Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 31/10/2020.

Filled under:


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 31/10/2020.
"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" (Lc 14, 1. 7-11).
Một lần tham dự tiệc cưới, chúng tôi được mời lên bàn trên, có người ngại không lên. Cuối tiệc, chủ nhà tặng cho các bàn trên mỗi người một bông hoa hồng thật đẹp, như là lời cảm ơn chân thành nhất.
Các bậc trưởng lão Do Thái ngày xưa thường kiêu căng cho mình là người hiểu biết, họ vỗ ngực xưng tên trong các hội đường và cả trong các bữa tiệc, để người ta cung phụng nhiều cho họ.
Đức Giêsu không chê bai chỗ nhất, nhưng Ngài dạy các môn đệ hãy khéo sử sự thế nào cho đẹp ý chủ và mọi người dự tiệc chung quanh. Cũng thế, khi sinh hoạt cộng đồng trong giáo xứ, tất cả mọi người, nhất là các vị được bầu chọn là đại diện, nên gương mẫu đi đầu trong mọi sinh hoạt. Đừng vì quá khiêm nhường dẫn đến ỷ lại, gây thiệt hại cho nhau.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con cần nhận ra người khiêm nhường thật và khiêm nhường giả tạo. Khiêm nhường thật là người biết nhận ra sự hữu hạn của mình, tội lỗi của mình. Là kẻ được Thiên Chúa yêu thương. Người khiêm nhường cũng biết đón nhận sự góp ý của anh chị em.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng vinh quang vĩnh cửu mới là quan trọng. Cuộc sống này sẽ mau qua, mau hết. Xin cho chúng con học được bài học khiêm nhường của Chúa để chúng con được thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Amen.

31 tháng 10

Thánh Wolfgang ở Regensburg
(924-994)

 

Thánh Wolfgang sinh ở Swabia, nước Ðức, và theo học tại một trường gần tu viện Reichenau. Ở đó ngài gặp Henry, một nhà quý tộc trẻ mà sau này là Ðức Tổng Giám Mục của Trier. Từ đó trở đi, Wolfgang tiếp tục liên lạc với đức tổng giám mục, dạy giáo lý trong trường của giáo phận và hỗ trợ đức tổng trong việc cải cách hàng giáo sĩ.

 

Khi Đức Tổng từ trần, Wolfgang quyết định trở thành một tu sĩ dòng Biển Ðức và di chuyển đến một tu viện ở Einsiedeln, bây giờ thuộc Thụy Ðiển. Ngài được bổ nhiệm làm giám đốc trường đệ tử của nhà dòng và sau khi thụ phong linh mục, cùng với một số tu sĩ, ngài sang Hung Gia Lợi để truyền giáo cho người Magyar, nhưng mới được một năm, Hoàng Ðế Otto II đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục của Regensburg (gần Munich). Ngay lập tức ngài bắt đầu việc cải tổ hàng giáo sĩ, hồi phục quy luật tu viện, cổ võ việc giáo dục, ngài hăng say rao giảng và đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt ngài nổi tiếng về lòng bác ái đối với người nghèo. Dù là giám mục, ngài vẫn mặc y phục của một tu sĩ dòng và sống khắc khổ.

 

Khao khát của ngài là sống thầm lặng trong tu viện để chiêm niệm, nhưng trách nhiệm của một giám mục đã không cho phép, ngoài ra ngài còn là thầy dạy tư của Hoàng Ðế Henry II khi còn nhỏ. Vào năm 994, sau một cuộc hành trình ngài bị lâm trọng bệnh và từ trần ở Puppingen, gần Linz, nước A¨o. Lễ giỗ của ngài được cử mừng một cách rộng rãi trong hầu hết các quốc gia trung Âu Châu. Ngài được phong thánh năm 1052.



Trích từ NguoiTinHuu.com


 

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:26

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/10/2020

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29/10/2020
"Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn" ( Lc 13, 31-35).
Giêrusalem là một thành trì rất tự hào của người Do Thái. Đức Giesu cũng vậy, Ngài xem nơi đây là nhà cha của Ngài. Vì thế, Ngài vẫn thường đến đây để rao giảng Nước Trời là nước của Cha Ngài. Ngài đã làm nhiều phép lạ cùng chữa lành nhiều bệnh nhân, cốt để họ tin Ngài là Đấng được sai đến.
Nhưng tiếc thay, họ chỉ nhìn xem vẻ bề ngoài mà đánh giá Ngài. Giờ đây họ lại đang mưu toan ám hại Ngài.
Đức Giêsu buồn lắm. Ngài đã phải lớn tiếng để nói cho họ biết tất cả; Chỉ vì yêu thương nhân loại mà Ngài đến trong thế gian này, để nhờ giáo lý Ngài dạy bảo, là mến Chúa Yêu người, mà nhân loại được cứu thoát. Để nhờ sự phúc sinh vinh quang cùa Ngài mà nhân loại được sống đời đời.
Ngài không đi đâu cả. Chẳng thà Ngài chịu chết trong thành này như bao các tiên tri xưa. Chết để trọn vẹn chữ yêu thương dân Ngài.
Đức Giêsu đã tan nát cõi lòng khi nói: "Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn". Ngài nói tiếp: " nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!"
Cảm nhận tin mừng. Thành Gierusalem đã "không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào" trong nhiều năm. Mới đây thành đã được xây dựng lại, nhưng Chúa Giêsu không ở đó.
Chúng con cũng vậy: Đã nhiều năm chúng con tiếp rước Chúa với tấm lòng thật trong trắng. Nhưng do, tại, vì đức tin chúng con quá yếu kém, lại để cho vật chất, khoái lại chi phối, để cho lòng chúng con là đền thờ của Chúa ra dơ dáy.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin cho chúng con sớm nhận ra tình yêu của Chúa. Xin đừng để chúng con cứ mãi chai lì, khiến Chúa phải đau lòng. Xin Chúa đưa những con chiên lạc đàn trở về trong tình yêu thương và hợp nhất trong một đoàn chiên. Amen.

