Vị Vua Mới Sinh (Matthêu 2:1...). Cũng nhà vua nầy đã ra lệnh ‘giết các hài nhi mới sinh từ hai tuổi trở xuống...’ (Matthêu 2:16...). Vì thế Thánh Giuse phải đưa ‘Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập (Matthêu 2, 13...). Theo các sử gia thì nhà vua này chết vào năm 4 trước Công Nguyên, tức là sau khi Chúa Giêsu sinh ra chừng 3 hay 4 năm (vì Chúa Giêsu sinh ra vào năm 6 hay 7 trước Công Nguyên, do nhà làm lịch tính lầm năm, như đã nói trên). Khi Thánh Giuse nghe tin nhà vua đã chết, liền đem Đức Maria và Chúa Hài Nhi trở lại quê hương (Matthêu 2,19...) (Như vậy là Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Hài Nhi Giêsu cũng đã phải trải qua một thời ‘di cư’ sống nơi ‘đất khách, quê người’ như nhiều người Việt Nam chúng ta hiện nay!).
Xứ Paléttin
Vào thời Đức Giêsu, vùng đất Paléttin gồm có ba phần: Galilê ở phía bắc, Samari ở giữa, và Giuđê ở phía nam. Phía tây là Địa Trung Hải, phía đông là dòng sông Giođan chảy từ hồ Galilê xuống biển chết. Thiên Chúa đã chọn mảnh đất nhỏ bé này làm nơi diễn ra lịch sử cứu độ toàn thể nhân loại. Con Thiên Chúa đã trở nên một người Dothái, đảm nhận toàn bộ dòng lịch sử của dân tộc Người, một dân tộc sau khi bị lưu đầy ở Babylon lại rơi vào sự thống trị của người Batư, rồi đến người Hylạp và sau cung là người Rôma.
a. Chính trị
Trước việc vua Antiôkhô IV (175-164 trước CN) xúc phạm đền thờ, anh em nhà Macabê đã vùng lên khởi nghĩa và cuố cùng đã giành lại được độc lập cho đất nước trong khoảng gần một thế kỵ. Đó là triều đại nhà Átmônê (142-63 trước CN). Vào cuối triều đại này, có sự tranh giành quyền làm vua và làm thượng tế giữa hai anh em Hiếccanô và Aríttôbulô, điều này đã nên cớ cho tướng Pompê của Rôma chiếm thành thánh (năm 63), mở đầu cho giai đoạn Rôma đô hộ.
Đức Giêsu mở mắt chao đời khi hoàng đế Augúttô đã trị vì đế quốc Rôma được 20 năm, ông này khai mở một thời kỳ tương đối ổn định trên toàn phần đất của đế quốc rộng hơn ba triệu cây số vuông.
Riêng ở Paléttin, nghị viên Rôma đã đặt Hêrôđê, còn gọi là Hêrôđê Cả, làm vua từ năm 40 trước CN, nhưng phải đợi đến năm 37 ông này mới chiếm được Giêrusalem và cai trị ở đó. Hêrôđê không phải là người Dothái, ông đã giết những người thân với nhà Átmônê để bảo vệ ngôi vàng. Cũng vì tính đa nghi, ông còn giết cả người vợ Dothái là bà Mariammê cũng như ba trong số các con trai của ông. Dưới thời của ông, thượng hội đồng Dothái mất hết cả ảnh hưởng; chính ông tự cho mình có quyền bổ nhiệm và cách chức thượng tế. Khi Đức Giêsu sinh ra (vào năm 6 hay 7 trước CN) thì Hêrôđê đã ở vào những năm cuối đời. Theo Tin Mừng Mátthêu, Người đã phải trốn qua Aicập vì bị Hêrôđê lùng bắt (Mt 2,13). Có nhiều công trình được xây dựng ở khắp nơi trong nước dưới thời Hêrôđê; nhất là từ năm 20 trước CN, ông đã cho trùng tu lại đền thờ nhỏ bé được xây sau thời lưu đày (x. Mc 13,1).