29 tháng 10

Chân Phước Tôma ở Florence
(c. 1447)

 

Là con của một người hàng thịt ở Florence, có một thời gian Tôma sống rất hoang đàng đến nỗi những người hàng xóm phải ngăn cấm con cái họ không được chơi với anh. Một người đàn ông giầu có trong tỉnh là bạn với Tôma đã đưa anh vào con đường đồi trụy hơn trước. Khi bị buộc vào một tội ác trầm trọng mà anh không phạm, Tôma chạy đến người bạn này để xin bảo vệ. Nhưng ông ta không thèm nhìn mặt và đuổi anh đi. Thật tan nát, Tôma lang thang trên đường phố cho đến khi anh gặp một linh mục, là người đã lắng nghe câu chuyện của Tôma và đưa anh về nhà của ngài. Sau đó, ngài đã giúp anh được vô tội.

 

Sau khi cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè cũ, Tôma bắt đầu một cuộc đời cầu nguyện và sám hối. Ðược tràn đầy ơn Chúa, anh xin gia nhập dòng Phanxicô làm thầy trợ sĩ. Tôma trở nên một người gương mẫu trong dòng, sống khắc khổ, và giữ kỷ luật rất nghiêm nhặt. Thầy mặc những quần áo vất đi của các thầy khác. Và thầy thường đắm mình trong sự xuất thần. Mặc dù thầy chưa bao giờ được tấn phong linh mục và vui vẻ chấp nhận phục vụ với tư cách một trợ sĩ, Tôma được bổ nhiệm làm giám đốc đệ tử viện. Nhiều người trẻ đã noi gương con đường nên thánh của ngài.

 

Thầy Tôma đã sáng lập thêm nhiều trường đệ tử ở vùng nam nước Ý. Và Ðức Giáo Hoàng Martin V đã kêu gọi thầy rao giảng chống lại bè phái Fraticelli, là những linh mục Phanxicô lạc đạo. Thầy cũng được yêu cầu đến Orient để cổ võ sự hợp nhất giữa Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương. Ở đây thầy bị cầm tù và có thể được lãnh triều thiên tử đạo. Nhưng đức giáo hoàng đã chuộc ngài với số tiền rất lớn. Thầy Tôma trở về Ý và từ trần khi trên con đường đến Rôma, là nơi ngài hy vọng được phép trở lại Orient.



Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:41

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/10/2020 Thánh Simon và thánh Giuđa tông đồ.

Filled under:


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28/10/2020
Thánh Simon và thánh Giuđa tông đồ.
"Tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người" (Lc 6, 12-19).
Đọc đoạn tin mừng hôm nay, khiến ai cũng cảm xúc dâng trào: "Đức Giêsu, suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ".
Khi quyết định chọn gọi 12 môn đệ, Đức Giêsu xem đây là việc rất hệ trọng, Người đã cầu nguyện suốt đêm để tìm Thánh ý Chúa Cha. Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Thiên Chúa.
Chúa gọi đích danh từng người: Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt…(c. 14-15).
Đoạn cuối tin mừng tường thuật; Đức Giêsu cùng các môn đệ vừa được tuyển chọn đi xuống núi, nơi đây đã có rất nhiều người đứng đợi. Họ đợi để được chữa lành, tất cả dù bệnh tật thế nào đều được chữa lành vì: "Tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người".
Cảm nhận tin mừng. Lời cầu nguyện khi đã viên mãn, tức là được Thiên Chúa chấp nhận, chúng con sẽ có tất cả những điều tốt đẹp, kể cả sức mạnh chữa lành như Thầy chúng con là Đức Giêsu, Chúa chúng con.
Mừng kính hai ngài hôm nay, chúng con cũng muốn nói với chính mình rằng bởi sức riêng chúng con thật là vô ích, nhưng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần chúng con có thể làm được mọi sự.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin cho chúng con siêng năng cầu nguyện. Vì chúng con mong được theo Chúa, cùng với Chúa lên đường rao giảng và làm chứng cho tình yêu Chúa như hai thánh Simon và Giuđa xưa. Amen.

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27/10/2020.
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” (Lc 13,19).
Gia đình tôi có một thời trồng rau xanh, gồm có cải xanh, cải ngọt và củ cải nữa. Vì không có nhiều đất, gia đình tôi chỉ trồng vừa đủ, chủ yếu là để có rau ăn không phải mua, vừa đỡ tốn tiền lại vừa sạch. Chúng tôi có để vài cây lấy hạt cho năm sau, những cây này cao to, tán lá xòe rông. Và thật, tối đến đã có chim sẻ đến trú mưa dưới tán lá ấy.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn nói đến sự lớn mạnh của Nước Trời qua dụ ngôn hạt cải và nắm men.
Khi đi rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu chỉ chọn có 12 tông đồ, đa số các ông là những ngư dân, suốt ngày trên biển, hay nói cách khác, các ông là những người ít học, sự hiểu biết có hạn, nhưng các ông là những người hoàn toàn phó thác vào Gia-vê Thiên Chúa. Khi theo Đức Giêsu, các ông hoàn toàn tin tưởng nơi Người. Các ông được đánh giá là nhỏ bé và chẳng ai quan tâm đến sự nhỏ bé ấy.
Ngày nay Lời Chúa Giêsu qua Giáo hội đã được rao truyền trên khắp địa cầu, nơi nào cũng được người dân sủng ái, sống chết với niềm tin ấy.
Sự dữ như con sâu trong vườn, chúng tìm cách cắn phá hạt giống đức tin một cách tàn bạo. Tuy nhiên, càng thử thách bao nhiêu, càng phát triển bấy nhiêu. Giáo hội Công giáo VN là một minh chứng cho điều này.
Cảm nhận tin mừng. Cậy dựa và đặt niềm tin nơi Chúa, chúng con dù chẳng là gì, rất bé nhỏ, nhưng một khi đã gắn kết với Chúa, thì chắc chắc Chúa sẽ dùng vào những chuyện lớn lao cho chương trình của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin ban thêm đức tin cho chúng con, Xin cho từng lời nói, hành động nhỏ bé của chúng con, như men, như hạt cải được lớn lên cho Nước Trời. Amen.

28 tháng 10

Thánh Simon và Thánh Giu-đê (Jude)

 

 Thánh Giu-đê là một nhân vật được đề cập đến trong Phúc Âm theo Thánh Luca, cũng như trong Công Vụ Tông Ðổ Thánh Mátthêu và Thánh Máccô gọi ngài là Thadeus (Ta-đê-ô). Ngoài ra ngài không được nhắc đến ở chỗ nào khác trong các Phúc Âm, ngoại trừ, khi kể tên các tông đổ Các học giả cho rằng ngài không phải là tác giả của các thư Thánh Giu-đa. Thực ra, Giu-đê cùng tên với Giu-đa Ítcariốt (Judas Iscariot). Do đó, vì sự bất xứng của tên Giu-đa (bán Chúa), nên người ta đã gọi tắt là "Giu-đê".

 

Thánh Simon được tất cả bốn Phúc Âm nhắc đến. Trong hai Phúc Âm, ngài được gọi là "người Nhiệt Thành" (Zealot). Phái Zealot là một nhánh Do Thái Giáo đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Do Thái. Ðối với họ, lời hứa cứu tinh trong Cựu Ước có nghĩa là người Do Thái sẽ được tự do và có được một quốc gia độc lập. Chỉ có Thiên Chúa là vua của họ, nên việc nộp thuế cho người La Mã -- là người đang đô hộ -- được coi là xúc phạm đến Thiên Chúå Chắc chắn rằng một số người Zealot là miêu duệ tinh thần của người Maccabee, muốn tiếp tục lý tưởng tôn giáo và tranh đấu cho độc lập. Nhưng nhiều người trong nhóm họ cũng giống như quân khủng bố ngày nay. Họ lùng bắt để giết những người ngoại quốc và người Do Thái "cộng tác với địch." Họ là những người chủ chốt trong vụ nổi loạn chống La Mã và kết thúc bằng việc tiêu hủy thành Giêrusalem vào năm 70.

 

Lời Bàn

 

Như mọi trường hợp các thánh tông đồ, ngoại trừ Thánh Phêrô, Gioan và Giacôbê, chúng ta đang đối diện với những người thực sự vô danh, và chúng ta bàng hoàng trước sự kiện là sự thánh thiện của họ hoàn toàn nhờ vào ơn ích của Ðức Kitô. Ngài chọn một số người mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến: một đoàn viên Zealot, một chuyên viên thu thuế, một ngư dân nóng tính, hai "người con của sấm sét" và một Giuđa Iscariot.

 

Ðó là sự nhắc nhở cho chúng ta biết, không phải ai cũng được chọn. Sự thánh thiện không lệ thuộc ở công trạng, văn hóa, cá tính, sự cố gắng hay thành đạt của loài người. Nó hoàn toàn là ơn sủng của Thiên Chúa.

 

Thiên Chúa không cần đến nhóm Zealot để giúp Nước Trời ngự đến bằng bạo lực. Thánh Giu-đê, cũng như các thánh khác, là vị thánh không có khả năng: Chỉ có Thiên Chúa mới tạo được đời sống thánh thiêng trong con người. Và Chúa muốn như vậy, nơi tất cả mọi người chúng ta.

 

Lời Trích

 

"Cũng như Ðức Kitô được sai đến bởi Thiên Chúa Cha, thì Người cũng sai các tông đồ, được đầy tràn Chúa Thánh Thần, để rao giảng cho mọi tạo vật (xem Máccô 16:15), để họ loan truyền rằng Con Thiên Chúa, qua sự chết và sự sống lại, đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của Satan (xem CVTÐ 26:18), và khỏi sự chết, và đưa chúng ta vào vương quốc của Thiên Chúa Cha" (Hiến Chương về Phụng Vụ, 6).