Khi vua Hêrôđê qua đời năm 4 trước CN, vương quốc được chia cho ba người con trai. Hêrôđê Antipa được làm tiểu vương vùng Galilê và vùng Pêrê (Lc 3,1). Chính ông này đã giết Gioan Tẩy Giả vì Gioan không chấp nhận việc ông lấy vợ của người anh là Hêrôđê Philípphê (Mt 14,4). Ông cũng là người nhúng tay ít nhiều vào vụ án Đức Giêsu (Lc 23,6-16). Ông đã xin Rôma phong vương cho mình, nhưng rốt cuộc ông đã bị hoàng đế Caligula cất chức năm 39 sau CN. Người con khác là Philípphê (không phải là Hêrôđê Philípphê) được làm tiểu vương các vùng Đông Bắc của hồ Galilê (còn gọi là hồ Tibêria). Cuối cùng là Áckhêlao (Mt 2,22), người mà vua Hêrôđê Cả muốn truyền ngôi vua cho, nhưng Rôma không chấp thuận, chỉ cho ông cai quản vùng Giuđê, Samari và Iđumê. Vì bị người Dothái và Samari khiếu nại, Áckhêlao đã bị Rôma hạ bệ năm 6 sau CN. Phần lãnh thổ của ông được giao cho tổng trấn Rôma, từ đây chế độ cai trị trực tiếp của người Rôma được thiết lập trên đất Giuđê.
Trong số các tổng trấn đầu tiên, phải kể đến Philatô (26-36 sau CN), ông này chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu xảy ra vào năm 30. Ông bị người Dothái căm ghét vì có những hành vi khiêu khích, coi thường tôn giáo của họ. Sau vụ ra lệnh tàn sát nhiều người xứ Samari, Philatô bị cách chức. Khi Cơlauđiô lên làm hoàng đế vào năm 41, ông dẹp bỏ chức tổng trấn và đưa một người bạn ông là cháu của Hêrôđê Cả lên làm vua: đó là vua Ácríppa I, Paléttin lại trở về với chế độ tổng trấn và mang tên chính thức là Giuđê. Có hai vị tổng trấn liên hệ ít nhiều đến Phaolô, đó là Phêlích (Cv 23,24) và Phéttô, ông này đã gửi Phaolô đến Rôma để được xét xử ở đó với tư cách là công dân Rôma (Cv 25,12).
Israel nằm ở rìa phía đông của Biển Địa Trung Hải. Nó có biên giới phía bắc giáp với Li Băng, phía đông bắc với Syri, phía đông và đông nam với Jordan, phía tây nam với Ai Cập, phía tây với Biển Địa Trung Hải. Trước tháng 6, 1967, vùng tạo thành Israel (kết quả của các đường biên giới ngừng bắn năm 1949 và 1950) khoảng 20.700 kilômét vuông (8.000 mi²), gồm 445 kilômét vuông (172 mi²) diện tích nước trong lục địa. Vì thế Israel có diện tích tương đương với Bang New Jersey, trải dài 424 kilômét (263 dặm) từ phía bắc xuống phía nam. Chiều rộng của nó thay đổi từ 114 kilômét (71 mi) tới, ở điểm hẹp nhất, 10 kilômét (6.2 mi). Sau cuộc chiến tranh tháng 6, 1967, tổng diện tích vùng lãnh thổ Israel chiếm đóng thêm là 7.099 kilômét vuông (2.743 mi²). Những vùng lãnh thổ này gồm Bờ Tây, 5.879 kilômét vuông (2.270 mi²); Đông Jerusalem (bị sáp nhập, theo luật Israel), 70 km² (27 mi²); và Cao nguyên Golan (sáp nhập trên thực tế (không chính thức)), 1.150 km² (444 mi²).

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:52

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23/2/2021

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 23/2/2021
"Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này" (Mt 6, 7-15).
Thế giới đang phải đương đầu với nạn dịch Covit, tất cả các sinh hoạt cộng đồng đều bị ngưng trệ, trong đó có việc tập trung cầu nguyện nơi nhà thờ.
Khi đến nhà thờ, là thể hiện niềm tin của mình vào những bước chân đi. Là những lời chúc tụng ngợi khen tôn vinh Thiên Chúa được tỏ rõ. Là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ anh em mình cách chân thành nhất.
Xưa kia các người Pharisieu không biết cầu nguyện thế nào. Họ lên đền thờ, họ kể khó, kể khổ giữa chốn đông người để được người ta khen ngợi. Họ chê bai những người khốn khó, đẩy người ốm đau vào tận cùng xã hội v.v...
Thấy vậy, Đức Giesu gọi các môn đệ đến và dạy cho các ông biết cách cầu nguyện.
Trước tiên, cầu nguyện phải ở những nơi kín đáo, thân thưa với Chúa cho thấu tình cha con.
Cầu nguyện cách chân thành chứ không sáo rỗng, hình thức, giả tạo.
Cầu nguyện với tinh thần tha thứ. Đây là lời cầu nguyện sống động và hấp dẫn nhất.
Cảm nhận tin mừng: Kinh Lạy Cha chúng con đọc hàng ngày mà sao chẳng thậm nhập vào tâm hồn chút xíu nào. Chúng con cầu nguyện rất dài, nhưng lòng đạo thì lại quá ngắn!
Chúng con chỉ đọc kinh chứ chưa biết cầu nguyện, như thế chúng con chỉ như con sáo, cuốn băng mà thôi.
Cầu nguyện mà không biết mình làm gì, chỉ mong sao đọc cho hết, nói cho xong là yên tâm! không hề thay đổi lối sống khi Lời Chúa đòi hỏi...
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể , chúng con thật sung sướng hạnh phúc vì chúng con được gọi Thiên Chúa là Cha. Xin cho chúng con mỗi lần đọc kinh Lạy Cha được trọn niềm tin kính, yêu mến và khao khát thực hành điều Chúa dạy. để chúng con mới thực sự là có Chúa và có tình thương với anh chị em mình. Amen.


23 Tháng Hai
    Thánh Polycarp
    (c. 156)

 

    Là môn đê của Thánh Gioan Tông Ðồ và là bạn của Thánh Ignatiô ở Antioch, Thánh Polycarp, Giám Mục của Smyrna (bây giờ là Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ), là một vị lãnh đạo đáng kính của Kitô Giáo trong tiền bán thế kỷ thứ hai.

 

    Tuy nhiên các vị lãnh đạo Giáo Hội thuộc thế hệ thứ hai đã gặp những thử thách mà thế hệ trước không đề cập đến. Họ phải làm gì khi thế hệ chứng nhân thứ nhất ấy không còn nữa? Lời dạy dỗ xác thực của Chúa Giêsu phải truyền lại như thế nào? Phải trả lời thế nào với các câu hỏi chưa từng có?

 

    Khi các tông đồ không còn ở trần gian nữa, các lạc thuyết bắt đầu xuất hiện ngụy trang chính giáo, sự bách hại lại mạnh mẽ và bắt đầu xuất hiện các tranh chấp về vấn đề phụng vụ mà Ðức Giêsu không bao giờ nói đến.

 

    Polycarp, một người thánh thiện và là giám mục của Smyrna, chỉ thấy có một câu trả lời - trung thành với đời sống Ðức Giêsu và bắt chước đời sống ấy. Thánh Ignatiô nói với Thánh Polycarp "linh đạo của anh đặt nền móng nơi Thiên Chúa như trên một tảng đá không thể nào lay chuyển nổi."

 

    Khi đối diện với lạc giáo, Thánh Polycarp có "bộ mặt bộc trực" đến nỗi Thánh Ignatiô phải thán phục, vì ngài đã bắt chước cách Ðức Giêsu trả lời người Pharisêu. Marcion, người lãnh đạo lạc thuyết nhị nguyên (*), khi đối chất với Ðức Polycarp đã yêu cầu ngài thừa nhận họ, "Polycarp, hãy thừa nhận chúng tôi." Ðức Polycarp trả lời, "Tôi thừa nhận ngài, phải, tôi thừa nhận ngài là đứa con của Satan."

 

    Trái lại khi đối diện với các bất đồng của Kitô Hữu, ngài lại rất khoan dung và tôn trọng. Một trong những tương tranh thời ấy là việc cử hành lễ Phục Sinh. Ðông Phương, là xuất xứ của Thánh Polycarp, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua như sự Thương Khó của Ðức Kitô tiếp theo sau bằng một Thánh Lễ vào ngày kế tiếp. Tây Phương cử hành lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật sau tuần lễ Vượt Qua. Khi Thánh Polycarp đến Rôma để thảo luận về vấn đề này với Ðức Giáo Hoàng Anicetus, họ bất đồng ý kiến. Nhưng các ngài cũng không thấy sự khác biệt trong đức tin Kitô Giáo. Và Ðức Anicetus đã yêu cầu Thánh Polycarp cử hành Thánh Lễ ngay trong nhà nguyện của đức giáo hoàng.