Trích từ NguoiTinHuu.com


 

Posted By Đỗ Lộc Sơn06:05

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/10/2020

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 26/10/2020
"Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?" (Lc 13, 10-17).
Bà còng đi chợ trời mưa,
Cái tôm cái tép đi đưa bà còng.
Câu ca dao trên diễn tả nỗi khổ của người đàn bà bị còng lưng.
Tin mừng hôm nay thuật lại; Đức Giêsu vào trong hội đường để giảng dạy, thì kìa có một bà bị còng lưng đã 18 năm, bà không ngước mặt lên được. Động lòng thương, Đức Giêsu chữa lành cho bà và bà đứng thẳng lưng ngay lập tức.
Khi vào hội đường giảng dạy, chắc chắn phải là ngày Sa-bát (Ngày Chúa nhật), thế nên các người Do Thái không bằng lòng. Họ cho rằng Đức Giêsu đã phạm luật là không kiêng việc trong ngày này. Đáp lại, Ngài nói với họ: " Người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?".
Chúa Giêsu muốn mọi người hiểu rằng: Tất cả các lề luật Môi sen dạy nhằm giúp người ta sống hoàn thiện với Thiên Chúa hơn, nhưng phải kèm thêm một luật mới, đó là hãy sống yêu thương nhau hơn.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con xem ra rất đạo đức như: đọc kinh, xem lễ hằng ngày; lần hạt thì hết chuỗi này đến chuỗi khác. Nhưng lời nói và việc làm của chúng con chưa đi đôi với nhau. Chúng con chưa có tấm lòng bác ái thực sự, vẫn sống man trá, lọc lừa đủ thứ. Chúng con tạo vẻ đạo đức dởm bề ngoài khi đi lễ, chủ yếu là khoe mẽ quần là áo lượt là.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. xin cho chúng con yêu mến Luật Chúa. Xin giúp chúng con sống đúng luật Chúa là bác ái yêu thương, nhờ đó, chúng con thấy cuộc đời thật đáng yêu. Amen.

Phút cảm nhận Tin Mừng CN ngày 25/10/2020
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi… Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37.39).
"Mến Chúa yêu người'. Có lẽ không một người Công giáo nào lại không biết đến câu này.
Ngày nay, có người lại muốn tách rời hai điều răn ấy. Tức là, họ vẫn đọc kinh mỗi ngày, nhưng lại không quan tâm đến người khác, hoặc cho rằng chỉ cần sống tốt, cư xử tử tế với mọi người là đủ.
Thánh Gioan đã nói: "Nếu ai nói yêu mến Chúa mà không yêu người là kẻ nói dối ". Quả thật là như thế. Từ xưa đến nay, chưa có ai người yêu mà không cần đến Thiên Chúa (Ông Trời).
Chúa Giêsu xác định: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21).
Còn về yêu người, hãy xem người ta nói như thế này:
Nhân phẩm từ đây giảm giá rồi
Chỉ còn lương thực tăng giá thôi
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực
Chân lý chân giò một giá thôi!.
Sống vô cảm như thế thì còn chỗ đâu cho yêu người.
Cảm nhận tin mừng. Có sống trong Chúa, trong tình yêu Chúa, chúng con mới dám sống yêu thương anh em đồng loại như chính mình.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. xin cho chúng con hiểu rằng mọi sự đều là của chúa và tất cả những gì chúng con có đều do Chúa ban. Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi người anh em, để chúng con sống bác ái và cư xử tử tế với mọi người. Amen.

26 tháng 10

Chân Phước Contardo Ferrini
(1859-1902)

 

Contardo Ferrini là con của một thầy giáo mà sau này chính ngài cũng trở nên một người có kiến thức, hiểu biết nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngày nay, ngài là quan thầy của các đại học.

 

Sinh ở Milan, ngài có bằng tiến sĩ luật ở Ý và được học bổng để du học ở Bá Linh về luật Rôma-Byzantine. Là một chuyên gia nổi tiếng về luật, ngài dạy ở vài trường cao đẳng trước khi dạy ở Ðại Học Pavia, là nơi ngài được coi là một người có thẩm quyền hiểu biết về luật Rôma.

 

Contardo cũng học biết về đức tin mà ngài đã sống và quý trọng. Ngài nói, "Ðời sống chúng ta phải vươn đến Ðấng Vô Biên, và từ nguồn cội đó chúng ta mới có thể rút ra được bất cứ những gì được coi là công trạng và phẩm giá." Là một học giả, ngài nghiên cứu cổ ngữ trong Phúc Âm và Sách Thánh. Những bài giảng và văn từ của ngài cho thấy sự hiểu biết của ngài về đức tin và khoa học. Ngài tham dự Thánh Lễ hàng ngày và trở nên một người dòng Ba Phanxicô, trung thành tuân giữ quy luật. Ngài cũng phục vụ trong tổ chức Bác Ái Vincent de Paul.

 

Ngài từ trần năm 1902 lúc 43 tuổi với nhiều lá thư của các giáo sư đồng viện đã ca tụng ngài như một vị thánh; người dân Suma là nơi ngài sinh sống cũng cả quyết rằng ngài phải được tuyên xưng là một vị thánh.

 

Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã phong chân phước cho ngài năm 1947.



Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:28

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24/10/2020

Filled under:


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 24/10/2020
"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy" (Lc 13, 1-9).
Thời buổi công nghiệp, có nhiều máy móc hoạt động giúp cho việc làm trở nên nhẹ nhàng hơn. Song song với những tiện ích ấy, máy móc có thể đưa đến nhiều tai nạn bất ngờ không sao né tránh được, những tai nạn chết người đó, làm cho người ta không kịp kêu xin, sám hối...
Khi chứng kiến cảnh những người Galilê bị Philatô giết, hay như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, người Do Thái cho là do tội lỗi ngập đầu nên bị Chúa phạt chết cách bất đắc kỳ tử như vậy.
Qua sự kiện đó, Đức Giêsu đã dạy cho họ bài học sám hối. vì: nếu không lo sám hối, họ cũng sẽ chết và bị hủy diệt y như vậy. Nói như thế, Đức Giêsu không hù dọa họ, Ngài dùng cách thức đó để lay tỉnh lương tâm, để họ cải tà quy chính mà được cứu độ.
Qua dụ ngôn cây vả, Thiên Chúa muốn cho mọi người có thời gian để mà sám hối, để được tha thứ: "Xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".
Cảm nhận tin mừng. Chúng con như cây vả trong vườn, không đơm hoa kết quả nhiều năm, chúng con phải bị chặt đi, nhưng được Chúa thương xót thứ tha và chờ đợi chúng con sám hối, hoán cải.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa đã kiên nhẫn chờ đợi chúng con ăn năn sám hối, mong chúng con mau quay trở về với Chúa. Xin cho chúng con cảm thông với anh chị em chúng con như Chúa đã từng cảm thông và yêu thương chúng con. Amen.

24 tháng 10

Thánh Antôn Maria Claret
(1807-1870)

Người cha tinh thần của Cuba" là một nhà truyền giáo, người sáng lập dòng, người cải cách xã hội, tuyên uý của hoàng hậu, nhà văn và nhà xuất bản, là đức tổng giám mục và cũng là người tị nạn. Ngài là người Tây Ban Nha mà vì công việc ngài đã đặt chân đến các nơi như quần đảo Canary, Cuba, Madrid, Paris và Công Ðồng Vatican I.

 

 Thánh Antôn Claret sinh ở làng Salient, tỉnh Catalonia, nước Tây Ban Nha năm 1807. Ngài là con của một người thợ dệt. Trong khi làm thợ dệt cũng như vẽ kiểu cho một xưởng tơ sợi ở Barcelona, ngài dùng thời giờ rảnh rỗi để học tiếng Latinh và học cách in ấn: quả thật Chúa đang chuẩn bị ngài để trở nên một linh mục và nhà xuất bản tương lai. Ðược thụ phong linh mục lúc 28 tuổi, vì sức khỏe yếu kém nên ước mơ trở nên một tu sĩ dòng Tên hay dòng Thánh Brunô không thành tựu, ngài đã trở nên một linh mục triều nổi tiếng về rao giảng ở Tây Ban Nha. Ngài dành 10 năm để đi giảng tuần đại phúc, và luôn luôn nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể và sự sùng kính Trái Tim Mẹ Maria. Người ta nói, chuỗi mai khôi không bao giờ rời khỏi tay ngài. Khi 42 tuổi, cùng với năm linh mục trẻ, ngài thành lập tu hội truyền giáo, mà ngày nay được gọi là tu sĩ dòng Claret.

 

Từ năm 1850 đến 1857, ngài được bổ nhiệm về làm tổng giám mục của giáo phận bị quên lãng từ lâu là Tổng Giáo Phận Santiago ở Cuba. Ngài bắt đầu cải cách bằng việc rao giảng không ngừng và giải tội. Dĩ nhiên ngài phải chịu nhiều chống đối cay đắng -- phần lớn là vì ngài kịch liệt lên án vấn đề vợ lẽ và vì ngài dạy giáo lý cho các người nô lệ da đen. Một tù nhân mà Cha Antôn chuộc ra khỏi tù đã được thuê mướn để giết ngài, nhưng ngài thoát chết và chỉ bị thương ở mặt và tay. Cũng chính Cha Antôn giúp người này thoát án tử hình. Ngài giúp thay đổi sự nghèo nàn của dân Cuba bằng cách giúp họ trồng trọt những thực phẩm khác nhau, cần cho thị trường. Ðiều này khiến các điền chủ tức giận, vì họ chỉ muốn dân chúng trồng mía để thu hoa lợi. Trong các văn bản về tôn giáo của ngài còn có hai quyển ngài viết khi ở Cuba: Suy Tư về Canh Nông và Lợi Nhuận Quốc Gia.

 

Ngài được gọi về Tây Ban Nha với một công việc mà ngài không ưa thích gì -- làm tuyên uý cho nữ hoàng. Ngài đồng ý trở về với ba điều kiện: Ngài sẽ ở ngoài hoàng cung, ngài chỉ đến nghe nữ hoàng xưng tội và dạy giáo lý cho con cái họ, và ngài không bị dính líu gì đến sinh hoạt triều đình.

 

Cả cuộc đời Thánh Antôn, ngài chỉ mơ ước việc xuất bản sách báo Công Giáo. Ngài sáng lập Nhà In Công Giáo, một cơ sở xuất bản Công Giáo mạo hiểm kinh doanh ở Tây Ban Nha, và ngài đã viết cũng như xuất bản khoảng 200 cuốn sách lớn nhỏ.

 

Trong Công Ðồng Vatican I, ngài là người trung thành bảo vệ tín điều bất khả ngộ của đức giáo hoàng, ngài được sự thán phục của các giám mục bạn. Ðức Hồng Y Gibbons của Baltimore nhận xét về ngài, "Ðây thực sự là vị thánh." Ngài chết ở tu viện dòng Xitô lúc 63 tuổi.

 

Lời Bàn

 

Ðức Giêsu đã nói trước cho những ai muốn theo Người là họ sẽ bị bách hại như chính Chúa. Ngoài những cám dỗ trong đời, Thánh Antôn còn phải chịu đựng biết bao vu khống xấu xa đến độ tên Claret của ngài đồng nghĩa với nhục nhã và bất hạnh. Ma quỷ không dễ gì buông tha con mồi của chúng.

Chúng ta không cần phải đi tìm sự bách hại. Tất cả những gì chúng ta cần là sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin chân thật nơi Ðức Kitô, chứ không phải vì những bất cẩn và tính khí bất bình thường của chúng ta.