 

    Thánh Polycarp đối diện với sự bách hại cũng như Ðức Kitô đã làm. Chính giáo đoàn của ngài phải thán phục ngài vì đã theo sát "gương phúc âm" - không tìm cách để tử đạo như một số người đã làm, nhưng trốn tránh sự bách hại cho đến khi thánh ý Chúa được thể hiện như Ðức Giêsu Kitô đã làm. Họ coi đó là "một dấu chỉ tình yêu nói lên sự khao khát không muốn chỉ cứu chuộc có một mình, nhưng còn cứu chuộc tất cả anh chị em Kitô Hữu."

 

    Trong thời kỳ đẫm máu tử đạo Kitô Hữu trong đấu trường, dân chúng trở nên điên cuồng đòi hỏi phải tìm bắt Thánh Polycarp, vì ngài nổi tiếng thánh thiện. Thánh Polycarp thật điềm tĩnh nhưng giáo dân thúc giục ngài đi trốn trong một nông trại gần thành phố. Quân lính tìm ra ngài sau khi tra khảo hai đứa bé. Ngài thết đãi họ ăn và xin họ để ngài cầu nguyện trước khi điệu về đấu trường.

 

    Thấy đức tin vững vàng không lay chuyển của Thánh Polycarp, quan thống đốc ra lệnh thiêu sống, và khi quân lính châm lửa, nhiều người chứng kể lại họ được nhìn thấy một phép lạ. Lửa cháy thành một vòng cung chung quanh thánh nhân, bao bọc ngài như các cánh buồm, và thay vì bị đốt cháy, ngài lại rực sáng như vàng đang chảy trong lò lửa. Khi quân lính thấy ngài không hề hấn gì, chúng đã lấy dao đâm ngài. Máu ngài chảy ra đã dập tắt ngọn lửa.

 

    Quan thống đốc ra lệnh đốt xác thánh nhân mà không để giáo dân lấy xác, vì ông sợ họ sẽ thờ Thánh Polycarp mà không thờ tà thần của người Rôma. "Chứng từ" tử đạo của Thánh Polycarp là chứng từ được ghi nhận một cách xác thực về sự tử đạo của người tín hữu Kitô ngay từ thuở ban đầu. Ngài chết vào khoảng năm 156.

 

    Trong nhiều lá thư của Thánh Polycarp, chỉ còn một lá ngài viết cho Giáo Hội Philippi, Macedonia là còn giữ được cho đến ngày nay.


    Lời Bàn

 

    Thánh Polycarp được công nhận là vị lãnh đạo Kitô Giáo bởi tất cả các Kitô Hữu thuộc Giáo Hội Tiểu Á - một thành trì đức tin vững mạnh và trung thành với Ðức Giêsu Kitô. Sức mạnh của ngài là bởi tín thác vào Thiên Chúa, ngay cả khi các biến động của đời sống mâu thuẫn với sự tin tưởng này. Sống giữa những người ngoại giáo và dưới chế độ đàn áp một tôn giáo mới, ngài đã chăn dẫn đàn chiên của ngài. Cũng như vị Mục Tử Tốt Lành, ngài đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên và gìn giữ họ khỏi bị bách hại thêm nữa. Sự tín thác vào Thiên Chúa của ngài được tóm lược trong câu nói trước khi chết:"Lạy Chúa Cha... Con ca tụng Ngài, vì đã giúp con xứng đáng cho đến ngày giờ này..." (Sổ Tử Ðạo, Chương 14).


    Lời Trích

 

    "Hãy vững vàng trong cách ăn ở và noi gương Chúa, 'trung kiên trong đức tin, yêu thương anh chị em, đoàn kết trong chân lý,' giúp đỡ lẫn nhau với sự dịu dàng của Chúa, đừng khinh miệt một ai" (Thánh Polycarp, Thư Gửi Tín Hữu Philippi).