 

Lời Trích

 

Có lần Nữ Hoàng Isabella II nói với Thánh Antôn, "Không ai có thể nói cho tôi nghe một cách rõ ràng và thành thật như cha." Sau này hoàng hậu nói với ngài, "Mọi người đều xin tôi ban cho họ những ơn huệ này nọ, nhưng chưa bao giờ thấy cha làm như vậy. Cha có muốn xin điều gì không?" Ngài trả lời, "Thưa có, xin cho tôi từ chức." Từ đó trở đi hoàng hậu không còn đề nghị gì khác.

 

Trích từ NguoiTinHuu.com




 

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:49

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Phút cảm nhận Tin mừng ngày 23-10-2020

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin mừng ngày 23-10-2020
"Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?"( Lc 12, 54-59).
Nhìn những chiếc máy bay, những chiếc tàu biển to lớn, người ta dễ sinh ra kiêu ngạo. Họ có biết đâu rằng, những thứ này đem ra so với các loại thụ tạo khác thì nó chỉ như là con muỗi con ruồi mà thôi.
Trong tin mừng, Đức Giêsu nói tới thời đại này là thời đại của Thiên Chúa đã đến gần (Trái đất hình thành cách đây hàng triệu năm, thì với 2000 năm có là bao).
Quả vậy, dân chúng biết rõ thời tiết, biết rõ mùa màng để trồng trọt, còn việc Thiên Chúa làm, người ta lại không màng tới.
Đức Giêsu, Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài đến thế gian, Ngài không dùng sức mạnh để chinh phục thế gian như bao các vị vua chúa ngoài đời, nhưng Ngài kêu gọi hãy yêu thương nhau. Ngài đã thể hiện tình yêu thương ấy khi Ngài đứng trên cao, giang rộng đôi tay mà ôm lấy nhân loại. Nếu loài người biết nghe lời Ngài, thì thế giới này không còn bạo loạn, không còn cảnh chia ly tang tóc, Thật mong thay.
Cảm nhận tin mừng. Chúng con chẳng khác gì người Do Thái xưa khi xem Thiên Chúa đứng về phía mình mà coi thường người khác. Chỉ khi nào chúng con thực thi lời dạy của Chúa là yêu thương, chúng con mới là môn đệ đích thực của Chúa được.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. , xin hãy mở con mắt đức tin của chúng con, để chúng con nhận ra tình thương của Chúa dành cho từng người chúng con. Amen.

23 tháng 10

Thánh Gioan ở Capistrano
(1385-1456)

 

Người ta thường nói các thánh là những người lạc quan nhất thế giới. Các ngài không bị mù quáng bởi sự dữ hay hậu quả của nó, nhưng các ngài luôn đặt niềm tin vào quyền năng ơn cứu độ của Ðức Kitô. Sức mạnh hoán cải của Ðức Kitô không chỉ ảnh hưởng đến người có tội mà còn ảnh hưởng cả đến các tai họa.

 

 Thế kỷ 14 là thời kỳ hỗn loạn về đạo cũng như đời. Một phần ba dân số và gần 40 phần trăm giáo sĩ bị tiêu diệt bởi bệnh dịch hạch. Cuộc Ðại Ly Giáo Tây Phương đã phân tán Giáo Hội đến độ Tòa Thánh không chỉ có một giáo hoàng mà đến hai, ba giáo hoàng một lúc. Nước Anh và nước Pháp đang giao chiến với nhau. Thủ đô nước Ý luôn luôn có tranh chấp. Hiển nhiên sự u ám đó đã bao trùm cả thời đại và khống chế tinh thần văn hóa.

Thánh Gioan sinh ở Capistrano, nước Ý năm 1385. Ngài là con của một cựu hiệp sĩ người Ðức sống trong thành phố. Ngài học luật ở Ðại Học Perugia và hành nghề luật sư ở các tòa án Naples. Khi 26 tuổi, ngài được Hoàng Ðế Ladislas của Naples bổ nhiệm làm thủ hiến xứ Perugia. Trong cuộc chiến tranh với người Malatestas ở lân cận, ngài bị phản bội và bị cầm tù. Sau khi được thả về, ngài quyết tâm thay đổi cuộc đời và gia nhập dòng Phanxicô ở Perugia năm ngài 31 tuổi.

 

Sau khi được thụ phong linh mục vào bốn năm sau, ngài đi rao giảng khắp các nước Ý, Ðức, Bohemia, Áo, Hung Gia Lợi, Ba Lan và Nga. Vào lúc người ta thờ ơ và nghi ngờ tôn giáo thì ngài đã lôi cuốn được nhiều người trở về với Giáo Hội. Các quốc gia miền trung Âu Châu đã tiếp đón ngài cùng với các tu sĩ Phanxicô như các thiên thần của Thiên Chúa. Họ là những khí cụ để hồi phục niềm tin đang dẫy chết.

 

Chính dòng Phanxicô cũng trong tình trạng xáo trộn về việc giải thích và tuân giữ quy luật của Thánh Phanxicô. Qua các nỗ lực không ngừng của Cha Gioan Capistrano và nhờ kinh nghiệm luật pháp của ngài, tà giáo Fraticelli bị cấm hoạt động và Linh Ðạo Thánh Phanxicô tinh tuyền lại được nêu cao.

 

Khi vua Hồi Giáo là Mohammed II đe dọa tấn công Vienna và Rôma, Cha Gioan Capistrano, dù đã bảy mươi tuổi, được Ðức Giáo Hoàng Callistus II giao cho công việc rao giảng và chỉ huy thập tự quân chống với sự xâm lăng của người Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đoàn quân bảy mươi ngàn Kitô Hữu, ngài đã chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến sau cùng ở Belgrade năm 1456. Ba tháng sau ngài từ trần ở Illok, Hung Gia Lợi ngày 23-10-1456. Ngài được đặt làm quan thầy của các luật gia.

 

Lời Bàn

John Hofer, người viết tiểu sử Thánh Gioan Capistrano, nhắc lại một tổ chức ở Bỉ lâáy tên của thánh nhân, nhằm mục đích giải quyết các vấn đề của đời sống trong một tinh thần hoàn toàn Kitô Giáo. Châm ngôn của tổ chức ấy là: "Sáng Kiến, Tổ Chức, Hành Ðộng." Những lời này thực sự là đặc tính của cuộc đời Thánh Gioan. Ngài không phải là người ngồi không. Sự lạc quan Kitô Giáo đã thúc đẩy ngài chiến đấu với các vấn đề thuộc đủ mọi tầng lớp với niềm tin sâu xa nơi Ðức Kitô.

 

Lời Trích

Trên mộ của thánh nhân ở làng Villach, Hung Gia Lợi, quan đầu tỉnh đã cho khắc những hàng chữ sau: "Ngôi mộ này là nơi chôn cất Thánh Gioan, sinh ở Capistrano, một người đáng được ca tụng, người biện hộ và cổ võ đức tin, người bảo vệ Giáo Hội, người hăng say che chở nhà dòng, niềm vinh dự cho cả thế giới, người yêu quý sự thật và công bình, gương sáng cho đời sống, vững chắc trong giáo lý; được bao người đời ca tụng, ngài đang sung sướng ngự trên thiên đàng." Văn mộ chí ấy thật xứng đáng cho một người lạc quan chân chính và thành công.

 


Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:49

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 22-10-2020

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 22-10-2020
"Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên." (Lc 12, 49-53).
Giữa mùa đông tuyết giá, mà ai đó gặp được đốm lửa sưởi ấm sẽ cảm thấy hạnh phúc là dường nào. Lạc vào sa mạc tối tăm mà gặp được túp lều đầy ánh sáng, đó chẳng phải là gặp được sự sống sao?.
Đức Giesu đến trong thế gian, giữa bao đen tối của sự dữ, nào là ác độc, phân rẽ, nào là giả dối, khôn ngoan gian tà...
Chúa đến đem lửa yêu thương xuống, đốt cháy đi những gì gọi là tối tăm. Lửa ấy cần phải bùng cháy, cháy lên lòng yêu mến Thiên Chúa, cháy lên lòng yêu mến anh chị em mình.
Lửa ấy cháy lên sẽ làm cho phân rẽ giữa sự sáng và bóng tối, giũa sự thật và gian dối. Sự mâu thuẫn này rõ hơn ngay từ trong gia đình. Cha chống lại con, con chống lại cha; nàng dâu, mẹ chồng chống đối nhau; anh chị em phản bội lẫn nhau.
Thực tế đã có những người chọn Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài, bị người nhà sua đuổi, nhưng bóng tối bao giờ cũng nhường bước cho ánh sáng tiến lên.
Cảm nhận tin mừng. Hòa bình đích thực chỉ có sau khi đã quyết liệt chiến đấu. Chúng con có được Chúa, là chúng con phải chiến đấu với chính bản thân mình, với người thân của mính nữa.
Lạy Chúa Giesu Thánh Thể. xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa. Xin thêm sức mạnh cho chúng con để chúng con can đảm, chọn lựa tình yêu Chúa, tình yêu đồng loại. Amen.


22 tháng 10

Thánh Phêrô ở Alcantara
(1499-1562)

 

Thánh Phêrô là một trong những vị thánh Tây Ban Nha nổi tiếng của thế kỷ 16, gồm có Thánh Ignatius ở Loyola và Thánh Gioan Thánh Giá. Thánh Phêrô là cha giải tội của Thánh Têrêsa Avila. Sự cải cách Giáo Hội thời đó là vấn đề chính yếu trong thời đại của ngài, và ngài dồn mọi nỗ lực cho công cuộc ấy. Ngài từ trần một năm trước khi Công Ðồng Triđentinô bế mạc.

 

Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc (cha ngài là thủ hiến Alcantara, Tây Ban Nha), Thánh Phêrô học luật ở Ðại Học Salamanca và khi lên 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Khó Nghèo. Trong thời gian tu tập, ngài chứng tỏ nhiều khả năng trổi vượt. Ngài được chọn là giám đốc một tu viện mới ngay cả trước khi chịu chức linh mục; và khi 39 tuổi, ngài được chọn làm bề trên tỉnh dòng; ngoài ra ngài là vị rao giảng nổi tiếng. Tuy nhiên, công việc hàng ngày của ngài vẫn là rửa chén, đốn củi cho nhà dòng. Ngài không muốn được người ta chú ý, thật vậy, ngài thích sự cô độc.

 

Về phương diện ăn chay đền tội, ngài trổi vượt về việc ăn uống kham khổ và mặc quần áo rất đơn sơ. Người ta nói ngài chỉ ngủ có 90 phút mỗi đêm. Trong khi những người khác chỉ nói về sự cải tổ, thì Thánh Phêrô đã bắt đầu cải tổ từ chính ngài. Ngài có được đức tính kiên nhẫn lớn lao đến độ sau này người ta có câu châm ngôn rằng: "Ðể chịu nổi sự xúc phạm ấy, phải có sự kiên nhẫn của Phêrô Alcantara."