 

    (*) Marcion chủ trương có hai Chúa. Một Chúa trong Cựu Ước thì khác với Chúa của Tân Ước, và Ðức Giêsu là Con của Thiên Chúa trong Tân Ước.

 

    

    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:20

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 22/2/2021. LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 22/2/2021.
LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ.
“Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).
Phêrô được Chúa chọn làm người đứng đầu trong 12 tông đồ, là cột trụ của Giáo Hội sau này, không phải vì ông giỏi giang nhưng vì ông có lòng mến, tuyệt đối tin tưởng vào Chúa và Chúa xem ông là một người trợ lực trung thành nhất.
Phêrô nhớ lại những ngày sống trong đau khổ, bị dằn vặt vì chối Thầy, chứng kiến cảnh Thầy bị đóng đinh, bị chết và được an táng, ngày thứ ba, ông được nghe Chúa Phục Sinh. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna... Tất cả những điều đó đã khắc cốt ghi xương, không bao giờ ông quên được.
Để củng cố tinh thần các môn đệ trước khi bước vào thành Gierusalem, Chúa Giesu đã báo cho Phêrô một điều quan trọng, giao cho ông một trọng trách, ông sẽ là đá tảng của Hội Thánh Chúa sau này. Vì là đá tảng, nên không một thế lực ma quỷ nào, phá vỡ được.
Cảm nhận tin mừng: Thánh Phêrô đã sống chết với Chúa trong mọi hoàn cảnh, đã thống hối thảm thiết khi lỡ chối Chúa. Theo gương thánh Phêrô xưa, chúng con quyết một lòng theo Chúa đến cùng. Không nghe theo những tư tưởng xấu đang tràn lan trên các trang mạng. Giữ vững nền tảng gia đình, không chấp nhận đồng tính, phá thai. Giữ vững nền tảng Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể: Hội Thánh Chúa đang đứng trước cơn sóng gió vô cùng nguy khó, xin cho chúng con giữ vững tay chèo, buông bỏ đi những nặng nề, để cho lòng trí chúng con được nhẹ tênh, lướt qua cơn nguy biến như thánh Phêrô khi xưa. Amen.

22 Tháng Hai
Ngai Tòa Thánh Phêrô Tông Ðồ

 

Hôm nay chúng ta tưởng nhớ việc Ðức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.

 

Sau một "cuối tuần mất mát" đầy đau khổ, hồ nghi và dằn vặt sau khi Ðức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna, "Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô." Gioan kể lại khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài.

Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin. Nhưng ngài viết thêm: "... Họ không hiểu rằng theo kinh thánh, Ngài phải sống lại từ cõi chết" (Gioan 20:9). Họ về nhà. Ðầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói, "Bình an cho anh em," và họ quá đỗi vui mừng (Gioan 20:21b).

 

Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Ðức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. "... Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần" (TVCÐ 2:4a) và họ bắt đầu rao giảng bằng các thứ tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho.

 

Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: "... Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em" (Luca 22:32) Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần -- trước nhà cầm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước thượng hội đồng Giêrusalem, trước cộng đoàn về vấn đề của Ananias và Sapphira. Ngài là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Sức mạnh chữa lành của Ðức Kitô ở trong Phêrô được chứng tỏ: cho kẻ chết sống lại, chữa người ăn xin tàn tật. Dân chúng khiêng bệnh nhân ra đường phố để khi Phêrô đi ngang qua, bóng của ngài có thể chữa họ lành.

 

Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô Hữu. Khi Phêrô không còn ăn uống với Dân Ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái, Phaolô viết, "... Tôi chống đối ông ấy ra mặt vì rõ ràng là ông ấy sai... Các ông ấy không đi đúng với chân lý của phúc âm..." (Galat 2:11b, 14a).

 

Trong đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với Phêrô, "Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, khi anh còn trẻ, anh muốn mặc quần áo nào và muốn đi đâu tùy ý; nhưng khi anh lớn tuổi, anh sẽ phải giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho anh và dẫn anh đến nơi anh không muốn" (Gioan 21:18). Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa. Trong thời gian cai trị của Nero, trên Ðồi Vatican ở Rôma, Phêrô đã vinh danh Chúa Giêsu với sự tử đạo, có lẽ cùng với nhiều Kitô Hữu khác.

 


Lời Trích

 

Trong Thơ Thứ Nhất, Thánh Phêrô diễn tả ơn gọi của người tín hữu Kitô:"Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để lãnh nhận niềm hy vọng sống động nhờ Ðức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết..." (1 Phêrô 1:3a).


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:35

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

Phút cảm nhận Tin Mừng CN ngày 21/2/2021.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng CN ngày 21/2/2021.
Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ. (Mc 1,13).
Có anh thợ sửa ống khóa ở đầu hẻm, nhờ hiền lành, chăm chỉ nên anh có khá nhiều khách hàng, do đó cuộc sống gia đình ổn định. Một hôm có người khách gửi anh chiếc xe máy 2 bánh, để vào nhà người quen trong hẻm có chút việc, và hứa chỉ 5 phút thôi. Nhìn chiếc xe mới bóng, máy nổ êm nhẹ, ban đầu anh không quan tâm lắm. Nhưng 5...10...20 phút sau người gửi vẫn chưa ra, anh tò mò đứng dậy, ngồi thử lên xe và thật bất ngờ, anh tăng ga bỏ chạy, để lại ba thứ đồ nghề sửa khóa rẻ tiền.
Nhiều người hôm nay không tin ma quỷ, không tin sự cám dỗ của ma quỷ. Anh thợ sửa khóa không thiếu tiền bạc, không thiếu nhân cách, lương tâm anh ngay thẳng, thế mà, chỉ trong tíc tắc, anh đã bán lương tâm mình cho thế lực đen là ma quỷ, mà anh không biết. Khi bị công an hỏi, anh không trả lời được. Anh cũng không trả lời được với chính mình: "Tại sao tôi lại lấy cắp chiếc xe này".
Ma quỷ luôn tìm cách cám dỗ con người đi nghịch lại với đường lối Thiên Chúa. Chúa Giê-su cũng từng bị cám dỗ. Ma quỷ đã dùng những chiêu thức đường mật hầu làm lung lạc Ngài. Chúng cám dỗ Ngài từ bỏ Chúa Cha để hành động theo ý mình.
Cảm nhận tin mừng: Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ nhờ kết hợp với Chúa Cha. Muốn chiến thắng cám dỗ, chúng con phải gắn bó với Chúa mỗi ngày bằng lời cầu nguyện, nhìn nhận sự yếu đuối của mình để trông cậy lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể: Chúa đã chiến thắng những cơn cám dỗ của Satan, xin giúp chúng con lướt thắng những cạm bẫy trong cuộc đời. Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi để trở nên giống Chúa. Amen.

21/02/2021

    21 Tháng Hai
    Thánh Phêrô Damian
    (1007 - 1072)

 

    Có lẽ vì là trẻ mồ côi và bị đối xử thật tệ hại khi còn nhỏ nên Thánh Phêrô Damian thật tốt với người nghèo. Trong bữa ăn, lúc nào cũng có một hay hai người nghèo ăn chung với ngài, và đích thân ngài lo lắng cho nhu cầu của họ.

 

    Ngài sinh ở Ravenna, mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ và sống với người anh ruột nhưng bị đối xử như người đầy tớ. Khi mới lớn một chút, ngài đã bị sai đi chăn heo. Một người anh khác, là giáo trưởng ở Ravena, thấy thương hại chú em bơ vơ nên đem ngài về nuôi nấng cho ăn học tử tế. Có lẽ vì nhớ ơn dưỡng dục của người anh mà Phêrô đã lấy tên người anh, là Damian, thành tên của mình.

 

    Phêrô là một học sinh có năng khiếu và sau đó trở thành một giáo sư nổi tiếng. Trong thời gian này, Phêrô cố làm quen với sự chay tịnh, sự cầu nguyện và ngài mặc áo nhặm bên trong áo thường để chống với các cám dỗ của lạc thú và mưu chước ma quỷ.