 

Vào năm 1554, Thánh Phêrô, sau khi được phép, đã thành lập một nhóm tu sĩ Phanxicô sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Những vị này thường được gọi là tu sĩ Alcantarines. Một số tu sĩ Tây Ban Nha đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ trong các thế kỷ 16, 17 và 18 là thành viên của tu hội nói trên. Vào cuối thế kỷ 19, các tu sĩ Alcantarines sát nhập với các tu sĩ Phanxicô Khó Nghèo để trở thành Dòng Tiểu Ðệ.

 

Là vị linh hướng cho Thánh Têrêsa Avila, Thánh Phêrô khuyến khích thánh nữ phát động sự cải cách trong dòng Camêlô. Lời rao giảng của Thánh Phêrô đã đưa nhiều người trở về với đời sống đạo đức, nhất là dòng Ba Phanxicô, và dòng Thánh Clara Hèn Mọn.

 

Ngài được phong thánh năm 1669.

 

Lời Bàn

 

Sự khó nghèo là một phương tiện chứ không phải cùng đích của Thánh Phêrô Alcantara. Mục đích là theo Chúa Kitô với một tâm hồn thật thanh khiết. Bất cứ gì cản trở con đường đó đều bị loại trừ mà không thực sự mất mát.

 

Triết lý thụ hưởng của thời đại chúng ta -- giá trị của một người tùy thuộc những gì họ có -- sẽ thấy rằng phương cách của Thánh Phêrô Alcantara thật khó khăn. Tuy nhiên, phương cách của ngài đã đem lại sự sống trong khi sự hưởng thụ chỉ đem lại sự hủy diệt.

 

Lời Trích

 

"Tôi không ca ngợi việc sống khó nghèo chỉ vì sự khó nghèo; tôi chỉ ca ngợi sự khó nghèo mà chúng ta kiên trì chịu đựng vì lòng yêu mến Ðấng Cứu Thế, và tôi coi đó là điều đáng khát khao hơn là sự khó nghèo mà chúng ta thi hành một cách máy móc; vì nếu tôi suy nghĩ hoặc tin tưởng ngược lại, thì dường như tôi không có căn bản đức tin" (Thư của Thánh Phêrô Alcantara gửi cho Thánh Têrêsa Avila).

 


Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn05:29

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 21/10/2020.

Filled under:

 


Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 21/10/2020.
"Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn". (Lc 12, 39-48).
Một lần bất tín, vạn lần bất tin, đừng tin những kẻ đã dối và đừng dối những người đã tin.
Đức Giê-su dùng dụ ngôn về người quản lý trung tín để dạy các môn đệ về bài học tỉnh thức bằng cách kiên trì và trung thành với trách nhiệm của mình.
Thiên Chúa giao cho mỗi người một nhiệm vụ, mỗi người một tài năng, vì thế mọi sự ta có: sự sống, tài năng, sức lực, quyền hành, chức vụ, tài sản… đều là của Chúa ban, để làm vinh danh Chúa, và phục vụ mọi người.
Khi được trao ban, ấy là lúc Chúa tin tưởng và trao phó trách nhiệm , để trong mọi hoàn cảnh, môi trường, chức nghiệp, mọi người phải làm vinh danh Chúa và lợi ích cho phần rỗi của mình cũng như anh chị em. Làm được điều đó, Chúa ví như một quản gia trung thành và khôn ngoan.
Cảm nhận tin mừng. Chúa giao cho chúng con; người thì đàn hay, người thì vẽ giỏi, người thì văn hay người thì võ giỏi... tất cả các điều ấy chúng con phải chu toàn cho tốt để làm vinh danh Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho muôn người.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin cho chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng, biết chu toàn bổn phận cách trung thành. Xin cho chúng con hiểu rằng; cuộc đời này sẽ mau qua nay mai, để biết sám hối và sửa đổi đời sống ngay ngày hôm nay. Amen.


21 tháng 10

Chân Phước Josephine Leroux
(c. 1794)

 

Josephine là một nữ tu dòng Thánh Clara Khó Nghèo ở Valenciennes, nước Pháp, vào thời Cách Mạng Pháp bắt đầu. Ngài buộc phải trở về gia đình khi nhà dòng được lệnh giải tán. Trong thời gian đàn áp các cộng đồng tôn giáo, quân đội Áo chiếm được thành phố này. Vì tu viện bị phá hủy, nên ngài phải gia nhập cộng đoàn của các nữ tu Ursulines. Khi lực lượng cách mạng tái chiếm thành phố này, Josephine bị bắt về tội phản quốc.

 

Khi đối chất với những người lính đến bắt, ngài thật điềm tĩnh nói: "Ðể bắt một phụ nữ yếu đuối như tôi thì đâu cần phải mất nhiều công sức như vậy." Và ngài thản nhiên lấy nước, bánh trái mời họ ăn, sau đó theo họ đến nhà tù.

 

Quân cách mạng kết án tử hình ngài vì cho rằng ngài đã phạm luật khi vẫn tiếp tục đời sống tu trì dù có lệnh cấm. Sau khi được rước Mình Thánh, ngài đi theo tên lý hình trong khi miệng hát bài thánh ca. Ngài cất tiếng tha lỗi mọi người và hôn tay tên lý hình. Ngài được tử đạo ngày 23-10-1794.

 


Trích từ NguoiTinHuu.com


Posted By Đỗ Lộc Sơn04:32