 

    Sau một thời gian, ngài quyết tâm từ bỏ thế gian để sống đời ẩn tu với các đan sĩ Biển Ðức thuộc nhánh cải cách của Thánh Rômuanđô ở Fonte Avellana. Các đan sĩ thường sống hai người một trong một cái am cách xa nhau, để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng, với cuộc sống rất khắc khổ. Vì quá hăng say trong sự cầu nguyện và ngủ quá ít nên không bao lâu Phêrô bị bệnh mất ngủ trầm trọng. Ngài phải thận trọng kềm chế và săn sóc chính mình. Vì lý do đó, ngài dành nhiều thời giờ để nghiên cứu Kinh Thánh, và trở nên một thi sĩ sáng tác thơ đạo cũng nổi tiếng như trong văn chương đời trước đây.

 

    Do một quyết định của toàn thể các đan sĩ, ngài phải chịu trách nhiệm lãnh đạo Cộng Ðoàn khi vị bề trên qua đời. Do đó, sau khi vị đan viện trưởng từ trần khoảng năm 1043, Phêrô đã dẫn dắt gia đình thánh thiện này với sự khôn ngoan và đạo đức. Ngài cũng thành lập thêm năm đan viện khác. Ngài duy trì tinh thần cô độc, bác ái và khiêm nhường. Nhiều vị đan sĩ dưới sự dẫn dắt của ngài là các ngôi sao sáng của Giáo Hội, kể cả Thánh Ðaminh Loricatus, Thánh Gioan ở Lodi là người kế vị ngài trong chức vụ đan viện trưởng ở Holy Cross.

 

    Trong nhiều năm, Thánh Phêrô Damian thường giúp các Giáo Hoàng trong công việc hòa giải giữa các tu hội kình chống nhau, hoặc giữa giáo sĩ, viên chức chính phủ và Tòa Thánh. Năm 1057, Ðức Giáo Hoàng Stephanô IX thuyết phục ngài từ bỏ đời ẩn dật và đặt ngài làm Giám Mục-Hồng Y của Ostia.

 

    Ngài tích cực tẩy trừ nạn buôn bán chức vụ trong Giáo Hội, khuyến khích các linh mục sống độc thân, và thúc giục các linh mục triều sống thành cộng đoàn, giữ chương trình cầu nguyện. Ngài ao ước phục hồi tinh thần kỷ luật nguyên thủy của các tu sĩ và linh mục, cảnh cáo họ về việc di chuyển không cần thiết, vi phạm đức khó nghèo và sống quá thoải mái. Ngài viết thư khiển trách Ðức Giám Mục Florence về việc chơi cờ, và Ðức Giám Mục Besancon về việc để giáo sĩ ngồi khi đọc thánh vịnh trong Kinh Nhật Tụng.

 

    Ngài viết rất nhiều thư. Khoảng 170 lá hiện vẫn còn. Chúng ta cũng còn 53 bài giảng của ngài và bảy tiểu sử ngài viết. Ngài thích viết về gương mẫu và chuyện thật hơn là lý thuyết. Các bản văn phụng vụ của ngài cho thấy ngài có phong cách của một nhà văn.

 

    Ngài thường xin các giáo hoàng cho ngài từ chức Giám Mục-Hồng Y của Osia, và sau cùng Ðức Alexander II đồng ý với điều kiện là bất cứ khi nào cần ngài sẽ sẵn sàng làm việc trở lại. Khi trở lại công việc ở Ravenna, ngài bị sốt nặng. Ngài từ trần ngày 22 tháng Hai 1072 khi các đan sĩ đang vây quanh và đọc kinh Nhật Tụng.

 

    Năm 1828 ngài được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.


    Lời Bàn

 

    Thánh Phêrô Damian là một người cải cách, và nếu ngài sống trong thời nay chắc chắn ngài sẽ thúc đẩy sự canh tân theo tinh thần Công Ðồng Vatican II. Ngài sẽ hoan nghênh việc nhấn mạnh đến cầu nguyện được tỏ lộ qua số buổi cầu nguyện ngày càng gia tăng của các linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng như việc thành lập các nhà cầu nguyện của nhiều cộng đoàn tu sĩ ngày nay.


    Lời Trích

 

    "... Chúng ta hãy trung tín trao truyền lại cho thế hệ mai sau các gương mẫu nhân đức mà chúng ta đã lãnh nhận từ cha ông" (Thánh Phêrô Damian)

    

    Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn06:30